Việc lớn không thể làm theo cách dễ dãi

Thứ Sáu, 03/03/2017, 08:00
Khởi nghiệp hoàn toàn khác với lập nghiệp. Việc một cá nhân đầu tư để lập nghiệp trên một ý tưởng cũ, không sáng tạo, chỉ có cách làm có thể tân tiến hơn một chút khó có thể chấp nhận là một hành động khởi nghiệp. Khởi nghiệp khác lập nghiệp ở chỗ nó phải thể hiện tính sáng tạo, và bởi vậy, có nhiều người khắt khe còn tự bó buộc quan điểm của mình trong vòng tròn cổ điển là khởi nghiệp thì thường gắn với công nghệ nhiều hơn.


Năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra một nhiệm vụ rất quan trọng là phải đưa năm 2016 trở thành năm của khởi nghiệp. Nhiệm vụ ấy không có nghĩa khởi nghiệp sẽ chỉ là hiện tượng của một năm nhất thời, mà nó được tạo điều kiện ở năm 2016 để từ đó phát triển mạnh mẽ trong một giai đoạn trước mắt, ngõ hầu trở thành động lực phát triển kinh tế. Và do đó, ở năm 2017 này, khởi nghiệp chắc chắn sẽ vẫn là một đề tài thú vị, được quan tâm nhiều và cũng sẽ là một “đấu trường” mới cho những bộ óc sáng tạo và bén nhạy thị trường.

Cuối năm 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có đưa ra một con số thống kê trong báo cáo hội nghị trực tuyến của Chính phủ với lãnh đạo 63 tỉnh, thành. Đó là trong số các doanh nghiệp mới thành lập hiện nay, mới chỉ có 0.5% doanh nghiệp khởi nghiệp mà thôi. Đó là một con số vô cùng khiêm tốn nếu so sánh với các quốc gia khác, mà điển hình là Israel với 15-20%.

Và ngay sau báo cáo ấy cũng là một vấn đề mà TP Hồ Chí Minh đặt ra ở những ngày đầu năm 2017: “Làm sao để có được thêm 200 ngàn doanh nghiệp nữa để có thể đạt được con số 500 ngàn doanh nghiệp còn hoạt động trên địa bàn thành phố tính tới năm 2020?”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ Thanh niên khởi nghiệp ngày 16-10- 2016 tại Hà Nội.

Xen giữa các sự kiện nói trên là một câu hỏi lớn mà chúng ta cần đặt ra lúc này, một câu hỏi thiết thực: “Chúng ta hiểu đúng về khởi nghiệp chưa và liệu việc lớn (tăng số doanh nghiệp khởi nghiệp) chỉ cần có thể được thực hiện bằng cách dễ dãi theo kiểu cứ tính theo số doanh nghiệp mới thành lập được tăng thêm là đủ?”.

Vài ngày trước đây, có một bài báo khá “buồn cười” khi gọi việc một chủ đầu tư nổi tiếng quyết định đầu tư vào chuỗi nhà hàng Phở với dự kiến lên tới 400 cửa hiệu khắp cả nước là “khởi nghiệp”. Thực sự, cách đặt vấn đề ấy cho thấy chúng ta chưa nắm được tinh thần khởi nghiệp đúng nghĩa, chưa trả lời được câu hỏi mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra về tỷ lệ 0.5%, một tỷ lệ mà ông cho rằng đang thể hiện tính sáng tạo chưa cao của thị trường Việt Nam hôm nay.

Thực sự, khởi nghiệp hoàn toàn khác với lập nghiệp. Việc một cá nhân đầu tư để lập nghiệp trên một ý tưởng cũ, không sáng tạo, chỉ có cách làm có thể tân tiến hơn một chút khó có thể chấp nhận là một hành động khởi nghiệp. Khởi nghiệp khác lập nghiệp ở chỗ nó phải thể hiện tính sáng tạo, và bởi vậy, có nhiều người khắt khe còn tự bó buộc quan điểm của mình trong vòng tròn cổ điển là khởi nghiệp thì thường gắn với công nghệ nhiều hơn.

Kỳ thực, khởi nghiệp rất cần cái mới của công nghệ nhưng nó chủ yếu vẫn phải dựa trên cơ sở của ý tưởng mới, chấp nhận sự rủi ro, tính đột phá, cần sự đầu tư trí tuệ nhiều hơn là đầu tư tài chính. Bởi vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói rất đúng về khởi nghiệp trong lần thăm và làm việc ở Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh hồi cuối năm ngoái. Ông cho rằng “Đại học phải là vườn ươm mầm khởi nghiệp”.

Môi trường Đại học rõ ràng là nơi đào tạo ra những con người chuẩn bị bước vào lập nghiệp và nếu môi trường đó thúc đẩy được sáng tạo trở thành một khát vọng muốn hiện thực hoá ý tưởng dựa trên các nền tảng kiến thức để áp dụng vào lập nghiệp, nó sẽ khiến tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp đạt được con số mơ ước mà Chính phủ đặt ra là 5%, tức là gấp 10 lần những gì chúng ta có được ở năm 2016 vừa rồi. Đây là một mục tiêu rất khó, nhưng không phải bất khả.

Dễ hiểu, Việt Nam chưa phải nước giàu và chúng ta thiếu vốn đầu tư nhưng Việt Nam lại duy trì được tính cập nhật với những phát triển công nghệ mới của thế giới, đặc biệt là công nghệ thông tin, và do đó, những người trẻ có đủ trí tuệ, một yêu cầu hàng đầu của khởi nghiệp. Vì vậy, câu hỏi nên được đặt ra cho những người muốn khởi nghiệp sẽ không phải là “chúng ta cần đầu tư bao nhiêu?” mà phải là “chúng ta sẽ làm gì để tạo khác biệt mới lạ khi xuất hiện trên thị trường?”.

Khởi nghiệp cần rất nhiều hỗ trợ và Chính phủ luôn sẵn sàng mở rộng hành lang cho khởi nghiệp. Song, không nên để khởi nghiệp như một trào lưu theo kiểu kế hoạch hoá kinh tế của thời bao cấp, với tiêu chí thành tích số đếm để đẹp diện mạo các bản báo cáo.

Và trong nhiệm vụ để việc lớn ấy không thể bị thực hiện theo cách dễ dãi, truyền thông cũng nắm vai trò vô cùng quan trọng khi định hướng một cách nghiêm khắc và có học thuật rằng khởi nghiệp thực sự là gì, đặc biệt là khi truyền thông hôm nay lại gắn liền thiết thực với công nghệ, một lãnh địa rất trù phú của khởi nghiệp.

Hà Quang Minh
.
.