Trước những "đứt gãy xã hội"

Thứ Tư, 02/09/2015, 08:24
Giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, nhà sử học, xã hội học người Pháp Emmanuel Todd đã viết một tiểu luận, mà trong đó, lần đầu tiên ông nhắc đến khái niệm "Đứt gãy xã hội" (sociale fracture). Khái niệm này đã được cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac sử dụng như một quan điểm hạt nhân của mình trong cuộc vận động tranh cử, và thắng cử trước đối thủ Edouard Balladur…

Theo sự phát triển đến chóng mặt của công nghệ, văn hoá, kinh tế những năm qua, đứt gãy xã hội đã và đang là vấn đề tồn tại ở tất cả các quốc gia mà trong đó, Việt Nam chắc chắn không thể tự xem mình là ngoại lệ.

Cách đây chưa lâu, trong một bài trả lời phỏng vấn một tờ báo, PGS-TS Trịnh Hòa Bình cũng từng đề cập đến những đứt gãy xã hội khi nhắc tới các vụ án xảy ra thường ngày, đặc biệt là những vụ án có tính chất dã man mà người thường khó có thể tưởng tượng nổi.

Đúng là những đứt gãy xã hội đã tạo ra một cộng đồng mang một lối hành xử, phản ứng không tưởng như thế và dẫn tới các vụ án mạng nghiêm trọng. Song đó có lẽ chỉ là phần nổi đáng sợ của hệ quả mà thôi. Những hệ quả ngầm thì khác hẳn, bởi nó có thể không khiến người ta gây ra án mạng nhưng mỗi giây, mỗi phút, mỗi giờ nó lại gặm nhấm dần một lớp người trong một thế hệ đến mức độ họ coi rằng các hành vi vốn dĩ bất thường của mình lại vô cùng bình thường.

Đơn cử như những vụ thảm án xảy ra gần đây nhất khiến cả cộng đồng rúng động. Ở đây, chúng ta không đề cập tới những con người đã hành sự ở những thảm án mà chỉ tập trung vào những phản ứng của cái gọi là cư dân mạng. Những người tỏ ra căm phẫn có. Những người tò mò tìm kiếm không ngừng nghỉ các thông tin xoay quanh chúng cũng có. Và thậm chí, có cả những người lập nên những trang fanpage mang tên các thủ phạm hoặc làm những nội dung số (dù mang tính giải trí) ăn theo thảm án kể trên để câu khách.

Thật bình thường khi chúng ta nhận được một đánh giá theo kiểu "trừng phạt thủ phạm theo kiểu mang tính báo thù xứng tầm tội ác đã xảy ra" nhưng hãy thử đặt mình vào tư thế đối diện kẻ thủ ác, liệu chúng ta có dám thực hiện hành vi báo thù mà mình đã nhắc tới trong một lúc hưng phấn nào đó trên các diễn đàn hay không? Khoảng cách từ tưởng tượng tới hành động là rất xa nhưng khi trí tưởng tượng đã hình dung ra một loại hành động nào đó, điều đó có nghĩa là ý thức bắt đầu làm quen, và ghim sâu, hình ảnh của hành động ấy. Nói một cách nôm na, thói quen gợi ra hướng xử lý một cái ác bằng một cái ác khác vẫn đang tồn tại trong số nhiều người chúng ta và nó càng ngày càng được coi là một thói quen bình thường, không có gì trái với đạo lý.

Vậy thì chính thói quen đó đã chỉ ra một đứt gãy xã hội từ trong tâm lý mỗi con người, đứt gãy giữa thói quen đạo lý và thói quen mới được coi là bình thường.

Nhưng mọi thứ không hẳn chỉ dừng ở mức độ đó mà nó đang tồn tại ở một mức độ cao hơn rất nhiều. Đó là với sự tương trợ mạnh mẽ của các công cụ Internet (như mạng xã hội chẳng hạn), con người ta càng ngày càng tự do hơn trong việc thể hiện quan điểm của mình. Và việc mỗi người đều có cái quyền tự do thể hiện quan điểm, thái độ đã chỉ ra rất rõ tính đa dạng đến phức tạp của xã hội.

Chín người, mười ý, các quan điểm có những độ lệch nhau nhất định, có độ vênh với nhau nhất định hiển lộ ra và nó là minh chứng cho việc mỗi con người có một niềm tin, chân lý, triết lý khác biệt nhau. Nhưng điều vô cùng quan trọng chính là trong lúc mạnh dạn đưa ra quan điểm, bảo vệ quan điểm đến mức quyết liệt và mù quáng, người tham gia các cuộc tranh luận ồn ào đã không còn để ý tới "độ vênh" giữa các chân lý, triết lý, niềm tin nữa. Đứt gãy xã hội nảy sinh từ đó và nó càng trở nên trầm trọng hơn khi Việt Nam hiện nay lại đang là một xã hội đã để đánh mất, và thậm chí là trở nên thiếu thốn các giá trị nền tảng cơ bản chung.

Đã đến lúc, tất cả những gì đơn giản nhất như việc những cô cậu choai choai khóc ngất trước thần tượng Hàn Quốc; hôn lên ghế thần tượng ngồi; cuồng lên tề tựu nhau nghênh chiến với một đám đông khác để bảo vệ thần tượng của mình; sẵn sàng buông lời thô lậu mạ lị nhau công khai trên mạng xã hội; dễ dàng cởi đồ, dựng chuyện để mưu cầu danh tiếng ảo; sử dụng những từ viết tắt mà ta thừa biết nó tục tĩu đến mức độ nào (và buồn thay là nhiều người lớn trong chúng ta lại dễ dãi bắt chước theo kiểu "vui mà")… không nên được coi là chuyện bình thường nữa. Chúng phải được trả về đúng chỗ của chúng, tức là hệ lụy của những đứt gãy xã hội, những đứt gãy được tạo ra từ sự đổ vỡ những hệ giá trị, niềm tin mà rất nhiều thế hệ đã gây dựng để chúng ta được khác những sinh vật khác nhờ định nghĩa "con người".

Hà Quang Minh
.
.