Từ xả stress đến “cái bắt tay vàng”

Thứ Hai, 20/03/2017, 08:01
Theo số liệu Bộ Công Thương mới công bố, sản lượng bia tiêu thụ năm 2016 của Việt Nam đạt gần 3,8 tỷ lít, tăng gần 12% so với năm 2015. Thống kê cũng cho thấy, nếu như năm 2008 Việt Nam mới đứng thứ 8 châu Á về tiêu thụ bia, thì 8 năm sau đó (năm 2016) đã vươn lên vị trí thứ 3, sau Nhật Bản và Trung Quốc. 

Căn nguyên nào đã khiến người Việt ngày càng uống nhiều bia và kèm theo đó là tệ nạn cán bộ nhân viên tụ tập liên hoan nhậu nhẹt, đàn đúm cà phê, hát karaoke ngày càng tăng như vậy?

Từ góc nhìn tâm lý xã hội

Jem G.March, nhà nghiên cứu văn hoá xã hội trong tổ chức của Mỹ đã đưa ra thuật ngữ “tránh bất định” để xử lý những vấn đề có tính rủi ro khi đối mặt với tính bất định. Cảm giác bất an ở mỗi xã hội có những nguồn gốc và biểu hiện khác nhau, được lưu truyền và củng cố thông qua các thể chế cơ bản như gia đình, xã hội và nhà nước.

Tâm lý “tránh bất định” vốn là một phần trong bất kỳ con người, tổ chức và dân tộc nào, cốt lõi chung của nó là tâm lý cảm thấy bị đe dọa trong những tình huống mập mờ, xa lạ, muốn có thể tiên đoán được tương lai, muốn có những quy định rõ ràng thành văn hoặc bất thành văn trong xã hội. Tuy nhiên, mỗi xã hội đều có những giải pháp riêng, tập tính riêng gắn với tôn giáo, công nghệ và lối sống để xoa dịu nỗi lo về sự bấp bênh, bất định, khó lường của cuộc sống bản thân và gia đình mình.

Những năm 1970, chuyên gia tâm lý người Ireland Richard Liynn đã công bố kết quả cuộc nghiên cứu có quy mô lớn ở 18 nước phát triển về các hiện tượng liên quan đến trạng thái lo âu như tỷ lệ tự sát, nghiện bia rượu (tính bằng tỷ lệ tử vong do xơ gan), tỷ lệ tử vong do tai nạn và tỷ lệ người đi tù trên 10.000 dân  số.

Tất cả các tỷ số này được gộp lại thành một tỷ số mà ông gọi là lo âu hoặc loạn thần kinh. Một số tỷ số khác như tỷ lệ dùng caffein (trong cà phê và trà), tỷ lệ tử vong vì bệnh tim, tái phát các chứng loạn thần kinh mạn tính...

Kết quả cho thấy những nền văn hoá lo âu thường có xu hướng là những nền văn hoá diễn cảm tốt, mọi người hay dùng tay khi nói, là nơi xã hội chấp nhận để người dân nói lên tiếng nói của mình để biểu lộ cảm xúc, để đấm bàn.

Cảnh ăn nhậu ngày càng “phát triển'' ở nước ta.

Ở các xã hội này, người dân luôn tìm kiếm cơ cấu trong tổ chức, trong thể chế và các mối quan hệ xã hội để giúp các sự kiện được trở nên rõ ràng, dễ hiểu và có thể dự đoán được. Ở những nước lo âu thấp, thái độ phản ứng không được bộc lộ ra ngoài, căng thẳng nén vào trong, những người ồn ào hoặc dễ xúc động thường bị xã hội phê phán, thì đều tiêu thụ một lượng lớn chè, cà phê… các chất chứa caffein và đều có nhiều người chết vì bệnh tim.

Người Việt từng có một giải pháp nhân loại kính trọng trong kỷ nguyên bất định là giải pháp anh hùng thời chiến tranh. “Phiêu lưu trong cái bất định nhằm tạo ra những nguyên tắc trong một môi trường không thể dự đoán được và xa lạ. Nó mang lại cho cái không xác thực một lời giải đáp có tính anh hùng” (Alian Enreirg).

Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, sự bất định có chiều hướng tăng lên trên phạm vi nhân loại thì con người không thể dùng lại các giải pháp thời chiến tranh lạnh, mà phải có những giải pháp tương thích. Tụ tập, nhậu nhẹt, buôn chuyện trên trời dưới đất cũng có thể coi là một giải pháp chống lại sự lo âu, bất an trong một thời đại chuyển đổi nhiều giá trị trên phạm vi thế giới và đối mặt nhiều thách thức trong cuộc sống hàng ngày.

Còn gì dễ chịu hơn khi tụ tập với nhau ở quán rượu, quán bia để xả nỗi lo lắng về một vị Tổng thống mới đầy bất định của Hoa Kỳ hay một quyết định tăng giá xăng dầu, điện... bất chợt từ các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ?

Từ góc nhìn về các nhóm lợi ích

Có ý kiến biện hộ cho việc các quan chức, nhân viên thường kéo nhau từ công sở ra quán nhậu, rồi hát Karaoke, say bét nhè, đánh chửi nhau, chết cháy… rằng đó là nhu cầu công việc. Họ dẫn ra sách “Đừng bao giờ đi ăn một mình” của hai tác giả Keith Ferrazzi & Tahl Raz để nói về sự hữu ích và thiết thực của việc vận dụng giao tiếp và những mối quan hệ để đạt được thành công không chỉ trong lĩnh vực kinh tế. Nhưng họ ngụy biện vì những người gọi là “đối tác” thực ra nhiều khi chỉ là một bên thôi, vì hầu hết những cuộc nhậu nhẹt kéo dài của cán bộ nhân viên không phải là tiếp khách.

Chính những cuộc nhậu nhẹt, tụ bạ nhân danh tiếp khách này đã đẻ ra những con số tiếp khách cơ quan lên đến ba, bốn tỷ. Những con số chi tiêu vô tội vạ nhân danh giao tiếp, kết nối quan hệ đó của các doanh nghiệp nhà nước sẽ góp vào kết quả thua lỗ, và cuối cùng lại tăng giá sản phẩm để bù vào thua lỗ bằng lợi thế của doanh nghiệp quốc doanh.

Có ý kiến biện hộ rằng người Nhật Bản, người Hàn Quốc và Đài Loan vẫn được phép uống say cùng đồng nghiệp sau giờ làm. Nhưng thực chất, những cuộc rượu say tràn cung mây đó có gốc rễ từ quan hệ cấp trên cấp dưới ở các nước này.

Theo Geert Hofstede và cộng sự, trong những cuộc say sưa này, nam giới thả rông thái độ khiêu khích, hiếu chiến bị dồn nén, thậm chí không kiêng nể cả cấp trên; tuy nhiên, ngày hôm sau đi làm việc, mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Những buổi nhậu nhẹt như vậy phản ánh một trong những nơi được thể chế hoá đồng thời là thời gian để giải toả tâm lý lo âu”. 

Ở Việt Nam, tình trạng quan chức và nhân viên các cơ quan, doanh nghiệp thường xuyên kéo nhau đi nhậu nhẹt cả trong và ngoài giờ hành chính vừa phản ánh một tệ nạn xấu, một thái độ lao động không nghiêm túc, vừa có dấu hiệu sinh hoạt nhóm lợi ích mà người ta vẫn gọi là “Cái bắt tay vàng”.

Nếu lần ngược lại những khuôn mặt ngồi trong các phiên toà xử tội thất thoát và tham nhũng và những ekip thường xuyên ngồi tiệc tùng bù khú, karaoke với nhau thì sẽ thấy hai nhóm người hầu như là một. Không phải ngẫu nhiên Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đưa các hành vi “Đánh bạc, rượu chè bê tha” vào danh mục các tệ nạn suy thoái cần chấn chỉnh. Vì những nhân cách bê tha, bệ rạc khi câu kết với nhau thường xuyên trong một nhóm quyền lực mang tính hợp tác có thể là mầm mống của các nhóm lợi ích khủng sau này.

Theo các tác giả Bill Geogre và Peter Sims, các lãnh đạo theo phong cách hợp tác là những người tạo ra sự trung thành, tin cậy và lệ thuộc lẫn nhau với các nhân viên trong một nhóm. Những nhân viên thường xuyên tham dự các cuộc nhậu nhẹt, hát karaoke… với sếp bằng tiền của nhà nước với những chứng từ tiếp khách giả sẽ là thành viên của ekip tham nhũng bán công khai.

Nếu những nhân viên này bỏ tiền ra chiêu đãi sếp và ekip triền miên để mua một lời hứa cho sự nghiệp tương lai hay để chia bơi món tiền mình biển thủ thì, theo lý thuyết trò chơi, sẽ là người chịu nhiều rủi ro. Vì những lời hứa rõ ràng hay những thoả thuận ngầm theo lẽ thường “Ông đưa chân giò, bà thò chai rượu” đều không có những ràng buộc về sự trừng phạt kèm theo. Tất cả chỉ phụ thuộc và tín tâm trong thời buổi vật thế chấp bằng lương tâm của những kẻ lạm quyền, bán quyền, tham nhũng, bê tha… đã không còn giá trị.

Rốt cục, các hành vi đe doạ, cam kết và hứa hẹn trong những cuộc chiêu đãi, liên hoan và móc ngoặc sẽ kết thành một Siêu trò chơi mà người thắng cuộc phần lớn là những quan chức có quyền. Vì thị trường quyền lực không thể mua rẻ bằng tiền của những bữa nhậu, càng không thể bán đấu giá công khai hàng ngày trước mặt các nhân viên. Do đó, việc tìm những cam kết lợi ích hay quyền lực trong các bữa nhậu hầu như chỉ là trò “Bắt cá đằng đuôi” rất hiếm khi gặt hái được kết quả.

Đỗ Minh Tuấn
.
.