Tinh thần bóng đá

Thứ Sáu, 25/01/2019, 09:31
Tôi thích đào sâu những suy nghĩ riêng tư, cũng thích phát hiện ra sự khác biệt độc đáo từ người khác. Bình thường, tôi không dễ bị cuốn theo đám đông, nhất là trong những chuyện vui - buồn. Nhưng với bóng đá có đội tuyển nước nhà thi đấu, tôi tự cho mình thả lỏng cảm xúc, nghĩ khác.


Mùa giải quốc tế nào tôi cũng có dăm ba bài viết, khen có, chê có, tựu trung là để tìm và chia sẻ một sự thú vị từ bóng đá, nằm cả trong và ngoài bóng đá.

Có nhiều điều để nói, nhưng mọi thứ trong bóng đá chỉ xoay quanh hai chữ thắng và thua. Suốt hơn 20 năm nay, từ Tiger Cup 1998, bóng đá Việt chỉ có duy nhất một đối thủ: người Thái. Và chúng ta loay hoay mãi với sai lầm đầu tiên trong triết lý túc cầu: tuyệt đối hóa đối thủ. Chúng ta quên béng mất mục tiêu tiến bộ và phát triển, chỉ chăm chắm với mục tiêu vượt qua đối thủ duy nhất mà ta chọn.

Ở Tiger Cup 1998, trận thắng 3 - 0 trước Thái Lan ở bán kết khiến chúng ta hả hê đến độ chẳng còn cảm giác gì trước thất bại vô duyên 0 - 1 trong trận chung kết vô duyên với đội bóng vô duyên Singapore.

Trận đội tuyển Việt Nam gặp Jordan.

Không thoát nổi tư duy nhị nguyên, hoặc thua hoặc thắng, bóng đá Việt giẫm chân tại chỗ. Giải trong nước đầy rẫy những tiêu cực bán độ,  những cú bắt tay dàn xếp… nhằm thắng trận này và chấp nhận thua trận kia, nhằm đủ điểm an toàn thăng hạng, trụ hạng.

Ở các giải đấu khu vực Đông Nam Á, chúng ta chỉ nghĩ cách lọt vào vòng trong bằng mọi giá: thắng như chẻ tre đội yếu và bất lực trước đối thủ chỉ khá hơn một chút. Hành trình thi đấu thường gắn với hai từ may mắn. Đã có lúc, chúng ta phải chờ đợi chiến thắng từ tinh thần thi đấu của các cầu thủ… Lào, đối thủ yếu bị chúng ta nhiều lần "giã giò" không thương tiếc.

Người Việt chơi mãi không chán một thứ bóng đá chết. Cuộc chơi chỉ của một nhúm người và trái bóng chỉ lăn trong những toan tính, trên mặt bàn. Tất nhiên, vẫn chỉ duy nhất một đối thủ là Thái Lan, tìm mãi vẫn không ra cách để thắng.

Phải mất 15 năm, đến ngày 19/10/2003, cầu thủ 19 tuổi Văn Quyến ngoắt người vô lê tuyệt đẹp giúp tuyển Việt Nam đánh bại Hàn Quốc 1 - 0 tại vòng loại Asian Cup 2004, bóng đá Việt mới bừng tỉnh. Hóa ra chúng ta có thể chơi bóng đá mà không chỉ để thắng Thái Lan, mỗi Thái Lan.

Có nhiều thăng trầm, nhiều ngọt ngào pha lẫn cay đắng, song tôi tin rằng cú vô lê của ngôi sao sớm tắt Văn Quyến có ý nghĩa nhiều hơn việc ấn định tỷ số thắng cho Việt Nam trong một trận đấu loại giải đấu châu lục. Bằng chứng là đến bây giờ, trước mỗi mùa giải, bàn thắng đó vẫn được nhắc, bởi đó là lần đầu tiên, Việt Nam giành chiến thắng trong một giải đấu quốc tế chính thức trước các cầu thủ xứ Kim Chi. Trên sân cỏ, chúng ta còn phải mất nhiều năm nữa, nhưng trong tâm thức và tư duy, bóng đá Việt đã bắt đầu hồi sinh, bắt đầu chịu lớn.

Phác đồ điều trị hữu dụng cho bóng đá Việt là "cai sữa" bao cấp - khá muộn, thay bằng nguồn dinh dưỡng xã hội hóa. Mất thêm 10 năm, đủ để thay hoàn toàn một thế hệ cầu thủ mang tàn dư bao cấp cả về thể chất lẫn tư duy, bóng đá Việt mới bắt đầu khởi sắc. Thái Lan mạnh hay yếu kệ họ, bởi chúng ta đã có thêm nhiều đối thủ mạnh khác, nhiều sân chơi mới, nhiều mục tiêu cao hơn hẳn so với những quẩn quanh ao làng Đông Nam Á.

Tinh thần đi kèm tư duy, đó là chìa khóa. Không phải cứ muốn thành công là ta sẽ thành công, nhưng bóng đá cũng như cuộc sống, ta không thể đi đến chiến thắng mà chỉ với tâm lý thủ bại, không dám nghĩ đến chiến thắng. Sự thay đổi lớn nhất của bóng đá Việt là tính từ chỉ mục đích mà chúng ta chờ đợi trước mỗi giải đấu. Thay vì chờ sự may mắn, chúng ta mong lập kỳ tích. Trận sau cao hơn trận trước, giải sau lớn hơn giải trước.

Và chúng ta đã làm được, không chỉ một lần. Không loại trừ cả yếu tố "quả bóng tròn", song những gì thế hệ cầu thủ hiện tại đã và đang làm được là rất đáng trân trọng, đáng ngưỡng mộ và đầy cơ sở lý tính để tin tưởng và hy vọng. Trước khi nghĩ cách vượt qua đối thủ trong từng trận cầu, bóng đá Việt Nam đã tìm được lối đi để vượt qua chính mình trong một giai đoạn.

Lẽ đương nhiên, đường chưa rộng thênh thang như khao khát. Vòng bảng Asian Cup 2019, Việt Nam thua luôn hai trận đầu, chỉ lách qua khung cửa hẹp nhờ thắng Yemen 2-0 và ít hơn Lebanon một thẻ vàng để lọt vào vòng 1/8. Nhưng, như cuộc đời, có cửa - dù rộng hay hẹp - là để vượt qua.

Các chàng trai Việt chơi bóng đá không ngán ngại gì một Jordan bất bại và chưa thủng lưới bàn nào ở vòng bảng để có trận đấu 120 phút tưng bừng vắt kiệt cả sức lực lẫn tinh thần của đối phương, cuối cùng giành chiến thắng trong loạt sút luân lưu.

Không có chuyện ăn may, Việt Nam thắng thuyết phục. Chấp nhận thua đúng lúc, đúng đối thủ nhưng vẫn giữ niềm tin chiến thắng, đó lại thêm một chỉ dấu trưởng thành của bóng đá Việt. Chỉ ngậm ngùi tiếc cho đối thủ. Jordan chỉ dự giải để làm kẻ cản đường Việt Nam trong 120 phút.

Thắng thì cứ vui, xin đừng đặt hoài nghi, dè bỉu chỉ để cố tỏ ra khiêm tốn và thận trọng. Bóng đá là trò chơi, cốt vui, cốt tưng bừng. Bóng đá là môn thể thao kết nối dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ nhất, nhanh chóng nhất, bùng nổ dữ dội nhất. Một khi tinh thần dân tộc đã trỗi dậy, nhiều cảm xúc, ý thức tích cực khác cũng sẽ trỗi dậy. Đó sẽ là một nguồn hưng phấn cần thiết cho xã hội phát triển. Không dám vui hết mình với thành công làm sao biết đủ giá trị của nỗi buồn khi thất bại?

Vẫn còn nhiều trận đấu nữa. Trước trận Nhật bản thắng Arab Saudi, đa số người hâm mộ đều hồi hộp hy vọng Arab Saudi thắng Nhật Bản, Việt Nam sẽ có cơ hội hơn, dù vẫn rất hẹp. Tôi thừa nhận cái nhìn thực tế này, nhưng nghĩ khác. Muốn đi hết con đường, kẻ lữ hành phải vượt mọi chướng ngại trên đường. Nhà vô địch thật sự sẽ chỉ quan tâm, tôn trọng mọi đối thủ nhưng sẽ không né tránh hay chọn lựa đối thủ. Mà tại sao đã dự giải lại không dám mơ giương cup vô địch? Chẳng phải Napoléon đã nói rồi sao: "Chỉ có một người lính tồi mới không dám mơ trở thành Đại tướng".

Nói thế không có nghĩa chỉ là ảo tưởng thay thực tế bằng mơ ước, hay cầu âu sự ăn may. Nên nhớ, trước khi vào giải, đội tuyển Việt Nam đã lập kỷ lục với chuỗi 18 trận bất bại. Thầy trò HLV Park Hang - seo cũng đã biết cách thắng thuyết phục đội Jordan - đội chưa thủng lưới bàn nào và vừa quật ngã đương kim vô địch của giải là Australia tại vòng bảng.

Sau trận đấu, Huấn luyện viên trưởng Vital Borkelmans của tuyển Jordan thừa nhận, từ hiệp hai, đội của ông đã đấu với Việt Nam trong tâm lý sợ hãi và mắc sai lầm. Việt Nam thắng hoàn toàn xứng đáng. Đó là sự khác biệt. Đội bóng chúng ta đã biết chơi bóng bằng đầu, bằng tư duy bóng đá chứ không chỉ bằng sự khéo léo bản năng của đôi chân. Có lý gì, chúng ta phải sợ hãi hay e dè để tự đẩy mình vào tự ti toan tính, một nguy cơ có thể khiến bóng đá và chiến thắng trở nên xấu xí?

Tóm lại là vui đủ rồi thì quên một trận thắng Jordan đi. Hãy nghĩ tới nhiều... trận thắng nữa. Mà lỡ có thua thì cũng có sao, chưa đến mức tuyệt vọng đâu. Ít nhất, đến giờ này, bóng đá Việt Nam cũng đã biết tự thắng chính mình, vượt khỏi vùng trũng khu vực để đàng hoàng, tự tin mà vươn ra biển lớn.

Mong sao, mọi mặt đời sống, chính trị, kinh tế, xã hội… của đất nước này đều có thể căng buồm như thế.

21-1-2018

Nguyễn Hồng Lam
.
.