Thưa vắng sân chơi về nhảy múa

Thứ Bảy, 12/01/2019, 08:16
Có thời điểm, trên các kênh sóng truyền hình nở rộ sân chơi về nhảy múa, trong đó có cả những chương trình dành cho vũ công chuyên nghiệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những chương trình này “lặn mất tăm” vì nhiều nguyên do khác nhau.


Rất nhiều nghệ sỹ, những người tâm huyết với nghệ thuật múa từng nhen lên hy vọng rằng, gameshow về nhảy múa sẽ góp phần lan tỏa, quảng bá nghệ thuật múa đến đông đảo khán giả nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”...

Những gameshow về nhảy múa... “lặn mất tăm”

Gameshow đầu tiên về nhảy múa ở nước ta phải kể đến “Bước nhảy hoàn vũ” lên sóng truyền hình quốc gia năm 2010. Với format mới lạ, độc đáo cùng sự xuất hiện của các nghệ sĩ tên tuổi trong showbiz, kết hợp với các vũ công nước ngoài, “Bước nhảy hoàn vũ” ngay lập tức trở thành một trong những chương trình “hot” nhất trên VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam. Bền bỉ với chặng đường 7 mùa giải, “Bước nhảy hoàn vũ” tạm biệt khán giả năm 2016. Tương tự như phiên bản người lớn, “Bước nhảy hoàn vũ nhí” cũng lặng lẽ rút lui sau một vài mùa lên sóng.

“Bước nhảy hoàn vũ”, một trong những gameshow về nhảy múa đầu tiên trên truyền hình ở Việt Nam dừng bước sau 7 mùa giải. Trong ảnh: nam ca sĩ S.T giành ngôi vị quán quân năm 2016.

Sân chơi về nhảy múa được đánh giá là “chất” nhất là “Thử thách cùng bước nhảy”, phát sóng trên HTV7, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh từ năm 2012. Rất nhiều khán giả yêu thích nghệ thuật múa đã dành cho “Thử thách cùng bước nhảy” tình cảm đặc biệt. “Thử thách cùng bước nhảy” được đánh giá là chương trình “sạch”, không bóng bẩy, hoa mỹ hay chiêu trò.

Sức hút của chương trình đến từ tài năng của các thí sinh. Lần đầu tiên, khán giả được chứng kiến những hình ảnh chân thực về sự khổ luyện, vất vả, phút thăng hoa của các vũ công trên sân khấu. Những màn trình diễn mãn nhãn, phút xuất thần của thí sinh đã đưa khán giả đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Không ít khán giả chia sẻ rằng, qua “Thử thách cùng bước nhảy” họ hiểu về nghệ thuật múa và trân trọng hơn sự lao động nghệ thuật nghiêm túc của người nghệ sĩ. Khán giả đã khóc, cười với nỗi buồn, niềm vui với nhân vật, câu chuyện mà người nghệ sĩ múa hóa thân. “Thử thách cùng bước nhảy” đã “chắp cánh cho rất nhiều tài năng múa bước vào showbiz. Lâm Vinh Hải, Mỹ An, Quang Đăng, Đình Lộc, Phạm Lịch, Ngọc Thịnh, Sơn Lâm, Tuấn Đạt… đã trở thành cái tên được nhiều bạn trẻ yêu mến.

Được đánh giá là thành công trong việc quảng bá nghệ thuật múa nhưng so với mặt bằng chung trong thời điểm “bùng nổ” gameshow truyền hình, “Thử thách cùng bước nhảy” không phải là chương trình ăn khách nhất. Sức hút của chương trình giảm rõ rệt qua các mùa. Đến năm 2016, “Thử thách cùng bước nhảy” dừng cuộc chơi trong sự nuối tiếc của khán giả.

Sau 3 mùa phát sóng, “Bước nhảy ngàn cân”, chương trình dành cho thí sinh có thân hình “quá khổ” cũng giảm nhiệt đáng kể. Thậm chí, ở mùa thứ 3, lên sóng năm 2017, khán giả không nhớ nổi tên quán quân cũng như các thí sinh tham gia cuộc thi. Bên cạnh đó, những sân chơi về nhảy múa trên truyền hình như “Vũ điệu xanh” (VTV6), “Vũ điệu đam mê” (VTV3), “Bước nhảy xì tin” (Yan TV)… cũng không còn xuất hiện. Trong các chương trình tìm kiếm tài năng, vẫn có thí sinh thể hiện tài năng nhảy múa. Tuy nhiên, số lượng không nhiều và thiếu vắng những nhân tố thực sự xuất sắc.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao những chương trình truyền hình về nhảy múa lại “dừng cuộc chơi” sớm như vậy? Trước tiên phải thấy rằng, những chương trình này xuất hiện vào thời điểm bùng nổ gameshow có format nước ngoài ở Việt Nam. Múa là một trong rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật được khai thác và đưa lên truyền hình. Khi gameshow truyền hình bão hòa thì tất yếu chương trình về múa cũng sẽ giảm sức hút. Đây là xu thế tất yếu. Khi chương trình giảm sức hút, nhà sản xuất “không dại gì” tiếp tục đầu tư khi biết chắc sẽ thua cuộc.

Bên cạnh đó, múa vẫn là nghệ thuật “kén” khán giả so với các loại hình giải trí khác. Chương trình về múa thường không có chiêu trò gây sốc để câu like, câu view nên không tạo nên sự “đột biến” về lượng người xem. Đây là điều mà các nhà tài trợ không mong muốn. Khi thiếu vắng nhà tài trợ thì các chương trình “đứt gánh” cũng là điều dễ hiểu.

Cần những sân chơi để quảng bá nghệ thuật múa

Không chỉ trên truyền hình, các cuộc thi về nhảy múa trong cộng đồng cũng thưa vắng. Một số cuộc thi được tổ chức nhưng quy mô không lớn và thường do các cá nhân, đơn vị tư nhân thực hiện, sức lan tỏa của cuộc thi không rộng rãi. Đáng kể nhất là gần đây, cuối năm 2018, TP Hồ Chí Minh tổ chức Liên hoan các nhóm nhảy lần thứ I với chủ đề “Sức bật tuổi trẻ”. Đây là hoạt động chào đón năm mới Xuân Kỷ Hợi do Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện. Đây là cuộc thi hiếm hoi quy mô lớn do cơ quan Nhà nước đứng ra tổ chức.

Ban Tổ chức cuộc thi cho biết, cuộc thi đã thu hút khá đông các nhóm nhảy trên địa bàn thành phố. Ban đầu, có 48 đội tham dự nhưng sau đó, con số này đã tăng lên 56. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, số lượng các nhóm đăng ký tham gia đông nhưng chất lượng cuộc thi còn hạn chế, chưa có nhiều nhóm thực sự xuất sắc. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, tuyên truyền về cuộc thi chưa rộng khắp. Chính vì vậy, sức lan tỏa của cuộc thi chưa cao.

Từ lâu, múa được coi là “nàng công chúa ngủ trong rừng” chưa được đánh thức. Trong nhận thức của nhiều người, múa vẫn là một loại hình nghệ thuật không dành cho số đông, “hàn lâm”, trừu tượng, khó hiểu. Điều này lý giải tại sao những đêm biểu diễn nghệ thuật múa thường không thu hút khán giả. Khán giả xem múa chủ yếu là dân trong nghề hoặc “người nhà” của các nghệ sĩ múa.

Để quảng bá nghệ thuật múa, rất cần những chương trình như “Thử thách cùng bước nhảy”.

Lao động nghệ thuật vất vả, với nghệ sĩ múa sự vất vả đó được nhân lên. Một nghệ sĩ múa thành danh trên sân khấu phải trải qua sự khổ luyện từ nhỏ, thậm chí phải đánh đổi tuổi thơ bằng mồ hôi, nước mắt trên sàn tập. Tuy nhiên, sự vất vả đó không được đền đáp tương xứng. Sự nổi tiếng với nghệ sĩ múa khó khăn hơn nhiều so với ca sĩ bởi các tiết mục múa thường đòi hỏi sự tham gia của số đông. Một trong những yếu tố làm nên cái đẹp của múa chính là sự đồng đều, hài hòa của tổng thể chứ không phải sự nổi trội của một vài cá nhân.

Thực tế cho thấy, không ít thí sinh “tay ngang”, vụt sáng sau một đêm xuất hiện trong gameshow ca hát trên truyền hình. Với bệ phóng từ gameshow và các phương tiện truyền thông xã hội, những thí sinh này đường hoàng bước chân vào showbiz, được rất nhiều bầu sô săn đón, thậm chí là có cơ hội “đổi đời”. Không phủ nhận tài năng của những ngôi sao thời công nghệ số này nhưng rõ ràng, so với nghệ sĩ múa, họ có may mắn hơn khi có tài năng ở lĩnh vực ca hát. Với nghệ thuật múa, dù có tài năng nhưng để tỏa sáng sau một tiết mục biểu diễn là điều không thể.

Phân tích như vậy để thấy rằng, nghệ thuật múa, nghệ sĩ múa, lao động nghệ thuật múa chưa tạo được vị thế của mình trong lòng khán giả cũng như trong xã hội. Nâng cao nhận thức của công chúng về nghệ thuật múa là điều hết sức cần thiết. Chỉ khi nào người dân hiểu, cảm nhận được vẻ đẹp của nghệ thuật múa mới có thể yêu múa. Tôi cho rằng, các gameshow truyền hình về nhảy múa, các cuộc thi về nhảy múa trong cộng đồng là sân chơi, “kênh” quảng bá nghệ thuật múa rất hiệu quả.

Tuy nhiên, như trên đã phân tích, nghệ thuật múa kén người xem nên nếu đặt bài toán lợi nhuận lên trên hết thì các gameshow về nghệ thuật múa không thể đi đường dài. Rất cần đến sự đầu tư chiến lược, dài hơi của các cơ quan Nhà nước để quảng bá nghệ thuật múa cũng như những nhà đầu tư thực sự tâm huyết với sự phát triển của nghệ thuật múa.

Tường Phạm
.
.