Trẻ em như búp trên cành

Thứ Năm, 14/12/2017, 08:40
Vụ cha ruột và mẹ kế bạo hành cháu bé 10 tuổi ở Hà Nội như một giọt nước được châm thêm vào chiếc ly căm phẫn vốn đã quá đầy của công luận xoay quanh những vụ bạo hành trẻ em được phát hiện dồn dập trong suốt thời gian qua. 


Xử lý thế nào, đó là chuyện của pháp luật và chắc chắn, những cơ quan thực thi pháp luật sẽ không nương tay với những hành vi như thế. Song, vết sẹo để lại trong tâm thức trẻ (chứ không phải những vết thương thể lý đơn thuần) khó có thể nào bị xoá nhoà cho dù người "bác sỹ" trị thương có cao tay đến mấy đi nữa.

Cũng trong những ngày dư luận ồn ào lên vì những vụ bạo hành kể trên, một vụ ồn ào khác cũng mang lại nhiều tranh cãi và chính cơ quan chủ quản của nội dung gây tranh cãi đó cũng phải yêu cầu đơn vị thực hiện chương trình gỡ bỏ nội dung đã phát sóng khỏi các kênh youtube. Đó là chuyện của nữ nghệ sỹ Lê Giang, diễn viên hài Duy Phương và mới đây là việc lên tiếng của người vợ cũ Duy Phương là diễn viên Hải Lý mà câu chuyện của họ xoay xung quanh chủ đề bạo hành gia đình.

Các câu chuyện kia cho chúng ta nhận ra một điều rằng bạo hành gia đình không phải là một vấn nạn riêng biệt ở thế giới của lạc hậu, nghèo đói, thất học mà nó tồn tại ở khắp nơi, từ những bóng bẩy hào nhoáng của giới nghệ sỹ cho tới những gia đình trung lưu thành thị, những gia đình mà chúng ta cứ mặc nhiên nghĩ rằng "họ là những người hiểu biết với văn hoá ứng xử ít ra cũng phải ở mức tối thiểu, chấp nhận được".

Mới đây, có một ý kiến được nghị viện Anh đưa ra liên quan đến luật hôn nhân gia đình. Đó chính là đề xuất chỉnh sửa lại các điều luật liên quan đến ly hôn để làm sao có thể phù hợp với tình hình xã hội hiện đại nhất. Luật ly hôn của Vương quốc Anh hiện nay đã không được điều chỉnh kể từ thập niên 80 của thế kỷ trước và các nhà xã hội học đánh giá rằng, nó đang khiến cho trẻ em của những gia đình có cha mẹ ly hôn không được bảo vệ tốt nhất.

Theo như Nữ Nam tước Shackleton vùng Belgravia, một luật gia tiếng tăm về lĩnh vực hôn nhân gia đình, việc xử lý một vụ ly hôn kéo dài tới khoảng 2 năm như hiện thời đang khiến trẻ em bị hành hạ khi phải chứng kiến cha mẹ chúng căng thẳng với nhau 1 thời gian quá dài, thậm chí chúng có thể là nạn nhân để trút giận. Và đánh giá của bà là sự kéo dài dai dẳng tiến trình xử lý ly hôn sẽ chỉ làm béo bở giới luật sư, đồng thời để lại một tình trạng tâm lý hoang mang kéo dài cho những người thừa kế.

Câu chuyện ở nước Anh cho chúng ta nhận thấy rằng trẻ em luôn luôn là đối tượng được bảo vệ tuyệt đối ở các quốc gia và quốc gia nào càng văn minh, trẻ em càng được quan tâm hơn nữa. Dễ hiểu, trẻ em chính là tương lai của quốc gia ấy và việc để hình thành một thế hệ tương lai đầy thương tổn sẽ chỉ mang lại những thương tổn cho quốc gia sau này.

Nói đến đây, chúng ta nhận ra rằng trẻ em Việt Nam nhận được quá ít sự bảo vệ, dù chúng ta có rất nhiều cơ quan được định danh là để bảo vệ trẻ em. Nhưng vượt trên hết, chính gia đình của các em cũng không bảo vệ các em tốt nhất, dù trách nhiệm hàng đầu trong việc bảo vệ trẻ em thuộc về chính gia đình, mà cụ thể là cha mẹ. Người mẹ không thể sống nổi với người cha vì lý do cá nhân nào đó đi chăng nữa thì đó là số phận của người mẹ ấy.

Việc lên tiếng tố cáo cha của con mình trước công luận như Lê Giang làm (đặc biệt là khi thông tin có tính một chiều) sẽ chỉ khiến những đứa trẻ bị thương tổn hơn. Đẩy một đứa trẻ vào sự căng thẳng và trăn trở giữa tình ruột thịt và nỗi hận chính là một tội ác không hơn không kém, mà mỉa mai thay, tội ác ấy không có tòa án nào phán xử được.

Bác Hồ từng viết "Trẻ em như búp trên cành" và việc nâng niu những búp trên cành ấy là nghĩa vụ lớn lao mà tất cả chúng ta phải thực thi. Và một trong những việc cần phải làm trong nghĩa vụ cá nhân và xã hội chính là chuyện làm sao để những chiếc búp còn non nớt kia không bị làm hại bởi bất kỳ mầm bệnh nào, nhất là những mầm bệnh tâm lý, thứ tạo nên những vết thương vĩnh viễn không lành.
Văn Đoàn
.
.