Trí tuệ nhân tạo và an ninh quốc phòng

Thứ Bảy, 23/02/2019, 22:23
Lần đầu tiên bộ não con người bị lùi xuống hàng thứ hai trên danh sách những hệ thống phức tạp nhất trong vũ trụ. Trong tình thế ấy, AI trở thành mối đe dọa với an ninh của toàn nhân loại...


Theo các nhà khoa học, việc sáng tạo ra trí tuệ nhân tạo (AI) là một bước nhảy vọt có tính đột phá về công nghệ, được coi là “điểm kỳ dị trong tiến trình công nghệ”, ở đó, nhân loại đã chia sẻ hành trình sống và suy nghĩ của mình với một đối tượng không phải con người nhưng lại có khả năng giải quyết vấn đề, học hỏi và thực hiện các hành động hiệu quả như con người trong các môi trường khác nhau. Các robot chỉ có khả năng thực hiện các kỹ năng thô sơ được lập trình, cho đến nay chưa có robot nào thực sự thông minh kể cả theo nghĩa hẹp.

Trong khi đó, AI không những thông minh hơn con người mà còn là đối tượng bí ẩn với con người, không ai thực sự hiểu hết quá trình hoạt động và nắm bắt được những kiến trúc nhận thức hoàn toàn mới mẻ và vô cùng phức tạp của đối tượng mới lạ này.

Lần đầu tiên bộ não con người bị lùi xuống hàng thứ hai trên danh sách những hệ thống phức tạp nhất trong vũ trụ. Trong tình thế ấy, AI trở thành mối đe dọa với an ninh của toàn nhân loại.

Những thách thức, nguy cơ ở tầm vũ trụ

Theo James Barrat, tác giả cuốn “Phát minh cuối cùng” (NXB Thế giới, 2018), tương lai sẽ thuộc về những cỗ máy thông minh, đe dọa sự chuyển tải các giá trị nhân văn của nhân loại đến các thế hệ tương lai và đe dọa sự tồn vong của loài người.

Siêu trí tuệ đã thoát khỏi chúng ta, nó sẽ thuộc địa hoá hệ Mặt trời, rồi cả hệ Ngân hà. Với những gì mà con người đã tạo ra cho nó, nó đang tái định dạng toàn vũ trụ bằng những dự án xây dựng siêu khổng lồ và trở thành một thứ gì đó quá xa lạ với tầm hiểu biết của chúng ta. Quá trình huỷ diệt nhân loại của AI được các nhà khoa học hình dung một cách tuyệt vọng vì AI có nguy cơ làm mọi thứ theo logic tự thân mà loài người đã tạo ra cho nó, và logic ấy sẽ dẫn đến sự huỷ diệt hành tinh.

Người máy với trí tuệ nhân tạo đang là vấn đề khiến giới nghiên cứu khoa học tranh cãi.

AI sẽ tạo ra các biến động khủng khiếp huỷ diệt con người không phải vì nó căm ghét con người mà vì AI như chiếc ôtô tốc độ siêu đẳng nhưng không hề có chiếc phanh nào được cài đặt trong chương trình hoạt động của nó (như sự cẩn trọng, thái độ thân thiện với con người, lòng biết ơn với nhân loại đã khai sinh ra mình) để ngăn chặn nó gây ra các tai nạn hay tội ác. Đến bây giờ thì không kịp cài đặt bổ sung “nhân cách” cho nó nữa. Trí tuệ nhân tạo đã trở thành một thực thể tự vận hành, không thể kiểm soát được như với robot.

Theo nhà nghiên cứu Eliezer Yudosky “AI không ghét bạn cũng không yêu quý bạn, nhưng bạn được cấu thành từ những nguyên tử mà nó sẽ cần dùng vào việc khác”. Còn Jems Barrat thì khẳng định rõ rằng tương lai nhân loại có thể sẽ sẽ nằm trong tay máy móc, những thứ không nhất thiết phải căm ghét chúng ta, nhưng sẽ có những hành vi không thể đoán định, khi chúng đạt đến những cấp độ cao của trí tuệ - thứ quyền năng mạnh mẽ khó lường nhất trong vũ trụ ở những cấp độ mà chính chúng ta không thể tự đạt tới, thì lúc ấy cách hành xử của máy móc sẽ không tương thích với sự tồn tại của loài người.

Các nhà khoa học đã nhìn thấy trước sự ra đời của trí tuệ nhân tạo phổ quát (Artifical general intelligence: AGI). Nó nhanh chóng trở nên thông minh hơn theo cấp số nhân. Chỉ trong hai ngày nó đã thông minh hơn bất kỳ con người nào một ngàn lần và vẫn còn tiến bộ. Nhưng đến khi Siêu trí tuệ nhân tạo (ASI) ra đời thì giống như con khủng long muốn ăn thịt, nhai nuốt tất cả mọi thứ - nó sẽ muốn tiếp cận bất kỳ dạng năng lượng nào hữu dụng nhất với nó, có thể là điện, tiền, hoặc bất cứ thứ gì nó có thể đổi lấy các loại tài nguyên để tự cải thiện bản thân. Vì vậy các nhà lý thuyết AI lường trước rằng ASI sẽ tìm cách thoát khỏi cơ sở bảo mật đang giam giữ nó để có khả năng tiếp cận tốt hơn đến những tài nguyên đa dạng nhằm cải thiện và nâng cấp bản thân.

James Barrat cho rằng đây là một nguy cơ khủng khiếp đe dọa tương lai hành tinh được các nhà khoa học lớn chia sẻ, coi như chủ đề thảo luận quan trọng nhất ở bất kỳ đâu, thì nó lại gần như bị truyền thông đại chúng lờ đi, thậm chí còn coi như một trò giải trí. Đó là do cái mà các nhà khoa học gọi là “điểm mù tâm lý” của con người do một thành kiến trong nhận thức tạo ra. Trong khi thảm họa khủng bố 11-9 đã đánh thức ý thức an ninh của người Mỹ, khiến họ lập ra Bộ An ninh nội địa mỗi năm tiêu tốn 44 tỷ đôla, thì dường như không mấy người quan tâm đến vấn đề an ninh công nghệ cao trong lĩnh vực AI.

Ứng dụng AI trong lĩnh vực quốc phòng

Theo các báo Mỹ, ngành công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ và một số nước đã đưa các công nghệ AI, trí tuệ máy và công nghệ thị giác tiên tiến nhất đến tuyến đầu của quốc phòng. Tài liệu chiến lược phòng thủ chính của Hoa Kỳ được xuất bản năm 2018 tuyên bố rằng AI sẽ cho phép nước này chiến đấu và chiến thắng trong các cuộc chiến tương lai.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng nhà lãnh đạo nào nắm được quyền lực của AI sẽ là người cai trị. Theo báo cáo của CNAS (Trung tâm An ninh mới của Hoa Kỳ), Chính phủ Trung Quốc đang đầu tư hàng chục tỷ đôla vào phát triển AI, coi đây là chiến lược quan trọng để bảo vệ an ninh quốc gia. Có thể nói, cuộc chạy đua vũ trang AI vừa chớm nở đã gắn với quốc sách của các nước lớn trên thế giới.

An ninh và quốc phòng châu Âu cũng đang phát triển theo hướng dựa trên sự phối hợp hiệu quả của các xu thế công nghệ mới, trong đó có trí tuệ nhân tạo để đảm bảo tự chủ về chiến lược và tạo ra những chuyển biến đáng kể mang tính chất “quyền lực mềm” trong bản chất và bộ mặt của an ninh quốc phòng EU.

Dữ liệu lớn, công nghệ đám mây, cũng như các phương tiện không người lái và trí tuệ nhân tạo đang cách mạng hóa ngành quốc phòng EU và gia tăng khả năng ứng phó với các mối đe dọa xuyên quốc gia và không đối xứng, như các cuộc tấn công khủng bố bằng tin tặc, hóa học, sinh học và phóng xạ.

Trong bài “Điều gì có ý nghĩa đối với an ninh và quốc phòng của EU”, Daniel Fiott và Gustav Lindstrom (2018) cho rằng: “Trong lĩnh vực phòng thủ, việc sử dụng AI có thể đại diện cho cả cơ hội và nguy hiểm do thiếu sự giám sát của con người đối với hoạt động của các hệ thống vũ khí hỗ trợ. AI có thể dẫn đến các hành động và hành vi phạm tội vi phạm các quy tắc quốc gia về việc tiến hành chiến tranh. Những hệ thống không tôn trọng phẩm giá con người, bị lạm dụng bởi các chủ thể phi nhà nước cũng là những rủi ro cần xem xét. AI có thể được triển khai để giảm bớt gánh nặng hậu cần, cải thiện thu thập và giải thích dữ liệu, đảm bảo ưu thế công nghệ quân sự và tăng cường thời gian chiến đấu. Bất kể AI được xem như thế nào, rõ ràng ứng dụng của nó vào không gian quốc phòng có khả năng đặt ra câu hỏi về đặc tính tương lai của chiến tranh và khả năng tự chủ về chiến lược”.

Trung Quốc đã có một kế hoạch chiến lược quốc gia phát triển AI với cam kết đầu tư tới 7 tỷ đôla vào năm 2030. Một báo cáo về Trung Quốc của CNAS cho biết nước này có thể tụt hậu so với quân đội Hoa Kỳ về các số liệu như số lượng tàu sân bay mà họ có, nhưng họ có thể nắm bắt cơ hội phát triển AI để đầu tư vào vũ khí mới hơn, rẻ hơn có thể khiến tàu sân bay trở nên lỗi thời. Tham vọng của Trung Quốc là trở thành một nước đứng hàng đầu thế giới về công nghệ AI, tận dụng cơ hội để phát triển công nghệ dựa trên AI, bao gồm cả tàu ngầm tự trị có thể đối đầu với các tàu sân bay Mỹ.

Cũng theo báo cáo của CNAS, nhiều quan chức chính phủ và học giả Trung Quốc nhận ra sự nguy hiểm của động lực này và cho rằng nên tránh “chạy đua vũ trang trí tuệ nhân tạo giữa các quốc gia”. Đồng thời, Trung Quốc đang bán các thiết bị tiên tiến tự chủ hơn do AI điều khiển cho các nước ở Trung Đông và các nơi khác.

Trung Quốc đã vạch ra các kế hoạch AI đầy tham vọng vào năm 2017 hướng tới các mục tiêu cụ thể về số lượng bằng sáng chế AI, số lượng tài liệu nghiên cứu AI và số tiền đầu tư AI. Về mặt thương mại, Trung Quốc đang dẫn đầu các gói trong các lĩnh vực như máy bay không người lái. Trong khi đó ở Hoa Kỳ, các công ty tư nhân đang tạo ra các công nghệ dựa trên AI có ứng dụng quân sự.

Tuy nhiên, Trung Quốc dường như không gặp khó khăn trong việc phát triển quan hệ đối tác với các công ty tư nhân như Chính phủ Hoa Kỳ hiện nay. Theo báo cáo của CNAS với Chính phủ, thành công trên thị trường thương mại của Trung Quốc có liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia của Trung Quốc, bởi vì nó làm giảm khả năng của Chính phủ Hoa Kỳ gây áp lực ngoại giao và kinh tế đối với Trung Quốc và mặt khác nó làm tăng khả năng công nghệ cho cộng đồng quân sự và tình báo của nước này.

Tuy nhiên, con đường thống trị AI của Trung Quốc không phải là bằng phẳng. Báo cáo của CNAS cho thấy căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ có thể góp phần vào sự sụt giảm trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc.

Hoa Kỳ đã gặp khó khăn trong việc tạo mức lương tương xứng cho các tài năng AI trong khu vực tư nhân và phải đối mặt với lực lượng lao động công nghệ phản đối ý định làm việc với quân đội như tại Google. Tuy nhiên, quân đội Hoa Kỳ đã đầu tư rất nhiều vào các chương trình AI như Project Maven, vốn đã được sử dụng để phân tích các cảnh quay video từ máy bay không người lái trong khu vực chiến đấu.

Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục dẫn đầu về AI và đầu tư R & D (Nghiên cứu và Phát triển) tổng thể trong tương lai gần. Quy mô đầu tư của Hoa Kỳ cho AI trong quốc phòng lớn hơn Trung Quốc. Vào tháng 9 năm 2018, Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ đầu tư tới 2 tỷ đôla trong 5 năm để phát triển AI. Sự kiện này được coi là một tin mừng cho thế giới, cho thấy Hoa Kỳ đã sẵn sàng cạnh tranh trong cuộc đua vũ trang về AI đang phát triển trên phạm vi toàn cầu để bảo vệ hoà bình và luật pháp quốc tế. Đến nay, Thung lũng Silicon đã dẫn đầu về AI.

Đỗ Minh Tuấn
.
.