Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20:

Vẫn là cuộc đua của các phim tư nhân

Thứ Sáu, 25/08/2017, 08:01
Diễn ra vào cuối tháng 11 tại thành phố Đà Nẵng, Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 20 được dự đoán sẽ là cuộc đua của các phim tư nhân vào vị trí danh giá. Mặc dù thiếu vắng dòng phim chính thống do nhà nước đặt hàng nhưng Ban tổ chức LHP vẫn tin tưởng và khẳng định: Điện ảnh Việt Nam có đủ tác phẩm chất lượng trong 2 năm qua để làm nên một LHP thực sự xôm tụ.


Mặc dù tới tháng 11 LHP Việt Nam lần thứ 20 mới được tổ chức nhưng những thông tin về sự kiện quan trọng 2 năm/ một lần của lĩnh vực điện ảnh đã sớm được đưa ra tại cuộc họp báo vào trung tuần tháng 8 vừa qua. Với khẩu hiệu "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh hiện đại và nhân văn" LHP lần thứ 20 là sự kiện văn hóa quốc gia nhằm biểu dương các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, đồng thời là dịp để các nghệ sĩ và những người làm công tác điện ảnh nhìn lại quãng đường trưởng thành, phát triển của điện ảnh nói chung cũng như công tác tổ chức LHP nói riêng.

Tiêu chí của LHP lần này hướng đến các tác phẩm điện ảnh thể hiện được nội dung tư tưởng nhân văn, có thủ pháp nghệ thuật sáng tạo, chất lượng kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế, phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó, điện ảnh là một trong những ngành quan trọng nhất.

Được biết, trong 5 ngày diễn ra sự kiện, bên cạnh các hoạt động chấm và trao giải, LHP sẽ tổ chức các buổi chiếu phim ngoài trời; Tuần phim "Chào mừng LHP lần thứ 20"; Hội thảo "LHP trong sự nghiệp phát triển điện ảnh dân tộc", "Con đường đưa điện ảnh ASEAN ra thế giới"; Triển lãm "Dấu ấn Điện ảnh Việt Nam qua 20 kỳ LHP Việt Nam"; Giao lưu nghệ sĩ điện ảnh với khán giả, học sinh, sinh viên và các chiến sĩ lực lượng vũ trang...

LHP năm nay được đánh giá là có khá nhiều sự thay đổi quan trọng phù hợp với tình hình phát triển của điện ảnh trong thời gian vừa qua. Ban tổ chức LHP cho biết sẽ tiếp tục trao giải Bông sen vàng, Bông sen bạc và giải của Ban giám khảo cho các tác phẩm, cá nhân xuất sắc của điện ảnh nước nhà trong 2 năm qua.

Tuy nhiên, số lượng hạng mục năm nay được rút gọn, chỉ còn các thể loại: Phim truyện điện ảnh, Phim tài liệu, Phim khoa học và Phim hoạt hình. Bắt đầu từ năm nay, thể loại phim truyện video (hay còn được gọi là phim truyền hình) sẽ không nằm trong khuôn khổ lễ trao giải Bông sen vàng. Quyết định này nhận được sự đồng tình của dư luận và những người làm nghề.

Liên hoan phim lần thứ 20 thiếu vắng những bộ phim Nhà nước xúc động như “Người trở về”.

Từ khi ra đời cho đến nay, phim truyền hình ngày càng phát triển và có một vị trí quan trọng trong lòng công chúng. Phim video 1 tập gần như hết vai trò lịch sử. Giờ đây, phim video hầu hết là phim truyền hình dài tập. Ngoài ra, hàng năm cũng đã có khá nhiều giải thưởng liên quan tới phim truyền hình. Chính vì vậy, việc LHP tập trung vào hạng mục Phim truyện điện ảnh cũng là điều phù hợp trong tình hình hiện nay.

Thay cho giải thưởng phim truyện video, Ban tổ chức đưa thêm hạng mục "Giải thưởng Film ASEAN". Mỗi quốc gia sẽ đề cử và tuyển chọn một bộ phim dự thi và đăng ký với ban tổ chức. Theo đó, một tác phẩm của Việt Nam sẽ tranh tài với các bộ phim của Đông Nam Á, với thành phần ban giám khảo là ba người đều đến từ bên ngoài khu vực.

Theo đánh giá của lãnh đạo Cục Điện ảnh, các quốc gia ASEAN khá tích cực hưởng ứng sáng kiến này. Việc tại LHP quốc gia không chỉ tổ chức Hội thảo điện ảnh các nước ASEAN mà còn có thêm giải thưởng nữa cho thấy, điện ảnh Việt Nam ngày càng chú trọng tới sự giao lưu điện ảnh trong khu vực và vươn rộng ra tầm thế giới.

Đây là sự kiện có ý nghĩa sâu sắc nhằm kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, góp phần giới thiệu những tác phẩm điện ảnh trong khu vực đến với quốc tế. Đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của công nghiệp điện ảnh trong việc quảng bá hình ảnh, đất nước con người, văn hóa và truyền thống hữu nghị hợp tác giữa các nước thuộc cộng đồng ASEAN.

Trong hội nhập văn hóa thì điện ảnh giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Với thế mạnh riêng, với ngôn ngữ riêng của mình, điện ảnh thực sự là một sứ giả thần kỳ. Những bộ phim hay không chỉ góp phần quảng bá văn hóa mà còn mang lại những nguồn lợi về mặt kinh tế về cho đất nước.

Có thể nói, LHP lần thứ 20 đánh dấu một thời kỳ khá đặc biệt của điện ảnh Việt Nam. Điện ảnh Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, cũng ngay trong sự phát triển này đã nhìn thấy rõ những vấn đề mà điện ảnh Việt Nam đang phải đối mặt. Kể từ LHP lần thứ 19 đến nay, mỗi năm điện ảnh Việt Nam có khoảng 40 bộ phim được sản xuất. Tuy nhiên, điều đáng nói là hầu hết các phim đó đều thuộc về các hãng phim tư nhân.

Gần đây, trào lưu phim remake (phim làm lại hay nói cách khác là phim có kịch bản mua của nước ngoài) đang nở rộ khiến cho dòng phim này chiếm một số lượng đáng kể. Tại giải thưởng Cánh diều vàng 2016 (giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh) thì dòng phim remake đã không được đưa vào để chấm giải. Ban tổ chức LHP Việt Nam cho biết, LHP năm nay kiên quyết từ chối phim hài nhảm, còn phim có kịch bản của nước ngoài có thể đăng ký tham dự tất cả các chương trình của LHP.

Tuy nhiên, nếu chọn xét giải thì những phim này chỉ được đề cử các giải cho cá nhân (trừ giải thưởng cho tác giả kịch bản). Điều đó cũng có nghĩa, không xét giải thưởng Bông sen Vàng, bông sen Bạc cho cả bộ phim. Việc xuất hiện khá nhiều những bộ phim mua kịch bản nước ngoài cho thấy, chúng ta đang có một thị trường điện ảnh khá phát triển, Tuy nhiên, đội ngũ biên kịch trong nước chưa theo được tốc độ phát triển nhanh như vũ bão của điện ảnh cũng như chưa đáp ứng được thị hiếu ngày càng cao của khán giả trong nước.

Ngay tại Lễ trao giải thưởng Cánh diều diễn ra đầu năm 2017, dư luận đã cho rằng đây là sân chơi của các nhà làm phim tư nhân. Bởi trong số 19 bộ phim truyện điện ảnh tham gia tranh giải, không có bóng dáng một bộ phim nhà nước nào. Điện ảnh tư nhân áp đảo điện ảnh nhà nước cũng chính là tình trạng tại LHP năm nay. Các Hãng phim nhà nước tiêu biểu như Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim truyện 1, Hãng phim Giải phóng... đều không có đại diện tham dự.

Điện ảnh phát triển theo xu hướng xã hội hóa rộng rãi như hiện nay là đúng theo quy luật phát triển của xã hội, nhưng không thể thiếu dòng phim do nhà nước đặt hàng. Nhiều ý kiến cho rằng điện ảnh muốn phát triển hài hòa và vững vàng phải ở thế kiềng ba chân: phim chính thống do nhà nước đặt hàng, dòng phim giải trí và dòng phim nghệ thuật.

Nhưng nhìn vào số lượng phim hàng năm ra rạp sẽ thấy thiếu vắng hoàn toàn dòng phim do nhà nước đặt hàng. Dòng phim này quy tụ những chủ đề như phim chiến tranh cách mạng, truyền thống văn hóa lịch sử, phim đề cao giá trị nhân văn, ca ngợi phẩm chất con người Việt Nam... Đây cũng chính là nguồn phim chính mà các trung tâm phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh thành trong cả nước phục vụ nhân dân. Nhưng vì chưa thống nhất được cơ chế tài chính nên 2 năm nay, chưa có bộ phim nào được triển khai. Không thể phủ nhận, làm phim luôn ngốn một khoản tiền rất lớn.

Các đại gia tư nhân sẽ sẵn sàng mở hầu bao hơn là các đơn vị sản xuất phim thuộc nhà nước. Việc các Hãng phim nhà nước thận trọng cũng là điều dễ hiểu vì đó là tiền từ ngân sách của nhà nước. Phim do tư nhân sản xuất đang hoàn toàn chiếm lĩnh các rạp chiếu và điều đáng lo ngại là hầu hết đều là những bộ phim giải trí, nặng về tính thương mại. Không ít phim được làm dễ dãi, chạy theo thị hiểu tầm thường của một bộ phận người xem.

Mặc dù thiếu vắng dòng phim nhà nước nhưng Ban tổ chức LHP vẫn tin tưởng sẽ có một LHP thực sự chất lượng. Theo kế hoạch, LHP sẽ chốt danh sách tác phẩm tham dự, thành phần ban giám khảo vào trung tuần tháng 10. Các bộ phim tham gia dự kiến được trình chiếu tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Đạo diễn Hoàng Nhật Nam tiếp tục đảm trách vai trò tổng đạo diễn chương trình khai mạc và bế mạc, dự kiến truyền hình trực tiếp trên VTV2 và VTV1 với chủ trương: "Linh hồn LHP vẫn là tác phẩm điện ảnh, các nhà làm phim và nghệ sĩ. Chính vì thế, lễ khai mạc, bế mạc đều hướng tới tôn vinh những người đóng góp thiết thực cho nền điện ảnh nước nhà".

Khánh Thảo
.
.