Trở lại "Ngôi nhà xưa" cùng Nguyễn Hoàng Sơn
- Giọng điệu trong thơ viết cho thiếu nhi của Huy Cận
- Không thể viết cho thiếu nhi bằng tâm hồn của ông già
Tác giả khiêm tốn đắn đo trong lời mở sách: “Những truyện bạn đang cầm trên tay chủ yếu là những kí ức có phần rời rạc, tản mạn của một người đã có một tuổi thơ bình thường, rất bình thường”. Nhưng đại đa số bạn đọc là người bình thường, thì cái “bình thường, rất bình thường” ấy lại có phần gần gũi, thân thiện.
Mặt khác, chính nó lại gợi ra sự tò mò: Làm thế nào mà một cậu bé nhà quê trong ngôi làng cổ bên sông Cầu có “tuổi thơ bình thường, rất bình thường” lại có thể trở thành một nhà báo, nhà thơ có tên tuổi trong văn đàn?
Tác giả nêu một giả định: “Giả dụ một ngày đẹp trời, một ngày chủ nhật vui vẻ chẳng hạn, bạn ngán ngẩm với mọi trò chơi trên truyền hình và tìm lại trang sách xưa cũ thì sao? Thì đây, bạn sẽ gặp một số phận, nhỏ bé như tuổi bạn, ngỡ ngàng trước những biến đổi của thời cuộc, vui buồn với những cảnh quê, người quê…”. Tôi chỉ đồng ý một nửa với giả định này. Bởi vì con người luôn có nhu cầu tìm hiểu quá khứ, luôn muốn biết “ngày xưa”.
Đó là cái ngày xa lắc xa lơ trong những truyện thần thoại, cổ tích mà bất cứ đứa trẻ bình thường nào cũng đều mê mẩn. Những cái ngày xưa cũng là cái ngày cách nay chỉ mấy chục năm thôi, nhưng cũng đã xa vắng và lạ lẫm lắm rồi. Ấy là khi một làng ven sông như làng quê của anh mà rất nhiều bến đò: “đò ngang chợ Điệu, đò ngang Đạng Vỡ, đò ngang Cành Dây, đò ngang Bến Ái”.
Ấy là trò chơi bắn súng cát bằng ống đu đủ; là những đêm hát ví đối đáp nam nữ hai bờ sông. Cả cái cảnh xay lúa, hay giã gạo cũng đã biến mất tự khi nào khi mọi nơi đều có máy xay xát. Các bạn trẻ sẽ thấy ở đây hình ảnh của “các cụ” xưa trong một công đoạn làm ra hạt gạo dẻo thơm khi mà làng chưa có điện, chưa có máy móc gì.
“Hồi tôi còn nhỏ, làng tôi chưa có điện. Quãng bảy, tám giờ tối là xóm giềng đã có vẻ im ắng, chỉ le lói ánh đèn dầu của những nhà có thói quen ăn cơm muộn. Thứ tiếng nghe rõ nhất là tiếng giã gạo. Thình thịch… thình thịch đều đặn và buồn tẻ. Tôi ngồi trong bóng tối, tưởng tượng ra người đàn bà giã gạo một mình trong gian nhà ngang tối tăm.
Không rõ mặt người, chỉ có cái dáng cao cao, cái váy xốc xếch, cái yếm nâu, hai cánh tay trần níu chặt cái “giằng” từ xà ngang nhà buông tới. Thình thịch… thình thịch… Có khi tôi đã ngủ một giấc dài, thức dậy, vẫn còn nghe thứ tiếng buồn tẻ ấy” (Một đêm hát). Vâng, con người vẫn xem tivi, vẫn dùng điện thoại thông minh, iphone, ipad… Nhưng tôi đoan chắc họ vẫn vui vẻ tìm đọc những trang sách viết về “Ngôi nhà xưa” chứ chả phải đợi đến khi họ chán với mọi trò chơi trên các thiết bị thông minh. Vấn đề là những trang sách đó phải hấp dẫn, phải cuốn hút và ám ảnh.
Tập truyện này có hai phần khác biệt. Tạm coi như vậy. Bởi lẽ 6 truyện hay sáu đoạn hồi ức (gồm Sông quê hương, Một đêm hát, Cơm nhà người, Thầy Thiệp, Ngôi nhà xưa, Dây thiên lí) là câu chuyện của chú bé tên Sơn, liên quan trực tiếp đến những kí ức của cậu bé nhà quê. Nhân vật chính là cậu bé với những kỉ niệm bé thơ ở làng quê, quan hệ trực tiếp và mật thiết đến những người thân, đến bạn bè, thầy giáo.
Phần thứ hai là truyện vừa “Biến dạng”, một chuyện hư cấu có thể có nhân vật nào đó là nguyên mẫu, nhưng cũng có thể hoàn toàn do tác giả tưởng tượng và xây dựng nên.
Không rõ có phải tôi cùng lứa tuổi với tác giả, cùng biết sơ sơ về biến cố lớn nhất bấy giờ là Cải cách ruộng đất, và tôi cũng từng sinh trưởng ở nông thôn với các trò lặn hụp, bơi lội, đánh nhau… nên dễ đồng cảm hay không. Nhưng quả thực tôi đã thích thú theo dõi nhân vật kể chuyện xưng “tôi”.
Và tôi cho rằng những đoạn truyện ngắn được viết bằng hồi ức của chú bé đó là những đoạn viết độc đáo, cuốn hút. “Có chút buồn thương về một thời gian khó, có chút day dứt với những kỉ niệm xưa, có cả những khắc khoải, bồi hồi”. Trên bìa bốn có in nhận xét như vậy. Nhưng theo ý tôi, các truyện cuốn hút vì tác giả là người sống chậm, sống kĩ, sống hết mình. Truyện nào cũng nhẹ nhàng, trong sáng, lãng đãng chất thơ như văn Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh.
Khi làm thơ cho trẻ em, tác giả nhìn thế giới với mắt nhìn con trẻ. Có nghĩa là chú bé con ngày xưa vẫn không ra đi, không lớn lên mà vĩnh viễn ở lại, kết hợp với những lịch lãm, từng trải của người viết để làm nên những vần thơ trong trẻo, cuốn hút… Khi viết văn xuôi, những ưu điểm trên càng thể hiện rõ rệt. Chỉ lấy một ví dụ về sự ăn ngô. Ấn tượng về món “ngô rấm” ấy của chú bé nhà quê thời khó khăn thật sinh động trong mấy dòng miêu tả:
“Từ tối hôm trước mẹ tôi đã cho ngô hạt vào một cái lọ sành, thêm nước, muối vừa đủ rồi cả đậu đen, đậu xanh nữa. Sau khi đậy lọ sành bằng một cái nút rơm vừa vặn, mẹ tôi vùi lọ ngô vào đống trấu âm ỉ cháy. Suốt đêm, cái lọ sôi lục bục, mùi ngô bung thơm tỏa cả vào giấc ngủ mê mệt trong căn nhà chật… Trưa hôm sau, từ lớp học trở về, bụng đói ngấu, tôi vồ lấy bát ngô bung bà mới đổ ra từ cái lọ còn bốc khói. Trời, miếng ngô mới mềm, mới ngọt làm sao, thêm hạt đậu xanh, đậu đen ngầy ngậy, beo béo… Có lẽ chưa bao giờ tôi có được cảm giác ngon lành như thế…” (Cơm nhà người).
Phải chăng tôi đã từng chứng kiến một thầy giáo môn Sinh vật cấp 3 “trù dập” anh bạn cùng lớp năm học lớp 10? Phải chăng vì tôi chiêm nghiệm và quan sát thấy thái độ của người thầy có thể nâng đỡ, khích lệ, mà cũng có thể kìm hãm, làm thui chột niềm yêu thích bộ môn? Phải chăng vì tôi làm ở ngành giáo dục lâu năm?
Chỉ biết rằng tôi rất đồng cảm khi đọc truyện “Thầy Thiệp” của tác giả. Tôi cũng ấm ức thay chú bé bị đuổi oan một cách bất công bởi thái độ khắt khe đến tàn nhẫn của ông thầy dạy môn Vật lí. Hai học sinh cùng quên vở, nhưng một không làm bài tập, một đã làm. Vậy mà em không làm thì không sao, còn em đã làm bài thì bị “đuổi học vĩnh viễn”!
Thái độ trù dập vô lối của người thầy đã làm cậu học trò khóc cả buổi, bỏ cơm chiều và nghĩ chuyện trả thù, nghĩ đến cái chết. Làm bị thương tâm hồn của một đứa trẻ bằng trận bom như thế khiến chú bé tàn tật. Hành động hay cử chỉ vô tình của người thầy ảnh hưởng ghê gớm khôn lường đến học sinh. Tôi rất muốn các đồng nghiệp của mình đọc và suy ngẫm truyện này.
Có hai truyện liên quan đến biến cố Cải cách ruộng đất năm 1954. Đó là truyện “Cơm nhà người” và “Ngôi nhà xưa”. Vì gia đình bị quy là địa chủ, nhưng có hai người tham gia kháng chiến, cho nên không bị đấu tố, mà chỉ bị tịch thu ngôi nhà chia cho nông dân và cả nhà phải dọn sang một “ngôi nhà gianh lụp xụp ngay phía sau”.
Cũng vì biến cố đó mà tác giả, cậu bé lớp hai phải “đi ở” cho người thân để bớt miệng ăn. May mà sau đó Đội sửa sai về, gia đình được xuống thành phần, được trả lại ngôi nhà xưa tổ tiên để lại. Cuộc Cải cách ruộng đất đó, trong con mắt của chú bé và lời kể buồn thương, day dứt nhưng không oán hận, theo tôi, là một cách viết thành công về đề tài xưa nay vẫn được coi là “nhạy cảm”!
“Biến dạng” là một truyện vừa gồm 8 chương nhỏ viết năm 1988. Câu chuyện xoay quanh cảnh gia đình ông Đông, một kiểu cán bộ mẫn cán có thằng con hư là Tiến bỏ nhà đi “bụi”. Người cha “mẫu người cán bộ tuyên truyền của một thời” nhìn sự kiện đi bụi của con hoàn toàn bằng lí do khách quan: vì nó chơi với đứa xấu nên hư đốn. Ông “tin tưởng sắt đá vào quan hệ nhân quả: Bố mẹ đứng đắn, lương thiện thì con cái không thể nào hư hỏng được”. Thế nên khi con ông hư, ông cay đắng nhận ra sự thất bại của mình. Cái giá của một cán bộ mẫn cán, trung thực cứ xuống dần trong mắt người cùng cơ quan, cùng khu tập thể. “Ông như người diễn viên ăn đèn, nay bị lôi tuột ra ánh ngày và thấu hiểu sự trơ trẽn của mình khi son trôi phấn nhạt” (trang 134). Một câu chuyện buồn về giáo dục gia đình.
“Ngôi nhà xưa” là một thử bút của nhà thơ, nhà báo, người viết lí luận phê bình sắc sảo. Và tác giả không làm bạn đọc thất vọng vì với những truyện ngắn nhỏ, gọn, với giọng kể thủ thỉ, điềm tĩnh, nhiều trang thấm đẫm chất thơ về một thời chưa xa. Người viết đã tạo được sự lôi cuốn và sự ám ảnh. Không chỉ với bạn đọc nhỏ tuổi mà với bạn đọc mọi lứa tuổi.