Từ bến sông Mang, ngẫm về đạo làm Tướng

Thứ Ba, 06/02/2018, 08:13
Không có mấy người để lại những suy nghĩ và cảm xúc trái chiều cho hậu thế nhiều như danh tướng Trần Khánh Dư (1255-1340). Không chỉ lẫy lừng võ công, ông còn được biết đến với mối duyên tình ngang trái cùng Thiên Thụy công chúa (vợ của Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn) và cả những thói tật tham lam, bỉ lậu.

Độc đáo sông Mang và trận hải chiến vang dội trong lịch sử quân sự Việt Nam

Sông Mang thực ra là một lạch biển, nằm giữa một bên là cụm đảo Quan Lạn, Ba Mùn ở phía Đông Nam, một bên là cụm đảo Trà Bàn, Trà Ngọ ở phía Tây Bắc. Toàn bộ các cụm đảo này lại nằm trong vịnh Bái Tử Long, thuộc huyện đảo Vân Đồn.

Vì là một lạch biển, sông Mang không có thượng nguồn và hạ du, không có chiều của dòng chảy. Con nước lớn ròng tùy thuộc vào thủy triều lên xuống. Mùa Xuân năm Mậu Tý (tháng 2-1288), trên sông Mang đã diễn ra trận hải chiến lẫy lừng mà lịch sử quen gọi là chiến thắng Vân tiêu diệt toàn bộ đoàn thuyền vận lương của quân Nguyên xâm lược.

Mùa Xuân năm 1287, Hoàng đế Hốt Tất Liệt nhà Nguyên đã quyết định phái binh xâm lược Đại Việt lần thứ 3. Đạo quân viễn chinh lần này do Thoát Hoan  làm Tổng Tư lệnh. Việc vận chuyển quân lương hộ chiến được giao cho Vạn hộ hầu Trương Văn Hổ và các Phó tướng Phí Củng Thìn, Từ Khánh phụ trách.

Tháng 12-1287, quân Nguyên chia làm 2 đạo thủy bộ tiến đánh Đại Việt. Đạo quân bộ do Thoát Hoan soái lĩnh, chia làm 2 hướng đồng thời tiến công phá vỡ các tuyến phòng thủ từ xa của Đại Việt và nhanh chóng áp sát vây hãm kinh thành Thăng Long. Đạo quân thủy do Ô Mã Nhi cầm đầu, có nhiệm vụ mở đường cho các đoàn thuyền lương theo sau.

Cổng đền thờ Trần Khánh Dư trên đảo Quan lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Trần Khánh Dư được giao trấn giữ ở cửa biển Vân Đồn, đã không ngăn nổi các chiến thuyền của quân Nguyên. Ô Mã Nhi đã nhanh chóng tiến sâu vào nội địa để hội binh với Thoát Hoan. Thượng hoàng Trần Thánh Tông sai trung sứ mang chiếu đến triệu Trần Khánh Dư về kinh hạch tội. Trần Khánh Dư khảng khái: “Lấy quân luật mà xử, tôi xin chịu tội. Nhưng xin hoãn cho vài ba ngày, để tôi lập công chuộc tội, rồi sẽ chịu búa rìu cũng chưa muộn”. Trung sứ không biết làm thế nào, đành ưng thuận.

Tháng 2-1288, đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ kéo đến Vân Đồn, Trần Khánh Dư tung quân tập kích bất ngờ. Cuộc chiến diễn ra ác liệt, kéo dài từ sông Mang đến tận cửa Lục (một vịnh nhỏ gần thành phố Hạ Long ngày nay).

Không có quân hộ tống, Trương Văn Hổ đại bại, bỏ chạy về Quỳnh Châu (Quảng Đông ngày nay). Các đoàn thuyền lương do Phí Củng Thìn và Từ Khánh chỉ huy đi sau hoặc bị bão, hoặc bị lạc cũng không đến được Đại Việt. Không có nguồn tiếp tế quân lương, Thoát Hoan đã buộc phải bỏ dở việc vây hãm thành Thăng Long, rút về Vạn Kiếp rồi tìm đường về nước và bị chặn đánh tan tác tại cửa biển Bạch Đằng (tháng 4-1288).

Thắng lợi của thế trận lòng dân và công tác tình báo

Vân Đồn có hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau, như một cánh cung ôm trọn vịnh Bái Tử Long, tạo nên một bức trường thành tự nhiên án ngữ toàn bộ vùng biển phía Đông Bắc của Tổ quốc. Từ xa xưa, trên các đảo của Vân Đồn đã có người sinh sống. Đến năm 980, nhà Tiền Lê đã lập đồn binh án ngữ trên biển ở núi Vân (nay thuộc thôn Vân, xã Quan Lạn).

Tên gọi “Vân Đồn” cũng bắt nguồn từ đó. Năm 1149, vua Lý Anh Tông chính thức lập trang Vân Đồn, biến nơi đây thành một thương cảng quốc tế, cửa ngõ trao đổi hàng hóa với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia. Thương cảng Vân Đồn phát triển sầm uất trải 3 triều đại Lý, Trần và Hậu Lê.

Vân Đồn đã là địa bàn sinh sống của nhiều thành phần tộc người khác nhau. Ngoài bộ phận người Kinh được triều đình phái tới khai khẩn, buôn bán và trấn giữ biển đảo, còn có một bộ phận không nhỏ thần dân nhà Tống lánh nạn giặc Nguyên phiêu dạt đến.

Một bộ phận người Hắc Cá (Khách gia) cũng đến Vân Đồn lập nghiệp từ rất sớm. Con cháu họ đến nay vẫn sinh sống ở các đảo trong huyện nhưng đã hòa huyết với người Kinh bản địa. Tất cả các cộng đồng dân cư ở đây đều có mối thù không đội trời chung với giặc Nguyên Mông. Họ cùng hưởng ứng chính sách “ngụ binh ư nông” của nhà Trần.

Khi Trần Khánh Dư lựa chọn sông Mang làm chiến trường chính, các dân binh đảo Quan Lạn dưới sự chỉ huy của 3 anh em tướng quân họ Phạm (Phạm Công Chính, Phạm Thuần Dụng và Phạm Quý Công) đã nhiệt tình tham chiến. Nhờ có các dân binh gốc gác nghề chài lưới thông thạo luồng lạch, thủy triều chỉ dẫn, Trần Khánh Dư đã làm chủ thế trận và giành thắng lợi vang dội. Cả 3 anh em tướng quân họ Phạm đều anh dũng hy sinh, được vua Trần truy phong tước hiệu, được nhân dân trên đảo lập đến thờ, quanh năm hương khói cho đến tận ngày nay.

Là một thương cảng quốc tế, Vân Đồn có nhiều khách thương đến từ nhiều nước khác nhau. Trần Khánh Dư là người quảng giao, khoáng đạt. Ông có quan hệ rộng rãi với nhiều thương lái và kết thân với cả các hiệp khách giang hồ.

Thông qua các mối quan hệ đó, ông thu thập được nhiều tin tức tình báo. Ông biết Ô Mã Nhi là viên tướng có nhiều chiến tích, được vua Nguyên sủng ái, nhưng cũng là kẻ kiêu căng, tự phụ. Ông cũng biết Trương Văn Hổ vốn dĩ chỉ là một cướp biển hàng phục và được vua Nguyên trọng dụng. Y không có tài thao lược, quân sỹ thuộc quyền hết sức ô hợp.

Vì thế, sau khi không chặn được đạo thủy quân tiên phong của Ô Mã Nhi, ông quyết định bày trận đón lõng đoàn thuyền vận lương. Chính những tin tức tình báo đã giúp Trần Khánh Dư phán đoán chính xác tình hình và đưa ra quyết sách đúng đắn, kịp thời.

Ngẫm về đạo làm tướng

Sinh thời, Trần Khánh Dư được biết đến là một người tài kiêm văn võ. Ông từng có công bình Man, được vua Trần nhận làm Thiên tử nghĩa nam, tước Nhân Huệ Vương, hàm Phiêu Kỵ Đại tướng quân. Kết thúc cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Nguyên lần thứ 3, khi bình công, ông được xếp hàng thứ 4, chỉ sau Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật và Phạm Ngũ Lão. Sau này, ông cũng chính là người viết lời tựa cho cuốn sách “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” - một cuốn sách về nghệ thuật quân sự nổi tiếng của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Lời văn của ông khúc chiết, thâm sâu, thể hiện sở học phi phàm.

Toàn cảnh đền thờ Trần Khánh Dư trên đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Trần Khánh Dư còn là người có tài kinh bang tế thế. Ngay trong thời gian làm Tướng, ông cũng không từ bỏ công việc kinh doanh. Ông là vị quý tộc duy nhất của nhà Trần không cam chịu sống dựa vào bổng lộc của triều đình hay lợi tức do thái ấp mang lại.

Khi được vua Trần cho về trí sĩ tại lộ Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), ông còn cho gia tướng đi khai khẩn lập làng ở một số vùng phụ cận, nay thuộc về các xã Yên Nhân và Yên Đồng (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Trong những ngày đầu lập nghiệp, nhiều người dân được ông bỏ tiền giúp vốn. Ông cũng chính là người hướng dẫn dân làng Tịch Nhi (xã Yên Nhân) trồng cói và làm nghề dệt chiếu.

Nhưng mặt khác, Trần Khánh Dư cũng để lại nhiều tai tiếng. Thời trẻ, ông vướng vào vụ trọng án thông dâm với Thiên Thụy công chúa, là người được Thượng hoàng Trần Thánh Tông chỉ hôn cho Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn (con trai cả của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn). Vì tội này, ông bị xử tội chết, nhưng vua Trần Thánh Tông tiếc tài cầm quân, ngầm hạ lệnh cho lính đánh chúc đầu gông, nhờ vậy ông thoát chết, chỉ bị phế truất binh quyền, tịch thu gia sản và đuổi về quê (vùng Chí Linh, Hải Dương ngày nay).

Nhờ có sự bao dung của các vua Trần và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, ông mới có cơ hội thể hiện tài thao lược. Đáng ra, ông phải là người thấm nhuần hơn ai hết quan điểm của Trần Quốc Tuấn “Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”. Tiếc là ông đã không làm được điều đó.

Cho dù vậy, lòng dân luôn bao dung. Sau khi mất, Trần Khánh Dư vẫn được người dân ở nhiều địa phương ghi ơn lập đền thờ, tưởng nhớ công trạng. Ngay trên đảo Quan Lạn, ngôi đền thờ Trần Khánh Dư cũng mới được trùng tu khang trang...

TS. Mai Thanh Sơn
.
.