Trần Quang Quý và thông điệp hiếu nghĩa trong thơ

Chủ Nhật, 14/06/2020, 08:24
Viết về mẹ, thi đàn Việt Nam có đến cả muôn ngàn áng văn chương tuyệt tác ca tụng tình cảm thiêng liêng này. Nếu gõ cụm từ “Các bài thơ hay nhất về người mẹ”, chỉ trong 0,49 giây sẽ có 48 triệu kết quả.


Các nhà thơ, nhà văn trên thế giới đều viết về mẹ. Thi ca Việt Nam đã không ngớt lời ca ngợi tình cảm này bằng các mỹ từ như "lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào, lòng mẹ bất tận như nước trong nguồn chảy ra…”. Thật ra, cho dù núi có cao, biển có rộng, sông có dài,… cũng không thể sánh ví với tình cảm cao cả và thiêng liêng của người mẹ đối với con.

Như một nguồn mạch dạt dào, bất tận; như một dòng chảy mạnh mẽ không ngừng, hình ảnh người mẹ Việt Nam đã đi vào văn học một cách hết sức tự nhiên và cứ thế xuất hiện xuyên suốt trên hầu khắp các tác phẩm mọi thế hệ, từ xưa tới nay.

Quê hương mỗi người chỉ một/ như là chỉ một mẹ thôi” (Đỗ Trung Quân). Chỉ một mẹ thôi mà biết bao ơn nghĩa sâu nặng. Nếu thiếu vắng tình yêu của mẹ thì cuộc sống của chúng ta sẽ bất hạnh và đau khổ biết chừng nào. Mẹ không chỉ là người “mang nặng đẻ đau”, ấp ủ ta trong bào thai chín tháng mười ngày mà còn là người nuôi dưỡng, chở che ta trong suốt hành trình dài của cuộc đời: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con” (Chế Lan Viên).

Nhà thơ Trần Quang Quý (phải) tặng tác giả bài báo hai tập thơ mới.

Tôi từng đọc rất nhiều thơ viết về mẹ của các nhà thơ nói chung và các nhà thơ là bạn bè như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Thiều, Trần Chấn Uy, Nguyễn Ngọc Hạnh, Trần Quang Đạo, Nguyễn Phúc Lộc Thành... Trong số đó, nhà thơ Trần Quang Quý viết về mẹ khá nhiều. Trong “Thơ Trần Quang Quý”, NXB Hội Nhà văn, 2015 có: “Xin mẹ một lần trước lúc con đi”, “Mùa xuân nơi mẹ”...

...

Mẹ ơi, sáng mai con đi
Mẹ đã cho con bao nhiêu điều để con làm con trai của mẹ
Hạt lúa chín trước thì bắp ngô vàng trước tháng
Cả cuộc đời bước vội để cho con

(Xin mẹ một lần trước lúc con đi)

Bài thơ này Trần Quang Quý viết vào mùa xuân năm 1984, nhắc nhớ ngày anh nhập ngũ “mười bảy tuổi bắt đầu là lính”.

Tình mẹ, thứ tình cảm chở che, cưu mang, bao dung, độ lượng,…; bản năng người mẹ luôn hy sinh, cam chịu trong mọi hoàn cảnh vì con. Đây chính là thứ tình cảm ngọt ngào thiêng liêng, làm nảy sinh nên mọi tình cảm ở đời như: tình yêu quê hương, tình yêu đất nước, tình yêu đồng bào, tình yêu con người… Nếu thiếu vắng thứ tình cảm này, cũng đồng nghĩa với sự vắng mặt của mọi thứ tình cảm gốc rễ nhất, cội nguồn nhất. Yêu Tổ quốc trước hết cũng nhờ yêu mẹ; yêu Tổ quốc người mẹ mới dâng hiến những đứa con của mình ra trận để chiến đấu vì sự sống còn của Tổ quốc.

Cuộc sống không chỉ mỗi con người mà bất cứ quốc gia nào cũng mong muốn hòa bình, nhưng đâu có được dễ dàng như thế? “Nơi mặt trận lẽ ra ta không chọn/ Nhưng mặt đất còn có người ngã xuống/ Và con là con trai mẹ sinh ra”. Không chỉ con trai, mà vì yêu hòa bình, những người con gái Việt Nam cũng đã chiến đấu vì tình yêu ấy.  “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” (tục ngữ Việt Nam). Nhà thơ xin mẹ điều gì?

...

Cho con lòng dũng cảm
Để đời con không chịu cúi bao giờ
Chỉ xin một lần trước lúc ra đi
Mẹ hãy truyền cho con bằng tất cả trái tim nhân từ của mẹ
Người lính có ngọn lửa trái tim của mẹ
Con tin mặt đất này rồi sẽ bình yên
Mặt đất này rồi sẽ bình yên.

Cũng năm 1984, áp Tết, Trần Quang Quý có bài thơ “Mùa xuân nơi mẹ”. Nhớ mẹ nhưng Tết không về được cùng bà, vì nhiều nhẽ. Quê hương và hình ảnh người mẹ xâm chiếm hồn anh: “Tóc mẹ trắng như mây trắng hết tuổi mình/ Những sợi trắng đến tận cùng mưa nắng/ Cây gậy dắt lối đi chầm chậm/ Mẹ tựa vào mỏng mảnh thời gian”; “Biết giờ này mẹ phấp phỏng vào ra/ Người hàng xóm mùa xuân tíu tít/ Mắt mẹ sáng vẫn để phần sáng nhất/ Dẫu nhỏ nhoi sáng trước hiên nhà”.

Lòng mẹ, hai tiếng hết sức ngọt ngào, thân thương và thiêng liêng làm sao! Tình cảm này không phải là thứ tình cảm ngẫu nhiên, so đo và tính toán như các thứ tình cảm mà thế nhân thường ví von “có qua có lại mới toại lòng nhau” … Tình mẫu tử được gắn kết bằng sợi dây huyết thống, sự sống của con gắn liền với sự sống của mẹ; tình cảm ấy mang đầy chất liệu yêu thương ngọt ngào, chan chứa vô bờ, chỉ ban phát mà không mong cầu đáp trả. Con nhớ mẹ, yêu thương mẹ và mẹ nhớ con, yêu thương con là quy luật tất yếu của tình mẫu tử.

Trong “Nguồn”, NXB Hội Nhà văn, 2019, Trần Quang Quý có bài “Đưa mẹ về Tiên cõi”. Tình mẫu tử thiêng liêng như vậy, nên mất mẹ, những đứa con luôn trống vắng, tựa như mất cả bầu trời. Ngoài nỗi đau chuếnh choáng vì mất mẹ, những đứa con bao giờ cũng cảm thấy có lỗi vì chưa được báo đáp hoặc báo đáp chưa trọn vẹn công lao mang nặng đẻ đau, sinh thành dưỡng dục của người mẹ. Đức Phật từng dạy: “Công ơn Cha Mẹ sâu dày vô tận. Dù vai phải cõng Cha, vai trái cõng Mẹ mà đi hàng trăm nghìn kiếp, người con vẫn không thể nào đền đáp nổi công ơn ấy”. Trong bài thơ này, nỗi đau xé ruột của nhà thơ hiện lên trên từng ký tự:

Trống đã điểm rồi
điểm gió sương cánh đồng héo bấc
những hạt gạo cõng nhau trên hạt rơm gầy về tiễn mẹ
chúng con thắt nỗi đau bái biệt
thắt hoàng hôn khép lại phía xa đồi.

Bài này Trần Quang Quý viết trong ngày “Tam nhật” người mẹ quá cố. Đọc bài thơ, dễ nhận ra cảm xúc của anh trước khi làm lễ di quan đưa tiễn mẹ về trời. Chưa di quan, mẹ còn trước mặt, khi “trống đã điểm rồi”, khi đã “đào sâu chôn chặt” thì mẹ con âm dương cách biệt mãi mãi. Nngày mẹ Trần Quang Quý mất, tôi và bạn bè có về Hạ Bì thắp hương tiễn biệt bà. Nhà thơ Trần Quang Quý lặng đi, nỗi đau se sắt. Nhìn đâu anh cũng thấy bóng mẹ:

Bình vôi trầu của mẹ hóa mây trắng vắt ngang sông Đà
quấn khăn tang non Tản
để mỗi lần nhìn lên chúng con thấy cao xanh có mẹ
sông cũng nằm lép sóng
cánh cò về nghiêng biệt lời ru

Ngoài những bài thơ có tên tác phẩm về mẹ, trong rất nhiều bài thơ khác về quê, làng... của Trần Quang Quý đều có hình bóng về mẹ. Bóng mẹ trong bóng làng, hai hình bóng lồng nhau đã không còn tách biệt nổi. Trong tập thơ mới nhất “Chảy trên dòng thời gian”, NXB Hội Nhà văn, 2020, độc giả dễ gặp nhận định này. Trong bài “Khai sông”, nhà thơ Trần Quang Quý viết:

...

Ta rót cả dòng sông làm mực
rót mùa xuân phồn thực những bến bờ
Mẹ ta 90
cạn mình dòng ấm
90 mùa xuân mẹ vắt máu sang ta nuôi một chữ NHÂN

Ngày mười tám, đôi mươi mới vào lính, Trần Quang Quý đã thầm cảm ơn mẹ “Mẹ đã cho con bao điều để con trở thành người lớn” (Xin mẹ một lần trước lúc con đi); thì khi đã hoa niên, anh cảm ơn mẹ “vắt máu sang ta nuôi một chữ Nhân”. Chữ “Nhân” được nuôi dưỡng suốt cuộc đời nhờ nếp nhà, nhờ tấm lòng thơm thảo, phúc hậu của người mẹ. “Phúc đức tại mẫu” (thành ngữ).

Câu “Phúc đức tại mẫu” thật giản dị mà cũng không kém phần sâu sắc. Không phải vì các tác giả dân gian trân trọng, tôn sùng người phụ nữ nên nói vậy mặc dù tôn trọng phụ nữ là một điều vô cùng quý báu trong văn hóa Việt Nam. Trong tiểu thuyết “Mẫu thượng ngàn”, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã chọn đạo Mẫu làm tư tưởng ngầm xuyên suốt tác phẩm. Đạo Mẫu, theo Nguyễn Xuân Khánh, là đạo nguyên thủy của người Việt Nam: thờ mẫu, thờ mẹ núi, mẹ sông, mẹ đất, thờ Man nương… Trần Quang Quý có quyền tự hào về mẹ.

Vì thế, rất dễ hiểu ngày giỗ đầu của người mẹ, theo tâm linh là ngày thiêng, với Trần Quang Quý, có lẽ anh chưa tin được mẹ mình đã mất, dẫu xa cách mẹ đã đến 365 ngày.

...

Mẹ ơi
tháng ba con về hoa xoan đầy ngõ
nắng nhớ ai ngẩn mặt thiên hà
dằng dặc bước chân qua bậc thềm thế hệ
dằng dặc sông người trôi qua nhân gian

Đã một năm cau không người hái
Bình vôi một mình đựng bạc gió sương
Bình vôi trắng từng nuôi môi trầu đỏ.

(Tháng ba đầu mẹ xa).

Cảm ơn nhà thơ Trần Quang Quý, với những bài thơ về mẹ, đa dạng các lát cắt tình cảm mẹ con, không chỉ viết cho riêng anh mà nói hộ bao người, làm xúc động bao người. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kiêm Giám đốc NXB Hội Nhà văn, người có nhiều tác phẩm viết về mẹ, từng chia sẻ: “Trong một lần giao lưu với sinh viên, họ có hỏi tôi bí quyết lớn nhất để có được hạnh phúc là gì? Tôi nói với họ rằng: Được ở bên cha mẹ càng nhiều càng tốt. Đó là một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên hạnh phúc”.

Chính vì thế, thơ về mẹ của Trần Quang Quý mang đến thông điệp cái đẹp về nghĩa hiếu, giá trị cốt lõi của “đạo hiếu”. Đừng để nhận ra yêu thương khi quá muộn.

Tháng 6/2020

Ngô Đức Hành
.
.