Thức lâu mới biết đêm dài...

Thứ Tư, 24/11/2010, 09:24
Nhân đọc bài thơ "Đêm trắng" của Đoàn Thị Lam Luyến.

Đêm dài như châu chấu
Của tuổi thơ chín mười
Đồng trưa mưa rào tạnh
Theo đàn châu chấu bơi 

Đêm dài như xác pháo
Xé tan tuổi đôi mươi
Chưa tiêu gì ra món
Đã hết veo cuộc đời! 

Đêm dài... đêm cành đa
Như kiến leo cành cộc
Leo vào rồi leo ra
Đâu biết mình trùng lặp? 

Đầu hằn hai thứ tóc
Mới hiểu ra mặn nồng
Những cạn khô nước mắt
Mai... đêm còn dài không? 

Hà Nội một đêm cuối đông. Tôi nằm trằn trọc trong chiếc chăn mỏng mảnh không đủ chống cái lạnh, nghe tiếng giun dế râm ri, gợi cả một miền bao la hoang lạnh phía sau nhà. Tôi chợt nhớ tới tuổi thơ của tôi: trên những triền đê cơ man nào là châu chấu, cào cào, đánh bắt con này lại gặp con khác, dài dằng dặc không biết đâu mà lần. Lại thầm nhớ, và phục câu thơ của chị bạn cùng khóa học ngày nào:

Đêm dài như châu chấu
Của tuổi thơ chín mười

Người ta vẫn nói: Thức lâu mới biết đêm dài. Càng dài thêm khi người ta thức để hồi tưởng lại từng chặng diễn biến của cuộc đời. Bài thơ gồm bốn khổ. Ba khổ đầu là ba cái trở mình, ba trường đoạn. Mỗi trường đoạn tác giả chọn lấy một chi tiết thật tiêu biểu: châu chấu (khổ đầu), xác pháo (khổ 2), kiến (khổ 3), ứng với từng giai điểm: tuổi chín mười (khổ đầu), tuổi đôi mươi (khổ 2) và tuổi - bây giờ (khổ 3). Đọc những câu:

Đêm dài như xác pháo
Xé tan tuổi đôi mươi

Ta thấy có gì thảng thốt trong tâm lý của người con gái đã nhỡ thì, hay người đàn bà cô đơn? Lại nhớ tới Nguyễn Bính: "Hôm nay xác pháo đầy đường/ Ngày mai xác pháo còn vương khắp làng". Chao ôi, những tiếng pháo oan ức của đời người nữ giới còn dội đến bao giờ?

Trong bốn khổ thơ, khổ thứ ba là khổ có động tác "trở mình" mạnh nhất toàn bài (hai khổ trên, các chữ cuối câu được tác giả lần lượt gieo trắc, rồi đến bằng, đến khổ này, tác giả lại đảo lại bằng trên, trắc dưới). Hình ảnh trung tâm của khổ thơ này là con kiến. Dân gian ta đã có bao nhiêu câu nói về nó:

- Kiến tha lâu đầy tổ

- Con ong cái kiến kêu gì được oan

Bao nhiêu nỗi vất vả, oan ức đều gắn với con vật nhỏ bé, cần cù này. Thậm chí:

- Kiến trong miệng chén có bò đi đâu

- Con kiến mà leo cành đa

Leo phải cành cộc leo ra leo vào...

Là người ta cũng muốn ám chỉ sự mọn kém, bất lực của nó đấy thôi! Chị Lam Luyến đưa nó vào thơ mình cũng để nhấn mạnh phía này. Phải công nhận rằng, bốn câu lục bát của dân gian (con kiến mà leo cành đa...) đã được chuyển thể thành năm chữ (vốn là loại thơ sở trường của Lam Luyến) một cách tài tình. Cách cấu trúc thành phần câu chữ đã tạo rõ một thế loay hoay, trăn trở, tuy kết cục vẫn "cùng đường".

Tôi đã từng ở tâm trạng như Đoàn Thị Lam Luyến. Có những đêm chỉ mong trời hửng sáng, mặc dù cũng chẳng biết trời sáng thì giải quyết được gì. Đọc những câu:

Đêm dài... đêm cành đa
Như kiến leo cành cộc
Leo vào rồi leo ra
Đâu biết mình trùng lặp

Thấy cái lê thê của kiếp người kéo dài thân phận nhọc nhằn trên quả đất này!

Cùng được giải thưởng báo Văn Nghệ 1989-1990, so với "Chồng chị, chồng em", bài này của Lam Luyến có vẻ ít bị người ta tranh cãi (ý kiến dễ đồng nhất) hơn (tuyển thơ 5 năm 1985-1990 của Hội Nhà văn cũng chọn bài này). Mặc dù so với "Chồng chị chồng em", "Đêm trắng" không "sắc sảo" bằng. Nếu ở "Chồng chị, chồng em", câu cuối của Lam Luyến: "Chị thản nhiên mối tình đầu/ Thản nhiên em nhận bã trầu về têm" dễ gây phản ứng, thì bài này, hai câu cuối lại đặc biệt mang tính nhân văn:

Mai... đêm còn dài không?

Câu trên chị nói: "Cạn khô nước mắt", nhưng đọc "Mai... đêm còn dài không?" ta như thấy nước mắt tác giả trào ra, trong câu hỏi bâng quơ thả vào đêm mênh mông...

Nguyễn Trường Văn
.
.