Vẻ đẹp về sự sinh tồn khốc liệt nơi cung cấm

Thứ Sáu, 12/07/2019, 09:03
Nhân đọc "Từ Dụ thái hậu" Tiểu thuyết của nhà văn Trần Thùy Mai. NXB Phụ nữ, 2019.


NXB Phụ nữ lâu nay có duyên với những tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Vũ Ngọc Tiến, Trường An… Mới đây, "Từ Dụ thái hậu" của Trần Thùy Mai cũng chọn chốn này làm nơi sinh hạ.

Theo nhà nghiên cứu Ngô Thảo, cách đây 10 năm, công ty BHD đặt nữ nhà văn một kịch bản khoảng 30 tập về ẩm thực Huế có yếu tố tình yêu, một thứ "Dae Jang Geum Việt Nam". Phim sau đó không làm được và dù đã trả tiền, ông Thảo vẫn tiếc, bèn xui nhà văn chuyển thành tiểu thuyết. Việc "chuyển" này có nhiều chuyện bếp núc khó hình dung, nhưng phần nào ta có thể coi nó như dựng một cái nhà để ở, xây móng xong lại muốn làm khách sạn.

"Từ Dụ thái hậu" khá đồ sộ, hai tập "thượng", "hạ" gồm 69 chương nhưng đọc không mệt. Nhà Nguyễn đang là đề tài tranh luận của giới sử và ra cả xã hội, chỉ là "cõng rắn cắn gà nhà" hay có mặt tích cực, tích cực đến đâu…?

Hai cuốn "Thượng" và "Hạ"của bộ tiểu thuyết lịch sử "Từ Dụ thái hậu".

Tiểu thuyết không chạm nhiều đến những vấn đề lớn đang được quan tâm: quan hệ Gia Long - người Pháp, Minh Mạng độc tôn Nho giáo, cấm đạo Thiên Chúa; Pháp xâm lược thời Tự Đức… Vương triều phong kiến Việt Nam cuối cùng hiện ra ở mặt sau, nơi các bà vợ, mẹ, con trai con gái vua cùng phe cánh giành nhau quyền lực khốc liệt, ảnh hưởng không ít đến cục diện đất nước.

Một lựa chọn đầy nữ tính, tác giả "thích" bay lượn trên mùi vị bếp núc, phấn son, ngắm hoa thơm trong vườn, lắng nghe cảm xúc, quan sát hành động của những người "không được dự việc triều chính". Nhưng đây cũng là chỗ sử quan ít nhắc đến, để được thỏa sức tưởng tượng, xếp đặt, ít bị gò bó về sự "chân xác".

Nhà văn cũng có thể "động viên" nguồn nghi án, thơ vè dân gian mà chạm vào những sự chả ai tường minh được: con trai Hoàng tử Cảnh thông dâm với mẹ đẻ; Tự Đức liệu có phải con bà Từ Dụ và đại thần Trương Đăng Quế; một cách xử lý cao tay!

Phạm Thị Hằng, cô gái Nam Bộ được tuyển vào cung, trở thành con dâu Minh Mạng, vợ Thiệu Trị, mẹ Tự Đức, được tôn Từ Dụ thái hậu. "Kinh qua" ngần ấy "vị trí công tác", bà tồn tại, thăng trầm, khẳng định được mình trong cuộc sinh tồn khốc liệt nơi cung cấm, hẳn phải có những phẩm chất đẹp đẽ: nhân hậu, vị tha, ít tham vọng nhưng khi cần thiết biết quyết liệt. Bà cũng may mắn trong vận khí, được nhiều quyền thần ủng hộ.

Trải qua cuộc đời Hằng, người đọc được học (lại) sử, ngỡ ngàng với những tình tiết Gia Long có một phi là vợ Quang Toản; Minh Mạng lấy con gái Ngô Văn Sở… Hằng có phẩm chất tốt đẹp nhưng tính cách khá "phẳng", nếu không bị đẩy vào xung đột rất khó hấp dẫn khi kể. Với vài nguyên mẫu khác, có lẽ Trần Thùy Mai được bộc lộ tài năng dựng nhân vật dễ dàng hơn. Đó là Minh Mạng bạo ngược và giỏi trị quốc, là Thuận Thiên Cao Hoàng hậu Trần Thị Đang tàn độc, say mê quyền lực rồi bị quyền lực đè lại.

Tiểu thuyết cung đấu (tranh đấu trong cung cấm) có những cái khó cho người đọc mà người viết phải "làm nhẹ" đi: nhân vật vừa nhiều vừa xa cách, lối nói năng, hành động lạ lẫm. Trần Thùy Mai đủ "phép" để làm điều này. Vốn kiến văn rộng lớn về triều Nguyễn của một con dân Huế cho phép dòng văn chị tuôn chảy tự nhiên, tự tin.

Ngôn ngữ mô tả, kể, đối thoại nhân vật ít dùng từ Hán Việt nên gần gũi, gợi cảm mà không bị hiện đại quá. Cấu trúc nhiều chương, mỗi chương chỉ mươi trang tập trung vào một vài tình huống cũng dễ đọc, lúc nào mệt độc giả có thể gấp sách đi đâu đó rồi trở lại. Những chữ đẹp, sang trọng mà không đánh đố; những xung đột dằng dịt; hành động, diễn biến tâm lý liên tục rất lôi cuốn nhưng không tạo cảm giác bị dàn dựng, đẩy tới giả tạo. Đây chính là sự cân nhắc về liều lượng, có cảm giác chỗ nào cũng được chị tính rất kỹ.

Với "Từ Dụ thái hậu", không sợ nói quá rằng Trần Thùy Mai đã tạo được vị trí riêng trong các nhà văn viết về lịch sử. Có điều tiếc là xuất phát từ kịch bản phim, ngôn ngữ tiểu thuyết đã bị ảnh hưởng. Không khác được mà vẫn tiếc.

Trần Chiến
.
.