Từ thông điệp chữ A

Thứ Năm, 23/04/2020, 07:17
Với 3 hashtag (thẻ thông điệp) #autism, #awareness và #a365, chương trình thiện nguyện dành cho trẻ tự kỷ ở Việt Nam đã tạo nên sóng thực sự trên mạng xã hội. Sóng ở đây có hai lớp nghĩa. Thứ nhất là làn sóng ủng hộ, chia sẻ dù thực sự giá trị khoản tiền tài trợ dự án vì trẻ tự kỷ không lớn (200 triệu đồng). 


Cơ bản, mục tiêu của dự án (như lời của một thành viên chia sẻ) không phải là để đạt đến một con số cụ thể nào đó. Cái mà dự án ấy cần hơn chính là “nỗ lực mong muốn được hiểu của cộng đồng tự kỷ”. Thứ hai là làn sóng tranh cãi giữa những người ủng hộ chương trình và những người còn ngờ vực. Làn sóng này mạnh mẽ hơn nhiều, và chính nhờ những tranh cãi, người quan tâm mới thực sự hiểu mục đích của chương trình.

Có thể khẳng định rằng, chương trình kể trên (tạm gọi là chương trình “3 chữ A”) đã thất bại về mặt truyền thông. Thực tế, số người đồng cảm, ủng hộ và muốn tìm hiểu cộng đồng tự kỷ, muốn hiểu biết thế nào là tự kỷ… chiếm rất đông trong xã hội.

Trong đời sống tốc độ và quá nhiều phương tiện điện tử như hôm nay, mối lo về chuyện trẻ có thể bị mắc chứng tự kỷ là rất lớn, và thường trực. Nhưng không nhiều những người thực sự quan tâm đến chứng tự kỷ đã cùng chia sẻ các thông tin mà “3 chữ A” đưa ra. Không phải họ ngờ vực sự trong sáng và minh bạch của chương trình này. Cơ bản hơn, họ không hiểu thông điệp thực sự của chương trình là gì.

Với một chiến dịch truyền thông, việc thông điệp đưa ra không rõ ràng chắc chắn sẽ dẫn tới thất bại. Một dự án, một chương trình truyền thông mà thông điệp không cụ thể, súc tích, mạch lạc, dễ hiểu, khó lòng dự án ấy có thể thu hút được sự chú ý. Một vấn đề thiết thực hơn cũng nên được bóc tách từ chính ví dụ này. Đó chính là khả năng truyền bá một thông tin sao cho dễ hiểu, dễ phổ cập và thể hiện được đúng mục đích mà người truyền tin đưa ra.

Có không ít văn bản, công văn, thông tin đã được lưu hành thực sự “đánh đố” người đọc bởi sự mập mờ câu chữ hoặc thiếu chuẩn xác trong hành văn. Điều quan trọng chính là tính trực tiếp và cụ thể của thông tin. Một mệnh lệnh từ lãnh đạo nếu bị thất thoát, sai lệch nội dung… khi được truyền tới nhân viên có thể sẽ khiến ý muốn chung không được thực thi.

Hơn tất thảy mọi thứ, thông tin chính là thứ con người luôn có nhu cầu được truyền tải một cách trọn vẹn nhất. Nguyên do của việc thông tin không được truyền tải trọn vẹn nằm ở chính khả năng hành văn của người Việt hiện đại. Không nhiều người có khả năng thể hiện cụ thể ý muốn của mình (hoặc của ai đó) bằng văn bản một cách mạch lạc, chi tiết và dễ hiểu.

Nhiều trường đại học có môn học “Kỹ thuật soạn thảo văn bản”. Nhưng lạ kỳ thay, không nhiều tân cử nhân tốt nghiệp có thể viết một cái công văn đúng quy chuẩn, và đầy đủ thông tin, không rườm rà câu chữ. Mối nguy này đã tạo nên một hệ thống hành chính dễ bị làm cho rối rắm hơn, phức tạp hơn và tạo ra những hệ lụy nhiều khi đến tức cười.

Sau dự án “3 chữ A”, một nhân vật chủ chốt của dự án đã phải đăng đàn “cảm ơn và xin lỗi”. Đến lúc đó, thực sự những thông tin cần thiết mới được đưa ra. Thật đáng tiếc khi những thông tin đó không được xuất hiện ngay từ những ngày đầu. Dù sao, “3 chữ A” vẫn là một dự án thiện nguyện, nên dễ được thông cảm cho những sai sót.

Cái đáng ngại hơn chính là các sai sót vẫn còn tồn tại trong hệ thống văn bản của đời sống xã hội chúng ta mỗi ngày. Những sai sót ấy sẽ khác “3 chữ A” ở chỗ, nó có thể để lại hậu quả và không thể tìm nổi sự cảm thông nào từ cộng đồng.

Văn Đoàn
.
.