Tính dân tộc, tư duy dân tộc và truyền thống

Thứ Năm, 24/12/2015, 12:29
Ở chung kết cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2015 (Miss Universe 2015), một cuộc thi khá nhiều người quan tâm theo dõi bởi họ đặt nhiều niềm tin vào Phạm Hương, cô gái được coi là tiệm cận chuẩn hoàn vũ quốc tế nhất của Việt Nam, có một chi tiết rất nhỏ nhưng để lại những suy ngẫm rất đáng giá. Đó là ở hạng mục thi "National Costumes", tức Quốc phục (nhưng báo chí Việt Nam không hiểu sao lại gọi là "Trang phục dân tộc"), thí sinh đến từ Thái Lan đã đoạt giải "Quốc phục đẹp nhất" với một bộ cách điệu, cách tân, sử dụng cả vật liệu kim loại. 

Bộ đồ đó tạo ấn tượng cho bất kỳ ai chiêm ngưỡng nó, đơn giản vì nó thể hiện được đúng tinh thần của Thái Lan mà các du khách trên khắp thế giới vẫn nhận diện được một cách rõ ràng. Đó chính là nó mô phỏng hình ảnh chiếc xe Tuk Tuk, hay còn gọi là xe lam, một đặc trưng văn hoá giao thông ở Bangkok nói riêng và Thái Lan nói chung.

Trong khi đó, Phạm Hương của Việt Nam mang tới quốc phục gì? Nó không khác với tất cả những "quốc phục" mà các người đẹp của chúng ta vẫn mang ra đấu trường quốc tế: Chiếc áo dài cách điệu, được bổ sung thêm vài phụ kiện cho khác biệt. Nhưng nói tóm lại, nó có tạo ấn tượng với đông đảo khán giả trên thế giới nói chung và Ban giám khảo nói riêng hay không? Chắc chắn là không. Đơn giản, cuộc thi nào mà Việt Nam chẳng mang áo dài ra "dọa" thiên hạ. Và cái việc sử dụng mòn mỏi một phương án nhàm chán ấy chỉ ra rất rõ một vấn đề lớn của xã hội Việt hôm nay, vấn đề về sự năng động của tư duy.

Trang phục “áo dài chim hạc” được Phạm Hương mặc dự thi quốc phục.

Câu chuyện chiếc áo dài đã vượt ra khỏi tầm vóc của một cuộc thi sắc đẹp thông thường mà trở thành dấu hỏi về nhận thức; tính cấp tiến; tính đột phá; khát vọng dám đi tới sáng tạo mới của người Việt trẻ hôm nay. Chiếc áo dài nhàm chán có thể được sử dụng nhiều bởi giới trẻ đã gói gọn tư duy của mình vào hai chữ mang đầy tính khái niệm là "quốc phục" và hai chữ mang đầy tính trách nhiệm là "truyền thống".

Thực sự, quốc phục chính thức không phải là thứ duy nhất để mang ra thi thố ở hạng mục "Quốc phục" mà thứ thế giới cần chiêm ngưỡng, tìm hiểu ở chúng ta chính là cái trang phục đó nó thể hiện tính quốc gia, tính dân tộc, tính truyền thống, tính lịch sử theo ngôn ngữ nào. Bởi vậy, tất cả các thí sinh ở bất kỳ cuộc thi sắc đẹp nào đều không bị bó hẹp ở quan niệm phải mặc trang phục truyền thống, cổ truyền và phổ biến của dân tộc, quốc gia của mình mà thay vào đó, họ chọn cách kể lại câu chuyện về dân tộc và quốc gia qua ngôn ngữ thời trang.

Từ câu chuyện ấy, chúng ta chợt giật mình nhận thức lại rằng liệu mình đã định nghĩa đúng về tính dân tộc, tính quốc gia và tính truyền thống hay chưa?

Tính dân tộc trước mắt không phải chỉ gói gọn ở mỗi giới hạn phạm vi những đặc trưng vật thể và phi vật thể truyền đời từ hàng ngàn/ trăm năm mà nó phải được mở rộng biên độ ra ở đặc trưng của dân tộc ấy ở thời hiện đại. Tương tự là tính quốc gia. Không phủ nhận lịch sử tạo nên tính quốc gia nhờ vào bề dày của nó nhưng đặc tính của một quốc gia cũng cần phải có sự tham gia của hiện trạng đương đại của quốc gia ấy, cả ở mặt thể lý lẫn tâm lý. Và truyền thống, nó chính là sợi dây nối kết quá khứ cho đến tận thời hiện tại, với khát vọng cũng như định hướng tương lai để thực hiện khát vọng đó. Tất cả những thứ tưởng như lý thuyết ấy thật ra lại vô cùng thực tế.

Nếu trong một xã hội, các cá thể của xã hội đều hình dung được tính dân tộc, tính quốc gia và truyền thống theo cách mở rộng biên độ như thế, điều đó chứng tỏ dân tộc ấy, quốc gia ấy đang có xu hướng phát triển tích cực, không bị trì trệ và níu chân bởi những lề thói cổ hủ, không bị rơi vào trạng thái tê liệt sáng tạo và đặc biệt là không ở tâm thế bỏ quên những khát vọng.

Chiếc áo là chuyện nhỏ; các cuộc thi sắc đẹp cũng chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng suy nghĩ cho đúng đắn và tiến bộ về tính dân tộc, tính quốc gia và truyền thống mới là chuyện lớn. Và có lẽ, ngay từ bây giờ, chúng ta hãy đặt câu hỏi: "Mình phải thể hiện những thứ ấy như thế nào?" mỗi khi có dịp giới thiệu mình với thế giới rộng lớn bên ngoài, để Việt Nam không chỉ là một cái tên trên bản đồ địa lý đơn thuần.

Hà Quang Minh
.
.