Vẫn là “mũ ni che tai”

Thứ Năm, 05/05/2016, 16:05
Hình như cứ mỗi năm mà làng giải trí Việt Nam không ồn ào lên một vài câu chuyện đạo - nhái nào đó thì cái làng ấy nó thiếu đi “sức sống” thì phải. Và năm 2016 mới bắt đầu chưa lâu, đã có một câu chuyện liên quan đến vấn đề này được khơi ra, không hiểu với dụng ý gì, với cái tên được nhắc tới là Maya và chương trình “Hoà âm ánh sáng”.


Ở phần trình diễn của Maya trong chương trình kể trên, với ca khúc mang tên “Dựa”, được remix lại bởi Javix, cô ca sỹ vốn xuất thân từ sàn diễn thời trang này đã để lại tiếng vang khá lớn. Nhưng ngay sau đó, báo chí đã giật cái tít “Maya bị tố đạo nhạc” với dẫn chứng bản ghi âm đối chiếu có tên Legens của Razihel, một nhà sản xuất âm nhạc người Ý.

Trước khi nói về câu chuyện này, chúng ta phải loại bỏ ngay khái niệm “Maya đạo nhạc” ra khỏi câu chuyện. Có thể nói, Maya vô can trong nghi án này bởi nhiệm vụ của cô chỉ là hát mà thôi. Còn trách nhiệm trên tác phẩm, bản ghi âm lại thuộc về những người khác mà ở đây, cụ thể là nhạc sỹ sáng tác và nhà sản xuất âm nhạc của Maya.

Ca khúc “Dựa” thực tế cũng chẳng hề giống ca khúc “Legends” của Razihel và vì vậy, nhạc sỹ Lưu Thiên Hương cũng được xếp chung vào vị trí của Maya lúc này, tức là hoàn toàn vô can. Bản ghi âm “Dựa” nguyên bản của Maya được Lưu Thiên Hương sản xuất hoàn toàn chẳng có một chút liên đới nào tới bản ghi âm “Legends” của Razihel. Hai bản ghi là hai sản phẩm độc lập, hai ca khúc là hai tác phẩm độc lập. Bởi thế, không được quyền kết tội người sáng tác và sản xuất của bản ghi âm “Dựa” nguyên bản.

Vậy thì lý do nào mà người ta lại tố một cách nặng nề đến thế, với hai chữ “đạo nhạc”?

Câu trả lời đơn giản, ở bản remix của “Dựa”, Javix đã lượm nguyên một đoạn “drop” của Legends vào sản phẩm của mình, thậm chí đúng đến cả thời điểm “drop” của bản ghi (ở khoảng 1 phút 21 giây). Và ngay chính Lưu Thiên Hương, với kinh nghiệm dày dạn cùng trình độ chuyên môn của mình cũng phải thừa nhận rằng có điểm giống nhau giữa “Dựa Remix” và “Legends” đúng chỗ đó.

Vậy là rõ, người chịu trách nhiệm chính cho scandal này phải là Javix, một người ở trong vai trò nhà sản xuất.

Song, có lẽ, nếu chúng ta trách Javix thì chúng ta phải trách cả cái làng giải trí này, vì sự dễ dãi, vì sự “mũ ni che tai” của mình.

Trào lưu sử dụng những sáng tạo có sẵn trên thế giới để dựa vào đó phái sinh ra tác phẩm của mình, nhưng khi phát hành cũng không buồn thay đổi phần phối khí mới, hoặc xin chủ nhân của phần phối khí có sẵn kia cho phép sử dụng, đã trở nên một công thức bình thường của giới sản xuất âm nhạc trẻ Việt Nam suốt nhiều năm qua. Dường như, với suy nghĩ rằng “Ôi dào, ai thèm quan tâm đến thị trường Việt Nam mà biết”, họ đã phớt lờ mọi nguyên tắc pháp lý để liều lĩnh tung những sản phẩm đạo nhái ra thị trường. Và với những người phớt lờ mọi nguyên tắc pháp lý ấy thì chúng ta đừng nên đòi hỏi cái gọi là tự trọng trong nghề.

Nhưng đáng ngạc nhiên thay là những người hiểu chuyện, có uy tín trong làng giải trí lại chọn phương án im lặng trước những hạt sạn đã bắt đầu nhiều hơn cơm ấy. Họ sợ va chạm? Hay họ chỉ quan tâm đến nồi cơm của họ? Có trời mới hiểu nổi.

Điều ngạc nhiên hơn nữa, mới hai ba năm trước đấy thôi, người ta tố Sơn Tùng M-TP đạo nhái beat nhạc của Hàn Quốc để viết ca khúc cho mình. Vậy mà hôm nay, họ lại trao cho chàng ca sỹ ấy giải thưởng nghe rất to: “Cống Hiến”. Cái bi hài kịch của giải trí Việt nó nằm ở chỗ đó. Tố đạo nhái: nhà báo. Ghi tên nghệ sỹ được giải vào phiếu bầu chọn: cũng nhà báo. Mà một khi, nhà báo còn chưa định nghĩa được thế nào là đạo nhái âm nhạc, thế nào là không, thì chuyện bỏ phiếu kiểu ấy cũng… bình thường…

Văn Đoàn
.
.