Ươm thước phim nâng “búp trên cành”

Thứ Bảy, 15/04/2017, 08:00
Đầu tháng 4, phim ngắn "Không ai biết" của chàng đạo diễn trẻ măng Nguyễn Phương Phi (Pil Nguyễn) thu hút sự chú ý, quan tâm của những người yêu điện ảnh khi ra mắt tại Salon Văn hóa Cà phê thứ 7, TP Hồ Chí Minh. 


Vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em mà thời gian gần đây dư luận liên tục lên án dữ dội được đưa lên phim một cách xót xa, đầy ám ảnh. Nhân vật chính trong phim là Duyên. 12 năm nuôi nấng bé Quỳnh - kết quả của lần Duyên bị cưỡng hiếp - là 12 năm cô lánh xa tình yêu của Thịnh. Nỗi đau xưa chưa bao giờ buông tha cô.

Dù không nên nghĩa vợ chồng nhưng Thịnh vẫn bên cạnh Duyên như một người hàng xóm tốt bụng. Một hôm Khôi - cậu thanh niên xóm dưới - đến chơi sau nhiều năm đi du học. Duyên mời Thịnh và Khôi ở lại nhà mình ăn bữa cơm thân mật.

Trong lúc chờ Duyên đi mua thêm rượu, Thịnh đã say bét nhè, Khôi bị mẹ gọi về có việc gấp. Trở về nhà, nghe tiếng la thất thanh của con mình, Duyên chạy vào thì nhìn thấy cảnh bé Quỳnh hoảng hốt, xô Thịnh té ngã trên sàn nhà.

Trong cơn hoảng loạn, bé Quỳnh chạy thẳng ra ngoài đường và bị xe tông chết. Quá đau lòng, Duyên hóa điên. Không ai biết chuyện gì đã xảy ra? Không ai biết nụ cười nham hiểm và ánh mắt dã thú sau lưng bé gái? Để rồi kết phim mở ra một sự thật bất ngờ đáng sợ …

Cảnh trong  "Không ai biết" - phim ngắn lên án nạn xâm hại tình dục trẻ em của dự án "Xi-nê cho bạn" (CFU). 

"Không ai biết" là tác phẩm tiếp theo của Pil Nguyễn sau thành công của "Con yêu mẹ" - phim ngắn đoạt giải nhất tại cuộc thi làm phim chống định kiến về giới "Bình thường hay bất thường" do tổ chức Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp cùng VTV6 tổ chức năm 2016. "Không ai biết" không quá xuất sắc về khâu kỹ thuật, diễn xuất nhưng vẫn đủ sức khiến khán giả giật mình trước vấn nạn âm ỉ đau nhức trong ngõ quê, góc phố tưởng như yên bình.

Phim ngắn này cũng chính là bước khởi động cho dự án "Xi-nê cho bạn" (Cinema for you - CFU) của nhóm bạn trẻ do Pil Nguyễn đứng đầu. Đây là một dự án phi lợi nhuận vì cộng đồng được hình thành trên ý tưởng muốn tạo ra các sản phẩm phim ảnh vừa mang tính giải trí vừa mang tính giáo dục dành cho mọi lứa tuổi. Trong đó, dự án chú trọng những sản phẩm chuyên biệt dành cho thiếu nhi - độ tuổi cần được trau dồi kiến thức thực tế bổ ích để có thể vận dụng trong đời sống, đặc biệt là các em thiếu nhi ở vùng sâu, vùng xa.

Pil Nguyễn tâm sự: "Trong nhiều năm công tác ở lĩnh vực truyền hình, tôi thấy rằng chương trình bổ ích dành cho trẻ em trên các nhà đài rất hiếm hoi. Trong khi cuộc sống xung quanh có nhiều câu chuyện vừa dễ thương, vừa giản dị, đời thường mà lại có ý nghĩa giáo dục cao nên tôi muốn dựng chúng thành phim như một cách giúp các em vừa giải trí, vừa học được nhiều điều hay.

Bây giờ, hàng loạt vấn đề thời sự nóng nổi lên, nhiều người cho rằng đó là chuyện to tát mà chỉ người lớn mới được can dự. Nhưng trẻ em cũng rất cần được biết những vấn đề đó, không phải qua khẩu hiệu đao to búa lớn mà qua những câu chuyện rất gần gũi. Chẳng hạn vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em, chuyện môi trường bị ô nhiễm, bất bình đẳng giới…".

Đi về vùng sâu vùng xa, chứng kiến đời sống tinh thần và môi trường giáo dục của các em nhỏ còn nhiều thiếu thốn, khó khăn, nhóm càng quyết tâm bắt tay thực hiện dự án. Mong mỏi làm sao CFU giúp dân trí được nâng cao, ước mơ của các em thiếu nhi ở mọi miền được nuôi dưỡng, chắp cánh....

Để "nuôi" dự án, các bạn trẻ tự bỏ tiền túi từ công việc chuyên môn của mình như đóng kịch, làm truyền thông, quay phim, chụp hình... Thử thách, khó khăn luôn chồng chất vì tất cả các khâu, từ đạo diễn, quay phim đến giới thiệu, phát hành… nhóm đều phải "tự bơi".

Pil Nguyễn cho hay dù kinh phí hạn hẹp, nhưng nhóm vẫn cố gắng trong một năm sẽ sản xuất ít nhất ba sản phẩm phim ngắn. Phim sẽ được chiếu miễn phí trên các kênh online (YouTube, mạng xã hội,...),  đài truyền hình, trường học, trung tâm công cộng... Sau "Không ai biết", dự kiến cuối tháng 5, CFU sẽ cho ra mắt phim về đề tài thiên nhiên mang tên "Người bạn nhỏ".

Rõ ràng đây là tâm huyết ấp ủ từ lâu của cả nhóm chứ không phải cuộc chơi ngẫu hứng bởi dự án có sự đồng hành của ban cố vấn hẳn hoi. Họ là TS Quách Thu Nguyệt (Phó Giám đốc Công ty Đường Sách TP Hồ Chí Minh); TS Huỳnh Văn Thông (Trưởng khoa Khoa Báo chí - Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh); đạo diễn, NSƯT Trung Dân; Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm… Ngoài cố vấn, gợi ý về mặt chuyên môn, NSƯT Trung Dân còn kêu gọi giới nghệ sĩ hỗ trợ CFU.

Nói về dự án này, TS Quách Thu Nguyệt đặt rất nhiều kỳ vọng và sẵn sàng trở thành một Mạnh Thường Quân hỗ trợ lâu dài. "Tôi thấy là một dự án quá hay vì nó chọn những vấn đề thời sự nóng hổi mà cộng đồng đang quan tâm để làm phim ngắn cho thiếu nhi. Các bạn nên đi sâu mảng đề tài giáo dục cho thiếu nhi bởi lâu nay việc giáo dục của chúng ta quá khô khan, không hiệu quả. Phim  dễ thấm vào các em. Làm được vậy là các bạn đã góp sức rất tốt cho việc đổi mới giáo dục" - bà nói.

Đứng ở góc độ tâm lý, Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm phân tích: "Xã hội ngày nay có rất nhiều vấn đề bức xúc mà cả cộng đồng lên án. Nhưng nếu như chúng ta chỉ mãi phàn nàn thì nó sẽ nhân lên nguồn năng lượng tiêu cực. Chúng ta nên bắt tay làm một hành động tốt đẹp gì đó, dù là bé nhỏ nhưng nó sẽ góp phần tạo nên nguồn năng lượng tích cực trong cộng đồng để từ đó tác động tốt đến hành vi của xã hội. CFU là một dự án có ích nhưng nhóm đang đơn độc. Trăm tay mới vỗ nên kêu, nên tôi mong mọi người cùng góp sức để CFU có thể "sống" và trở thành một dự án dài hơi".

Nguyễn Trang
.
.