Tuổi thơ của mỗi người

Thứ Sáu, 10/05/2019, 08:43
Thuộc về một vùng đất thoạt nghe đã phải ganh tỵ. Không người Việt nào không biết đến hoặc mường tượng ra. Nó lấp lánh vị thế và vang vọng trong những áng văn, những câu thơ bất hủ.


Một sự may mắn trời đãi ư? Không, khí thiêng sông núi không đùa, tác giả ngay từ đầu không định một thể loại văn học nhiều thách thức. Và cuối cùng, một hồi ức ra đời, thuần túy hồi ức dài chín chương từ một rẻo đất tí tẹo khiêm nhường dưới cái gầm bao la bát ngát của những cái tên dậy lên cảm xúc linh thiêng: Ba Vì - Sông Đà - Sơn Tây - Đường Lâm.

Tôi không nhớ nổi số lần ngồi ôtô với chồng và bạn bè lên đỉnh Ba Vì, bởi chúng tôi mê nó như mê ngón chân cái Đất Mũi. Hơn thế, Ba Vì có thể sánh ngang với Chi Lăng (Lạng Sơn), Cao Bằng ở tầm vóc tâm linh.

Cũng đã không ít lần ngắm sông Đà đổ dốc và nghe lòng mình cũng dốc ra bao điều tâm tư, thế sự. Và rêu phong thành hào rồi cả bọn sà xuống bờ đê vạm vỡ những gốc nhãn để ngâm nga "Đôi mắt người Sơn Tây" của Quang Dũng, để nghe trong gió đồng bằng thoảng mùi tương Bần, lúa nước, mồ hôi, đàn bà…

Nhà báo, nhà văn Đỗ Doãn Hoàng.

Tuổi thơ của mỗi người là một cuốn sách. Nhà văn khác người không có thiên tư văn chương ở chỗ, họ đau đáu với gánh tuổi thơ của mình một cách day dứt, quẳng đi hay viết ra? Tác giả đã ở vào tâm thế thoải mái một cách mãnh liệt khi ghi rằng "Giờ bà đã mất, những dòng này xin kính tặng Mẹ và gửi hai em". Tự do đã có, do mình xác định, vấn đề là viết ra như thế nào. Và nhà báo - nhà văn Đỗ Doãn Hoàng đã không ngần ngại gì cả, viết ra bằng hết, một lần, một lần cho mãi mãi về cái Búi Thông và những gì liên quan ở đó.

Mẹ mà nhà văn kính dâng hồi ức là dân nông trường, quà cho con mỗi ngày chỉ có "mỗi cái mệt" trong khi người cha được cố tình cho mờ nhạt vì cha phải ở Đường Lâm với sở thích "rong chơi lương thiện" của ông. Hai đứa em, út Huyền mới năm tuổi hay dùng mấy ngón tay bắt chước con sâu đo để đo đất, riêng em Phương chỉ nhỉnh hơn út có một tuổi đã phải bò vào gầm giường mỗi ngày lục xem những củ khoai sọ thối mủn để ăn trước, bởi khoai phải dành cho ngày giáp hạt nên "bà cháu tôi ăn vãn cả mấy gậm giường mà chưa bao giờ dám ăn một củ khoai lành". Nhân vật Tôi chín tuổi khi thiên hồi ức bắt đầu, một con kiến dưới trái núi cuộc sống nên Tôi đã là một người đàn ông kỳ lạ, tháo vát, thiên lương, trong thân xác một cậu bé.

Giờ bà đã mất. Không, Đỗ Doãn Hoàng ạ, bà không mất, bà đã sống lại, bà vẫn còn và sẽ còn từ những trang viết cực kỳ chân thực của cái đứa mà bà gọi là "thằng Goàng" do phát âm không chuẩn tên cháu ngoại mình.

Nhân vật bà ấy khiến cho người đọc ngạc nhiên bởi cung cách và nội tâm nặng như đá tảng và là một cột thu lôi giữa thiên nhiên kỳ thú được một đứa cháu vừa hoang dại vừa mẫn cảm xoay quanh. Những ngày đó đã không hoàn toàn cay cực, nghiệt ngã như khi nhà văn tương lai cả quyết rằng đó là "chốn bí ẩn và đáng oán giận nhất của tuổi thơ tôi".

Người bà ở đây đã hiện ra xuyên suốt với đồi Lốc, chằm Thụt, đá Chông, bới tre, lá lẩu… Bà không vắng bóng ở chương nào và bà cũng cổ quái như thiên nhiên vây hãm số phận bà. Không chỉ bởi tác giả công phu mà vì thực sự người bà ấy có một cuộc đời vô song, có đôi tay đôi chân được mô tả mà tôi chưa gặp cái gì tương tự ở những trang sách mình đã thích, bà còn có căn bệnh dạ dày kinh niên cũng chưa thấy ai viết kiểu Đỗ Doãn Hoàng và, chính bà cũng sở hữu tình yêu hun hút, khó lường như lòng giếng với cô con gái độc nhất, là mẹ của tác giả.

"Bà không nhìn thấy chân mình, nhưng bàn chân vẫn phải dò dẫm di chuyển dọc các luống chè. Tay bà to ráp, nứt nẻ, huơ huơ trên những ngọn chè…"; "Bùn và nhựa chè gặp nhau không biết nó phản ứng hóa học hay lý học thế nào mà màu đen của da thịt người khi ấy thật quái quỷ"; "Trong những trưa nắng, ngồi nhụt chè vào đôi bàn chân hộ pháp đen đúa của bà, thỉnh thoảng tôi cứ nghĩ đôi chân đó thực ra là một… đôi bàn tay.

Bởi nó khéo léo và khôn ngoan vô cùng. Chân bà to, bè, mỏng, ngón cái và ngón út cùng xòa ra như một thế đứng vững chãi. Giữa các ngón chân da thịt bủng nhầy có một lớp màng như chân vịt"; "và bàn tay bà cùng đen nhẻm nhựa chè pha bùn non, màu ấy ở ống chân có vẻ nhạt đi một chút thành màu thâm.

Nhưng bù lại, những chỗ nứt nẻ thành hố rãnh, thỉnh thoảng chảy nước vàng vàng ra kia thì màu đen của nó lại rất đậm, đậm như có ai khoét hố để đổ mực tàu vào, chuẩn bị tí toáy vẽ hình xăm trên tay chân bà tôi vậy". 

Và đây là kiểu tự vệ của bà với căn bệnh dạ dày:

"Bà nhắm nghiền mắt, bà không trông thấy tôi, tôi ngồi lên lưng bà…"; "Hoàng, mầy đấm cho tao, để tao chết à? Ối giời ơi, ối ông Nam Tào Bắc Đẩu ơi, cho con chết đi. Chết cho nó đoạn đời đoạn kiếp đi. Chết cho khuất mắt thiên hạ đi. Nó không đấm cho tôi nữa, ối giời ơi…"; "Mỗi hôm bà nghĩ ra một giải đáp cho câu hỏi sẽ chôn bà ở đâu. Tôi lao lên ngồi lên bụng bà, lần này là đấm bụng. Cả đấm lưng và đấm bụng thi nó vẫn dính cái dạ dày hay cái hành tá tràng gì đó ở trong bụng bà…".

Bìa tập sách mới của Đỗ Doãn Hoàng.

Và đây là cách người đàn bà "cổ quái" ấy đối với những ống thuốc của bệnh viện: "Những ống thuốc nhọn hai đầu như một quả bom trắng được bà kê vào những đầu ngón tay chai đến phẳng lì không mọc được móng ấy, bà bẻ đánh khục, rồi dốc tọp tọp vào cổ họng. Bà uống thuốc không thương tiếc, như là uống bù cho bảy mươi năm không phải viện tới bất kỳ liều thuốc nào"; "Chết thế đếch nào được. Tao uống cho con mẹ mày nó đỡ khóc thôi mà!".

Cuối cùng, bà trốn viện, hành động nổi loạn ngang với nàng Scarlett O'hara, duy nhân vật thì không mưu kế, không đỏm dáng gì sất, bà tham công tiếc việc, bà mê những mái đồi, bà sợ những vườn chè sủm cỏ, bà về với một bao tải cà nén mua ở chợ Sơn Tây, thứ cà mà bà phải sửa sang bằng gọt rũa lại, ướp một lớp cà ba lớp muối: "càng để càng ngon, mà nhà có cháy thì cháy chứ cái vại cà bằng sành và hòn đá nén có đốt chúng cũng chả làm sao!".

Đây nữa, đoạn khác về một lần bất tỉnh của bà: "Bà thiêm thiếp nghiêng sang một bên, vai bà vẫn đeo cái sọt chè màu nâu nhẵn bóng. Những búp chè khỏe khoắn nằm lồng phồng bên cạnh. Một phần mái tóc bạc của bà bị chìm dưới những vốc chè vương vãi. Tôi cũng đã từng nằm trên nong chè búp tươi như thế…"; "Tôi rùng mình nhận ra rằng, cuối cùng thi bà cũng đã không đi hết được những đồi chè miên man của phận mình. Và mẹ tôi, tuổi thơ tôi đều là một phần của những luống chè dang dở đó".

Một vùng đất lợi thế sẽ không còn là lợi thế nếu nhà văn nông và nhạt. Tác giả đã tận lực và đã làm cho sông suối núi đồi, làm cho cái giếng búi tre bờ cỏ, làm cho đàn ông đàn bà bạn bè xóm trại Búi Thông ấy u buồn hơn, hoang sơ hơn mà cũng sức vóc, lộng lẫy hơn với tiêu chí văn học. Cuối cùng, đến tuổi trung niên, nhà văn đã gọi đó là "ấn tượng bãi đẻ" khi ví mình như chú rùa biển giữa đại dương luôn nhớ về, luôn hướng về, luôn khắc ghi cái bãi cát đã ấp ưu nuôi dưỡng mình.

Vẫn tiếc, chất liệu ngồn ngộn kinh hoàng và độc đáo này mà viết thành tiểu thuyết thì cái giếng ấy sâu hơn, cây ổi cây mít ấy tỏa bóng hơn, nương ngô đồi chè đậm đà hơn và chắc chắn, các nhân vật sẽ sinh động hơn nữa, do vậy sức bền của tác phẩm sẽ vững hơn. Nhưng các nhà báo thường kêu bận, dấu ấn người thật việc thật của nghề báo khiến tác giả quen viết nhanh và việc viết không hư cấu khiến họ viết dễ hơn. Tiểu thuyết cần tư duy ở tầm mức khác, giữa các dòng chữ sẽ là sự thoáng đãng của mọi thứ để cho cảm xúc và chiêm nghiệm của người đọc được tham dự vào, như một bữa tiệc không chỉ có các món ăn.

Đành vậy. Và dù sao, "Búi Thông thơ dại" đã rất xứng đáng với sức nặng của một thể loại hồi ức, vâng, đây là một hồi ức rất văn chương, rất đáng ghi nhận và khâm phục.

Dạ Ngân
.
.