Nhân sự kiện nhà văn Lê Tri Kỷ được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật

Tính nhân văn trong tác phẩm của Lê Tri Kỷ

Thứ Hai, 02/07/2012, 08:00
Lê Tri Kỷ không những chỉ tin vào con người mà ông còn tiến xa hơn trong nhân sinh quan nhân đạo của mình: Ông kêu gọi con người hãy xóa bỏ mọi thành kiến, mặc cảm do lịch sử để lại, sống nhân hậu, yêu thương nhau...

Sáng tác của nhà văn Lê Tri Kỷ thuộc nhiều thể loại: Tiểu thuyết (Câu lạc bộ chính khách), kịch bản sân khấu (Biến động ngày hè), kịch bản điện ảnh (Tội và tình, Đất lạ, Thung lũng không tên) nhưng thành công hơn cả là thể loại truyện ngắn (Phố vắng, Một người không nổi tiếng, Những tiếng nói thầm, Sống chìm, Không thiện không ác, Cuộc tình thế kỷ). Truyện ngắn của ông khắc họa tâm hồn, cuộc đời của các chiến sĩ Công an và những con người sa vào tội ác. Lấy đề tài an ninh nhưng truyện của ông vượt lên trên giới hạn của đề tài, vươn lên tầm cao tư tưởng, giàu tính nhân bản. Nổi bật trong đó là thông điệp: Con người hãy xóa bỏ những mặc cảm, loại trừ cái ác, hướng về cái thiện, sống nhân hậu và yêu thương nhau.

Trong truyện "Khoảnh khắc là người", nhân vật có một cách ứng xử kỳ lạ. Là con người mang đầy tính ác, hắn đã tám lần giết người, lần cuối cùng, hắn giết người rồi chạy trốn. Chẳng may, ông đạp xích lô đi ngang qua hiện trường, thấy có túi tiền của nạn nhân liền nhặt lên và giấu đi. Công an điều tra tìm ra cái túi, kết tội ông đạp xích lô giết người. Trước hoàn cảnh đó, lương tâm thức tỉnh, không muốn để ông đạp xích lô hiền lành, lương thiện oan ức, "con thú - người" ấy đã nhận chính mình là thủ phạm. Ông đạp xích lô được minh oan. Hình ảnh cuối cùng của đời hắn: "Bỗng từ dưới chân đồi, năm sáu con người, đủ lứa tuổi, già trẻ cầm tay nhau chạy túa lên, tiến thẳng đến cái xác con thú, quỳ thụp xuống và cứ thế vái lấy vái để, y như là tế một ông thánh tử vì đạo không bằng". Đó chính là gia đình bác xích lô già. Hành động của họ ghi nhận khoảnh khắc làm người của một tên tội phạm.

Đoàn Chi hội Nhà văn Công an viếng mộ nhà văn Lê Tri Kỷ nhân dịp ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước (ảnh chụp ngày 6/6/2012).

Niềm tin vào con người thể hiện sâu sắc trong truyện "Bí mật cho những cuộc đời". Chuyện xảy ra từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhân viên thuế vụ Đỗ Thế là người có năng lực và kinh nghiệm trong công tác. Tuy nhiên, anh ta lại có tính trăng hoa, hay bắt chẹt các cô gái buôn có nhan sắc từ vùng tề ra vùng tự do. Đỗ Thế thông minh, có kinh nghiệm chống theo dõi nên các chiến sĩ Công an không bắt được quả tang anh ta trong các vụ "làm ăn" đó. Trưởng ty Công an Tư Hoàng đích thân đi điều tra. Trời tối, ông đóng giả một cô gái đi buôn, nằm sẵn trong một con thuyền. Trời tối om. Đinh ninh rằng cô lái buôn đang nằm trong khoang, Đỗ Thế tán tỉnh, gạ gẫm nếu cho "yêu", anh ta sẽ miễn thu thuế. Rồi anh ta xông vào ôm cô gái. Đến khi nhận ra ông Trưởng ty, anh ta nhảy xuống sông trốn biệt. Mấy hôm sau, anh ta đến Ty Công an nhận tội, xin được trừng trị. Biết Đỗ Thế có khả năng sửa chữa tính cách, lỗi lầm của mình để trở thành người tốt, ông Tư Hoàng đã tha thứ và giấu kín việc này, không cho ai biết. Nhờ đó Đỗ Thế đã phấn đấu tiến bộ, trở thành một cán bộ tốt, đượcc bổ nhiệm chức vụ trưởng ở một bộ.

Lê Tri Kỷ không những chỉ tin vào con người mà ông còn tiến xa hơn trong nhân sinh quan nhân đạo của mình: Ông kêu gọi con người hãy xóa bỏ mọi thành kiến, mặc cảm do lịch sử để lại, sống nhân hậu, yêu thương nhau. Thể hiện rõ nhất cho quan điểm này là truyện "Giấy chứng nhận cho quỷ dữ". Nguyễn Viết Lới là tên Việt gian, đã dẫn quân Pháp về làng giết hại đồng bào. Mẹ ông Lê Huy bị tra tấn dã man, em gái ông bị hiếp. Lòng căm thù của ông đối với Lới tưởng không bao giờ có thể xóa bỏ. Sau 20 năm cải tạo trong tù, 10 năm làm thợ mộc, Lới đã lấy vợ, có một gia đình êm ấm. Nghe tin Chính phủ Pháp trả lương hưu cho những người đã cộng tác với họ, Nguyễn Viết Lới tìm đến ông Lê Huy, lúc này đã là một thiếu tướng, cục trưởng một cục ở ngành Công an, xin ông chứng nhận đã từng làm tay sai cho quân đội Pháp, và nay đã là một công dân tốt. Đầu tiên, nghĩ việc chứng nhận có thể đem lại sự giầu sang cho kẻ đã từng làm cho gia đình, người thân mình đau khổ, tang tóc, ông từ chối, không chứng nhận. Thế rồi, một cuộc giằng xé nội tâm xảy ra trong ông. Ông soi lại hành động của mình. Tác giả viết: "Làm Công an, Lê Huy không lạ gì chuyện bao nhiêu người tù được phóng thích, náo nức làm lại cuộc đời, rốt cuộc vẫn phải trượt theo vết xe cũ để sống còn chỉ vì đến nơi nào họ cũng vấp phải bóng đen của quá khứ". Để kiểm nghiệm xem lại hành động của mình đúng hay sai, Lê Huy cất công tìm đến nhà Lới ở một làng quê. Ở đây, ông gặp người vợ Lới, đã từng là Đội trưởng thanh niên xung phong dũng cảm, một Chủ nhiệm hợp tác xã, một Ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy và Phó chủ tịch xã. Chồng chị là liệt sĩ, để lại đứa con nay là đại úy bộ đội. Cuộc tranh luận giữa ông Lê Huy và người vợ Lới thực sự là cuộc tranh luận giữa hai người cộng sản về quan điểm của cách mạng đối với những người có quá khứ lỗi lầm. Tác giả khéo léo đưa ra cuộc tranh luận giữa hai người và qua đó, qua lý lẽ của người vợ Lới mà bộc lộ thông điệp của tác giả. Khi thấy ông Lê Huy còn lo ngại là hiện giờ Lới đã thành người tốt, đáng tin cậy để ông chứng nhận chưa, chị ta nói: "Qua thực tế ông Lới nhà tôi, tôi hiểu các bác quả là những "thợ rèn người" cực kỳ tài giỏi. Thế thì chỉ còn điều các bác không hiểu, không tin vào sự nghiệp đẹp đẽ của mình. Viên quặng ra khỏi lò phải thành thép là điều ai cũng thấy. Nhưng con người xấu ra khỏi lò mà trở thành người tốt thì không phải ai cũng chịu ngay vì nó còn bị bao nhiêu thứ lòng dạ hẹp hòi và đầu óc tối tăm của con người níu kéo lại". Những lời nói của chị ta làm ông suy nghĩ, nó xua tan dần những thành kiến và mặc cảm trong lòng ông. Ông đã hạ bút chứng nhận cho Nguyễn Viết Lới, hy vọng rằng, nhờ món tiền lớn được cấp, anh ta đỡ vất vả, khổ cực trong những năm tháng cuối đời. Việc làm của ông Lê Huy cao cả và nhân đạo biết bao.

Không những muốn con người hôm nay hãy sống cho nhân hậu mà Lê Tri Kỷ còn muốn chúng ta làm gì cho thế hệ tương lai được sống trong yêu thương, hạnh phúc. Theo ông, chúng ta phải tạo ra môi trường xã hội mang tính nhân bản, môi trường ấy không được trái với cuộc sống nhân ái của con người.

Tính nhân văn thể hiện nhất quán trong các tác phẩm đã làm nên giá trị bền vững và  đem đến Giải thưởng Nhà nước cho nhà văn Lê Tri Kỷ

Ngôn Vĩnh
.
.