Tình khuy

Chủ Nhật, 17/11/2019, 08:34
Định nghĩa về khuy, bách khoa toàn thư mở Wikipedia viết: "Khuy (còn gọi là cúc, nút) là một sáng chế trong trang phục của con người để gài quần áo, giữ hai thành phần đính lại với nhau ở một vị trí nhất định". Về mặt lịch sử, khuy trong đời sống sinh hoạt và trang phục của người Việt dường như cũng có một hành trình riêng của nó...

Con người, trong tiến trình văn minh của mình, ngoài việc chăm lo cho sự phát triển đời sống, thì đồng thời cũng hết sức chú ý đến việc làm đẹp. Nói đến sự làm đẹp của con người thật muôn hình vạn trạng. Từ trang phục, trang sức cho tới phương tiện đi lại, cư trú... Những phương tiện phục vụ con người, một mặt vừa có giá trị làm đẹp, mặt khác vừa có giá trị bảo vệ.

Xét từ góc độ cấu tạo, phương tiện làm đẹp có thể mang kích cỡ rất to lớn nhưng lại cũng có thể hết sức nhỏ bé. Một trong những vật nhỏ bé như thế nhưng không bao giờ có thể thiếu được trên mỗi bộ trang phục của con người, đó là chiếc khuy.

1.Định nghĩa về khuy, bách khoa toàn thư mở Wikipedia viết: "Khuy (còn gọi là cúc, nút) là một sáng chế trong trang phục của con người để gài quần áo, giữ hai thành phần đính lại với nhau ở một vị trí nhất định". Về mặt lịch sử, khuy trong đời sống sinh hoạt và trang phục của người Việt dường như cũng có một hành trình riêng của nó.

Thực ra người Việt truyền thống ít dùng khuy mà chủ yếu dùng dây buộc, điển hình nhất có thể kể tới áo yếm và áo tứ thân của phụ nữ. Khuy chắc chắn xuất hiện sau thời kỳ dùng dây buộc cho trang phục, và khởi đầu ắt hẳn là loại khuy cài. Thế nên khi người thiếu nữ từ quê ra tỉnh rồi trở về làng trong bài thơ của Nguyễn Bính, bộ trang phục truyền thống với áo tứ thân và quần nái đen đã được thay thế bằng áo tân thời với quần lĩnh khăn nhung.

Nét đẹp trong trang phục áo bà ba với hàng khuy duyên dáng của người phụ nữ miền Nam.

Và sự thay đổi đến ngay từ chiếc khuy, từ khuy cài chuyển sang khuy bấm: "Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng/ Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi" ("Chân quê" - Nguyễn Bính). Sau này, ở Việt Nam cũng như trên thế giới, cùng với sự phát triển của đời sống văn minh và kỹ thuật, người ta thiết kế ra nhiều loại "khuy" tiên tiến hơn nữa với các hình thức như nam châm, khóa kéo (phéc mơ tuya) và dây velcro (kỹ sư người Thụy Sĩ George de Mestral tìm ra năm 1948). Đối với đa số các dân tộc trên thế giới, vật liệu để làm khuy cài có thể được lựa chọn trong tiến trình lịch sử là gỗ, sừng, vỏ ốc và kim loại. Ngày nay, đại đa số các khuy cài áo được làm bằng chất liệu plastic (nhựa).

Vị trí của khuy cài cũng là một điều hết sức thú vị. Người ta có thể chọn trục dọc phía trước cơ thể để làm hàng khuy và nhiều người cho đây là cách thiết kế mang tính truyền thống nhất. Nhưng thực ra đối với người Việt, vị trí khuy cài truyền thống lại là ở… mạng sườn. Điều này có thể thấy rõ qua chiếc áo the trong bộ áo the khăn xếp của người đàn ông.

Một vị trí nữa để cài khuy là phần ngực gần vai bên phải. Sau này, các nhà thiết kế trang phục còn làm khuy cả theo trục dọc phía sau lưng hoặc phổ biến hơn là một đường khóa kéo. Một điều vô cùng thú vị nữa là đối với các trang phục có hàng khuy đằng trước, hàng khuy áo của nam giới được đơm bên tà áo phải còn hàng khuy áo của nữ giới lại được đơm bên tà áo trái. Tại sao lại như vậy?

Người ta giải thích rằng, về mặt lịch sử, đối với người đàn ông, do động tác đưa vũ khí săn bắn thường là từ trái sang phải nên các khuy áo cũng được thiết kế để phù hợp với hướng chuyển động của cơ thể. Đàn ông thường cầm vũ khí bằng tay phải nên sẽ thuận tiện hơn khi để tay trái làm nhiệm vụ cởi khuy áo khi cần thiết.

Ngược lại, đối với phụ nữ, khuy áo được thiết kế bên trái sẽ giúp họ dễ dàng tháo khuy bằng tay phải để cho con bú. Bên cạnh đó, ta cũng thường thấy phụ nữ hay ẵm con bên tay trái để tay phải được rảnh rang làm những công việc khác.

Thời xưa, người phụ nữ quý tộc ở phương Tây khi mặc những bộ đồ cầu kỳ phức tạp thường phải có người hầu phòng giúp đỡ để cài khuy. Chính là việc thiết kế những hàng cúc bên trái sẽ giúp người hầu phòng (thường thuận tay phải) cài khuy một cách dễ dàng hơn. Dần dần điều này trở thành một mốt thời trang, được các phụ nữ khác làm theo và thậm chí nó còn là dấu hiệu ngầm mách bảo rằng, gia đình cô gái/ người phụ nữ ấy rất giàu có.

2. Trong thi ca, chiếc khuy tuy nhỏ nhoi nhưng lại có thể biểu hiện những tình cảm nồng ấm, thiết tha, sâu nặng. Người phụ nữ trong bài thơ "Trời trở rét" của Xuân Quỳnh đã nói với chồng những lời thật trìu mến, dịu dàng khi anh bước chân ra cửa: "Sao không cài khuy áo lại anh/ Trời lạnh đấy hôm nay trời trở rét/Gió nhiều quá phòng trở nên chật hẹp/ Bụi mù ngoài đường phố ít người qua/ Em từ nhà ra tới ngã tư/ Gặp đèn đỏ trước hàng đinh thứ nhất. Chờ sang đường, đèn xanh vừa bật/ Em quay về. Thành phố mùa đông".

Và lời nhắc chồng cài khuy áo ấy vừa mở đầu vừa khép lại thi phẩm: "Em thấy mình cũng thật vẩn vơ/ Lại đi thương cây bàng trước cửa/ Cây dù nhỏ, gió dù gió dữ/ Hết mùa này cây lại lên xanh/ Sao không cài khuy áo đi anh/ Trời lạnh đấy hôm nay trời trở rét".

Cũng là người phụ nữ, sẽ nhắc người đàn ông cài khuy, nhưng không phải cài khuy cho anh ta mà là cài khuy cho chính cô gái mà anh vừa yêu. Phải chăng trong một phổ niệm loài, giống đực vẫn thường bị coi là khá vô tâm, và nhiều khi vì sự vô tâm ấy mà tan vỡ: "Mở ngăn kéo rồi anh bỏ ngỏ/ Bút viết xong không đậy nắp bao giờ (…) Sau phút giây êm đềm trên ghế đá/ Anh quên cài khuy áo ngực cho em" (Tan vỡ - Dư Thị Hoàn).

Trang phục áo dài của Nam Phương Hoàng hậu.

Nhưng dĩ nhiên không phải đàn ông nào cũng vô tâm, vì Nguyễn Duy đã từng có bài lục bát hai câu: "Anh cài cúc áo cho em/ Run tay gói lại một miền cỏ lau" (Gói). Chàng trai ở bài thơ của Nguyễn Duy không những "chu đáo", "cẩn thận" mà dường như vẫn còn giữ nguyên được cái hồi hộp, run rẩy, nhút nhát, rụt rè rất đáng yêu của thuở ban đầu…

Trong một góc nhìn khác, nhà thơ trẻ Nguyễn Đăng Khoa cũng viết được một câu thơ ấn tượng về cài khuy: "Sáng chủ nhật, áo sơ mi/ Anh ngồi thong thả cài khuy nỗi buồn". Nỗi buồn dường như là một sự đón nhận, là một người bạn đồng hành trong trái tim nhạy cảm của người thi sĩ. Hành động đơm khuy - khâu áo gắn với hình ảnh của người mẹ trong nhiều tác phẩm nổi tiếng từ cổ chí kim như "Du tử ngâm" của Mạnh Giao (đời Đường), "Mẹ ngồi khâu áo đêm nay" (bài hát chèo), "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa" (Nhạc và lời: Nguyễn Văn Tý): "Mẹ hiền sợi chỉ cầm tay/ Khâu hàng khuy áo trước ngày con đi/ Đường kim khăng khít chinh y/ Sợ con chậm trễ không về lại ngay/ Ai hay tấc cỏ lòng người/ Mà đền đáp nổi ánh trời ba xuân".

3. Đã bàn đến chuyện cài khuy, tất phải có chuyện mở khuy, cởi áo. Hành động cởi áo của người phụ nữ khi đi vào thi ca được các thi sĩ miêu tả một cách lãng mạn và kỳ ảo khác thường, từ Tây sang Đông đều có đủ.

Thi sĩ Boris Pasternak (1890 - 1960), giải Nobel Văn học 1958 đã viết bài thơ "Mùa thu" nổi tiếng, được dịch sang tiếng Việt bởi rất nhiều dịch giả, trong đó có bản dịch của Phạm Vĩnh Cư được nhiều người biết tới và yêu thích: "Em cởi áo như cánh rừng trút lá/ Em buông mình cơn ghì siết mê man/ Vòng tay dịu êm qua chiếc áo choàng"… Còn với thi sĩ Bùi Giáng, hành động thoát y thậm chí còn được miêu tả kỹ lưỡng hơn, cả bên trên và bên dưới, nhưng thi sĩ đã có cách diễn tả vô cùng kỳ lạ khiến ta có cảm giác như đang đứng trước một bức tranh siêu thực: "Em về rũ áo mù sa/ Trút quần phong nhụy cho tà huy bay". Không phải cởi áo quần mà là "rũ áo" và "trút quần", hơn nữa, áo phải là áo mù sa và quần phải là quần phong nhụy, Một bầu không khí sương khói bảng lảng được bao phủ lên cặp lục bát, và khi ấy hoàng hôn (tà huy) cũng bay về… Chuyện mở khuy cởi áo không chỉ diễn ra với con người mà còn xảy đến với cả thiên nhiên trong diễn đạt của Vi Thùy Linh, cũng là một cách để ngợi ca tình yêu nồng nàn nơi trần thế và nhan sắc của người phụ nữ: "Mặt trời thoát y vì em trẻ lắm" (Tình tự ca).

Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ tạm biệt năm 2019 dương lịch để bước sang năm 2020. Và lúc này, trong tôi bất chợt lại vang lên bài thơ của thi sĩ Thạch Quỳ. Bài thơ có vẻ đẹp trong khiết thanh ngần của một năm mới đang bắt đầu, với những bông hoa mận trắng tinh khôi vừa đơm khuy trong góc vườn thân thuộc. Cả không gian, thời gian, con người và thiên nhiên đang chờ đợi một bước chân từ xa trở về đoàn tụ: Trời đã Tết. Khói xanh mờ bụi nước/ Góc vườn con hoa mận đã đơm khuy/ Lòng như đất lặng thầm mơ dấu guốc/ Cỏ thanh thiên hoa trắng đợi em về…". (Đợi em ngày giáp Tết).

Đỗ Anh Vũ
.
.