Văn chương thời COVID

Thứ Tư, 10/02/2021, 12:34
Kết thúc năm 2020 không thể không nhắc đến đại dịch COVID-19. Đó là cú chấn động ảnh hưởng tới toàn thể thế giới và văn chương có chịu tác động gì không? Chắc chắn là có nhưng ở những chiều kích khác biệt so với những lĩnh vực khác.


Ban đầu tôi đã từng nghĩ rằng, nỗi lo về đại dịch toàn cầu khiến nhiều người hoảng sợ, khi dân chúng buộc phải ở nhà thì người ta sẽ đọc sách nhiều hơn và sách văn học sẽ luôn được ưu tiên. Nhưng tôi đã nhầm. 

Tôi có mối quan hệ với khá nhiều nhà xuất bản và biết được rằng, dịch bệnh đã khiến lượng tiêu thụ sách giảm rõ rệt, kể cả sách văn học. Một số hiệu sách nổi tiếng trên thế giới đã bị đóng cửa hoàn toàn vì ế ẩm. Nhiều đầu sách vốn bán chạy đã bán chậm lại, một số khác phải giảm lượng in hoặc thời gian bị kéo giãn ra. 

Thế hóa ra bị buộc phải ở nhà, trong khu cách ly, ở bệnh viện người ta vẫn không đọc sách nhiều hơn, đó là một tin tức khá buồn với ngành xuất bản, nơi mà sách văn học luôn chiếm một thị phần không nhỏ.

Nhưng ngược lại với sự ế ẩm của sách do dịch bệnh, các nhà văn buộc phải ở nhà, các chuyến đi bị hạn chế thì họ vẫn sáng tác đều đều. Nguyễn Ngọc Tư sau khoảng gần mười năm với tiểu thuyết đầu tay là “Sông”, năm nay chị đã có cuốn tiểu thuyết thứ hai là “Biên sử nước” và có người cho rằng đây là bước tiến lớn của chị. 

Tôi không chắc Nguyễn Ngọc Tư có được khuyến khích hay hạn chế bởi dịch bệnh, nhưng cuốn tiểu thuyết thứ hai của nhà văn đặc vùng Nam bộ ra mắt trong năm dịch bệnh là một điều đáng chú ý.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Các nhà văn khác, bất chấp dịch bệnh vẫn ra sách đều đều. Hồ Anh Thái có “Ở lại để chờ nhau”, tập truyện ngắn như một tiểu thuyết liên hoàn hồi tưởng về quãng thời gian anh ở Ấn Độ. Có lẽ khi đã nghỉ công tác chính thức, nhà văn từng làm nhiều năm làm trong ngành ngoại giao sẽ có những hồi ức đáng kể về những quãng thời gian đi sứ của mình.

Cây bút mới xuất hiện gần đây là Bình Ca được kích thích từ thành công ở “Quân khu Nam Đồng” đã ra mắt cuốn thứ hai và cũng gây được ấn tượng khá tốt là “Đi trốn”. Thỉnh thoảng ta lại thấy hiện tượng những người đến với văn chương khá muộn mằn nhưng vẫn có được thành công đáng kể như Trung Sỹ hay Bình Ca với xu hướng viết về thời bao cấp với những kí ức và vùng kỉ niệm quen thuộc với nhiều người.

Đoàn Minh Phượng gần như sống ẩn dật ở Đà Lạt năm nay cũng ra một tiểu thuyết mới là “Đốt cỏ ngày đồng”, cũng đồng tông với những tiểu thuyết trước của chị như “Và khi tro bụi”, “Mưa ở kiếp sau”...

Hai nhà văn bằng tuổi nhau, cùng sống ở Hà Nội là Nguyễn Trương Quý và Uông Triều cùng ra hai cuốn tản văn về Hà Nội, một thể loại khá được yêu chuộng trong những năm gần đây. Nguyễn Trương Quý có “Hà Nội bảo thế là thường”, Uông Triều là “Hà Nội dấu xưa, phố cũ”. Các anh cùng với những người như Nguyễn Ngọc Tiến, Đỗ Phấn, Trung Sỹ là những nhà văn có khá nhiều sách về Hà Nội và viết đều đặn. 

Nhà văn Đoàn Minh Phượng.

Nhà văn bom tấn Nguyễn Nhật Ánh thì tất nhiên dịch bệnh chẳng làm gì nổi ông. Cuốn sách phát hành gần cuối năm của Nguyễn Nhật Ánh là “Con chim xanh biếc bay về”, ngay lần đầu tiên ra mắt đã in 150 nghìn bản, cả phiên bản bìa cứng lẫn bìa mềm. Một con số mơ ước đối với bất cứ nhà văn nào và đến bây giờ làng văn Việt vẫn chưa có người thứ hai.

Và cũng có thể kể thêm, năm nay Hội Nhà văn Việt Nam trao giải cuộc thi tiểu thuyết với khá nhiều giải thưởng. Điều đó sẽ đồng nghĩa với việc một danh sách khá dài các cuốn sách sẽ đổ bộ vào thị trường văn học, trong đó có những cuốn được dư luận chú ý như “Gió bụi đầy trời” của Thiên Sơn. 

“Gió bụi đầy trời” kể về giai đoạn lịch sử đầu thế kỉ XX với những gương mặt chính khách và những biến cố quan trọng đã góp phần định hình nên thực thể của một nước Việt Nam độc lập. “Từ Dụ Thái Hậu” là bộ tiểu thuyết lịch sử của Trần Thùy Mai đã gây được chú ý từ những năm trước và bây giờ được vinh danh giải nhất ở cuộc thi này.

Sách nghiên cứu phê bình cũng đóng góp một phần vào bộ mặt chung của tổng thể văn học. Trong Huế, có ba cuốn sách nghiên cứu phê bình của ba người trẻ đều đáng chú ý. Đó là Phan Tuấn Anh với “Những khu vực văn học ngoại biên”; Nguyễn Văn Thuấn với “Du hành giữa các văn bản - Nguyễn Huy Thiệp và xã hội Việt Nam sau 1975” và Nguyễn Văn Hùng với “Những thế giới song hành - Từ truyện ngắn đến điện ảnh”. 

Sự xuất hiện đồng loạt của các sách nghiên cứu phê bình trong một năm của những người trẻ và đều là những cuốn có chất lượng, có cuốn đã vào chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam chứng tỏ Huế vẫn là một khu vực văn học đáng chú ý, ít nhất là trên địa hạt phê bình trẻ.

Ở phía Bắc, “Sáng tạo trong tình thế chuyển đổi” cũng là một quyển nghiên cứu phê bình khá nặng kí của Đoàn Ánh Dương khảo sát về văn học và xã hội Việt Nam sau đổi mới. Ngoài ra, Đoàn Ánh Dương cùng với những người trẻ như Mai Anh Tuấn, Phùng Kiên, Nguyễn Mạnh Tiến... có một khảo sát khá kĩ lưỡng về Tự lực văn đoàn, một hội nhóm văn chương có từ đầu thế kỉ XX qua cuốn sách “Phong Hóa thời hiện đại - Tự lực văn đoàn trong tình thế thuộc địa ở Việt Nam đầu thế kỉ 20”.

Nhà văn Luis Sepulveda.

Văn học dịch vẫn có những cuốn nặng kí được xuất bản ở Việt Nam. “Vận mệnh người lính tốt Švejk trong đại chiến thế giới” của Jaroslav Hašek là một cuốn sách rất nổi tiếng của văn học Séc đã được dịch sang tiếng Việt. Những người khổng lồ của văn học Séc đã xuất hiện ở Việt Nam khá lâu như Franz Kafka, Milan Kundera, gần đây bổ sung thêm Karel Capek và năm nay là Jaroslav Hašek. Những nhà văn đến từ nước Séc này đều nhận được sự kính trọng và yêu mến từ những độc giả Việt.

Một cuốn sách dịch cũng rất đáng chú ý của văn học Nam Mỹ với sự đồ sộ như là đặc tính vốn có của vùng đất là “2666” của Roberto Bolano. Cuốn sách gây thêm được sự chú ý khi đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2020.

Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội và thói quen của loài người. Có những thói quen mới bắt đầu được hình thành. Nhiều thói quen cũ bị mất đi và điều nguy hiểm nhất là có hàng trăm triệu người bị mắc bệnh, hàng triệu người bị chết. 

Thế giới văn chương cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, nhiều nhà văn đã bị mắc bệnh và có người đã chết. Đó là nhà văn nổi tiếng người Chi Lê Luis Sepulveda, tác giả của “Lão già mê đọc truyện tình” và “Chuyện con mèo dạy hải âu tập bay”...  

Đó là về mặt con người, còn về mặt xuất bản, sách văn học năm 2020 cơ bản là ảm đạm hơn so với những năm trước, thỉnh thoảng ta lại nghe thấy  thông tin những nhà xuất bản và các hiệu sách phải đóng cửa vì dịch bệnh.

Tình hình có vẻ không quá nghiêm trọng ở Việt Nam, khi dịch bệnh được kiềm chế khá tốt, nhưng nó vẫn ảnh hưởng ít nhiều, hạn chế hoặc tạo ra các khả năng mới. Đã có những sách văn học tập trung viết về đề tài dịch bệnh và những tác giả trẻ mạnh dạn viết về chủ đề khá khô cứng nhưng đầy tính thời sự này. 

Hậu quả của dịch bệnh sẽ còn ảnh hưởng lâu dài và đáng kể, nhưng có lẽ gần như là ngoại lệ, các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình vẫn không ngừng sáng tạo và nghiên cứu. Những ví dụ tôi kể trên đã minh chứng cho điều đó. 

Và sáng tác văn chương có những đặc thù riêng và dường như đại dịch không ảnh hưởng quá nhiều đến sự sáng tạo của họ. Dịch bệnh hay không dịch bệnh thì nhà văn vẫn phải viết, nguồn sáng tạo đã âm ỉ trong thời gian dài và tiếp tục tiến triển, dịch bệnh chỉ là một thời điểm tạm thời, còn quá trình viết sáng tạo thì luôn lâu dài, bền bỉ.

Và mặc dù có những con số không mấy lạc quan về sách văn học và lượng sách được xuất bản thì tôi vẫn tin rằng bạn đọc sẽ không quay lưng với văn chương, dù tình hình có nghiêm trọng thế nào. Văn chương vẫn là một trong những kênh để tìm sự yên bình, thư thái, để tạm quên đi những lo lắng của kiếp sống con người. Và đối với thế giới nhà văn, dịch bệnh cũng không thể buộc họ ngừng sáng tác, họ sẽ tìm ra những phương pháp và cách tiếp cận phù hợp để sống sót và nuôi dưỡng sáng tạo của mình.

Và biết đâu, dịch bệnh là thử thách khủng khiếp nhưng có thể nó cũng khiến  con người tạo ra những thứ kì vĩ không ngờ tới?

Khải Hoàn
.
.