Tinh thần phụng sự

Thứ Năm, 26/03/2020, 08:54
"Các trường đại học cho mượn hơn 44 ngàn chỗ trong ký túc xá để làm nơi cách ly". Đó là cái tít của một bài báo được đăng tải cách đây vài hôm. Và nó chỉ là một trong vô số những cái tít na ná nhau mà chúng ta có thể gặp được khi đọc báo điện tử....


Điều mà bài viết này muốn nhấn mạnh, chính là sự tương đồng của nó với rất nhiều tin bài phản ánh sự tham góp của cộng đồng trong đợt phòng chống dịch COVID-19 này. Chúng cùng lan tỏa đến người đọc một cảm xúc rất tích cực. Nó cho thấy đang tồn tại một tinh thần phụng sự của rất, rất nhiều cá nhân, tổ chức trong lúc quốc gia gặp biến động lớn toàn cầu đầy nước sôi lửa bỏng này.

Một đồng nghiệp báo chí của tôi ở Hà Nội có kinh doanh thêm ngành dịch vụ ở khu phố cổ có chia sẻ hai tin tức về những trao đổi của một nhóm tạm gọi là "doanh nhân phố cổ". Tin tức đầu tiên là về một chuỗi khách sạn sẵn sàng cho chính quyền trưng dụng phòng ốc của mình, cùng nhân viên phục vụ, để làm nơi cách ly nếu các điểm cách ly tập trung quá tải.

Người chủ chuỗi khách sạn ấy cũng kêu gọi đồng nghiệp cùng tham gia với một lý do "vì Tổ quốc cần". Sau anh, ở Đà Nẵng, Hội An, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh… cũng đã có rất nhiều khách sạn, resort tự nguyện "hiến mình" để làm nơi cách ly tập trung mùa COVID-19.

Tin thứ hai, người bạn tôi cố gắng từ chối một doanh nhân khác khi doanh nhân ấy muốn ủng hộ tiền vào chiến dịch tặng khẩu trang cùng áo quần bảo hộ cho lực lượng y tế do chính bạn tôi khởi xướng. Lý do rất đơn giản: "vì anh đang khó khăn mà".

Song từ chối ấy bất thành bởi sự kiên quyết cùng lý giải: "Khó của mình chỉ là nhất thời. Khi việc chung cần mình, khó khăn của mình chỉ là chuyện nhỏ". Người đọc ấm lòng. Bởi họ hiểu, chính quyền không đơn độc trong cuộc chiến này. Chính sự nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền trong suốt những tháng vừa qua đã tạo ra một niềm tin chung trong lòng quần chúng, một niềm tin rất lớn.

Đâu đó, chúng ta sẽ còn đọc đuợc chuyện hàng trăm sinh viên y khoa tình nguyện tham gia lực lượng y tế chống dịch. Lớp sinh viên y khoa này chắc chắn sau này sẽ trở thành những y, bác sỹ giỏi nghề bởi họ được "va chạm chiến trường" ngay từ trên ghế giảng đường.

Rồi cả những cán bộ y tế đã về hưu nữa. Họ cũng xuất hiện, bởi Tổ quốc cần. Và cả những doanh nhân cũng không đứng ngoài cuộc. Dù tình hình kinh tế đang khó khăn, và chắc chắn còn khó khăn nhiều hơn nữa trong tương lai nhưng họ vẫn đảm lãnh trách nhiệm xã hội mà chưa cần phải có một lời kêu gọi nào.

Có nhiều lần, tôi nghe đâu đó câu nói "để tạo ra sự đoàn kết cho một cộng đồng, hãy chỉ cho họ thấy họ có một kẻ thù chung"... Kẻ thù chung của tất cả bây giờ là dịch bệnh, là sự vô ý thức, vô trách nhiệm với cái chung, với lợi ích lớn bao trùm. Sự xuất hiện của chúng đã khiến chúng ta được chứng kiến một Việt Nam đồng lòng đến thế, đồng lòng với một tinh thần phụng sự.

Trong sự u ám của dịch bệnh và các thông tin u ám mỗi ngày, tinh thần phụng sự này quả thực là một tín hiệu tích cực và tạo ra nhiều cảm hứng cho xã hội. Dịch bệnh chắc chắn sẽ qua. Cuộc chiến này chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng. Chỉ mong mỏi rằng cảm hứng từ tinh thần phụng sự kia sẽ được nuôi dưỡng, để tiếp tục phát triển trong tương lai, khi đang có nhiều hứa hẹn rằng sau đại dịch COVID-19, thế giới chắc chắn sẽ đổi thay rất nhiều.

Văn Đoàn
.
.