Trang phục cải lương sử Việt: Loay hoay giữ hồn dân tộc

Thứ Bảy, 24/09/2016, 08:25
"Một lần, các bạn khách nước ngoài đi xem cải lương tuồng sử Việt quay sang hỏi tôi các nhân vật trong vở diễn là người nước nào. Thú thật, tôi cũng khó trả lời bởi vì có những trang phục của chúng ta thì rất giống Trung Quốc, cũng có những trang phục hoàn toàn là Việt Nam nhưng nó vẫn bị ảnh hưởng" - Lời than thở của NSƯT Trần Minh Ngọc không quá ngạc nhiên với những người làm nghề trang phục cải lương bởi đó là hiện trạng mà bấy lâu nay họ loay hoay đi tìm lời giải.


Theo nhà nghiên cứu văn hóa, TS Mai Mỹ Duyên, thuật ngữ cải lương tuồng cổ mang nội hàm rộng, dùng để chỉ chung tất cả các vở diễn mà nội dung và hình thức biểu diễn có tính lịch sử dân tộc (huyền sử, dã sử, chính sử) của Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ…  Theo đó, trang phục cải lương tuồng cổ thường được chia làm ba loại: Trang phục các vở tuồng sử Việt Nam, trang phục các vở có tích truyện từ  Trung Quốc (hay còn gọi là tuồng Tàu, tuồng Hồ Quảng) và trang phục các vở cải lương Mông Cổ, Ấn Độ, Ba Tư…

Những vở tuồng Tàu như: "Xử án Bàng Quý Phi", "Phụng Nghi Đình", "Dương Quý Phi"… thì trang phục mang kiểu đặc trưng của Trung Quốc như các võ tướng đội mão kim quan có gắn lông chim trĩ, tay áo túm; quan văn tay áo rộng, đội mão cánh chuồn dài, ngang… Còn các vở tuồng sử Việt Nam thường phản ánh những câu chuyện trong cung cấm, nói về các ông hoàng, bà chúa, quan lại thì các nhân vật thường mặc mũ cao, áo dài thuần Việt.

Nghệ nhân Công Minh bày tỏ nỗi khổ của người làm nghề trang phục cải lương tuồng cổ trong một cuộc tọa đàm.

Ví dụ như trang phục của thái hậu Dương Vân Nga là đầu đội mấn, áo phụng dài nghiêm trang, kín đáo, gọn gàng, tay áo không quá thụng, rộng… Quan võ thì đầu đội mũ hình chóp, quan văn đội mũ cánh chuồn thẳng hơi hướng về phía trước để phân biệt với quan văn của tuồng Tàu.

Những trang phục có sự tìm tòi nghiên cứu, thể hiện sự am hiểu sâu sắc lịch sử dân tộc đã làm nên thành công cho các vở như "Thái hậu Dương Vân Nga", "Câu thơ yên ngựa", "Tiếng trống Mê Linh", "Chất ngọc không tan"…  Tuy nhiên, những vở diễn được đánh giá cao về trang phục như trên vẫn còn hết sức khiêm tốn bởi nghề làm trang phục cải lương tuồng cổ đang ngày càng mai một.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm Anh, Đại học Mở TP Hồ Chí Minh, ước tính ở TP Hồ Chí Minh hiện nay có khoảng 50 nghệ nhân làm nghề thiết kế trang phục cải lương trong đó nổi bật nhất phải kể đến nghệ nhân Công Minh (gia tộc cải lương tuồng cổ Bầu Thắng - Minh Tơ), nghệ nhân Kim Phượng - Bạch Nga (gia tộc Huỳnh Long), nghệ nhân Bảo Ly…

Đa số những nghệ nhân này đều gắn liền với những gia tộc cải lương nổi tiếng một thời. Nghệ nhân Công Minh thì nổi tiếng với những bộ áo giáp. Thành Châu thì chuyên sáng chế các chiếc mão chạm ngọc, khắc rồng cực kỳ tinh xảo.

Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Sang, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, thời gian đầu, các nghệ nhân thiết kế trang phục dựa theo kiểu dáng quần áo Trung Quốc nhưng càng về sau vì lòng tự tôn dân tộc và do có nhiều điểm khác biệt giữa hai nền văn hóa, lịch sử đã buộc nghệ nhân phải sáng tạo trên quan điểm tôn trọng văn hóa - lịch sử dân tộc.

Để đảm bảo tính lịch sử cho trang phục, các nghệ nhân phải tự mày mò, tìm chỗ dựa trong các cứ liệu lịch sử như các tư liệu thành văn, hiện vật khảo cổ, các di tích văn hóa, phong tục tập quán, hội hè, đình đám, thậm chí là truyền thuyết, cổ tích…

Mỗi lần đoàn hát dựng vở mới nhờ thiết kế trang phục, các nghệ nhân phải nghiên cứu rất lâu, khảo sát tại các viện bảo tàng rồi dựa theo tính cách nhân vật, vai trò của nhân vật mới vẽ và chọn chất liệu phù hợp để may. Tất nhiên, họ cũng có những hư cấu, nhưng phải trong giới hạn cho phép, gắn liền với cứ liệu lịch sử.

Thời cải lương hưng thịnh tại TP Hồ Chí Minh, nghề làm trang phục cải lương làm không ngơi tay vẫn không kịp đáp ứng đơn hàng. Vài thập niên trở lại đây, đời sống cải lương ngày càng khó khăn, hiu hắt, phần lớn chuyển sang các đề tài xã hội để giảm thiểu chi phí vở diễn khiến nghề làm trang phục cải lương tuồng cổ dần mai một.

Đa số các cơ sở đều hoạt động cầm chừng. Công tác đào tạo đội ngũ nghệ nhân kế cận rơi vào tình trạng khủng hoảng bởi phần lớn các cơ sở lưu truyền nghề theo phương thức cha truyền con nối, không lưu truyền cho người ngoài gia tộc trong khi nghề này không mấy níu kéo thế hệ sau gắn bó.

Nghề làm trang phục cải lương mai một kéo theo sự ra đời của những sản phẩm dễ dãi bởi nhiều nghệ nhân không còn mặn mà, tâm huyết tìm tòi, nghiên cứu. NSƯT Ca Lê Hồng nhận thấy trang phục của nhân vật Hai Bà Trưng trong vở "Tiếng trống Mê Linh" cũng na ná những nhân vật nữ trong "Thái hậu Dương Vân Nga" dù hai thời kỳ này cách rất xa nhau.

Số vở cải lương tuồng cổ lấy tích truyện Việt Nam có trang phục phù hợp niên đại vẫn còn khiêm tốn (ảnh mang tính chất minh họa).

Kiểu trang phục nữ đội mấn, mặc áo dài xuất hiện trong nhiều vở bất kể là nhân vật thuộc thời kỳ nào cũng là điều không hay. Hoặc mão của vua Việt Nam mà lại có tua rua che trước mặt không khác gì mão vua Trung Quốc. Dễ hiểu vì có nơi chỉ tối giản vài chi tiết của trang phục tuồng Tàu rồi bê vào tuồng Việt hoặc lấy trang phục của vở này xài cho vở khác cho đỡ tốn chi phí.

Trước năm 1992, dù nhiều vở cải lương liên tục ra đời nhưng trang phục thời điểm này lại hết sức lòe loẹt, diêm dúa, không đúng truyền thống. Nguyên nhân bởi nghề làm trang phục còn tự phát, các nghệ sĩ có gì mặc nấy chứ không chăm chút nhiều cho trang phục.

Còn bây giờ tình hình cũng không khá hơn khi các đạo diễn, người chỉ huy nghệ thuật của vở diễn và đoàn hát rất ít chú trọng đến trang phục và phó mặc cho diễn viên tha hồ chọn lựa. Để cuối cùng nó dẫn đến tình trạng mà nói như đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc: "Diễn viên cải lương thường chỉ quan tâm mặc làm sao cho mình thật đẹp, thật lộng lẫy, lấp lánh trên sân khấu chứ không quan tâm đến yếu tố khác.

Nhưng đối với khán giả thì phục trang không chỉ đẹp mà nó còn thể hiện tính cách con người, thể hiện thời đại, hiện thực xã hội nữa. Trong khi cải lương về đề tài xã hội, trang phục có khuynh hướng thiên về hiện thực và thể hiện đúng tính cách nhân vật thì ở tuồng cổ, tôi thấy hơi tùy tiện. Cái này một phần là do diễn viên và cũng do nhà tạo mẫu".

Nghe nhiều phê bình về khâu trang phục, nghệ nhân Công Minh bức xúc phân trần rằng nghề của mình không khác gì làm dâu trăm họ. "Họ đặt sao chúng tôi làm vậy chứ không được quyền có ý kiến gì nhiều, nhất là khi đó là diễn viên nổi tiếng". Nhiều lúc ông bỏ công nghiên cứu thì lại bị hoạnh họe, coi rẻ nên cứ họa sĩ thiết kế, diễn viên yêu cầu sao thì cơ sở cứ làm vậy, thích cải tiến thì cải tiến.

NSƯT Trần Minh Ngọc cho rằng vấn đề phục trang rất cần sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu chứ không thể làm theo kinh nghiệm của nghệ nhân hoặc cải tiến tùy tiện thành mốt thời trang hiện đại như người mẫu diện trên sàn catwalk. "Tôi được biết ở Việt Nam có bà Đoàn Thị Tình là một trong những tiến sĩ nghiên cứu về phục trang dân tộc.

Ngoài ra chúng ta cũng có cuốn "Ngàn năm áo mũ" sưu tầm rất kỹ và có nhiều tài liệu quý về trang phục. Nhưng rất tiếc, cuốn sách chỉ xoay quanh trang phục triều Nguyễn còn các triều đại trước đó thì chúng ta không hề biết trang phục như thế nào. Rồi cũng thời đại lịch sử đó nhưng vở ngoài Bắc mặc khác, trong Nam mặc khác thì cũng không biết bên nào chuẩn hơn?".

Riêng TS Mai Mỹ Duyên cho hay việc xác định được tính nguyên gốc của trang phục rất khó, mà ta chỉ có thể giữ lại được nét đặc trưng cơ bản để nhận ra trang phục đó. Chẳng hạn như chiếc áo dài thì có xẻ tà, có vạt trước, sau, có mặc quần. Còn phần tay, cổ, quần rộng hay ôm có thể biến tấu tùy thời điểm. Với trang phục sân khấu cải lương cũng vậy. Nếu có cải tiến thì chỉ nên cải tiến hoa văn, màu sắc, chất liệu chứ riêng kiểu cách thì không nên.

Giới sân khấu cải lương đề xuất nên có một trung tâm hoặc một xưởng tập hợp các nhà nghiên cứu, họa sĩ thiết kế, nghệ nhân để hỗ trợ, tương tác nhau. Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh nên có những công trình nghiên cứu đưa ra những quy định chính quy về cách may trang phục, họa tiết phù hợp với từng thời đại, đảm bảo nguyên tắc thiết kế đúng trước khi nói đến đẹp. Bởi trang phục phản cảm sẽ gây bất mãn cho khán giả, phá vỡ hiệu quả của vở diễn; trang phục không đúng với thời đại, giai đoạn lịch sử sẽ tạo nên sự nhận thức sai lầm, lệch lạc cho người xem.

Phan Thi Uyên
.
.