Vấn nạn “loạn” nghiên cứu sử học

Thứ Hai, 19/11/2018, 08:57
Trong khoảng gần hai thập niên đầu thế kỷ XXI, đã có hàng trăm tác phẩm nghiên cứu sử học được xuất bản; hàng nghìn bài viết trên các báo, tạp chí về sử học hoặc liên quan đến sử học. Thành phần tác giả rất phong phú, nhiều nguồn xuất thân: có người tốt nghiệp đại học chuyên ngành lịch sử; có người làm việc ở các lĩnh vực khác, chuyên môn khác.


Nhìn chung, không khí nghiên cứu sử học nước nhà có vẻ sôi nổi, xôm tụ. Tuy vậy, nếu nhìn nhận thấu đáo, chúng ta không khỏi giật mình, vì có nhiều công trình sử học kém chất lượng được “sản xuất” ồ ạt. Những công trình này đã gây nhiễu loạn nền sử học nước nhà.

 Hiện tượng rất phổ biến là có một số người ở các lĩnh vực khác (văn học, thú y, xây dựng, văn thư lưu trữ…), cũng tham gia nghiên cứu sử học. Nhiều cuốn sách lịch sử của các tác giả “tay ngang” này được in ra, bày bán tràn lan trên thị trường; chưa kể các bài viết về lịch sử hoặc liên quan đến lịch sử, đăng trên đủ loại báo, tạp chí…

Rất dễ nhận thấy, do không được đào tạo bài bản, không có tinh thần nghiên cứu nghiêm túc nên trong quá trình viết sử, một số tác giả đã phạm rất nhiều sai sót về sử liệu và thậm chí cả chính tả, ngữ pháp. Đáng lo nhất là người viết đưa ra những nhận định mà không có một cở sở khoa học tin cậy, nhiều khi lẫn lộn trắng đen, phải trái.

Trong bài viết “Người con Quảng Ngãi ở đất Nam Bộ” in ở tác phẩm “Văn hiến Quảng Ngãi” (NXB Văn hóa Dân tộc, 2006), tác giả Thượng Hồng đã gán ghép nhân vật lịch sử Võ Duy Dương là con Võ Duy Ninh ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, mà không đưa ra được những cứ liệu lịch sử nào có sức thuyết phục để chứng minh.

Trong khi các công trình nghiên cứu nghiêm túc như “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” (Nhiều tác giả, NXB Văn học, 2004), “Đồng Tháp đất và người” (Nhiều tác giả, NXB Trẻ, 2009)… đều xác định Võ Duy Dương quê ở Bình Định và không có quan hệ thân thích với họ Võ của Võ Duy Ninh ở Quảng Ngãi.

Độc giả hiện nay có quá nhiều lựa chọn sách tham khảo lịch sử. 

Tác giả Thượng Hồng trong tác phẩm “Anh hùng Võ Duy Dương chống Pháp ở Đồng Tháp Mười (người con của Quảng Ngãi trên đất Tháp Mười)” (NXB Thanh Niên, 2005) còn bịa đặt cả chuyện cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là con của… Võ Duy Dương - một vị anh hùng chống Pháp ở Đồng Tháp Mười - với những tình tiết gán ghép thật vô lý, thô thiển, bất chấp những nguồn tư liệu chính thức đã công bố từ trước đến nay.

 Tác giả Lê Nam trong thời gian vừa qua viết hàng loạt tác phẩm sử học, được NXB Đồng Nai ấn hành như: "Danh nhân và thời đại", "Đại quang Việt sử", "Huyền thoại với lời ru", "Bóng mẹ trong sử ca"… Trong quá trình “nghiên cứu”, tác giả này còn phát huy ở tầm cao hơn “đàn anh” Thượng Hồng trong việc hư cấu, đảo lộn sự kiện lịch sử, xúc phạm nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa của đất nước….

Lê Nam khi viết lịch sử đã gọi danh nhân văn hóa Đào Tấn là “hắn”, bịa chuyện hết sức vô lý để bôi nhọ thanh danh cụ Phan Thanh Giản, hư cấu ra truyền thuyết mới về Lạc Long Quân - Âu Cơ, Lê Lợi - Nguyễn Trãi…

Một số tác giả viết sách về văn hóa, văn học có liên quan đến lịch sử, nhưng không chịu tra cứu chu đáo về mặt sử liệu, nên có rất nhiều “hạt sạn lịch sử” lẫn vào, có những nhầm lẫn kiến thức rất phổ thông sơ đẳng, gây khó chịu cho người đọc. Điều này có thể tìm thấy trong các sách của các tác giả như Phan Ngọc, Bùi Quang Huy, Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Nam Thắng, Lê Minh Quốc, Trần Nhu, Hạnh Nguyên…

Khi viết về một danh nhân quê ở Quảng Nam là Huỳnh Thúc Kháng thì tác giả Bùi Quang Huy và Phan Ngọc đều cấp cho cụ Huỳnh học vị Hoàng giáp. Thậm chí tác giả Phan Ngọc còn phong cho cụ chức Phó Chủ tịch nước. Sự thật cụ Huỳnh Thúc Kháng thi đỗ Đệ Tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân (Tiến sĩ hạng 3) ở khoa thi Hội năm Giáp Thìn (1904), thấp hơn Hoàng giáp (Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân – Tiến sĩ hạng 2); cụ Huỳnh từng giữ chức Bộ trưởng Bộ nội vụ, rồi Quyền Chủ tịch nước trong Chính phủ liên hiệp năm 1946; sau đó giữ chức Chủ tịch Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt) chứ chưa bao giờ giữ chức Phó Chủ tịch nước.

Tác giả Lê Minh Quốc, Bùi Quang Huy, Nguyễn Q. Thắng thì cấp cho cụ Trần Quý Cáp - một chí sĩ trong phong trào Duy tân, cũng quê Quảng Nam - học vị Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ (Tiến sĩ hạng Nhất gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa).

Sự thật lịch sử là suốt một trăm năm khoa cử triều Nguyễn, ở tỉnh Quảng Nam chưa có ai thi đỗ đến bậc Đệ nhất giáp Tiến sĩ. Cụ Trần Qúy Cáp đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ, đồng khoa với cụ Huỳnh Thúc Kháng năm 1904…

Không chỉ những nhà nghiên cứu lịch sử “tay ngang” làm rối loạn nền sử học nước nhà, mà góp phần vào đấy có cả những người có học hàm, học vị tiến sĩ, giáo sư ngành lịch sử. Nhiều cuốn sách của một số tiến sĩ, giáo sư xuất bản trong thời gian vừa qua, đã bộc lộ những non nớt về kiến thức, năng lực nghiên cứu khoa học.

 Tác phẩm "Tỉnh Bình Phước thời Pháp thuộc" của Tiến sĩ Bùi Thị Huệ (NXB Từ Điển Bách Khoa 2012), một cuốn sách dày 300 trang nhưng rất nghèo nàn tư liệu, hạn chế về phương pháp nghiên cứu, sai sót kiến thức rất nhiều. Tác giả Bùi Thị Huệ có nhiều nhầm lẫn đến mức ngô nghê, sơ đẳng mà khả năng của một học sinh phổ thông cũng có thể phát hiện ra.

Tác giả này viết: “Đối với phía Nam, chính sách khai hoang đã có những thành công nhất định. Nhiều trung tâm đô thị dân cư sầm uất nổi lên ở những vùng đất trũng, thuận lợi cho canh tác nông nghiệp” (trang 18). Trung tâm đô thị dân cư sầm uất mà lại thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp(?)”.

Trong tác phẩm vừa nêu, vị nữ Tiến sĩ này đã vô tư trích dẫn những đoạn nguyên văn của Phó Giáo sư Phan An trong tác phẩm "Luật tục Stiêng và vấn đề đất rừng ở tỉnh Bình Phước hiện nay" – in trong sách "Luật tục và phát triển nông thôn hiện nay ở Việt Nam" (NXB Chính trị quốc gia, 2000) mà không hề có một dòng chú thích nào cả.

 Cuốn "Lịch sử Việt Nam" gồm ba tập do Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp chủ biên (NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2014) tập hợp nhiều chuyên đề của các tác giả. Qua 3 tập sách dày dặn này, có khá nhiều chuyên đề sai sót kiến thức, nhận định nhầm lẫn. Sai sót trầm trọng, nhất là chuyên đề “Giáo dục cách mạng ở căn cứ địa Thủ Dầu Một – Bình Dương 1945 – 1975” do chính Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp chấp bút. Hơn 60 trang viết nhưng nguồn tư liệu rất nghèo nàn, tác giả đã vẽ vời, hư cấu như sáng tác văn học, đọc chuyên đề lịch sử mà như đọc truyện ngắn của một nhà văn mới vào nghề(!).

Một số nhà xuất bản đã dễ dãi trong việc cấp giấy phép, đã tạo điều kiện cho hàng loạt tác phẩm sử học quái gở của các nhà “học giả” ra đời. Có nhà xuất bản vì người biên tập không có chuyên môn lịch sử, không đủ trình độ thẩm định, nên để “ra lò” những tác phẩm sử học kém chất lượng.

Vấn nạn loạn thị trường sách lịch sử hiện nay đã đến mức báo động đỏ; tuy vậy từ trước đến nay, các cơ quan chức năng hầu như bỏ ngỏ, thiếu sự quan tâm, để mặc cho những người hiếu danh nhưng thiếu kiến thức, thiếu tự trọng nghề nghiệp, viết nhăng, viết cuội. Chúng ta cần phải có những biện pháp cấp thiết để trả lại giá trị thực sự cho lịch sử, tạo điều kiện cho những công trình sử học có chất lượng tốt ra đời, phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của độc giả.

Lương Sơn
.
.