Từ câu chuyện bạo lực học đường

Thứ Năm, 04/04/2019, 06:57
Clip em học sinh lớp 9 bị bạn học hành hung, xé quần áo ở trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên chắc chắn sẽ mang lại một nỗi sợ rất lớn cho những bậc phụ huynh, đặc biệt là những bậc phụ huynh có con gái...


Những hình ảnh có thể nói là man rợ ấy chắc chắn sẽ để lại một vết thương không thể lành lặn trong tâm thần của cô bé nạn nhân. Nó là một cú sốc thực sự không chỉ với cô bé nữ sinh ấy, với gia đình em mà với cả những ai vô tình xem, đọc được thông tin xoay quanh. Và nó đặt ra một câu hỏi "căn nguyên nào để nạn bạo lực học đường này xảy ra một cách thường xuyên như vậy?".

Chúng ta thực sự khó có thể quy trách nhiệm về cho bất kỳ cá nhân nào trong ngành giáo dục, bởi một cá nhân không thể nào làm thay đổi cả một hiện trạng vốn dĩ chịu ảnh hưởng, tác động của quá nhiều mặt trong xã hội.

Trách móc Ban Giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm là điều có thể chấp nhận được, song suy cho cùng, ngay cả Ban Giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm có sát sao, có khắt khe đến mấy thì cũng không thể làm cho vấn nạn bạo lực học đường bị chặn đứng.

Tất nhiên, ở trường hợp xảy ra ở trường Phù Ủng, nếu các giáo viên có sự quan tâm hơn nữa, dám đương đầu và chịu trách nhiệm hơn nữa, hậu quả sẽ không tệ đến thế. Quy một phần trách nhiệm cho họ thì được, nhưng quy toàn bộ trách nhiệm thì lại hơi quá. Và một trường hợp ở Phù Ủng nếu có ngăn chặn được bạo lực học đường thì cũng không có nghĩa là ở các trường khác, tại các địa phương khác, bạo lực học đường sẽ không tồn tại nữa.

Ở phương Tây có vấn nạn này hay không? Thực chất là có, và phổ biến. Nó được gọi là "bully" (tẩy chay, bắt nạt) và chuyện học sinh nào đó bị bạn bắt nạt ở trường tồn tại ở bất kỳ trường học nào tại phương Tây.

Mới đây thôi, một đồng nghiệp của tôi đang thường trú tại Pháp cũng chia sẻ rằng con gái chị đang bị bắt nạt ở trường. Song, cái cách bắt nạt ở học đường phương Tây nó khác với ở Việt Nam hiện nay. Đánh đập là có nhưng lột đồ làm nhục thì không. Và căn nguyên của vấn nạn bắt nạt học đường này nằm ở đâu khi mà ngay cả các nền giáo dục tiên tiến nhất cũng phải đau đầu đối phó?

Thực tế, kết quả của trẻ em là người lớn và trẻ em cũng là hệ quả của người lớn. Nói cụ thể, đứa trẻ sẽ lớn lên thành người lớn và cái người lớn tương lai ấy là kết quả của đứa trẻ từ hiện tại. Song song đó, đứa trẻ ở hiện tại cũng là phóng chiếu của những người lớn hiện tại xung quanh nó. Và cái nạn bắt nạt ở học đường của trẻ em cũng không thể nào nằm ngoài qũy đạo của việc nó chính là phóng chiếu của vấn nạn bắt nạt ở công sở, bắt nạt ngoài xã hội mà trẻ em phải chứng kiến mỗi ngày.

Thật trùng hợp là cách đây đúng 1 năm, tháng 4/2018, trên diễn đàn của các giáo viên có một giáo viên chia sẻ về việc mình bị đồng nghiệp bắt nạt và cô không biết giải quyết như thế nào. Câu chuyện của giáo viên ấy không khỏi khiến chúng ta nghĩ đến chuyện "liệu có tồn tại nạn giáo viên bắt nạt giáo viên trong trường học hay không?". Và nếu có vấn nạn đó tồn tại, làm sao chúng ta có thể giải quyết rốt ráo nổi chuyện học sinh bắt nạt nhau hàng ngày trên giảng đường đây?

"Ma cũ bắt nạt ma mới" là câu chuyện gần như ở các nơi làm việc nào cũng tồn tại, từ tổ chức tư nhân cho tới cơ quan nhà nước. Nhìn xung quanh mình, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy vấn nạn bắt nạt nhau ở nơi làm việc diễn ra thiên hình vạn trạng thế nào.

Rồi ở ngoài đời, chuyện kẻ ỷ mạnh hiếp yếu vẫn là chuyện quá phổ biến, đặc biệt nhất là những vụ đánh ghen cậy đông lột đồ làm nhục đối thủ giữa đường giữa chợ. Cái lối đánh ghen làm nhục ấy, nói thì cay đắng, nhưng thực tế đã thành "bản sắc tệ hại" của văn hoá người Việt. Và một khi trẻ em lớn lên trong một môi trường dạy chúng quen với việc cậy đông hiếp yếu như vậy, chúng sẽ sao chép lại hành xử đó để áp dụng tại trường học, lớp học của mình.

Và điều đó cho thấy, dù có thay đổi cả một hệ thống của ngành giáo dục thì cũng không xoá sạch được nạn bắt nạt. Cái cần thay đổi nhất, căn bản nhất, là chính chúng ta, với một thái độ sống phải khác chứ không thể lo sợ cho con cái của mình nhưng ngay ngày hôm sau, mình lại chính là thủ phạm của những vụ bắt nạt nơi công sở.
Văn Đoàn
.
.