Vấn nạn tin giả

Thứ Năm, 21/02/2019, 09:32
Tin giả có lẽ không còn là điều gì quá xa lạ nữa đối với nhiều người dùng mạng xã hội hiện nay. Nhưng điều cũng không quá xa lạ khác, và lại đáng lo ngại hết mức, chính là việc người dùng ngày càng dễ dàng tin vào tin giả... 


Và ở vào thời đại công nghệ phát triển chóng mặt như hôm nay, đối phó với tin giả ngày càng khó khăn hơn bởi sự tinh vi của công nghệ, mà đặc biệt là trí tuệ nhân tạo.

Mới đây, OpenAI, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận được hậu thuẫn bởi tỷ phú Elon Musk cho biết, họ đã phát triển được một phần mềm kiến tạo văn bản bởi trí tuệ nhân tạo mà độ nguy hiểm của nó buộc họ phải ngưng dự án và không cho lưu hành phần mềm này.

Đầu tiên, họ chỉ định tạo nên một phần mềm đoán biết từ kế tiếp dựa trên văn phong của người viết nhưng trí tuệ nhân tạo đã làm được điều vượt quá kỳ vọng của họ. Đó là thay vì chỉ đoán biết một từ kế tiếp, nó có thể hoàn thành cả đoạn văn theo đúng văn phong của người viết.

Cụ thể, khi nhập một câu từ bài báo của tờ The Guardian có nội dung là "Brexit đã bắt nền kinh tế Anh trả giá lên tới 80 tỷ bảng Anh kể từ sau cuộc trưng cầu rời EU", phần mềm kể trên đã cho hoàn thành luôn một bản tin dài gần 300 chữ với lối hành văn sắc bén, trau chuốt, có tu từ đàng hoàng đủ khiến ai cũng nghĩ rằng đó là một bản tin được viết bởi một ký giả thực sự. Chỉ có điều đáng ngại duy nhất: Nội dung bản tin ấy chẳng có chút nào là sự thật cả.

Ví dụ kiểu này đã khiến OpanAI và cả Elan Musk lo ngại. Họ đánh giá rằng phần mềm này có thể đưa ra những câu chuyện dối trá khó ngờ. Chính vì lẽ đó, sợ rằng phần mềm sẽ được sử dụng trái mục đích, OpenAI đã quyết định không đưa nó ra giới thiệu sử dụng như một sản phẩm.

Song song với câu chuyện kể trên của OpenAI, ở cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 16-2 vừa rồi tại Nigeria, tin giả đã lộng hành đến mức đáng lo ngại. Chính phủ của quốc gia châu Phi đông dân này đã phải ra rả công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng cùng đường dây nóng để đối phó với tin giả bởi các tin tức giả được chia sẻ chóng mặt đã gây ra những thương vong thực sự ở miền Trung nước này.

Và chúng ta hãy hình dung, giả sử góp phần vào việc tạo ra các nguồn tin giả kiểu truyền thống còn có cả phần của trí tuệ nhân tạo như phần mềm của OpenAI kể trên thì hậu quả sẽ còn đáng ngại đến nhường nào.

Song, việc OpenAI không tung phần mềm đáng ngại kia ra thị trường chưa hẳn đã có nghĩa là không thể có những phần mềm khác tương tự được tung ra trong tương lai. Nên nhớ, cách đây 3 năm, Sony đã nghiên cứu thành công phần mềm sáng tác nhạc bằng trí tuệ nhân tạo có tên "Flow Machines" và kể từ đó đến nay, số lượng sản phẩm âm nhạc được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo cũng nhiều hơn.

Điều đó cho thấy trí tuệ nhân tạo có thể tinh vi đến mức nào và có rất nhiều công ty, tổ chức có khả năng nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo trên thế giới. Và chắc chắn, một khi các sản phẩm ấy được mang ra sử dụng, chúng sẽ phục vụ rất đắc lực lợi ích của một nhóm người cụ thể và tạo ra tác động tiêu cực đến kinh hoàng với xã hội.

Đối phó với tin giả sẽ ngày một khó khăn hơn và có lẽ, chỉ còn cách người dùng tìm hiểu kỹ, quan tâm ưu tiên hàng đầu tới các nguồn tin chính thống và truyền thống, thì may ra mới có thể thoát khỏi thiên la địa võng của tin giả trên mạng xã hội, mà cụ thể là twitter, facebook… những nền tảng hiện nay đang được cho rằng "cần phải cải thiện để tốt đẹp hơn, hoặc chính người dùng phải thúc đẩy để cạnh tranh tạo ra những nền tảng được kiểm soát an toàn hơn".

Văn Đoàn
.
.