Tiểu thuyết và đề tài người thực, việc thực: Thành công khi đưa đời thực lên trang văn

Thứ Hai, 26/09/2016, 07:58
Câu chuyện có thật về ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị tù oan 10 năm về tội giết người từng làm chấn động dư luận cả nước hồi cuối năm 2013. Và câu chuyện ấy cũng đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của nhiều tờ báo đã được nhà thơ, nhà văn Nguyễn Trọng Văn lấy làm đề tài sáng tác, làm chất liệu cho sáng tạo nghệ thuật của mình...


Việc chuyển câu chuyện có thật và dường như vẫn còn “nóng hổi tính thời sự” vào trong một tác phẩm văn học (tiểu thuyết) một thể loại hư cấu, thực sự là một thách thức đối với nhà văn Nguyễn Trọng Văn cho dù ông đã là tác giả của 6 tập thơ, 1 trường ca, 8 tập truyện ngắn và 3 tiểu thuyết. Nhưng với bản lĩnh của mình, tác giả đã vượt qua và rồi đem đến cho chúng ta cuốn tiểu thuyết “Tiếng con chim lợn kêu ngang qua” với 283 trang in hấp dẫn.

Vậy Nguyễn Trọng Văn thành công nhờ những phương cách nào?

- Cách thứ nhất khiến ông vượt hẳn lên những tác phẩm thông tấn, những truyện kí người thật, việc thật là bằng việc đi sâu vào khai thác khía cạnh tâm linh và tâm lý nhân vật. Nhà văn Nguyễn Trọng Văn đã khéo chọn hướng đi khi chuyển một câu chuyện có thực vào một tác phẩm văn học một tư duy logic với lối suy đoán hợp tình, hợp lý. 

Câu chuyện vụ án được kể lại thông qua tác phẩm văn học được bắt đầu bằng việc ngược thời gian về trước thời điểm xảy ra vụ án mạng kinh hoàng chốn làng quê vốn yên bình không lâu. Trong làng ấy có ông Thanh, một người đàn ông đã có vợ, có hai con và quan trọng đó là một người đàn ông có sức vóc yếu và bé nhỏ.

Ông Thanh sống chan hòa, chịu khó và bình dị ấy đột nhiên vướng vào vòng lao lý với một lý do “lãng xẹt”. Đó là việc hình như ông cũng có để mắt đến một thiếu phụ đơn thân sống ở rìa làng. Cô Thoan tuy có con nhỏ nhưng còn khá giòn gái và bừng sức sống.

Ông Thanh chỉ vì công việc nhà mà hàng ngày phải đôi ba bận đi ngang qua cửa nhà cô Thoan, thực ra cũng chỉ là chuyện tiện đường. Chỉ vì “tính đàn ông” mà ông Thanh có đôi lúc tò mò nhòm qua khe cửa nhà cô Thoan, khi thì rình xem trong nhà cô Thoan đang làm gì, khi thì chỉ như chỉ là vu vơ.

Ông Nguyễn Thanh Chấn ngày được minh oan.

Và rồi như một định mệnh, số phận run rủi đã khéo xui, ông Thanh quay lại nhà người mẹ đơn thân đó vào buổi cuối chiều làng quê vắng vẻ, ông quay lại đúng vào lúc án mạng vừa xảy ra. Với bản tính thương người, ông Thanh ban đầu là hỏi xem sao rồi sau là đẩy cửa bước vào trong nhà xem chuyện gì.

Vào nhà, ông Thanh trông thấy cô Thoan nằm dưới nền đất nên ngỡ cô bị cảm do vừa tắm xong nên ông chẳng do dự mà tiến hành lay gọi. Rồi ông hoảng hốt nhận thấy những vết thương trên người cô Thoan. Với phản ứng tự phát của người lương thiện, ông Thanh đã gọi điện thoại kêu người đến giúp nạn nhân. Khi mọi người trong làng đến nơi thì người ta thấy ông Thanh đứng đó với quần áo dính máu và con dao cũng đầy máu gần đó.

Khi bị thẩm vấn, ông đã lúng túng trước câu hỏi: “Anh đến nhà cô Thoan để làm gì?” (chẳng lẽ lại trả lời là: để nhòm cô ta tắm qua khe cửa). Âu cũng là bài học cho đàn ông. Các cụ xưa đã nói: Vào nhà đàn bà đang đêm “phi dâm tắc đạo” (nghĩa là không có ý gian dâm thì cũng là quân ăn trộm). Các cụ còn cẩn thận dặn: Chớ sửa mũ vườn đào, chớ sửa dép vườn dưa (làm người ta nghi mình hái trộm)

Những cú đánh bức cung (để chóng phá án, lập thành tích), những lời dụ dỗ ngọt nhạt (khai nhận thì nhẹ tội, là con liệt sĩ không bị tử hình đâu) rồi chuyện ở phòng tạm giam, bị tay tù nhân anh chị đánh ra oai, bị tay cán bộ tham nhũng kê dâm… Rồi tâm lí tự ti, an phận, nhẫn nhục…

Tất cả dẫn đến một bản án với lời tường thuật như thật tóm tắt như sau: “Thanh vào nhà Thoan khi Thoan vừa tắm xong, áo đang mặc dở nên nẩy sinh tà dâm. Thanh sàm sỡ, lúc đầu cô cũng bị kích thích nhưng sau chống lại và Thanh đã giết cô ta”. Tóm lại 1 vụ án: Hiếp dâm không thành thì giết nạn nhân.

- Cách thứ hai là tác giả hấp dẫn người đọc bằng các thủ pháp Sử dụng nhân vật phụ vào mạch chuyện và tham gia giải quyết câu chuyện dưới những dạng như: Đồng hiện hoặc xen kẽ quá khứ và hiện tại hay xen kẽ giữa hồi tưởng và hành động, giữa giấc mơ và thực tại, giữa hành động và tâm tưởng. Sử dụng nhân vật hồn ma và nhân vật lương tâm (hiện thân của sự hoảng loạn tâm thần, sự dằn vặt của lương tâm).

Đầu tiên là Lành, cô con gái lớn của vợ chồng ông Thanh, đi lao động xuất khẩu cốt mong có tiền để gửi về cho mẹ lo lót chạy chọt cho cha. Là Lợi, cậu con trai thứ, đã vượt lên mặc cảm buồn nản, càng thương mẹ hơn, cùng mẹ đi tìm mộ ông nội.

Đặc biệt là bà Chiên, vợ Thanh, người đàn bà nông thôn điển hình với tình yêu hồn nhiên, nhạy cảm, với bản năng, bản tính của người phụ nữ Việt Nam. Khi chồng gặp nạn, bà không hề nghi ngờ, trách móc, ghen tuông mà một mực thương chồng, một mực tin chắc chồng mình không bao giờ làm điều ác ấy. Bà Chiên vẫn tâm niệm trong lòng là tìm cách minh oan cho chồng.

Trong khi việc lo cho chồng chưa xong, bà vẫn làm tròn đạo hiếu với gia đình nhà chồng. Bà Chiên đã không quản đường xa, lạ đất lạ người lặn lội vào tận Tây Nguyên tìm mộ bố chồng là liệt sĩ thời chống Mỹ theo linh cảm mách bảo.

Và thật kì diệu, tấm lòng hiếu nghĩa với cha, thuỷ chung với chồng như đã động đến trời cao, động đến anh linh của người đã khuất. Trong một lần trở vào Tây Nguyên, lần đi này bà Chiên có được sự “thầm” mách lối của thân nhân kẻ sát nhân thực sự, thông qua việc người “thầm mách lối” cứ như vô tình mà nói vọng vào nhà. Và sự “ngầm” đưa đường của anh linh liệt sĩ, thông qua giấc mơ đến giữa ban ngày trong buổi giỗ liệt sĩ.

Lần trở vào ấy, bà đã tình cờ gặp được vợ của Lý, kẻ giết chị Thoan chiều tối hôm oan nghiệt đó, bỏ trốn vào đây. Sự việc “tìm ra thủ phạm” cũng lại như tình cờ thông qua câu chuyện nửa như mình đã biết rồi (đối với bà Chiên), nửa như đánh thức lương tâm kẻ thủ ác (dưới góc độ kẻ thủ thường ăn ngủ không yên).

Nhưng khi bà Chiên dường như biết chắc một trăm phần trăm tìm ra ác thủ thì câu chuyện lại có chiều rẽ sang hướng khác. Bà Chiên bằng nỗi lòng của mình, bằng tâm lý đàn bà của mình đã không trực tiếp đứng lên vạch mặt kẻ thủ ác mà lại âm thầm bỏ đi nhưng lại như ngầm khuyên được cô vợ bảo chồng đi đầu thú.

Một vấn đề nhân văn đáng có nhưng thường như không gặp bao giờ trong văn học. Sự cảm thương của người với người. Một lối suy nghĩ “Một mình mình khổ chứ không muốn có thêm người khác lâm vào cảnh khổ giống mình. Nhân vật phụ khác nhưng lại là nhân vật quan trọng của vụ án, Thượng tá, Trưởng phòng Thủ, cũng là một nhân vật gây ấn tượng.

Tác giả chỉ bằng mấy nét về cử chỉ, ngôn ngữ mà khắc họa được nhân vật, một gã rất vô cảm, vô trách nhiệm với con người, chỉ muốn phá án cho nhanh để lấy thành tích và mặc dù trong thâm tâm cũng ngờ rằng Thanh oan, vẫn lập án đẩy Thanh vào tù.

Khi câu chuyện hàm oan đã có hướng giải toả, cũng là lúc tiểu thuyết kết thúc không cần vĩ thanh như trong kịch vậy

Có thế mạnh là một nhà thơ nên tác giả không chỉ chú ý đến hình ảnh, ngôn từ mà còn chú tâm xây dựng những hình tượng nhằm gây xúc cảm cho người đọc. Hình tượng hồn ma, hình tượng lương tâm, hình tượng tâm linh và cả hình tượng xa xưa (lịch sử). Những hình tượng đó được đưa ra, được miêu tả không lần nào giống lần nào, thể hiện sự đa dạng, phong phú và có lý.

Trong các hình tượng đó, có một hình tượng trở đi trở lại như một điềm báo và đây chính là tài năng của tác giả khi xây dựng tiểu thuyết, đó là “tiếng con chim lợn kêu ngang qua”. Đây cũng là hình tượng mà tác giả đặt làm tên cho tác phẩm của mình. Qua đó lý giải sự việc “oan ức” như một hình chiếu của tâm thần.

Khép lại sau nhiều oan ức, đau khổ của người dân, sự vô trách nhiệm của một bộ phận cán bộ tư pháp, chấp pháp, hành pháp... nhưng dư âm của tác phẩm không phải là sự bi quan mà vẫn nổi lên ở đó tình cảm yêu thương nhau, bản chất người dân hiền lành, lao động lương thiện…

Không sa vào tình tiết vụ án như những tác phẩm viết về cùng một đề tài. Không khai thác yếu tố “lấy lòng thương của công lý” bằng việc không nói gì nhiều về việc trong thực tế của vụ án, bà vợ đã phải đi “cậy cửa” nhiều nơi để minh oan cho chồng.

Tác giả đi sâu vào nội tâm con người và khắc họa tính cách con người, đó là chỗ mạnh và cũng là sức hấp dẫn của tiểu thuyết. Nó đã cho người đọc được thưởng thức một tác phẩm viết về vụ án nhưng lại đầy chất nhân văn và cũng nhiều lãng mạn. Phải chăng tác giả muốn gửi gắm ý tưởng “Cái gì mà luật pháp vô tình thì ở đó tình người lên tiếng”. Việc giải quyết vụ án bằng cách “tự thân vận động” cho thấy xu hướng không chịu chấp nhận số phận của con người hiện đại.

Không có câu chuyện nào hấp dẫn hơn câu chuyện của cuộc sống. Đó là ý kiến của đại văn hào Anđécxen. Tiểu thuyết “Tiếng chim lợn kêu ngang qua” của Nguyễn Trọng Văn cũng là một gợi ý cho hướng khai thác tác phẩm từ cuộc sống - cuộc sống thực, cuộc sống đương đại, vì yêu cầu của chính cuộc sống.

Đặng Hiển
.
.