Về mấy câu thơ trên bia mộ cụ Tú Xương

Thứ Hai, 31/01/2011, 08:59
Những lần về Nam Định, tôi thường ghé qua mộ cụ Tú Xương thắp cho cụ nén nhang. Ngôi mộ cụ Tú nằm khiêm nhường giữa vườn cây bên cạnh hồ Vị Xuyên. Ngày trước còn mộ cỏ, xung quanh đóng mấy cái cọc quây sợi xích sắt, sau này mới xây kiên cố, có dựng bia hẳn hoi. Cả hai mặt bia đều có khắc thơ: Mặt trước là hai câu của cụ Tú, mặt sau là hai câu được cho là của cụ Nguyễn Khuyến khóc cụ Tú.

Về hai câu thơ này, tôi thấy cần phải xem lại.

Hai câu mặt trước:

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò

Hai câu này trong bài "Sông lấp" của cụ Tú Xương. Theo tôi, ở câu thứ hai, phải thay chữ "lại" bằng chữ "còn" mới đúng. Trong sách "Tú Xương - tác phẩm, giai thoại" của Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh xuất bản năm 1986 cũng in là "còn". "Giật mình lại tưởng" chỉ là giật mình nghe lộn, xong thôi. "Giật mình còn tưởng" mới thảng thốt hoài niệm, và hoài niệm da diết mãi về dòng sông đã lấp.

Hai câu mặt sau:

Kìa ai chín suối xương không nát
Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn.

Cũng trong sách "Tú Xương - tác phẩm, giai thoại" nói trên, giáo sư Nguyễn Đình Chú (trong lời giới thiệu sách) cho biết: "gần đây đã có người cải chính rằng đó là hai câu đối ở hai cột lăng của Đoàn Triển tại làng Hữu Thanh Oai, Hà Sơn Bình, nhưng từ lâu nhiều người vẫn tin là của Nguyễn Khuyến viếng Tú Xương" (sách chú thích: Đoàn Triển (1854-1919) hiệu Mai Viên, quê làng Hữu Thanh Oai, Hà Sơn Bình, đậu cử nhân, làm quan đến hàm Hiệp biện đại học sĩ, có trước tác). Như vậy, vẫn có sự tồn nghi về tác giả của hai câu thơ này, và việc giải quyết nó thuộc về các nhà nghiên cứu văn học. Riêng tôi, chỉ băn khoăn về chữ "ngàn" trong câu thứ hai.

Giữa "nghìn" và "ngàn" (đồng nghĩa) thì người miền Nam hay nói "ngàn". Dân vùng Nam Định - Hà Nam (có thể cả khu vực đồng bằng Bắc bộ) ít khi nói "ngàn" mà quen nói "nghìn". Nghìn năm, nghìn thu, trăm nghìn vạn mớ… Cụ Nguyễn Khuyến người Hà Nam, chữ nghĩa cụ dùng luôn tự nhiên, hồn nhiên như lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân quê cụ. Nếu đúng hai câu trên là của cụ, chắc cụ chả dại gì viết "ngàn". Vậy theo tôi, nên thay "ngàn" bằng "nghìn".

Nhân đây, cũng xin nói thêm 2 việc:

Việc thứ nhất là về ngôi nhà của cụ Tú ngày trước. Ngôi nhà này nằm ở phố Hàng Nâu (tên mới là Minh Khai). Từ những năm 50 của thế kỷ trước, con cháu cụ Tú đã bán cho người khác. Hiện tại, nhà chính ở mặt tiền đã bị phá đi xây lại. Chỉ còn cái gác văn của cụ ở phía sau - nơi cụ cho ra đời những vần thơ bất hủ. Cái gác ấy đang âm thầm từng ngày từng giờ xuống cấp. Mặc dù người chủ hiện tại là một nhà giáo rất biết quý trọng nâng niu giá trị tinh thần, ra sức chèo chống giữ gìn, nhưng… lực bất tòng tâm - căn gác có thể "biến mất" bất cứ lúc nào.

Việc thứ hai là về tên giải thưởng văn học nghệ thuật (5 năm xét tặng một lần) của tỉnh Nam Định. Nghe nói người ta đã bỏ phiếu kín để chọn ra tên giải thưởng. Tên cụ Tú - Trần Tế Xương - được "đề cử" cùng với một số tên tuổi khác, trong đó có cả cụ Trần Nhân Tông. Danh sách các cụ được in ra phiếu. Và các thành viên của hội đồng đặt tên cũng dùng bút gạch tên các cụ không được "tín nhiệm"! Cuối cùng cụ Tú - "chuyên gia" hỏng thi - một lần nữa lại… không đậu! Tên cụ Lương Thế Vinh (Trạng Lường) đã được chọn. Ai cũng biết cụ Lương Thế Vinh có tài văn chương, nhưng thành tựu nổi bật của cụ lại ở lĩnh vực toán học và khảo cứu. Vậy tên cụ được dùng làm tên giải thưởng văn học nghệ thuật, liệu có thỏa đáng hay không?

Ứng xử với tiền nhân sao cho đầy đặn, có trước có sau - nói ra mấy suy nghĩ như trên không nhằm mục đích nào khác. Rất mong được các vị có kiến thức và có tấm lòng chỉ bảo

Trần Đức Tiến - VNCA Xuân 2011
.
.