Tứ mã nan truy

Thứ Sáu, 01/12/2017, 08:18
"Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy", câu ngạn ngữ ấy, cùng câu "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói", vốn dĩ đã quá quen thuộc đối với chúng ta. Nó nhắc nhở về một ý thức trách nhiệm của người phát ngôn, bởi điều ta nói ra nhiều khi ảnh hưởng rất lớn đến những người khác. Và đặc biệt, ở thời đại mạng xã hội tạo ra một kênh biểu đạt tự do như hôm nay, những nhắc nhở về ý thức trách nhiệm như kể trên lại càng cần được khắc cốt ghi tâm nhiều hơn.


Trung tuần tháng 11 này, facebook vừa có một thay đổi rất lớn mà chúng ta có khi ít để ý tới. Đó chính là facebook đã bỏ tính năng xoá các dòng trạng thái đã được đăng tải. Như vậy, nếu một người dùng facebook tung một thông tin, đánh giá, nhận xét nào đó lên trang cá nhân của mình, người ấy sẽ không thể nào chối bỏ rằng đã từng có phát ngôn như thế. 

Chỉ có 2 cách  để "chữa cháy" cho những phát ngôn không đúng đắn là "biên soạn lại" (edit) hoặc "thay đổi chế độ riêng tư" từ "công khai" (public) sang "chỉ có bạn bè" (friends) hay "một mình tôi được thấy" (only me). Và trong 2 cách "chữa cháy" kể trên, "biên soạn lại" cũng không thể giúp che giấu những gì ta đã nói vì người xem vẫn có quyền nhìn lại "lịch sử biên soạn" và có thể biết ngay từ đầu chủ tài khoản kia đã nói năng gì, quan điểm thế nào, nhận định ra sao.

Thật lạ lùng là khi facebook công bố thay đổi nhỏ nhưng thực ra cực lớn kể trên, gần như không một người dùng nào phản ứng mạnh mẽ lại với facebook cả. Phải chăng, họ nghĩ rằng có phản ứng lại cũng vô ích? Hay phải chăng, họ quy thuận như những người dùng nô lệ, như bầy cừu của ông chủ facebook ở thời đại công nghệ này?

Hãy thử hình dung, nếu không phải là facebook chủ động thay đổi chức năng xoá bài viết toàn cầu như kể trên, mà thay vào đó, họ thông báo rằng "vì yêu cầu của chính phủ Việt Nam, facebook sẽ bỏ chức năng xoá bài riêng ở thị trường Việt Nam" thì phản ứng của cộng đồng sẽ như thế nào? Chắc chắn sẽ có không ít cá nhân hùng hổ lên tiếng chê bai, chỉ trích, thậm chí bàn luận bằng những thuyết âm mưu kiểu này kiểu nọ chỉ nhằm mục đích chứng minh rằng chính quyền đang có những can thiệp thô bạo vào quyền tự do ngôn luận, nhân quyền của công dân. 

Và trên thực tế, chúng ta đã nhìn thấy rất nhiều ý kiến tiêu cực kiểu ấy trên mạng xã hội. Điều đó quả thực nực cười và nó đặt ra một câu hỏi rằng "Tại sao có những người luôn luôn thích phản kháng lại nhà nước và cả một bộ máy pháp luật khi họ đang là công dân của quốc gia đó trong khi họ sẵn sàng quy phục một cách ngoan ngoãn như nô lệ của sản phẩm mà mình đang sử dụng?".

Những câu hỏi đó có lẽ không khó để trả lời bởi chúng ta quá hiểu hoàn cảnh xã hội Việt Nam hôm nay. Nhưng câu chuyện thay đổi của facebook cho chúng ta nhìn thấy một thực tế lớn hơn trong tương lai. Khi mạng xã hội bắt đầu trở nên bùng nổ và tạo ra nhiều lớp người dùng mất kiểm soát trên thế giới, việc thay đổi để người dùng phải trở nên trách nhiệm hơn là một tất yếu. 

Trong những năm qua, tin tức giả mạo, các vu khống, bôi nhọ đã bắt đầu khiến đời sống xã hội hỗn loạn hơn và việc kiểm soát lại nó là nghĩa vụ đầu tiên của người đã tạo ra mạng xã hội. Và nối tiếp nghĩa vụ đầu tiên kia, người dùng bắt đầu phải nhìn nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc đưa tin, phát tán thông tin, đặc biệt là những thông tin có tác động nguy hại đến xã hội.

Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy. Đã đến lúc chính chúng ta phải hiểu rằng không phải muốn viết gì trên facebook cũng được. Và một ví dụ sinh động mà chúng ta cần phải nhìn vào đó để biết rằng mình hoàn toàn có thể rơi vào hoàn cảnh như thế chính là status của ca sỹ Minh Quân có vẻ ám chỉ một hot girl mới bắt đầu nghiệp đi hát gần đây. Không biết là nói thật hay nói đùa, nhưng việc Minh Quân "chỉnh sửa" (edit) lại nội dung của dòng trạng thái ấy đến 18 lần đã trở thành trò cười thực sự khi có tờ báo đã giật tít rằng "Minh Quân uốn lưỡi đến 18 lần trước khi phát ngôn"…

Văn Đoàn
.
.