Từ một cuộc đấu giá tranh

Thứ Năm, 22/12/2016, 09:59
Hôm 17-12, tại khách sạn Caravelle (TP Hồ Chí Minh), một cuộc đấu giá tranh thuần thương mại đã được tổ chức. Cuộc đấu giá ấy có cái tên khá mỹ miều là "Đấu giá vị nghệ thuật" với 26 lô (lot) được mang ra đấu, mà trong đó có 21 bức tranh, 3 bức tượng của các hoạ sỹ, nghệ sỹ nổi tiếng Việt Nam cũng như Đông Nam Á như Lê Phổ, Trần Đông Lương, Affandi, Hasim…. Hai lô còn lại là… rượu vang (cũng không hiểu tại sao rượu vang lại đem ra đấu giá vị nghệ thuật???).


Cuộc đấu giá diễn ra trong một không gian sang trọng với số lượng khách mời khá đông đã khiến nhiều người kỳ vọng rằng sẽ có một phiên đấu giá sôi động để tạo bước đà đầu tiên cho thị trường nghệ thuật quốc nội vốn dĩ quá buồn nản nhiều năm qua. Nó thắp lên một mong mỏi rằng người Việt hiện đại khi đã có của rồi sẽ chú trọng đến phần tinh thần, mà đặc biệt nhất là nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cao cấp, thay vì chỉ tốn tiền cho những thú ăn chơi phù phiếm kiểu trưởng giả mới.

Song, kết quả của cuộc đấu giá có lẽ không như mong đợi, khi số lượng tranh bán được không nhiều (chỉ có 4 bức tranh của hoạ sỹ Việt Nam được chốt giá để bán là tranh của Nguyễn Ngọc Đan, Lê Văn Xương, Trần Đông Lương và Lê Phổ). Nhiều bức tranh đẹp khác đã không nhận được bất kỳ sự trả giá nào và nó đặt ra một câu hỏi lớn rằng "phải chăng, giới có của ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn thờ ơ với nghệ thuật?".

Thực chất, câu hỏi đó là thừa vì nó không có thật. Ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn tồn tại một số lượng không nhỏ những doanh nhân thành đạt đặc biệt yêu thích mỹ thuật, đặc biệt là nhóm doanh nhân có xuất xứ từ những ngành học khá liên quan đến mỹ thuật như kiến trúc, thiết kế nội thất, truyền thông.

Vấn đề cơ bản mà đấu giá "Vị nghệ thuật" không làm được, hoặc chưa tiếp cận được, chính là một lực lượng khách hàng tiềm năng, những người thích sưu tầm và có tiền thực sự để sưu tầm, và từ đó xây dựng một danh mục khách hàng để mời họ tham gia phiên đấu giá.

Bởi thế mới có chuyện, ngay cả nhà báo đến theo dõi đưa tin cũng được mời vào… đăng ký đấu giá và người trả giá đầu tiên cho bức tranh đầu tiên của Nguyễn Ngọc Đan chính là một nữ nhà báo. Như vậy, rõ ràng có tồn tại tình trạng những người muốn đến đấu giá lại không được biết có sự tồn tại 1 cuộc đấu giá nghệ thuật trong khi đó tại khán phòng, có những người đăng ký (để lấy may cho nhà tổ chức) lại không hề có nhu cầu đấu giá.

Một vấn đề khác cũng đáng chú ý ở phiên đấu giá vừa rồi chính là việc nhà tổ chức (Lý Thị Auction và đối tác pháp lý là Công ty cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt) đều thiếu chuyên nghiệp trong việc định giá tác phẩm.

Có những tác phẩm được định giá khởi điểm quá cao, theo kiểu tác giả muốn đặt mình vào vị thế nào đó hơn là muốn bán tranh, và dẫn tới sự đắt đến phi lý khiến người mua nản lòng ngay từ đầu. Đó là còn chưa kể đến việc dàn xếp với các chủ sở hữu tranh về kết quả đấu giá thế nào và từ đó dẫn tới tình trạng có tranh phải tới 3 tiếng đồng hồ trước phiên đấu giá mới đạt được thỏa thuận để xuất hiện.

Dễ hiểu, nhà tổ chức thì muốn lấy giá mà người sở hữu tranh sẽ bán để làm khởi điểm và nó dẫn tới việc nhà sở hữu không đồng ý với việc "mượn gà ra chợ để buôn" với khoản chênh lệch có thể sẽ rất lớn không được phân bổ lại một cách hợp tình, hợp lý.

Dù sao, phiên đấu giá kể trên đã tạo cú hích thực sự cho những đơn vị muốn làm đấu giá nghệ thuật tham gia vào thị trường cũ nhưng lại rất mới này. Và chắc chắn, với tư duy tốt hơn, hoạch định thị trường tốt hơn, sách lược kinh doanh thông minh hơn, những đơn vị sẽ tham gia vào thị trường đấu giá nghệ thuật trong tương lai mang lại nhiều thành công hơn để mỹ thuật vừa có đầu ra mà giới sưu tầm người Việt cũng hình thành như một đội ngũ đủ sức nặng để kiến tạo dòng chảy cho thị trường. 

Văn Đoàn
.
.