Từ một tranh luận thú vị

Thứ Năm, 24/08/2017, 11:50
Thị trường điện ảnh Việt Nam có thể được xem là khá sôi động trong thời gian qua, khi bộ phim "Cô gái đến từ hôm qua" của đạo diễn Phan Nhật Linh cán đích kỷ lục 1 triệu lượt khán giả tới rạp. Và kéo theo thành công ấy, đã có một tranh luận nho nhỏ rất thú vị mà Phan Nhật Linh là người khơi mào: tranh luận về phê bình phim.


Phan Nhật Linh, vốn dĩ từng là một cây bút khá sắc sảo ở mảng điện ảnh, đã nhận xét thẳng thừng rằng ở Việt Nam hôm nay không có ai thực thụ là nhà phê bình phim và những ý kiến phê bình phim không ảnh hưởng đến doanh thu của bộ phim. Anh khẳng định, "ai khen phim tôi thì tôi vui. Ai chê thì tôi quên ngay".

Thái độ đó của Linh không phải ai cũng có được. Thực tế, nhiều đạo diễn đã từng "nổi điên" lên với một tay bút nào đó chỉ vì họ chê phim mình dở. Và cộng hưởng với bài viết của Linh về phê bình phim (đăng tải trên một diễn đàn) là một bài viết nói về mối quan hệ giữa đạo diễn - báo giới được đăng tải trên một tờ báo mạng, của một tay bút khá nổi tiếng trong giới báo chí điện ảnh. Sự cộng hưởng kia, tất nhiên, tạo ra tranh luận đa chiều về phê bình phim hiện nay ở Việt Nam.

Từ tranh luận đó, chúng ta có thể đặt ra câu hỏi nghiêm túc:  "Ở Việt Nam có phê bình phim thực sự hay không?" và cũng dễ dàng đi đến câu trả lời là "không". Những người có nghề phê bình (vốn dĩ đã rất hiếm) thì lại không theo nghề. Còn những người được giao phụ trách mảng điện ảnh ở các tờ báo thì lại không có nghề. Người khấm khá lắm thì chỉ mê điện ảnh mà tự tìm tòi và tất nhiên, tìm tòi ấy chẳng bao giờ là đủ.

Điện ảnh nằm ở đường ranh mong manh giữa nghệ thuật và giải trí và khi

phê bình điện ảnh, người ta không chỉ cần các chuyên môn cụ thể về kịch nghệ, sân khấu, điện ảnh, văn chương mà còn cần cả kiến thức về hội họa, nhiếp ảnh, quay phim vv. Đó là một đòi hỏi hầu như không phải nhà báo văn hoá văn nghệ nào cũng có thể đáp ứng được. Và nó cũng chỉ là đòi hỏi nền tảng mà thôi. Còn đó là một đòi hỏi khác, khắt khe hơn: Sự công tâm trong hành nghề và sự dấn thân đúng nghĩa.

Có quá nhiều nhà báo hôm nay khen một bộ phim chỉ vì nhà sản xuất mời tới dự ra mắt và tất nhiên có quà (phong bì). Cái khen đó tuyệt đối chỉ như một nghĩa vụ trả nợ không hơn không kém. Và thậm chí, còn có cả những "đường dây" các tay bút đi chung với nhau thì cùng nâng một ê kip làm phim lên khi nhiệm vụ của họ là "làm dự án truyền thông" cho phim ấy.

Và khi đã viết theo một hướng vạch sẵn, người ta chả có gì để viết một cách trung thực về nhau cả. Dễ hiểu, mọi thông tin đều từ một nguồn mà ra, có khác nhau chỉ là cách thể hiện, bằng câu chữ.

Gần đây, phim "Cha và con và…" của đạo diễn Phan Đăng Di được hệ thống Memento Film của Pháp chấp nhận phát hành tại thị trường Pháp nhưng tại Việt Nam, hệ thống CGV lại chỉ chấp nhận chiếu ở rạp Arthouse của họ, nơi mà Phan Đăng Di cho rằng hẻo lánh và kén khách. Phan Đăng Di chấp nhận đó là khó khăn mà phim nghệ thuật phải đối diện, giống như các phim nghệ thuật khác ở các nước châu Á. Song, Phan Đăng Di cho rằng phim của mình dẫu làm phim nghệ thuật nhưng vẫn có đủ các yếu tố giải trí để hút khách và vì thế, anh cảm thấy "Cha và con và…" bị coi nhẹ, xử ép.

Vâng, mối quan hệ giữa nhà phát hành và nhà sản xuất là mối quan hệ thương mại và quyền của người phát hành là được lựa chọn hạng mục nào dễ "bán". Nhưng ở vào giai đoạn khó khăn này của phim nghệ thuật, tiếng nói cần có của các cây bút viết về điện ảnh đâu rồi?

Hình như, họ đang hân hoan tham dự một loạt các buổi ra mắt có quà của các phim giải trí khác???

Văn Đoàn
.
.