Tiếng mưa trong thơ của tướng Công an
Tiếng thơ ông chất chứa bao cảm xúc. Có những mong manh như làn gió thoảng nhẹ giữa hư không được ông khẽ khàng níu giữ, nâng niu (như: Em đi qua phố; Tiếng mưa; Phố xưa; Màu gió...). Có những cảm xúc da diết bồi hồi nhớ, bồi hồi thương (như: Hoa vàng; Hương quê; Thời gian của mẹ...). Lại có những cảm xúc giày vò, trăn trở, nghĩ suy (như: Mãi một nửa vầng trăng; Gió qua đời mẹ; Mưa lũ miền Trung; Tít mù...). Ông nhập thân vào cảnh, vào người, vào không gian và thời gian để ngân lên, bừng sáng những tứ thơ mộc mạc, chân tình làm lay động lòng người.
Không biết ông đến với thơ vì duyên nghiệp gì. Cũng có thể, ông đến với thơ vì những xúc cảm qua một đời binh nghiệp. Tôi đoán thế. Mỗi câu thơ, tưởng như một nỗi niềm lắng đọng, chất chứa. Tình người, tình đất, tình cây, tình nước, tình đồng chí, đồng đội quyện lẫn, trải dài suốt hai tập thơ. Từ "Xứ Lạng chiều tà mây giăng đỉnh núi" (Hoa nở muộn) đến "... đất Tổ, quê cha, mẹ lặng lẽ giữ làng" (Phía quê) là những cung bậc cảm xúc rất đời thường nhưng cũng rất thi vị.
Mưa xuân lắc rắc bay. Đâu thấy cái thi vị trong mưa, cái "phơi phới bay" trong tâm hồn thi sĩ. Mưa xuân, nói thì đẹp, thì nên thơ đấy, nhưng thử hỏi mấy ai thích cái không khí ẩm ẩm, mốc mốc, hôi sì đáng bực mình đó. Nói thực, tôi hoàn toàn không hề có một chút xúc cảm nào với mưa. Đơn giản là tôi không thích mưa. Tôi không thích cái cảm giác ướt át, lẹp nhẹp. Do vậy, chưa bao giờ tôi lắng lòng nghe tiếng mưa. Tôi đâu biết, tiếng mưa lại sinh động đến thế, có tiếng mưa sớm, tiếng mưa chiều, tiếng mưa đêm... chất chứa bao nỗi niềm thi sĩ.
Tiếng mưa chiều vang xa
Như đàn trên vách núi
(Mưa Lào Cai)
Hay:
Tiếng mưa hay tiếng vỗ về đêm đông
(Tiếng mưa)
So sánh tiếng mưa với tiếng đàn trên vách núi, vang xa, trong trẻo. Lại liên tưởng tiếng mưa như tiếng thủ thỉ, vỗ về đầy tâm trạng trong những đêm đông giá lạnh. Cũng có lúc, tiếng mưa như tiếng reo vui "tí tách": "Tiếng mưa tí tách lá trầu" (Tiếng mưa). Nhưng ẩn sâu trong đó là cả bầu trời thương nhớ đã qua, giờ chỉ còn là hoài niệm. Phải là người có tâm hồn biết rung cảm với âm thanh cuộc sống mới có thể chắt chiu được những tứ thơ đẹp lạ đến vậy.
Không chỉ hiện hữu qua âm thanh, mưa trong thơ ông còn hiện hữu qua hình tượng, qua tâm trạng.
Chảy dài trên sườn núi
Mưa đi qua trăm lối
(Mưa Lào Cai)
Bồng bềnh hạt mưa bay...
Trong mưa phùn lấp lánh
(Em đi qua phố)
Mưa đẹp hay em đi qua phố đẹp? Tâm hồn thi sĩ của ông đã thổi hồn vào làn mưa bay, chắp cánh cho những hạt mưa bồng bềnh, lấp lánh trong không gian xuân "Thoảng hương thầm hoa bưởi" dưới ánh nhìn của kẻ tình si. Mưa hay là em, đâu còn quan trọng, chỉ còn đọng lại hương "Thơm dịu mùi tóc bay". Một thứ tình cảm thuần khiết, tinh tế được ông khéo léo gói trong ánh sáng lấp lánh mưa bay.
Cũng có lúc, ông luận giải về mưa bằng sự chân chất, mộc mạc đến nao lòng. Mưa là "Giọt mồ hôi của trời" (Mưa Lào Cai). Hay sự băn khoăn: "Xuân nay không thấy mưa phùn đến/ Tết đã qua nhanh, nắng đã về", đơn giản là do "Lỗi tại mùa xuân mượn tiết hè" (Mưa vắng). Hoặc sự cắt nghĩa về hiện tượng mưa sớm: "Sáng nay mưa xuống sớm/ Chắc chiều buồn nhớ ai" (Mưa sớm).
Sự buồn nhớ da diết là vậy, nhưng lại được nói nhẹ bẫng như không.
Chiều ấy em đi xa
Hà Nội mưa giăng đầy phố
Những giọt mưa chạm vào nỗi nhớ...
Và rồi, dường như không kìm nén được, ông buông tiếng thở dài như lời trách móc: "Những giọt mưa chiều vô tâm... Làm thời gian ngừng chạy. Một ngày... bằng mấy mươi năm" (Những giọt mưa chiều).
Cũng lại là mưa chiều. Sao dang dở, đầy tâm trạng đến lạ. "Cơn mưa chiều dang dở/ Lúc bồi hồi chia ly" (Mưa Lào Cai).
Cũng có lúc, ông ví mưa như những "giọt lành" xoa dịu những nỗi niềm khi tỉnh thức, tưới mát tâm trạng khi đêm đến, mơ về.
Thành phố ngủ, cơn mưa rào bất chợt
Những giọt lành dịu mát cả giấc mơ" (Mưa đêm)
Chìm trong xúc cảm với mưa, lắng lòng duyên theo tiếng mưa, tôi chợt bừng ngộ. Đây là tiếng thơ của một thi sĩ đích thực hay tiếng thơ của một sĩ quan cao cấp trong lực lượng Công an nhân dân? Và tôi đã hiểu, người chiến sĩ hết lòng vì nghiệp binh như ông, luôn trân trọng nhịp sống của thời gian, trân trọng từng "giọt mồ hôi của trời", từng mảnh đất, con người, từng "lối xưa" ngập tràn bao kỷ niệm.
Cảm ơn ông, người đã viết thêm những điều ít biết về Công an nhân dân, người đã tiếp thêm cho tôi niềm tin. Sức mạnh của lực lượng Công an nhân dân đâu phải chỉ là "quả đấm thép", mà còn là khả năng chạm đến trái tim, làm lay động trái tim mọi người để từ đó cất lên những bài ca bất diệt về hình ảnh người Công an nhân dân.
Xuân Kỷ Hợi, 2019