Tranh Việt trong dòng chảy “ hồi hương”

Thứ Tư, 23/01/2019, 12:28
Sự kiện Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh tiếp nhận bộ sưu tập quý hiếm do gia đình nữ họa sĩ Lê Thị Lựu tại Pháp hiến tặng được coi là sự kiện mỹ thuật tiêu biểu trong năm 2018. Từ dấu mốc này, nền mỹ thuật Việt Nam có quyền hy vọng vào sự trở về của những tuyệt tác xa xứ...


Cuộc trở về của những “báu vật mỹ thuật”

Năm 2018 là năm dòng chảy hồi hương của những “báu vật mỹ thuật” trở nên mạnh mẽ. Tháng 3, bức “Thôn nữ Bắc Kỳ” của họa sĩ Nam Sơn được một nhà sưu tập tại Hà Nội đấu giá thành công và mang về nước. Tháng 10, mỹ thuật Việt Nam lại đón tin vui khi bức tranh lụa “Thiếu nữ cầm quạt” của Nam Sơn lên sàn Aguttes (Pháp) đã có vài ba nhà sưu tập trong nước đăng ký đấu giá.

Từ mức khởi điểm 200.000 euro, bức tranh rời Hà Nội năm 1938 này tăng vọt 440.000 euro (gần 12 tỉ đồng tiền Việt). Người đấu giá thành công là một phụ nữ gốc Việt. Ông Ngô Kim Khôi - cháu ngoại họa sĩ Nam Sơn hy vọng “Thiếu nữ cầm quạt” sẽ tái ngộ quê nhà như bức “Thôn nữ Bắc Kỳ”.

Cuối năm 2018, công chúng Hà Nội nô nức đón nhận cuộc trở về của nhiều họa phẩm đắt giá trong triển lãm “Nguyễn Thụ - Hiện thực và Trữ tình”. Họa sĩ Nguyễn Thụ nổi tiếng với tác phẩm nên thơ, giản dị như: “Bác Hồ đi công tác”, “Cô gái Tày”, “Làng ven núi”...

Với nét đẹp riêng biệt, nhiều tranh lụa của ông được các nhà sưu tập nước ngoài ưa chuộng. Hội ngộ những “đứa con tinh thần” lưu lạc xa quê, lão họa sĩ rất xúc động. Đây là triển lãm rất ý nghĩa vì nó giúp công chúng có cái nhìn toàn diện về sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Thụ. 60 bức tranh tại triển lãm nằm trong bộ sưu tập tranh Việt gần 500 bức của nhà sưu tập Phan Tiến Dũng do ông cất công mua lại từ các nhà sưu tập nước ngoài trong nhiều năm qua.

Họa sĩ Lê Thị Lựu thời trẻ ở Pháp.

Ngoài tranh Nguyễn Thụ, còn có nhiều tác phẩm quý hiếm như: “Phong cảnh” của Nguyễn Gia Trí,“Điệu múa cổ”của Nguyễn Tư Nghiêm, “Chân dung Lâm cà phê” của Bùi Xuân Phái, “Tình mẫu tử” của Lê Phổ...

Sự kiện khiến giới mỹ thuật xôn xao nhất là sự kiện Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh tiếp nhận bộ sưu tập của họa sĩ Lê Thị Lựu do gia đình bà hiến tặng vào ngày 23-11. Bởi đây là lần đầu tiên nền mỹ thuật nước nhà nhận được loạt tranh hiến tặng đồ sộ và quý giá. Số tranh hiến tặng lên tới 29 bức.

Tên tuổi họa sĩ cũng là lý do khiến sự kiện này thu hút. Lê Thị Lựu (1911-1988) được xem là nữ họa sĩ mỹ thuật đương đại đầu tiên của Việt Nam. Bà tốt nghiệp thủ khoa khoá 3, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1932.

Năm 1940, bà sang Pháp cùng chồng và chủ yếu sáng tác trong giai đoạn này. Lê Thị Lựu còn là một thành viên trong bộ tứ danh họa thứ ba của nền mỹ thuật Việt gồm: “Phổ, Thứ, Lựu, Đàm” (Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm).

Cùng với các danh họa Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh, bà là một trong những người đặt nền móng cho tranh lụa Việt Nam. Bà chuyên vẽ tranh sơn dầu với thủ pháp bồi lụa và tạo dấu ấn riêng với sự pha trộn Á - Âu tinh tế.

Nhà sưu tập Lê Thụy Khuê, người được gia đình họa sĩ Lê Thị Lựu gửi gắm việc hiến tặng bộ sưu tập này cảm nhận: “Tranh bà êm dịu ánh sáng, nhẹ nhàng màu sắc, mềm mại nét bút, chủ đề chuyên biệt: phụ nữ và thiếu nhi. Bà chuyển tất cả thần thái, tâm sự nhớ nhà, sự âu yếm, dịu dàng và tế nhị vào nét bút như một căn cước, một bản sắc”.

Từ trước đến nay, hầu như công chúng trong nước chưa từng tận mắt chiêm ngưỡng tranh của nữ danh họa. Do vậy, triển lãm chuyên đề "Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn" do Bảo tàng tổ chức ngay sau lễ tiếp nhận khiến công chúng vô cùng trông chờ, háo hức. Lần đầu tiên họ được thưởng thức những họa phẩm nổi tiếng được giới sưu tập quốc tế săn lùng như:“Chị dạy em viết chữ Nho”, “Chân dung thiếu nữ”, “Mẹ địu con”, “Thiếu nữ khăn vàng”, “Nửa chừng xuân”, “Thiếu nữ trong hoa”...

Khái niệm “tranh Việt hồi hương” bắt đầu được khơi mào từ năm 2013 khi nổi lên các nhà sưu tập tư nhân tích cực săn lùng, đưa tranh quý về nước. Thành công nhất phải kể đến nhà sưu tập Nguyễn Minh. Nhờ tiềm lực tài chính từ việc kinh doanh, cộng tâm huyết với quốc hồn, quốc túy của dân tộc, Nguyễn Minh đã đấu giá thành công hàng chục họa phẩm nổi tiếng ở các nhà đấu giá Sothebys và Christies (Hong Kong), Marsart Autioneer & Appraisers (Jerusalem, Israel), Bruck (Mỹ)...

Năm 2015, ông trình làng thành quả bằng triển lãm “Hội họa Việt Nam - Một diện mạo khác” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Cuộc trở về đất mẹ của những “báu vật mỹ thuật” của họa sĩ Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Nguyễn Tường Lân... khiến giới mộ điệu nức lòng.

Nhưng phải đến năm nay, dòng chảy tranh Việt hồi hương mới trở nên mạnh mẽ và gây chú ý đặc biệt. Tín hiệu vui của dòng chảy này không chỉ ở việc mua bán, đấu giá của giới sưu tập tư nhân Việt Nam ngày càng rầm rộ mà còn xuất hiện việc gia đình danh họa tự nguyện hiến tặng tác phẩm. Bởi nói như lãnh đạo một bảo tàng, nếu không được hiến tặng thì với cơ chế tài chính như hiện tại, các bảo tàng Việt Nam còn lâu mới mua nổi một bức chứ đừng mơ tưởng đến bộ sưu tập của “thế hệ vàng” Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Một số tác phẩm nằm trong bộ sưu tập mà gia đình họa sĩ Lê Thị Lựu hiến tặng Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Vẫn hẹp đường về cố hương

Từ lâu bà Lê Thụy Khuê đã ấp ủ ước muốn đưa tranh của các họa sĩ tài danh ở Pháp về Việt Nam. Tuy nhiên, gia đình các họa sĩ không mấy yên tâm khi thị trường mỹ thuật trong nước vẫn lùm xùm vấn nạn tranh giả. Tranh của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương thì càng bị sao chép tràn lan và tinh vi vì chúng được giới yêu tranh trong và ngoài nước ráo riết săn lùng.

Chính vì vậy, bà Lê Thụy Khuê phải mất nhiều lần về nước khảo sát tình hình. Ý tưởng đưa tranh Lê Thị Lựu về nước bắt đầu từ năm 1994. Nhưng phải mất hơn hai thập kỷ, ý tưởng đó mới thành hiện thực. Sở dĩ bà “chọn mặt gửi vàng” cho Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh vì bà tin tưởng và nhìn thấy được tâm huyết của Bảo tàng.

Ông Trịnh Xuân Yên, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho hay: “Để nhận được sự tin tưởng ấy, chúng tôi phải chứng tỏ năng lực của mình, đảm bảo rằng tác phẩm hiến tặng sẽ không bị sao chép, mất mát hư hao, được bảo quản và phát huy tốt giá trị”.

Chính vì những vấn đề này mà trước đây, không ít bảo tàng từ chối thẳng thừng khi một số họa sĩ và nhà sưu tập ngỏ ý hiến tặng tranh quý. Bảo tàng lo kinh phí hạn hẹp, điều kiện vật chất thô sơ thì không kham nổi việc bảo quản, khai thác. Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng, bảo tàng từ chối còn vì các họa sĩ hiến tặng thường yêu cầu được lập phòng tranh riêng.

Riêng việc bảo tàng đứng ra mua tranh thì lại càng khó. Nguồn kinh phí hạn hẹp, trung bình một năm bảo tàng được nhà nước cấp khoảng một tỷ đồng mua tranh thì sao đủ sức “so găng” với các đại gia trên sàn đấu giá khi một bức xêm xêm cả chục tỷ đồng.

Trông vào nhà nước không xong, đường về quê hương của tranh Việt gần như chỉ biết trông chờ vào lòng hảo tâm của gia đình danh họa và tình yêu mỹ thuật của các nhà sưu tập tư nhân. Dù đấu giá thành công nhiều phiên nhưng nhà sưu tập Nguyễn Minh cũng thừa nhận có những bức giá đấu cao quá khiến ông phải bỏ cuộc vì tiềm lực tài chính không đủ. Nhất là thời gian gần đây, tranh Việt được các nhà sưu tập châu Á rất quan tâm, họ sẵn sàng vung núi tiền nhằm sở hữu. Điều này khiến việc hồi hương tranh Việt gặp trăm bề thách thức.

Những rào cản trên phải tìm được lời giải nếu chúng ta không muốn “chảy máu” tranh quý ra xứ người. Thế hệ con cháu không thể chiêm ngưỡng tinh hoa của cha ông, đó là điều rất thiệt thòi. Ông Trịnh Xuân Yên, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết, sinh thời, các họa sĩ xa xứ luôn hoài cố hương và khao khát đưa tranh về lưu giữ ở quê nhà.

"Vì những lý do khác nhau mà các danh họa phải rời Tổ quốc để sống và sáng tác nơi xứ người. Song dù gì, hồn cốt Việt vẫn là giá trị vĩnh hằng trong tranh của các họa sĩ tài danh trên. Tranh quý là tài sản quốc gia, hồn cốt người Việt, không thể để hồn cốt của dân tộc mình chảy hết ra nước ngoài. Việc hồi hương tranh Việt không chỉ mang giá trị về mặt mỹ thuật, mà còn có ý nghĩa về mặt văn hóa - xã hội” - nhà sưu tập Nguyễn Minh nhấn mạnh.
Phan Thi Uyên - Xuân 2019
.
.