Tiếng ta còn...

Thứ Năm, 12/04/2018, 08:33
Một tấm biển quảng cáo ở góc độ nào đó cũng là một tác phẩm. Yêu cầu số 1 của những tác phẩm này đương nhiên là yếu tố thông tin. Tác phẩm ấy phải được thiết kế làm sao để thông tin hiện lên nhanh nhất, rõ nhất, và phù hợp với đối tượng khách hàng mà mình chọn lựa nhất...


Anh bạn nghệ sĩ rất thích Nha Trang. Anh bảo, Nha Trang biển xanh trong, nhìn thấu đáy, thành phố lại nằm sát biển - hiền hoà lãng mạn bậc nhất xứ mình. Thế nên cứ khi nào "cạn vốn" anh lại đi Nha Trang nghỉ vài ngày, và sau đó lại thấy mình ăm ắp năng lượng sáng tạo.

Yêu Nha Trang và biết ơn Nha Trang là thế nhưng cũng có những thứ ở Nha Trang khiến anh tưng tức. Anh kể: "Có những đoạn đường mà khi đi qua tớ chỉ muốn nhắm nghiền mắt lại. Vì rất nhiều biển quảng cáo ở đó, chữ nước ngoài to hơn chữ Việt. Lại có những tấm biển 100% chữ nước ngoài, chứ không phải là chữ Việt".

Chữ nước ngoài cụ thể là chữ nước nào? Chữ Anh - cái này dễ hiểu, vì ngôn ngữ Anh phổ biến toàn thế giới, nhưng đặc biệt là chữ Hàn, chữ Trung nữa, vì khách du lịch Hàn Quốc và Trung Quốc đổ về Nha Trang đông ngùn ngụt. "Đi trên một con phố Việt Nam mà lại nhìn thấy những tấm biển quảng cáo toàn tiếng nước ngoài mà ức lắm" - anh nhận xét. Rồi anh bảo: "Tớ đến Nha Trang nhiều, thấy những biển quảng cáo đó xuất hiện khá lâu rồi, nhưng không thấy ai xử lý".

Một tấm biển quảng cáo ở góc độ nào đó cũng là một tác phẩm. Yêu cầu số 1 của những tác phẩm này đương nhiên là yếu tố thông tin. Tác phẩm ấy phải được thiết kế làm sao để thông tin hiện lên nhanh nhất, rõ nhất, và phù hợp với đối tượng khách hàng mà mình chọn lựa nhất.

Nếu cứ "chẻ hoe" yếu tố này ra thì rõ ràng những nhà hàng hướng đến đối tượng khách Hàn, khách Trung tất yếu phải sử dụng hệ ngôn ngữ Hán. Nhưng bên cạnh yếu tố thông tin còn là yếu tố thẩm mĩ, và đặc biệt là yếu tố văn hoá, được quy định bởi truyền thống và đặc điểm văn hoá của mỗi dân tộc, một vùng miền. Một tấm biển quảng cáo của một nhà hàng phục vụ khách Hàn chẳng hạn, nhưng là một nhà hàng Việt Nam, đặt ở Việt Nam thì tất yếu phải thể hiện được văn hoá Việt Nam.

Mà đây không chỉ là một quy ước cộng đồng chung chung, nó đã được quy định trong luật hẳn hoi. Cụ thể, Điều 18 Luật Quảng cáo quy định tất cả các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những khẩu hiện, nhãn hiệu có tên riêng nước ngoài hoặc các từ ngữ bắt buộc phải thể hiện bằng tiếng nước ngoài - nghĩa là những trường hợp cá biệt. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài thậm chí khổ chữ nước ngoài phải nhỏ hơn khổ chữ tiếng Việt.

Luật quy định rõ ràng như thế, vậy mà những biển quảng cáo "100% ngoại quốc" vẫn ngang nhiên tồn tại là sao? Anh bạn bảo, đã từng "Alo" cho một vài địa chỉ quen, và đã phản ánh với một vài cơ quan ngôn luận, nhưng cách đây 2 tháng, trong lần gần nhất tới Nha Trang, vẫn thấy chẳng có bất cứ thay đổi nào.

May quá, tuần rồi đọc báo, thấy Cục Văn hoá cơ sở, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chính thức có văn bản đề nghị tỉnh Khánh Hoà phải chấn chỉnh, xử lý ngay những biển quảng cáo lai căng, phi truyền thống này. Với sự vào cuộc chính thức của Bộ, mong là tình trạng này sẽ được giải quyết triệt để và lâu dài, chứ không phải chỉ là một sự giải quyết nhất thời, rồi sau một thời gian đâu lại vào đấy, giống như chuyện giải quyết "vỉa hè" ở một thành phố nọ trên đất nước ta.

Bởi nếu không triệt để thì hậu quả nó gây ra không chỉ là sự ấm ức của những người như anh bạn nghệ sĩ mà tôi kể. Hãy nhớ lại câu nói bất hủ của cụ Phạm Quỳnh: "Tiếng ta còn, nước ta  còn...".

Suy rộng ra, nếu tiếng Việt không còn, hoặc tiếng Việt bị xâm phạm thì nguy to đấy! 
Phan Đăng
.
.