Triển lãm nghệ thuật về chủ đề bảo vệ môi trường: Khi rác lên tiếng

Thứ Hai, 15/07/2019, 08:21
Vì thế triển lãm "Xả rác ít thôi!" với các tác phẩm sắp đặt được xây dựng chủ yếu dựa trên các sản phẩm được tái sử dụng, tái chế để giảm thiểu tác động đối với môi trường, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều điều bổ ích: Một nhãn quan mới về phương thức sản xuất và tiêu dùng, kích thích giác quan qua sự sáng tạo bằng việc tái chế, sắp đặt những tác phẩm từ rác thải nhựa... 


Từ ngày 15-7 đến hết 31-8-2019, tại Trung tâm Văn hóa Pháp L'Espace (24 Tràng Tiền - Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm sắp đặt với chủ đề "Xả rác ít thôi!". Năm 2019 này, cùng với triển lãm ảnh "Hãy cứu biển" của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng vừa diễn ra hồi đầu tháng 6, triển lãm "Xả rác ít thôi!" sẽ tiếp tục truyền tải tới cộng đồng thông điệp mạnh mẽ: Hãy bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất của chúng ta bằng cách hạn chế tối đa rác thải nhựa.

Slogan đáng suy nghĩ: "Xả rác ít thôi!".

Với thói quen tiêu dùng, sử dụng hiện nay của người Việt, Việt Nam đang là đất nước nằm top đầu của thế giới trong việc xả rác thải nhựa ra môi trường. Theo tính toán của những tổ chức uy tín về môi trường thế giới, hiện nay mỗi năm 94 triệu dân Việt Nam xả ra môi trường hàng trăm ngàn tấn rác thải nhựa. Loại rác này phải mất từ 150 đến 300 năm mới có thể phân hủy trong môi trường tự nhiên.

Mỗi ngày, Hà Nội thải ra đến hơn 6.400 tấn rác sinh hoạt chứa nhiều rác thải nhựa và con số đó vẫn không ngừng gia tăng qua mỗi năm gây nên những ảnh hưởng tai hại đến môi trường và sức khỏe người dân. Các nhà hoạt động về môi trường nhận định, với tốc độ này và không có biện pháp hạn chế, xử lý thì chẳng bao lâu nữa, từ thành phố đến nông thôn Việt Nam sẽ ngập chìm trong rác.

Cô Sarah Field bên chú cá bống khổng lồ trong dự án có tên "Goby the Fish" hay còn gọi là "Cho Bống xin rác" tại Đà Nẵng.

Vì thế triển lãm "Xả rác ít thôi!" với các tác phẩm sắp đặt được xây dựng chủ yếu dựa trên các sản phẩm được tái sử dụng, tái chế để giảm thiểu tác động đối với môi trường, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều điều bổ ích: Một nhãn quan mới về phương thức sản xuất và tiêu dùng, kích thích giác quan qua sự sáng tạo bằng việc tái chế, sắp đặt những tác phẩm từ rác thải nhựa. Triển lãm được xây dựng trong khuôn khổ dự án "Chất lượng thành phố - Chất lượng cuộc sống (QV2)".

Đây là dự án này được văn phòng hợp tác giữa UBND TP Hà Nội và vùng le-de-France, PRX-Vietnam thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển Pháp - AFD. Với mục tiêu chính là hướng đến làm thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng đối với vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và hạn chế rác thải nhựa nói riêng, triển lãm "Xả rác ít thôi!" tập trung cung cấp cho người xem những thông tin liên quan đến tác hại của rác thải đối với môi trường cũng như sức khỏe của cộng đồng.

Bên cạnh đó, triển lãm "Xả rác ít thôi!" cũng giới thiệu các mẹo vặt và những lựa chọn thay thế hết sức thiết thực cho một cuộc sống lành mạnh hơn. Không gian tương tác dành cho trẻ em trong triển lãm sắp đặt "Xả rác ít thôi!" cũng sẽ giúp giáo dục trẻ nhỏ thông qua các hoạt động vui nhộn mang tính giáo dục để xây dựng một đội ngũ đông đảo các bạn trẻ có thói quen "tiêu dùng xanh", nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính mình bắt đầu từ thói quen loại hạn chế tối đa việc xả rác thải nhựa ra môi trường.

Lan tỏa những thông điệp về rác

Đầu tháng 6 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm ngày Môi trường thế giới (5-6) và ngày Đại dương thế giới (8-6), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng - người vinh dự được chọn làm Đại sứ Đại dương xanh Việt Nam - tổ chức triển lãm "Hãy cứu biển - Save our Sea" từ ngày 4 đến 9-6 tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài.

Triển lãm gồm hơn 100 bức ảnh chụp về rác dọc theo chiều dài đất nước được lựa chọn từ hơn 3.000 bức ảnh trong chuyến đi xe máy xuyên Việt với tổng chiều dài hơn gần 7.000km để chụp ảnh về rác năm 2018 của mình. Với hành trình và những bức ảnh về sự ô nhiễm môi trường biển với rác thải nhựạ từng khiến cộng đồng mạng "chấn động", nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng dường như đã trở thành một "người hùng" trong phong trào bảo vệ môi trường, lan tỏa thông điệp về tác động của rác thải nhựa đối với trái đất, với cuộc sống hiện tại và tương lai của con người.

Tại triển lãm đầu tiên của mình và cũng là triển lãm đầu tiên về rác thải ở Việt Nam, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng đã chia sẻ: "Trên con đường vạn lý độc hành, máy ảnh của tôi đã ghi lại những nơi... toàn rác. Những bãi biển, những dòng sông, những con người oằn mình trong rác. Câu chuyện tôi kể sẽ không hấp dẫn, thú vị nhưng là câu chuyện chân thực và tôi tin nó có ích. Tôi chỉ là cá nhân với khả năng giới hạn. Nhưng tôi tin một hành động thiết thực sẽ tạo thành nhiều hành động lớn lao hơn...".

Vì là triển lãm đầu tiên về rác thải ở Việt Nam trong bối cảnh nước ta đang đứng trước nhiều vấn đề vô cùng nhức nhối về ô nhiễm môi trường và rác thải, nên triển lãm "Hãy cứu biển - Save our Sea" của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo báo chí và nhận được phản hồi tích cực từ dư luận.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng chia sẻ: "Tôi mong câu chuyện của mình được lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ tới cộng đồng, nhằm góp phần thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức và thúc đẩy những hành động tích cực của mỗi cá nhân, cũng như góp tiếng nói của một công dân tới các cơ quan quản lý, ban hành chính sách trong cuộc chiến chống lại rác thải nhựa, cứu đại dương...".

Một trong những tác phẩm tại triển lãm sắp đặt “Xả rác ít thôi!”.

Quả thực, từ việc làm của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng đã có sức lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ tới cộng đồng. Dường như, những hiệu ứng từ việc làm tích cực của anh và tác động mạnh từ triển lãm ảnh "Hãy cứu biển - Save our Sea" đang khiến cho nhiều bạn trẻ, nhiều người quan tâm đến tác động môi trường đã có những hành động thiết thực để cứu biển, bảo vệ môi trường bắt đầu từ việc giảm thiểu sử dụng túi nilon và các thức uống đóng chai nhựa sử dụng một lần.

Nhiều chiến dịch làm sạch biển có quy mô lớn với sự tham gia của đông đảo các bạn trẻ, học sinh - sinh viên, sinh viên tình nguyện đã góp phần làm sạch nhiều bãi biển ở Nam Định, Thanh Hóa, Bình Định, Phú Yên, Vũng Tàu... và chắc hẳn dư âm của nó vẫn còn tiếp tục.

Đến nay, đã có thêm nhiều chiến dịch nói không với rác thải nhựa, nhiều cơ quan, công sở, trường học tổ chức ký những biên bản ghi nhớ về cam kết thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa trên quy mô toàn quốc. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm: "Sau triển lãm "Save Our Sea" ở Hà Nội, tôi sẽ tiếp tục trưng bày tại TP. Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn ven biển khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang... Nhưng mong muốn lớn nhất của tôi đó là đưa được triển lãm này đến được với 28 tỉnh thành có biển trên cả nước để có thể tạo nên một chiến dịch mạnh mẽ hơn nữa để thay đổi ý thức và hành động của người dân trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ biển.

Thời gian qua, hình ảnh chú cá Bống với kích cỡ lớn được làm từ vật liệu thiên nhiên trong bụng chứa đầy rác thải nhựa xuất hiện tại bãi biển ở Sơn Trà (Đà Nẵng) đã gây nhiều suy ngẫm cho khách du lịch biển.

Thì ra, đây là một dự án có tên "Goby the Fish" hay còn gọi là "Cho Bống xin rác" do cô Sarah Field - một giáo viên dạy tiếng Anh đến từ Nam Phi khởi xướng. Mới đến sống và làm việc ở Đã Nẵng được một thời gian và rất yêu thích không gian sống nơi đây, nhưng hình ảnh những vỏ chai nhựa, túi nilon bị vứt lại trên bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) - một bãi biển được xếp vào top những bãi biển đẹp nhất trên thế giới đã khiến cô Sarah Field trăn trở.

Trao đổi với chồng và những người bạn Việt Nam, ý tưởng về một chú cá bống khổng lồ chuyên "nhận" rác thải nhựa đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Khi chú cá bống khổng lồ được thể hiện qua nghệ thuật sắp đặt đã được hoàn tất. Khách du lịch đến đây đã rất thích thú bởi sự mới lạ, ngộ nghĩnh của chú cá này, nhất là trẻ em.

Rất nhiều du khách đã tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm với chú cá bống dễ thương này. Cô Sarah Field và những người bạn tham gia thực hiện dự án này hi vọng hình ảnh chú cá bống với thông điệp bảo vệ đại dương, chống lại rác thải nhựa sẽ được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, tạo thành một trào lưu mạnh mẽ về việc chung tay bảo vệ đại dương trước hiểm họa của rác thải nhựa ở Việt Nam và thế giới.

Rõ ràng, khi rác lên tiếng và trở thành một thứ ngôn ngữ nghệ thuật, đã tạo nên hiệu ứng tích cực, mạnh mẽ trong cộng đồng. Hi vọng trong tương lai, sẽ có thêm những dự án nghệ thuật liên quan đến chủ đề rác thải nữa được tổ chức tiếp nối, để tiếp tục có thêm nhiều ảnh hưởng tới tư duy, nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, bắt đầu từ việc hạn chế, thậm chí là nói không với rác thải nhựa.

Nguyệt Hà
.
.