Việc hát: thật và giả

Thứ Năm, 14/11/2019, 08:31
Tuần vừa rồi, câu chuyện nữ ca sỹ Bích Phương bị phát hiện hát đè lên bản thu âm sẵn sau khi một khán giả hâm mộ cố ý giật micro của cô trong một buổi trình diễn đã tạo ra ồn ào tranh cãi giữa những người làm nghề...


Nhiều quan điểm cho rằng, trong thế giới giải trí, đó là điều quá bình thường. Những người làm nghệ thuật bảo thủ thì lại công kích kịch liệt và cho rằng đó là lừa dối khán giả.

Đúng lúc những ồn ào đó lên đến đỉnh điểm thì vào ngày cuối tuần (9-11), tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra hai sự kiện âm nhạc thực sự thu hút và có thể nói là “đỉnh”. Đầu tiên là buổi liveshow có tên “Chẳng phải tình cờ” của Uyên Linh và Lân Nhã. Diễn ra vào lúc 16h30 và kết thúc vào lúc 19h, buổi trình diễn ấy đã để lại rất nhiều khen ngợi và việc khán giả lấp kín khán phòng đã khẳng định mức độ thành công của nó. Kế đến là liveshow đầu tay của rapper Đen Vâu, bắt đầu vào 20h ở Nhà thi đấu Quân khu 7.

“Show của Đen” đã bán sạch vé chỉ sau 8 phút mở bán. Và việc 5.000 khán giả chen nhau trong khán phòng liên tục hát theo những ca khúc quen thuộc của Đen cũng như các khách mời như Vũ, Ngọt… đã cho thấy “Show của Đen” quá thành công khi tạo nên một không khí âm nhạc trẻ trung, hào hứng và đáng nhớ thực sự.

Giữa câu chuyện của nữ ca sỹ Bích Phương và hai liveshow kia có gì liên quan? Thực tế là không có gì liên quan đến nhau cả, nhưng giữa những tranh cãi về chuyện hát đè mới đây và chuyện hát nhép nói chung từ xưa tới nay, nó lại có một liên quan đáng nhắc tới, để chúng ta hiểu rõ hơn về công nghệ biểu diễn hiện đại trước khi buông ra những chỉ trích vội vàng.

Hát nhép có được phép hay không? Xin thưa, vẫn được phép. Các ca sỹ thực tế được khuyến khích hát nhép là bởi truyền hình. Nhiều chương trình truyền hình trực tiếp đã yêu cầu ca sỹ hát nhép vì lý do… an toàn. Thậm chí, không muốn vẫn bị yêu cầu hát nhép. Chính điều đó đã tạo thành thói quen xấu sau một thời gian dài những chương trình truyền hình làm mưa làm gió trên thị trường âm nhạc.

Còn hát chồng thì sao? Thực tế, ở làng giải trí, việc này là bình thường, nó phổ biến trên toàn thế giới. Ca sỹ khi hát với nhạc thu sẵn (playback) ở những không gian lớn, đông khán giả sẽ có xu hướng chọn bản thu sẵn có giọng ca (vocal track). Tuy nhiên, phần thu giọng ca này sẽ được giảm bớt cường độ để không bị lộ quá. Việc sử dụng phần thu âm có giọng ca được giảm nhẹ cường độ là để phục vụ mục đích khi ca sỹ hát đè lên sẽ tạo hiệu ứng “dày” hơn cho giọng ca.

Việc phổ biến này cũng là chỉ để buổi diễn hiệu quả hơn. Bích Phương chính xác đã làm như thế. Cách làm này không phải là thiếu mà chính là tôn trọng khán giả, mong mang lại cho họ một phần trình diễn xứng đáng hơn, nghe hấp dẫn hơn.

Vậy thì tại sao lại có những chỉ trích của giới chuyên môn? Thực chất, với những người hoạt động nghệ thuật bảo thủ, nhất là những người hát thính phòng, việc hát chồng này là kỳ dị. Họ hát với phần nhạc đệm được chơi trực tiếp bởi dàn nhạc nên do đó chuyện hát chồng kia là không thể thực hiện (dù về kỹ thuật vẫn có cách để làm). Thói quen thực hành nghệ thuật của họ không có chỗ cho hành vi hát chồng ấy nên họ chống đối nó kịch liệt. Họ cũng có cái lý rất vững chắc của mình.

Quay lại với “Chẳng phải tình cờ” và “Show của Đen”. Dù có đậm tính giải trí như “Show của Đen” đi nữa, việc hát chồng cũng đã không tồn tại. Cơ bản, cả hai show đều dùng ban nhạc và nhóm bè chơi trực tiếp. Với âm nhạc của Đen vâu, band nhạc chỉ đánh chồng lên các hiệu ứng điện tử thu sẵn mà các nhạc cụ truyền thống không thể làm được mà thôi. Đen đã hát live xuyên suốt cả chương trình. Vậy thì tại sao Bích Phương lại không làm như Đen, hay Uyên Linh và Lân Nhã dù giọng ca của Bích Phương rất đẹp?

Cơ bản, show diễn mà Bích Phương tham gia không có band nhạc và nhóm bè. Đấy chính là mấu chốt của vấn đề. Khi không có ban nhạc và nhóm bè, buổi diễn mất đi rất nhiều hiệu ứng và do đó, ca sỹ bắt buộc phải dùng các “thủ thuật” khác. Hát chồng là một ví dụ điển hình.

Nhiều người không học nhạc vẫn thành danh như ca sỹ nổi tiếng, vì họ có giọng hát thiên phú. Nhưng nên nhớ, thị trường âm nhạc rất cần những người có học nhạc tử tế. Và những nhạc công là những nhân tố ấy. Vậy thì thị trường âm nhạc, cụ thể là những nhà tổ chức, không được phép bỏ quên ban nhạc chỉ vì vài lý do rất vớ vẩn như “đội kinh phí” hay “quy mô ấy không cần thiết”…

Một buổi diễn không có ban nhạc, dàn bè thì dù ca sỹ có hát thật đi nữa thì thứ âm nhạc vang lên đó cũng chưa đủ là âm nhạc “thật”.

Văn Đoàn
.
.