Vài ý kiến nhỏ với Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Vương

Thứ Ba, 05/01/2016, 08:00
Đọc bài "Phê phán cần sự hiểu biết", dưới có một đoạn ngắn nêu ý kiến của Giáo sư Nguyễn Khắc Phi trong Văn nghệ Công an số 266 ngày 3-12-2015, tôi đoán quý báo muốn đặt dấu chấm hết cho cuộc thảo luận chung quanh bản dịch bài "Nam quốc sơn hà" trong sách Ngữ văn 7. Đoán vậy và tự thấy cái "sự hiểu biết" của mình hạn chế lắm, song có cái gì đó cứ thôi 

Kể ra có nhiều điều muốn bàn. Chẳng hạn như về cái tên sách. Tiết kiệm được bao nhiêu mà không viết là "Ngữ văn lớp bảy" cho đàng hoàng, các vị lại bỏ chữ  "lớp" đi rồi lắp vào con số 7, hay là thời bây giờ  "số hóa", mọi thứ nên rút gọn lại!... Nhưng thôi xin bàn vào chủ đề chính.

- Việc bản dịch của hai cụ Lê Thước - Nam Trân được thay cho bản dịch cũ bài Nam quốc sơn hà đã mười lăm năm, sao bây giờ mới trở thành đề tài nóng?

Theo tôi giá đừng đặt câu hỏi này thì tốt hơn. Nhưng trót đặt rồi thì trong rất nhiều cách giải thích, nên chọn cách đơn giản nhất, phúc hậu nhất. Chẳng hạn có một vị nào đó xem sách giáo khoa của con cháu, thấy bản dịch ấy (xin gọi tắt là "bản vằng vặc") khác bài mình đã học, rất tán thưởng và vẫn thuộc lòng (xin gọi là "bản rành rành")  bèn nêu ra. Vài ba vị khác có con cháu học lớp bảy nghe vậy mới "quớ" lên, rồi người nọ truyền người kia… lại nhằm thời điểm - nói khí vô phép - ngành Giáo dục nước ta chỉ được quốc dân đồng báo đánh giá cao vừa vừa thôi, mới đây lại có chuyện "tích hợp" môn lịch sử, động đến cả Quốc hội, trong khi "Nam quốc sơn hà" đâu chỉ là chuyện văn chương mà trong lòng dân Việt Nam thì là địa giới, là bờ cõi, là "Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất", lại còn "cái lưỡi bò" toan "liếm" cả biển Đông như thế v.v… và v.v… cho nên mới rộ lên, mới bàn cãi. Thiết tưởng giải thích thế thì thấy đáng mừng, chứ không đáng giận. Giải thích theo chiều hướng tiêu cực thì lòng mình thêm nặng nề, dễ dẫn tới mất đoàn kết lắm!

- Thế nhưng đã giải thích rằng "bản vằng vặc" không phải là mới, lại do hai cụ Lê Thước - Nam Trân dịch, mà sao vẫn cứ rối lên, thậm chí có người còn cả gan nói rằng "không cần biết hai người dịch này là ai!" - thật là quá lắm!... Tôi thấy có hai điểm cần đề cập.

1) Khi có người cho rằng đây là bản mới, không biết ai dịch, thì đúng là phải trả lời thế. Tuy nhiên, cái "sự hiểu biết" của con người ta là rất có hạn, ai làm nghề gì thì hiểu về nghề ấy hơn người khác. Nếu trong ngành văn học, có ai đó không biết về cụ Lê Thước và cụ Nam Trân thì mới đáng trách chứ người ngoại đạo thì giận làm gì.

Có những kiến thức thông thường, tưởng chẳng ai lạ, ấy thế mà tôi thấy vị tiến sĩ (không phải thuộc ngành văn) thích "Truyện Kiều" nên đề cao chữ Nôm đến mức cho rằng "Thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo" cũng viết bằng chữ Nôm! Mặt khác, cách Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Vương nêu hai cụ Lê Thước - Nam Trân "là những người có quyền uy trong học thuật"… rồi tên tuổi các vị trong ban soạn sách giáo khoa (xin đọc lại Văn nghệ Công an) thì dường như Trần tiên sinh muốn khoác cho các vị rất đáng kính đó cái danh hiệu "học phiệt", đã viết, đã dịch, đã soạn,… thì "lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu" rồi, không kẻ nào được ý kiến, ý cò gì nữa!

Xin thưa: Tản Đà dịch thơ Đường nổi tiếng thế, nhưng có phải bài nào cụ dịch cũng hay cả đâu. Rồi chuyện này nữa, ông Trần sao không kể cụ Nam Trân từng làm Chánh Văn phòng Ủy ban hành chính kháng chiến liên khu V, chủ trì việc dịch hai tập thơ Đường ra tiếng Việt, duyệt bản dịch thơ Tống, có phải là dễ thuyết phục hơn cái chức "Thị lang" (có người bảo là Tá - lý) triều Bảo Đại không !

2) Để thuyết phục mọi người thì không gì hay hơn là vạch rõ "bản rành rành" thua  "bản vằng vặc" ở chỗ nào. Điều này Giáo sư Trần đã "thuyết". Nhưng thực tình tôi vẫn chưa thấy "phục". Nói rằng phải "tín, đạt, nhã", nhưng "tiệt nhiên" mà dịch là "rành rành" thì là đúng, là đạt quá chứ. Chẳng thế mà bản dịch của cụ Hoàng Đạo Thúy trong "Người và cảnh Hà Nội" (Nhà xuất bản Hà Nội, trang 99) và bài (hình như) của ông Ngô Linh Ngọc do ông Trương Nhã Thy giới thiệu trong tạp chí Hồn Việt số 99, tháng 12-2015 cũng đều sử dụng cả. "Vằng vặc" quả là rất hay, nhưng phải từ "Thiên Thư" hình dung ra "trời đầy sao" rồi từ "trời đầy sao" ra "vằng vặc" thì tôi e rằng các cụ chiến binh dưới quyền chỉ huy của Lý Tướng quân đang phải chống trả "giặc dữ", lại đang núng thế, trình độ có hạn, nếu phải giải thích mới hiểu được để nâng cao sĩ khí thì e đã vỡ trận mất rồi! Lại nữa vì băn khoăn, tôi phải vác "Từ điển Tiếng Việt" của Hoàng Phê (NXB Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học - Hà Nội 2009) ra tra thì thấy định nghĩa: "Vằng vặc: (ánh trăng) rất sáng, không một vết gợn, khiến có thể nhìn rõ các vật".

Như vậy tôi hiểu là từ này chỉ áp dụng cho trăng, e rằng nói: "sao sáng vằng vặc" có phần hơi gượng gạo chăng? Còn việc gieo vần trắc hay bằng, tôi thấy không quan trọng lắm. Thì đấy, nguyên tác bằng chữ Hán, gieo vần bằng, thế mà chẳng những động viên được các cụ ta chuyển "núng" thành thắng trên sông Như Nguyệt nghìn năm trước mà còn được lớp lớp con cháu chúng ta tự hào, ghi nhớ đến giờ và sau này nữa.

- Tất nhiên, việc soạn mọi sách giáo khoa chứ chẳng riêng sách Ngữ văn lớp bảy, là thuộc những vị "có thẩm quyền" hoặc "vào hàng có thẩm quyền". Cứ để nguyên như hiện nay hay thế nào là do các vị quyết. Tôi vốn ít học, về hưu mới có thời gian đọc sách báo, lại phải soi kính "lúp", am hiểu lõm bõm, chỉ nghĩ rằng giá cứ cho các cháu học nguyên tác, giảng nghĩa chữ Hán cho các cháu hiểu, rồi chọn ra vài bài dịch cho các cháu tham khảo, có lẽ cũng tốt.

Đinh Khắc Phách
.
.