"Truyện Kiều" đã có phiên bản tiếng Nga
Người có sáng kiến và phụ trách dự án dịch "Truyện Kiều" sang tiếng Nga là Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, nhà thơ, tác giả của nhiều cuốn sách. Từ cuối năm 2013, nhóm dịch giả đã bắt đầu tiến hành việc dịch thuật và Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng đã trực tiếp tham gia hiệu đính cuốn sách. Dịch nghĩa văn xuôi là dịch giả Vũ Thế Khôi - Nhà giáo Ưu tú, một trong những chuyên gia văn học và tiếng Nga hàng đầu ở Việt Nam. Người dịch thành văn bản thơ tiếng Nga là Vasili Popov, một nhà thơ trẻ đã thành danh ở Nga (Vasili Popov sinh năm 1983, Thư ký Ban chấp hành Hội Nhà văn Nga). Phần hiệu đính và dịch thuật của dự án này do dịch giả Đoàn Tử Huyến và nhà Việt Nam học người Nga Anatoli Socolov, Phó giáo sư Ngôn ngữ học thực hiện.
Theo nhận định của một số chuyên gia tiếng Nga tại buổi ra mắt "Kiều" bản tiếng Nga, nhà thơ Vasili Popov đã chuyển tải tương đối chính xác và rõ ràng sự phong phú của kiệt tác văn học Việt Nam sang tiếng Nga. Chia sẻ về quá trình dịch tác phẩm "Truyện Kiều" thành văn bản thơ tiếng Nga, nhà thơ Vasili Popov đã chia sẻ tại buổi lễ ra mắt sách: "Được dịch "Kiều" là một vinh dự của tôi. Chúng tôi nhận thấy "Truyện Kiều như một "Yevgeniy Onegin " (tiểu thuyết bằng thơ của Puskin). Để dịch tác phẩm này, tôi đã phải tìm hiểu rất nhiều về tác giả, tác phẩm, bối cảnh xã hội phương Đông trước đây, về các tư tưởng, giáo lý về nam - nữ thời phong kiến. Sau khi dịch "Kiều" tôi thấy mình trở thành một con người khác!".
Bìa “ Truyện Kiều” bản tiếng Nga. |
Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng đã trích dẫn câu thơ "Công trình kể biết mấy mươi" để nói về sự "gian truân" trong quá trình dịch tác phẩm này sang tiếng Nga. Nhóm dịch giả đã phải vượt qua "trùng trùng điệp điệp" điển tích điển cố lớn nhỏ (trong "Truyện Kiều" có tới 3.236 điển cố, điển tích, thành ngữ, tục ngữ, các cụm từ Hán -Việt). Các dịch giả cùng với những người hiệu đính đã cố gắng để diễn giải sao cho ngắn gọn mà độc giả tiếng Nga có thể hiểu được, "cảm" được cái hay, cái đẹp của "Truyện Kiều".
Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ: "Vì bản dịch Truyện Kiều không phải là một quyển sách tra cứu, nên chúng tôi không có kỳ vọng chú thích toàn bộ mà cố gắng diễn giải ngay trong từng câu thơ, giúp các độc giả nắm bắt được ý nghĩa nội dung. Chỉ những điểm thật cần thiết nhất, chúng tôi mới chọn lọc để chú thích, chú giải".
Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ thêm: "Điều quan trọng nhất chúng tôi xác định là không phải là giải mã, chuyển nghĩa thông thường, mà mục đích cuối cùng phải đạt tới là làm sao để có một bản dịch nghĩa sát với nguyên bản, một bản dịch thơ hoàn chỉnh, chuyển tải được trọn vẹn nội dung Truyện Kiều mà không làm mất đi vẻ đẹp nghệ thuật của tác phẩm nổi tiếng bậc nhất trong văn học Việt Nam. Đây là một công việc khó khăn, nặng nề và đầy trách nhiệm của các dịch giả.
Trong quá trình dịch Truyện Kiều, chúng tôi tuân thủ theo một tiến trình mang tính nguyên tắc sau đây: "Sau khi dịch Truyện Kiều ra văn xuôi, sẽ được hiệu đính lần thứ nhất; sau khi hiệu đính xong lần thứ hai, lúc đó mới dịch ra thơ. Bản dịch thơ sẽ được đối chiếu với bản dịch văn xuôi một cách kỹ lưỡng và thận trọng trên cơ sở trao đổi, góp ý và cuối cùng thống nhất ý kiến. Đặc biệt là, số câu thơ trong bản dịch tiếng Nga không tương đương với văn bản gốc Việt nên việc đánh số các câu thơ trong bản tiếng Nga chỉ là nhằm giúp người đọc theo dõi nội dung của truyện thơ và dễ đối chiếu với văn bản tiếng Việt".
Ngoài những công việc "bếp núc" đầy khó khăn trên, nhóm dịch giả còn chịu thêm áp lực phải ra mắt "Truyện Kiều" đúng tiến độ, tức là trước lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du sẽ được tổ chức trang trọng tại quê hương nhà thơ ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Trong quá tình dịch, nhóm dịch giả đã tham khảo những bản dịch "Truyện Kiều" khác đã được công bố bằng tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc và tiếng Anh. Để giúp độc giả Nga ở các lứa tuổi, các tầng lớp xã hội và học vấn khác nhau bước đầu tiếp xúc với tác phẩm "Truyện Kiều", "Lời nói đầu" của bản dịch tiếng Nga đã viết một cách khái quát về thân thế, sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Du trong bổi cảnh xã hội Việt Nam thế kỷ XII-XVIII. Đồng thời, phần tóm tắt "Truyện Kiều" được viết một cách chọn lọc, tương đối chi tiết theo tiến trình diễn biến của cốt truyện. Sau đó là sự phân tích ngắn gọn, làm nổi bật "Truyện Kiều" là một tác phẩm mang tính hiện thực và nhân đạo cao cả; là một bộ "Tiểu thuyết bằng thơ", một bộ "Bách khoa toàn thư" về xã hội Việt Nam trong quá khứ. Ngoài giá trị văn học, tác phẩm "Truyện Kiều" bằng tiếng Nga còn được coi như món quà về tình hữu nghị Việt - Nga của những người Việt sinh sống trên đất nước Nga với mong muốn được đem tác phẩm văn học được coi là tinh hoa của Việt Nam giới thiệu với bạn đọc Nga cũng như thế giới.
Phạm Ngọc Lan Gió trong "Truyện Kiều" ra sao? Trong Kiều thực lắm loài hoa Thưa rằng Nàng Kiều qua cuộc bể dâu Trước Ngưng Bích, chốn thị phi Tình nàng như gió đêm xuân Tiếp bao khổ nạn gian nan Chàng Kinh đi chẵn ba đông Buổi nàng hội ngộ chàng Kim |