Trái tim hót tiếng vô thanh

Thứ Sáu, 29/11/2019, 08:11
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu tặng tôi sách "Phồn Sinh" - Trường ca. Khi anh lấy từ trong túi ra để trước mặt bàn và đề "Thân mến tặng...", nói thật tôi vừa mừng vừa choáng về độ dày của tập thơ. Rất may, thời văn minh nên bây giờ có loại giấy xốp ngoại, siêu nhẹ. Khổ sách 16x24cm, dày 712 trang, đo được đúng 2 cm. Kinh ngạc về nội lực và sức viết của anh.


"Trường ca Phồn Sinh tôi bắt đầu viết từ tháng 1/2002 tại Malaysia và Singapore và kết thúc tại Hà Nội tháng 1/2014. Trường ca gồm 150 chương, 136.369 chữ và gần 13 ngàn đơn vị câu thơ", nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu giới thiệu. Tôi cảm ơn anh, còn xác định nội lực cần thiết nghiền ngẫm với "Phồn Sinh".

Và rồi tôi đọc. Đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trường ca "Phồn Sinh" khá đặc biệt về hình thức. Nó được viết phỏng theo mô thức dòng chảy tuôn trào của sông Hồng mùa lũ lụt. Toàn bộ trường ca không hề có bất cứ một dấu chấm, dấu phảy, dấu chấm than, dấu hỏi… nào. Mặc dù có những câu thơ dài đến 1.559 hoặc 1.716 chữ. Cả trường ca chỉ có duy nhất một dấu chấm kết thúc.

"Phồn Sinh" là trường ca hầu như không còn lưu giữ dấu vết của trường ca truyền thống. "Phồn Sinh" là một văn bản tích hợp trong đó cả thơ, văn xuôi và triết học. Cách xử lý kết cấu hiện đại. Tiếp cận vấn đề và sự kiện mang tính phức hợp, đa chiều. Nội dung phong phú ẩn chứa nhiều lớp, tầng. Tư tưởng thẩm mỹ phi truyền thống của tác giả nhất quán, xuyên suốt.

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu (trái) tặng sách cho tác giả bài viết.

Nhà lý luận phê bình Đỗ Ngọc Yên xác quyết với tôi rằng: "Nếu không tìm ra từ khóa, rất khó để đọc Phồn Sinh, càng không thể hiểu về Phồn Sinh".

Nói thật, không riêng tôi, cầm trên tay trường ca "Phồn Sinh" hẳn nhiên người đọc e ngại, dè chừng. Con người hình như quên sống chậm và chỉ thích online? Không chỉ bạn đọc bình thường, nhiều nhà thơ đã tâm sự thế. Thế nhưng lần giở "Phồn Sinh" mới biết, người bận rộn, có thể lật giở dăm ba khúc hoặc đọc đảo chiều giữa các khúc, vẫn nắm được một phần nào đó giọng thơ, cá tính của Nguyễn Linh Khiếu.

Vì "Phồn Sinh" là một văn bản mở, không dấu phẩy, dấu chấm, câu ngắn câu dài (thơ văn xuôi) đan xen, lúc buông lơi, lúc dồn nén. Để thám mã sức sống trào sôi cũng như giá trị tư tưởng của thế giới "Phồn Sinh", người đọc cần huy động tất thảy năng lực cảm thụ, cảm xúc, tư duy của mình. "Phồn Sinh", như tên gọi của nó, sinh/chửa nhiều, ra đời nhiều, nảy nở nhiều, nhiều sự sống, nhiều hàm ý thâm sâu về kiếp nhân sinh, về sinh thái, về đất nước và nhân dân.

Ngôn ngữ chủ yếu của "Phồn Sinh" là ngôn ngữ tự sự, nhưng khi hoán chuyển, phân đôi theo kỹ thuật "tấm gương", mỗi khúc như là một giọng, cùng soi chiếu vào nhau, đối thoại với nhau. Sự phức điệu này giúp nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu dễ dàng khai thác tận cùng đặc tính phồn thực của sinh thái.

Chủ thể trữ tình "ta" tuy giữ vai trò chủ đạo, là người kể chuyện, nhưng biết tiến lùi hợp lý, trân quý nguyên tắc điều bình của sinh thái. Vì thế, mạch thơ cứ sinh sôi, trù phú, phá vỡ dung lượng, kết cấu truyền thống của trường ca. Nhiều tư tưởng, quan niệm, chủ đề, sự kiện, sự việc… được diễn giải, lập luận thấu đáo. Chúng như là những xương cá bám trụ chặt chẽ trên trục chính: trục phồn sinh… Nói tóm lại, đó là vở kịch hát của Phồn Sinh với nhiều cung bậc, nút thắt, nút gỡ. "Phồn Sinh theo điểm nhìn của tôi, là những cuộc đối thoại lớn", nhà lý luận phê bình trẻ nhưng sức nghiên cứu vượt ra ngoài kích cỡ lứa tuổi Hoàng Thụy Anh đánh giá như vậy.

Nguyễn Linh Khiếu là nhà thơ của thử nghiệm, làm việc ở môi trường nghiên cứu, học thuật. Không biết có phải vậy không nhưng tôi có cảm tưởng trong "Phồn Sinh", tư duy được cộng hưởng hay nói cách khác "Phồn Sinh" là kết quả của khai phóng về một triết lý. Là người thử nghiệm cách tân, mở rộng kết cấu trường ca, Nguyễn Linh Khiếu đã khẳng định được tư duy, quan điểm, cá tính sáng tạo riêng. "Phồn Sinh" là chủ âm, là cái lõi/trục chính, làm nền cho những dữ kiện khác. Do vậy, mọi vấn đề, mọi đối tượng trong "Phồn Sinh" đều được ông phản chiếu một cách tự nhiên nhất. Hay nói cách khác, "Phồn sinh" là trung tâm hiện hữu của những gì nguyên sơ, hài hoà, nhân bản.

Nhà thơ, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Triết học Nguyễn Linh Khiếu sinh ra ở một huyện ven biển của tỉnh Thái Bình, nơi có con sông hùng vĩ sau khi chảy qua rất nhiều tỉnh, thành ở phía Bắc đã về với biển. Nó như một sự nhắc nhở, dòng sông nào cũng chảy, có nguồn, có cội; đại dương bao la nước là vậy nhưng đầy lên cũng nhờ các dòng sông.

Bìa tập thơ “Phồn Sinh” của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu.

Khoảng đầu quý 2-2019, anh bảo, anh bắt đầu nghỉ hưu, thời gian tới sẽ dành cho viết. Nghe, không hiểu cứ ngỡ anh ít viết. Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu xuất hiện cùng lứa những nhà thơ tích cực đổi mới thơ vào những năm 90 của thế kỷ trước. Với các tập thơ: "Chùm mơ tiên cảm" (1991); "Mùa thiêng" (1995) và "Hoa linh" (2000), từ hồi đó, Nguyễn Linh Khiếu đã để lại dấu ấn riêng trong tiến trình đổi mới thơ hiện đại. Việc anh công bố "Phồn Sinh", việc trong một năm anh in liền ba tác phẩm, gồm: thơ, trường ca và tùy văn với 1.144 trang in cho thấy sức viết dồi dào của anh.

Nguyễn Linh Khiếu là Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam, tất nhiên rồi. Anh từng được Giải thưởng thơ báo Văn nghệ 1995 và Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2010, hai giải thưởng danh giá của thi đàn.

Trong ba tác phẩm nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu mới công bố năm 2018, tập "Sa hồng" (thơ và trường ca) là tuyển chọn những bài thơ tiêu biểu của anh được sáng tác trong các năm từ 2000 đến 2017. Tập thơ gồm 51 bài thơ và 1 trường ca ngắn. Sách dày 120 trang khổ 13,5x20,5 cm. Điều thú vị là gần một nửa số bài thơ của tập này được tác giả viết ở nước ngoài (25/52 bài).

Tập "Beijing - Lá phong vàng" (tùy văn), gồm 182 tùy văn hết sức cô đọng và mang âm hưởng thơ văn xuôi. Đó là những mẩu chuyện nhỏ bé được thể hiện bằng ngôn ngữ hình tượng và sống động bởi một nhà thơ. Sách dày 312 trang, khổ 13,5x20,5. Đây là tập sách được tác giả viết trong thời gian làm việc tại Trung Quốc. Dĩ nhiên đây hoàn toàn không phải là sách du ký. Với "Beijing - Lá phong vàng", Nguyễn Linh Khiếu đã cho thấy sự sinh động và hấp dẫn của văn xuôi được viết bởi một nhà thơ.

Trong ba tác phẩm này, trường ca "Phồn Sinh" xứng đáng được gọi là một khối rubic đồ sộ, mỗi chiều xoay là một dữ kiện sống động.

Ngoài đời, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu thuộc tuýp người "dễ gặp", "dễ gần", ít ồn ào. Gần như qua bài thơ "Hạt mưa" trong tác phẩm "Sa hồng" anh tự thuật bản thân mình: "là hạt mưa/ bao giờ ta cũng sống ở trên trời/ bao giờ cũng trong suốt/ bao giờ cũng rười rượi/ bao giờ cũng đầm đìa những mùa hạn hán cánh đồng trần gian/ ta bay lên trời từ căn bếp mịt mù rơm rạ".

Và vì cuộc đời là thế: "không ai trở lại tuổi trẻ của mình/ sông Hồng vẫn dạt dào đôi mươi nước nôi sa hồng lai láng/ những bãi ngô non những bãi dâu xanh những mùa hoa cải những bông trinh nữ run rẩy tím ngát triền đê/ ta mong manh gió chiều/ em mong manh hương quê" (Sông Hồng)

Trong "Sa hồng" có 2 bài thơ nói về một loài hoa, đó là "hoa hạnh" và "thiên đường hoa hạnh". Đó là loại hoa làm trái tim thi sỹ thổn thức: "anh có một Hải Phòng trắng ngần hoa hạnh trắng/ một nỗi niềm không thể nào thổ lộ với biển khơi/ thủy thủ ra đi không bao giờ trở lại/ mối tình ra đi vô vọng vỗ chân trời" (Hoa hạnh). Chính vì thế, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu có một ước mơ: "nếu ta có một nắm đất/ ta sẽ vùi hạt hạnh vào trong/ cầm trên tay đợi khi mùa xuân tới/ hạt hạnh trên tay sẽ lặng lẽ nảy mầm" (Thiên đường hoa hạnh)

Và, lớn hơn là một khát khao:

nếu ta có một quốc gia
trên lãnh thổ nhiệt đới phì nhiêu của mình ta chỉ trồng hoa hạnh
người yêu hoa khắp thế gian hành hương về chiêm ngưỡng
thiên đường hoa hạnh của thi nhân

"Anh có vẻ là "tín đồ" của hoa hạnh? "Hạnh" có phải là phẩm hạnh?", tôi thắc mắc. "Hạnh đào là loại hoa có thật, còn được gọi là biển đào hay đào dẹt. Đây là loài hoa thường nở sớm... Trong ngôn ngữ loài hoa, Hạnh đào mang ý nghĩa "thầm lặng" hoặc "mỏi mòn", nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu "bật mí". Thảo nào trái tim Nguyễn Linh Khiếu hót tiếng vô thanh, mòn mỏi với cuộc đời, với thơ, bè bạn và tìm cách giải mã về phồn sinh.
Ngô Đức Hành
.
.