"Văn chiêu hồn" và "phản chiêu hồn"

Thứ Hai, 16/04/2007, 10:00
“Phản chiêu hồn” là một bài thơ có tứ độc đáo đặc biệt mà cổ kim không có. Thông thường thì người ta làm văn cúng tế gọi hồn về, mà Nguyễn Du lại làm thơ bảo hồn đừng về. Và Nguyễn Du đã có lý. Sự lưu truyền của bài thơ mấy trăm năm qua đã khẳng định giá trị tư tưởng và nghệ thuật của nó.

Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) danh nhân văn hóa thế giới là một người giàu lòng yêu thương con người. “Truyện Kiều” thể hiện chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc nhất trong các sáng tác của ông.

Cùng với “Truyện Kiều”, “Văn tế thập loại chúng sinh” (thường được gọi là “Văn chiêu hồn”) cũng là một áng văn nôm thuộc đỉnh cao tư tưởng và nghệ thuật. Vì vậy khi nói về nỗi đau mất nước, nỗi buồn của cha ông ta trước đây, nhà thơ Chế Lan Viên đã nhắc đến áng văn bất hủ này:

Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời

Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa

Những pho tượng chùa Tây Phương không biết cách trả lời

Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ

“Văn chiêu hồn” từng thấm hạt mưa rơi

(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?)

“Văn chiêu hồn” của Nguyễn Du là một bài văn tế dài 184 câu song thất lục bát có tính chất chiêu hồn thập loại chúng sinh được thanh thoát về nơi tây phương cực lạc trong ngày tết xá tội vong nhân rằm tháng Bảy âm lịch.

Tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du thể hiện rất rõ khi ông nhắc đến mười loại người được chiêu hồn. Đây là một áng văn đẹp hoàn hảo, một tác phẩm độc đáo có một không hai về đề tài này trong lịch sử văn chương dân tộc. Mở đầu bài văn tế, tác giả đã miêu tả thật thành công không gian buồn ảm đạm của ngày tết này:

Tiết tháng Bảy mưa rầm sùi sụt

Toát hơi may lạnh buốt xương khô;

Não người thay, buổi chiều thu,

Ngàn lau nhuốm bạc, lá khô rụng vàng.

Đường bạch dương bóng chiều man mác,

Ngọn đường lê lác đác sương sa,

Lòng nào lòng chẳng thiết tha,

Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.

Trong trường dạ tối tăm trời đất,

Có khôn thiêng phảng phất u minh,

Thương thay thập loại chúng sinh,

Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người...

Trong thập loại chúng sinh, đối với mỗi loại người, Nguyễn Du đều thương cảm cho thân phận của họ, từ những người giàu có quan sang lúc sa cơ lỡ vận đến các kiếp người nghèo khổ thấp hèn.

Nhưng như một sự thần diệu của nghệ thuật, ngòi bút Nguyễn Du đặc biệt xúc động, để lại những viên ngọc xuất sắc của ngôn từ khi nói đến những kiếp người nghèo hèn.

Điều này thống nhất trong trái tim nhà thơ nếu chúng ta xếp những kiếp người cực khổ ở “Văn chiêu hồn” với thân phận con người trong “Truyện Kiều”. Đây là người lao động buôn bán vất vả:

Cũng có kẻ đi về buôn bán,

Đòn gánh tre chín rạn hai vai,

Gặp cơn mưa nắng giữa trời,

Hồn đường phách sá lạc loài nơi nao?

Người lính trong chiến trận đã được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm thể hiện rất thành công trong kiệt tác “Chinh phụ ngâm”. Ở đây nhà thơ Nguyễn Du cũng có những câu thơ điển hình không kém:

Cũng có kẻ mắc vào khóa lính,

Bỏ cửa nhà đi gánh việc quan,

Nước khe cơm ống gian nan,

Dãi dầu nghìn dặm, lầm than một đời.

Buổi chiến trận mạng người như rác,

Phận đã đành đạn lạc tên rơi.

Lập lòe ngọn lửa ma trơi

Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương...

Đặc biệt là khi nói về thân phận của người kỹ nữ. Có lẽ là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, Nguyễn Du xót xa cho thân phận của họ cũng là xót xa cho chính số phận mình.

Vì vậy, ở bất kỳ bài thơ nào khi nói về những người này, nhà thơ đã có những câu thơ xuất thần, như trong các bài “Độc Tiểu Thanh ký”, “Long thành cầm giả ca”, “Thái Bình mại ca giả”, hoặc khi để nàng Kiều khóc trước mộ Đạm Tiên... ở đây, Nguyễn Du cũng có những câu thơ sẽ lưu truyền muôn đời:

Cũng có kẻ nhỡ nhàng một kiếp,

Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa,

Ngẩn ngơ khi trở về già,

Ai chồng con tá biết là cậy ai?

Sống đã chịu một đời phiền não,

Thác lại nhờ hớp cháo lá đa,

Đau đớn thay phận đàn bà,

Kiếp sinh ra thế, biết là tại đâu?

Chúng ta đều biết Nguyễn Du từng viết trong “Truyện Kiều” câu thơ nổi tiếng: “Đau đớn thay phận đàn bà - Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Thông thường việc lặp lại một câu thơ là điều tối kị.

Nhưng ở đây Nguyễn Du đã lặp lại hoàn toàn câu thơ “Đau đớn thay phận đàn bà”, nhưng không ai nghĩ đến việc lặp lại mà chỉ thấy đó là viên ngọc mới, khi để bên viên ngọc cũ thì hai viên ngọc cùng tỏa sáng và lại tôn nhau lên để cùng sáng chói hơn. Được như vậy là nhờ tấm lòng yêu thương con người không cùng của nhà thơ.

                                                                            *

                                                                          *   *

Thế mà, chính Nguyễn Du lại viết bài thơ “Phản chiêu hồn” (chống lại việc chiêu hồn) trong một chuyến đi sứ Trung Quốc năm 1813 khi ngang qua sông Mịch La. Nguyên do là Tống Ngọc, người cùng thời với Khuất Nguyên có làm bài từ chiêu hồn gọi Khuất Nguyên về để sống lâu thêm với cõi đời trần thế. Nguyễn Du chống lại ý ấy, khuyên hồn không nên trở về cõi trần đầy những bọn quan lại gian ác.

Theo nhà thơ Quách Mạt Nhược (Trung Quốc), Khuất Nguyên sinh năm 340 và chết năm 278 trước Công nguyên, trong thời Chiến quốc. Ông là người nước Sở, thuộc tỉnh Hồ Bắc ngày nay.

Khuất Nguyên vừa có kiến thức uyên bác vừa chú trọng tu dưỡng phẩm chất, đạo đức và có hoài bão chính trị, muốn đem tài năng phụng sự tổ quốc, đưa nước Sở trở nên giàu mạnh. Xuất thân trong một gia đình quý tộc, cùng họ với vua Sở, năm hai mươi tuổi, ông đã được giữ chức tả đồ (thấp hơn Tể tướng một bậc).

Lúc đầu, nước Sở đang cường thịnh, Sở Hoài Vương được cử làm lãnh tụ của liên minh sáu nước chống Tần (gồm Sở, Tề, Ngụy, Triệu, Hàn, Yên). Nhưng Khuất Nguyên bị bọn gian thần tìm cách hãm hại. Khi Khoảng Tương Vương lên làm vua, ông bị đầy đi Giang Nam.

Năm 278 trước Công nguyên, nước Sở, vua thì yếu đuối, ăn chơi sa đọa, không lo triều chính, bọn gian thần chỉ lo lợi ích cá nhân, hãm hại người tài, trung thần, nên nước Sở đã bị nước Tần thôn tính.

Trước cảnh nước mất nhà tan, Khuất Nguyên vô cùng đau xót đã nhảy xuống sông Mịch La (tỉnh Hà Nam) tự tử vào ngày 5 tháng 5 âm lịch. Trước đó, Khuất Nguyên có làm bài thơ “Ly tao” nổi tiếng để nói lên ý chí và hoài bão của mình. “Ly tao” dài 373 câu, là bài thơ trữ tình dài đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, là đỉnh cao nhất của thơ ca Khuất Nguyên, đã đưa ông trở thành nhà thơ lớn, danh nhân văn hóa của nhân loại.

Bài thơ “Phản chiêu hồn” của Nguyễn Du như sau (dịch):

Hồn ơi! Hồn ơi! Sao không về?

Đông, Tây, Nam, Bắc không có nơi nào nương tựa đâu!

Lên trời, xuống đất đều không được,

Về đất Yên đất Dĩnh mà làm gì?

Thành quách vẫn như cũ, nhưng nhân dân đã khác rồi,

Bụi bay mù mịt bẩn cả quần áo.

Họ đi ra ngựa ngựa xe xe, họ ở nhà vênh vênh váo váo

Đứng ngồi bàn tán tựa như ông Cao, ông Quỳ.

Hồn không thấy mấy trăm châu ở Hồ Nam đó sao?

Chỉ có những người gầy gò, không ai béo tốt.

Hồn ơi! Hồn ơi! Nếu theo đường đó,

Thì sau Tam Hoàng, không còn hợp thời nữa.

Hãy sớm thu tinh thần về với thái hư,

Đừng trở lại đây mà người ta mai mỉa.

Đời sau ai ai cũng đều là Thượng quan,

Mặt đất đâu đâu cũng là sông Mịch La.

Cá rồng không ăn, hùm sói cũng ăn,

Hồn ơi! Hồn ơi! Hồn làm thế nào?

(Theo bản dịch “Thơ chữ Hán Nguyễn Du” do Lê Thước và Trương Chính biên soạn, NXB Văn học 1978)

“Phản chiêu hồn” là một bài thơ có tứ độc đáo đặc biệt mà cổ kim không có. Thông thường thì người ta làm văn cúng tế gọi hồn về, mà Nguyễn Du lại làm thơ bảo hồn đừng về. Và Nguyễn Du đã có lý. Sự lưu truyền của bài thơ mấy trăm năm qua đã khẳng định giá trị tư tưởng và nghệ thuật của nó. Bài thơ giàu giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo.

Nguyễn Du đồng cảm với Khuất Nguyên vì hai ông đều có những hoàn cảnh bất đắc chí. Sự thối nát của xã hội thời Khuất Nguyên có khác gì sự mục ruỗng của chế độ phong kiến cuối thế kỷ XVIII thời Nguyễn Du sống. Đây là sự đồng cảm tâm hồn của hai nhà thơ lớn cách nhau hai nghìn năm. Có thể nói chỉ có thiên tài Nguyễn Du mới viết được bài thơ sâu sắc cả giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo như bài “Phản chiêu hồn”.

Dù là “Văn chiêu hồn” hay là “Phản chiêu hồn” cũng đều thể hiện tình yêu thương sâu sắc và rộng lớn của đại thi hào Nguyễn Du đối với con người. Hai bài thơ đều là hai kiệt tác trong kho tàng văn hóa dân tộc

3/2/2007
.
.