Tự do phê phán và chủ nghĩa "quá trớn"

Thứ Năm, 13/12/2018, 09:22
Sự kiện nào đang thu hút dư luận quan tâm đông đảo hiện nay? Trả lời câu hỏi này, chúng ta có thể dễ dàng liệt kê ra dăm ba sự kiện nóng điển hình ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Và có lẽ, sẽ nhiều người có ý kiến chung nhất xoay quanh đội tuyển bóng đá Việt Nam tham dự AFF Cup 2018 và việc bán vé trực tuyến của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam với vụ nghẽn mạng lịch sử.


Và ở sự kiện này, trên facebook của một doanh nhân thành đạt, là đương kim Phó Chủ tịch Hội Cổ động viên Việt Nam, có đăng tải một dòng trạng thái cực sốc. Ông ta chia sẻ lại hình ảnh chụp bài trả lời phỏng vấn Tổng thư ký LĐBĐ Việt Nam, ông Lê Hoài Anh, đính kèm “bình luận” miệt thị rằng vị này bị bệnh down.

Đó là một ví dụ điển hình nhất cho tình trạng chung trong xã hội hôm nay kể từ khi xuất hiện mạng xã hội: tình trạng tự do phê phán và sa đà vào chủ nghĩa quá trớn. Nếu chúng ta lặng lẽ theo dõi tất cả các sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận vẫn xảy ra hàng ngày, và thống kê lại tất cả những ý kiến bình luận của những người chúng ta quen biết, chúng ta có thể sẽ nhận được một kết quả đáng kinh ngạc.

Chủ đạo sẽ là các bình luận xoay quanh sự kiện, với những phê phán (hoặc phê phán lại những người phê phán), bất chấp người bình luận ở trong tình trạng không nắm đầy đủ thông tin, dữ kiện liên quan. Thậm chí, trong số đó sẽ nổi lên cả những mạt sát, thoá mạ các nhân vật trọng tâm của sự việc. Và điều đáng buồn là cực kỳ hiếm khi chúng ta gặp được một bình luận đưa ra giải pháp thực sự, cho dù giải pháp đó có thể là sơ sài, chưa đủ điều kiện để cấu thành một giải pháp hoàn chỉnh.

Hướng đến việc đóng góp một giải pháp là điều mà xã hội cần hơn bởi đứng trước mỗi khó khăn, đối tượng trọng tâm thực sự cần giải pháp để giải quyết những tồn đọng, những khúc mắc đang khiến họ phải gặp phiền toái. Và muốn có thể đưa ra một giải pháp, người ta rất cần sự nghiên cứu nhất định ở lĩnh vực đó.

Nhưng khổ nỗi, không phải ai trong chúng ta cũng tự đề ra cho mình một ý thức trách nhiệm xã hội bằng việc tìm kiếm giải pháp trước khi lên tiếng. Thay vào đó, chúng ta sa đà vào những tranh cãi đúng-sai vô bổ và đặc biệt nguy hiểm là đặt mình vào tình trạng quá trớn khi lôi cá nhân ra mạt sát, miệt thị, chửi bới.

Quay trở lại với vụ việc liên quan đến vấn đề bán vé trực tuyến của LĐBĐ  Việt Nam, hầu như không hề có một ý kiến nào đánh giá tính tích cực của việc công khai đối thoại minh bạch với truyền thông của ông Tổng thư ký LĐBĐ, cũng như đề cử các giải pháp giúp LĐBĐ làm tốt hơn trong tương lai.

Đơn giản, để “mắng mỏ” vô tội vạ một ai đó thì quá dễ, còn để tìm hiểu kỹ về công nghệ thông tin, thương mại điện tử thì quá mất thời gian và công sức. Nhiều khi, tìm hiểu tàm tạm để đủ một hiểu biết nhất định thì điểm nóng sự kiện đã trôi qua mất rồi, mà nhu cầu lên tiếng thì lại quá cao, quá vội.

Đó chính là bản chất của xã hội hiện nay. Từ giáo dục, văn hoá, y tế, thể thao, thậm chí cho tới chính trị… chúng ta quá thiếu những chuyên gia uy tín nhưng lại quá dư thừa những người luôn tự cho mình cái quyền của một chuyên gia ở xã hội ảo. Cũng không thể đổ lỗi tại sự mất lòng tin khiến họ như vậy, bởi có những câu chuyện, lĩnh vực thực tế chẳng liên quan gì đến vấn đề lòng tin thì họ vẫn nhảy vào cuộc như một “quan toà vĩ đại”.

Có lẽ, cũng cần phải có một lần một ai đó bị đưa ra tòa thực sự vì tội lăng mạ, bôi nhọ nhân phẩm người khác để làm gương điển hình thì tình trạng hỗn loạn từ tự do phê phán và sa đà vào chủ nghĩa quá trớn này mới có thể tạm yên được một thời gian. Và thực sự, chuyện luật hoá để có các quy tắc ứng xử chuẩn mực trên mạng xã hội cũng là điều rất cần phải hoàn thiện, để người sử dụng có ý thức biết sợ trách nhiệm mà cẩn trọng hơn trong hành vi của mình.

Văn Đoàn
.
.