Tiếp nối thành công để tạo thành con đường

Thứ Bảy, 06/02/2016, 08:00
Nhiều năm nay, nhắc đến đời sống văn hoá nghệ thuật ở Việt Nam, nhiều người vẫn cảm nhận rằng dường như chưa có một con đường phát triển đủ để từng bộ môn nghệ thuật có thể sống trên đôi chân của mình, đặc biệt là ở những đoàn nghệ thuật được đầu tư bởi nhà nước và những bộ môn đang thiếu sức hút khán giả. Điển hình như sân khấu kịch chẳng hạn. 


Ở phía Bắc, gần như các vở diễn dù được dàn dựng công phu đến mấy cũng không thể nào bán nổi vé trong khi ở phía Nam, những khó khăn đã bắt đầu hiện hình khiến các sân khấu nhỏ truyền thống như Idecaf, 5B Võ Văn Tần, Hoàng Thái Thanh… phải sống trong lo âu thắc thỏm thực sự. Nhưng năm 2015 vừa qua đã chứng kiến những tín hiệu ban đầu cho thấy lối thoát thực sự, không chỉ để tạm qua một giai đoạn, mà còn để định hướng phát triển đường dài.

Đầu tiên là việc phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" thắng lớn trong doanh thu cũng như trong đánh giá của cộng đồng khán giả. Đó là phim nhà nước đầu tiên thành công như thế trong suốt hơn chục năm nay. Sự thành công ấy cơ bản đến từ cơ cấu sản xuất của nó. Đó chính là sự kết hợp đa dạng giữa nhà nước và tư nhân; hay nói đúng hơn là hãng phim nhà nước đã góp vốn với một hãng phim tư nhân chuyên nghiệp; sử dụng kinh nghiệm, tri thức của bộ máy làm việc đề cao tính chuyên nghiệp của thành phần tư nhân nhằm mang lại thành công cho dự án.

Có thể nói, "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" đủ để mở ra một tiền đề mới cho điện ảnh nhà nước. Đó chính là thay vì bỏ vốn toàn bộ, khoán cho một đạo diễn nào đó thực hiện và phát hành theo kiểu may nhờ rủi chịu, các hãng phim nhà nước chỉ nên làm cổ đông chính và giao phó hoàn toàn nhiệm vụ chuyên môn cho các cổ đông là hãng phim tư nhân. Tất nhiên, vai trò quản lý nội dung vẫn phải được đề cao chứ không phải bỏ thí để cuối cùng nội dung sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước. Có lẽ, 2016 này sẽ là năm bản lề để không còn phim nhà nước 100% nữa và loại hình phim "nhà nước và nhân dân cùng làm" sẽ thay thế hoàn toàn và cạnh tranh một cách chuyên nghiệp trên thị trường.

Kế đến thành công của "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", chúng ta phải kể đến chuyến lưu diễn phục vụ kiều bào tại Mỹ vô cùng thành công của sân khấu kịch Idecaf. Cả một chuyến lưu diễn đó, Idecaf chỉ trình diễn một vở duy nhất, vở "Hợp đồng mãnh thú" và buổi diễn nào cũng kín rạp. Điều đó tạo hưng phấn rất lớn cho đội ngũ diễn viên khi họ được sống với nghề thực sự. Chính sự thành công của chuyến lưu diễn đầu tiên kia đã khiến bầu show quyết định mời sân khấu kịch Idecaf trở lại Mỹ ở năm 2016 này, với kế hoạch là 2 đợt lưu diễn, với một vở kịch mới được dàn dựng công phu từ trong nước.

Sự đón nhận của kiều bào ở Mỹ đã mở ra một hướng đi mới cho sân khấu kịch vốn dĩ đang "ngắc ngoải" hiện nay. Đó là tại sao các đoàn kịch không kết hợp với các bầu show nước ngoài để lên kế hoạch lưu diễn ở những nơi tập trung nhiều kiều bào, nhiều lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài. Đơn cử như châu Âu chẳng hạn. Ở một nơi đông người Việt như thế, thậm chí người Việt còn được công nhận là một dân tộc trong các dân tộc của Cộng Hoà Czech, nhu cầu được xem những vở kịch Việt Nam là rất lớn.

Thứ nhất, cộng đồng người Việt vốn dĩ mới chỉ được tiếp cận với nghệ thuật, giải trí trong nước thông qua ca nhạc, tấu hài mà thôi nên chắc chắn họ sẽ háo hức với những vở kịch được dàn dựng chu đáo, có câu chuyện lý thú, hấp dẫn. Tiếp theo đó là thông qua các vở kịch ấy, kiều bào sẽ hình dung về Việt Nam hôm nay dễ dàng hơn.

Chính nghệ sỹ Thành Lộc đã nhận xét về chuyến lưu diễn ở Mỹ của Idecaf rằng có những kiều bào mấy chục năm chưa về nước, sau khi xem kịch đã phải thốt lên rằng "Trời ơi, ở Việt Nam bây giờ cũng hiện đại quá. Việt Nam thay đổi nhiều quá, cởi mở hơn nhiều quá". Rõ ràng, sân khấu đã không chỉ mang đến niềm vui cho khán giả hải ngoại nữa mà còn mang cả thông điệp cuộc sống quê nhà tới với họ. Và nếu nó chuyển tải được những thông điệp lớn lao như vậy, có lẽ chính các cơ quan quản lý văn hóa, cơ quan ngoại giao cũng nên hỗ trợ một tay để các đoàn kịch, cải lương, tuồng, chèo có được điều kiện tốt nhất khi du diễn ở nước ngoài phục vụ kiều bào.

Từ những thành công của năm 2015, những thành công tưởng như nhỏ lẻ, chúng ta có thể hình dung ra được con đường nối tiếp cho 2016 và những năm sau nữa để đời sống văn hóa văn nghệ sẽ sôi động hơn, giúp những nghệ sỹ sống được với nghề đúng nghĩa chứ không còn tồn tại một cách "thực vật" như suốt nhiều năm đã qua. 

Hà Quang Minh-Xuân 2016
.
.