Ứng xử thế nào với di sản văn hóa?

Chủ Nhật, 22/04/2018, 08:30
Di sản là những hiện vật có từ quá khứ, kết tinh giá trị trong thời gian để rồi trở thành bản sắc, là hồn cốt, là “mã” văn hoá riêng của một dân tộc. Di sản là thông điệp từ lịch sử, tính độc bản và nguyên bản càng cao thì tính thông điệp càng rõ...


Thông qua di sản, người hiện tại biết được phần nào đời sống văn hoá tổ tiên mình, hiểu được tâm hồn, suy nghĩ, lối sống của cha ông mình, từ đó phải có trách nhiệm kế thừa, duy trì, bảo tồn, không chỉ làm giàu cho văn hoá đương đại mà còn trao truyền, để dành cho thế hệ mai sau. Là tài sản chung của cộng đồng nên mọi công dân đều có trách nhiệm và nghĩa vụ trân trọng, bảo vệ di sản. Thế nên ứng xử với di sản là ứng xử với truyền thống tổ tiên, với các thời đại và với chính bản thân mình.

Nhân loại càng ngày càng thấy rõ hơn di sản văn hoá là những giá trị lớn, đặc sắc, độc đáo, không lặp lại. Một nước có nhiều di sản luôn được thế giới ngưỡng mộ vì sự đa dạng văn hoá, giàu có bản sắc, do vậy sẽ có nhiều khách du lịch, tự nhiên di sản lại mang ý nghĩa kinh tế cao...

Gắn với quan niệm di sản là kết tinh những giá trị từ quá khứ, là thông điệp của các đời trước, những năm gần đây, xu hướng chung của thế giới ứng xử với di sản thiên về coi đó là những giá trị tâm linh, khác và vượt xa các giá trị vật chất đương thời.

Hoàng Thành Thăng Long - di sản Văn hóa Thế giới.

Không hề là sự mê tín cực đoan mà thực sự khoa học khi nhìn nhận di sản mang tính thiêng, là tiếng nói truyền lại từ lịch sử, như một câu thơ của Nguyễn Đình Thi “những buổi ngày xưa vọng nói về”. Từ điểm cơ bản này mà người ta nhìn di sản khác và sâu sắc hơn.

Trước hết là tri thức về đời xưa, qua “giải mã” một cách hệ thống di sản có thể hình dung cuộc sống sinh hoạt thời trước thế nào, ước mơ khát vọng ra sao... Là ý nghĩa giáo dục về lòng yêu nước, yêu quê hương bản quán mình, trân trọng giá trị cội nguồn... Là nguyên tắc bảo tồn, gìn giữ di sản, nếu buộc phải “trùng tu” cũng là một cách phục dựng như vốn có. Là bảo vệ di sản như là một tài sản quý giá nhất vì không lặp lại, không thể làm mới, do vậy những hành vi viết, vẽ, chạm, khắc... lên di sản là một hành động xâm phạm tài sản, ngoài xử lý hành chính có thể phải chịu trách nhiệm hình sự (như luật pháp nước láng giềng Singapore).

Hành vi phá hoại di sản phải được coi như là hành động phản bội quá khứ tổ tiên, phản bội lịch sử văn hoá cần được lên án nghiêm khắc... Là tính chất “quả báo” của di sản. Không ngẫu nhiên những câu chuyện về sự xâm phạm giấc ngủ vĩnh cửu của các Pharaon (các vị vua Ai Cập cổ đại), vô tình hay hữu ý được loan truyền rộng rãi, chính là một hướng đi của triết học tâm linh có mục đích báo động con người phải biết thành tâm kính trọng và trân trọng di sản. Con người sẽ bị trả giá một khi bị “di sản nổi giận”, như thiên nhiên đang nổi giận vì con người đã xúc phạm thiên nhiên!

Năm 1955, một đoàn văn nghệ miền Trung ra thăm Bác Hồ. Một ca sĩ hát câu “Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục…”, Bác Hồ chữa ngay: “- Ở Nghệ An, người ta gọi là “nác” chứ không phải là “nước”. Một nghệ sĩ hát “Lưng dài có võng vòng tôm”, Người cũng sửa ngay: “Lưng dài có võng đòn cong”. Nghệ sỹ hát tiếp bài khác: “À ờ ơ ...ru em em ngủ cho muồi...”, Bác cười và nói phải hát là: “Ru tam tam théc cho muồi...”. Vì tiếng miền Trung, “tam” có nghĩa là “em”; “théc” có nghĩa là “ngủ”. Nghệ sỹ hát tiếp: “Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu...”. Bác lại sửa: “Để mạ chứ không phải để mẹ”. Nghệ sỹ sửa và hát: “Mua cau chợ Sải, mua trầu chợ Dinh”. Bác cười: “Mua cau Cam Phổ chớ không phải chợ Sải” (Theo “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ...”, NXB Hội Nhà văn, 2010, tr 360, 361).

Không chỉ là câu chuyện Bác Hồ có một trí nhớ siêu việt hay sâu sắc một tình yêu tiếng quê hương, đây là bài học tuân theo nguyên tắc căn bản của folklore học: nó như thế nào thì giữ nguyên dạng như thế. Đấy cũng chính là bài học về ứng xử văn hoá với di sản mà hiện nay thế giới đang phát động. Qua đây càng thấy Bác Hồ là nhà văn hoá lớn ngay từ những chi tiết văn hoá nhỏ nhất.

Đã gọi là di sản thì phải được công bố với thế giới, để được khẳng định giá trị, để thu hút khách du lịch. Năm 1974, tại tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) bắt đầu phát hiện Khu di sản văn hoá Lăng mộ nhà Tần (770-221 TCN) được coi là “kỳ quan thứ tám” của thế giới. Từ đó đến nay, có hàng triệu, triệu du khách đến tham quan. Nhờ hiện tượng này, ngành Du lịch Trung Quốc như hái ra tiền, văn hoá Trung Quốc được cả thế giới ngưỡng mộ, đề cao...

Có nguyên nhân chính là tự thân Di sản Lăng mộ với những hình tượng người và ngựa cực kỳ sinh động, đa dạng hấp dẫn người xem, nhưng còn nhờ tài quảng bá rất khéo của chính quyền và giới văn hoá Trung Quốc khi đó. Trước hết là có bài giới thiệu tầm quốc tế, mà cụ thể là nữ nhà báo (Athơ Litua) người Mỹ gốc Trung Quốc (vừa giỏi tiếng Anh vừa am hiểu sâu văn hoá Trung Hoa) viết bài đăng trên một tạp chí có uy tín của Mỹ (National Geographic).

Tiếp theo là mời các chính khách nổi tiếng thế giới đến tham quan, như Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu (đến tháng 4/1976); Phó Thủ tướng Pháp Chirac (đến tháng 9/1978); Nguyên Ngoại trưởng Mỹ H. Kissinger (đến tháng 4/1979)...

Các vị này đều có những lời “giới thiệu không công” mà rất hiệu quả với những tính từ lấp lánh mời gọi như “kỳ tích”, “kinh ngạc”, “có một không hai”... Cũng qua đây để lại một bài học là không nguyên tắc quá khi bảo tồn di sản, nhất là với các trường hợp đặc biệt. Như câu chuyện năm 1984, cựu Tổng thống Mỹ R. Reagan khi tham quan đã đề nghị được “sờ” con ngựa.

Lễ hội đền Hai Bà Trưng nhận bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể.

Theo nguyên tắc thì “không được sờ vào hiện vật” nhưng với vị khách đặc biệt này thì được phép. Thế là chỉ một hành động của ông khi sờ chân ngựa rồi vội rụt tay lại và một câu nói: “Nó đá tôi à?” trở thành “lời “quảng cáo” đắt giá nhất thế kỷ”. Dĩ nhiên đây là trường hợp đặc biệt, ngoại lệ!

Với bất kỳ nước nào thì bảo tồn, giữ nguyên vẹn, trùng tu di sản là việc làm cực kỳ nan giải. Tổ chức UNESCO năm 2016 từng đưa ra 55 địa điểm di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới có nguy cơ bị đe dọa và đề nghị các quốc gia có những biện pháp khẩn cấp ngăn chặn. Đã có nơi UNESCO phải ra Nghị quyết “tước” danh hiệu di sản thế giới. Dưới đây xin giới thiệu cách ứng xử với di sản ở một vài nước được coi là đi đầu trong việc giữ gìn văn hoá truyền thống.

Bài học Hàn Quốc được nhiều nước học tập kinh nghiệm. Một là, qua việc tổ chức các kỳ thi với hình thức đa dạng tìm hiểu về di sản (sáng tác văn, thơ, hoạ, nhạc, phóng sự, tuỳ bút...), tổ chức rất rộng rãi cho nhiều đối tượng tham gia, giải thưởng rất hấp dẫn. Hai là, chính quyền có kế hoạch tổ chức hằng năm các sự kiện liên quan đến di sản. Qua những hình thức này, không chỉ người dân bản xứ mà cả khách tham quan, du lịch cũng hiểu di sản hơn về lịch sử, ý nghĩa, giá trị văn hoá cũng như kinh tế..., nhất là nâng cao ý thức bảo vệ di sản.

Ấn Độ tuy còn nghèo nhưng sẵn sàng chi rất nhiều tiền để xây dựng “con đường di sản” gắn nối hơn 30 di sản trong thành phố Thủ đô New Delhi. Ở các tỉnh địa phương, chính quyền cho xây dựng (hoặc chính quyền bỏ tiền hoặc theo hình thức xã hội hoá) các tuyến phố đi bộ thuận tiện cho việc tham quan, du lịch, tìm hiểu. Thế là khách tham quan vừa được biết một cách hệ thống không gian vật lý di sản và hiểu sâu hơn lịch sử cũng như ý nghĩa các di sản.

Nhật Bản lại là bài học về giáo dục ý thức cho người dân từ khi là học sinh trong nhà trường. Học sinh Nhật Bản ở bậc tiểu học đã được giáo dục khi đến tham quan di sản phải cởi bỏ giày dép cất vào nơi quy định, phải xếp hàng, im lặng, thành kính, trang nghiêm, không cười nói, tuân thủ tuyệt đối của quy định và hướng dẫn viên... Sau đó nhà trường khuyến khích mỗi học sinh viết bài “luận” nêu lên suy nghĩ về di sản ở ý nghĩa văn hoá, cách bảo vệ, giữ gìn...

Thế nên dễ hiểu, đến Nhật Bản, bất cứ công dân Nhật nào cũng có thể là một “hướng dẫn viên du lịch”, có thể chưa thành thạo nhưng rất tâm huyết. Một tâm huyết mà bất cứ một nền văn hoá nào cũng mong muốn có được!

Nguyễn Thanh Tú
.
.