Tiền nhiều để làm gì?

Thứ Năm, 28/02/2019, 08:34
"Tiền nhiều để làm gì?", câu hỏi của ông vua cafe Đặng Lê Nguyên Vũ trong phiên tòa ly hôn ồn ào dư luận xã hội hiện nay đã trở thành một trào lưu mới (hot trend) trên mạng xã hội. Và "Tiền nhiều để làm gì?" có lẽ cũng là một câu hỏi hợp lý dành cho ngành giáo dục, khi mới đây Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tuyên ngôn "Không để học sinh “sợ” giờ học thể dục".


Đó là phát biểu của Bộ trưởng Nhạ trong hội nghị nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và thể thao học đường của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) mới được tổ chức gần đây. Hội nghị này được phát động dựa trên "Đề án tổng thể của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục thể chất và thể thao học đường giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025".

Có thể nói, đề án kể trên là kịp thời, đúng trọng tâm và tập trung vào đúng điểm còn khiếm khuyết lớn nhất của xã hội Việt Nam nói chung và ngành giáo dục nói riêng trong nhiều thập niên qua.

Thực tế, giáo dục thể chất ở Việt Nam vẫn còn mang tính đối phó, tồn tại gần như cho có và chưa đóng góp được nhiều trong việc cải thiện mặt bằng thể chất chung của cộng đồng. Cũng chính vì nền tảng mặt bằng thể chất chung còn yếu mà thể thao chuyên nghiệp Việt Nam chưa thể vươn xa hơn. Đơn giản, mặt bằng thể chất cộng đồng như nước còn thể thao chuyên nghiệp như thuyền. Nước có lớn, thuyền mới có thể nổi lên cao được và cải thiện thể chất cộng đồng là nhiệm vụ tất yếu và hàng đầu của Việt Nam hiện nay.

Quay lại với hoạt động giáo dục thể chất và thể thao học đường hiện nay, chúng ta nhận ra rất rõ (và chính Bộ trưởng Nhạ cũng nêu rất rõ trong hội nghị) là giáo trình hiện sơ sài, cũ kỹ, nhàm chán và mang tính đối phó kiểu môn phụ.

Thực tế, học sinh không hề “sợ” môn học thể dục như Bộ trưởng Nhạ nói, mà họ chán môn ấy thì đúng hơn. Và tại sao lại chán? Câu trả lời cực đơn giản. Thể dục thể thao thực tế gắn liền mật thiết với cạnh tranh và hoạt động giáo dục thể chất, thể thao học đường ở Việt Nam hôm nay gần như không có cạnh tranh.

Có rất nhiều môn thể thao mà học sinh hiện thời rất thích được học, được tập luyện nhưng học sinh thực tế không được lựa chọn môn thể thao yêu thích của mình để sinh hoạt ở học đường. Thay vào đó, họ phải học tập những môn ngược sở trường, thậm chí là môn họ chán ghét.

Sự chán ghét này chính là căn cớ để có những phản ứng tiêu cực đối với môn học thể dục ở các cấp phổ thông. Không khó để chúng ta tìm ra những học sinh rất khoẻ mạnh, có thể chất tốt nhưng điều đó đến từ việc học sinh ấy được gia đình cho theo học môn thể thao ưa thích ở các trung tâm bán chuyên nghiệp ngoài xã hội chứ không phải từ môn thể dục trong trường học. Và ở các trung tâm bán chuyên nghiệp như vậy, hoạt động thi đấu cạnh tranh diễn ra khá thường xuyên.

Đề án và ý tưởng tạo ra các giải thể thao thường niên, thậm chí thi đấu mỗi cuối tuần giữa các trường học cùng cấp ở địa phương (và hướng tới giải toàn quốc) đã được nhiều chuyên gia nhắc tới suốt cả chục năm qua nhưng chưa một lần chúng được Bộ GDĐT nghiêm túc đưa vào một hội thảo cụ thể. Tất cả đều xoay quanh một lý do đổ lỗi dễ dãi: không có tiền đầu tư, nếu có sự tham gia của xã hội thì sẵn sàng.

Thực chất, ngân sách cho giáo dục không hề nhỏ. Đơn cử, ngân sách cho bộ GDĐT năm 2018 vừa qua là 7.322 tỷ đồng, gấp đôi ngân sách của Bộ Khoa học Công nghệ. Số ngân sách ấy là không hề nhỏ chút nào, nếu không nói là quá nhiều trong tổng chi ngân sách 749.705 tỷ dành cho các bộ ngành trong năm 2018. Và điều đó đủ để chúng ta đặt ra câu hỏi cho Bộ GDĐT là "Tiền nhiều để làm gì?".

Nên nhớ, thể thao phải gắn với cạnh tranh và chính cạnh tranh giúp thể thao phát triển, dẫn tới thể chất của người chơi cũng được cải thiện. Hơn nữa, mỗi trường học đều có những cựu học sinh thành đạt và việc mời gọi họ tham gia tài trợ thường niên cho các đội thể thao của trường là việc không khó. Chỉ có điều, không hỏi, không đề xuất, không vận động, chắc chắn sẽ không có câu trả lời. 
Văn Đoàn
.
.