Thời nhạc nhẹ hiếm album

Thứ Bảy, 17/08/2019, 08:35
Đúng vào dịp Vu lan, ca sỹ Quang Dũng đã ra một album (gồm cả định dạng CD lẫn nhạc số) về mẹ, và anh gửi cúng dường cả ngàn bản CD của album mới này cho các chùa. Hành động đó của Quang Dũng khiến nhiều người thán phục, thậm chí nữ ca sỹ Cẩm Vân còn không ngần ngại trao tặng anh danh hiệu “nam ca sỹ lịch lãm nhất”.


Từ câu chuyện của Quang Dũng, chúng ta có thể đặt ra một câu hỏi là “Đã bao lâu rồi một ca sỹ Việt Nam mới ra mắt một album?”.

Sẽ không có gì là lạ nếu chúng ta đọc được thông tin kiểu như “nam ca sỹ này, nữ ca sỹ kia ra mắt MV mới, ra mắt bài hát mới” kèm theo các lời khen ngợi ra rả của một hệ thống báo chí lá cải không hề có chuyên môn phê bình âm nhạc là “cực phẩm” hay “tuyệt phẩm”. Cái chuyện ca sỹ ra mắt ca khúc mới, MV mới có lẽ là chuyện tháng nào cũng có, nếu không nói là tuần nào cũng có. Còn chuyện ra mắt album thì dường như ngày một hiếm hoi dần, ngày một mờ mịt dần.

Sẽ có những người bảo vệ quan điểm là “ở thời đại kỹ thuật số này, cần gì phải ra mắt CD cho tốn tiền” và quan điểm của họ không hẳn đã sai hoàn toàn. Phải thừa nhận, để sản xuất một CD như Quang Dũng là vô cùng tốn kém. Từ cái bìa album, với tiền công thiết kế, chụp ảnh, in ấn không thôi cũng đã đủ có thể sản xuất được một bản ghi âm mà giới ca sỹ trẻ hôm nay gọi là “cực phẩm”.

Và những ca sỹ trẻ mới bước vào nghề, với kỳ vọng có một bài “hit” để tên tuổi được đẩy lên hòng kiếm show, sẽ không thể đầu tư làm một CD nếu như không có nhà tài trợ hoặc có một gia thế tiền nhiều rủng rỉnh. Còn những ca sỹ định danh từ hai mươi năm nay như Quang Dũng thì khác. Họ có tài sản, nếu không nói là rất giàu, nên việc họ đầu tư làm CD là trong tầm tay.

Ca sĩ Quang Dũng và mẹ lên chùa tặng 10.000 đĩa CD nhân dịp lễ Vu Lan.

Nhưng phải nhìn vào một điểm khác nữa của câu chuyện này. Không hẳn các ca sỹ khác không có tiền đầu tư như Quang Dũng, nhất là các ca sỹ đã định danh vài năm trở lại đây với lượt xem, nghe cứ tính bằng con số triệu này, triệu nọ. Họ thậm chí bây giờ còn có thu nhập đều và nhiều hơn Quang Dũng rất nhiều sau khi có vài bài hit trên mạng xã hội và các trang nghe nhạc trực tuyến. Vậy thì tại sao họ không đầu tư làm CD?

Câu trả lời có thể đơn giản: “Vì bây giờ ít người nghe CD lắm. Người nghe CD chủ yếu là dân chơi âm thanh với những đầu máy đọc đĩa CD có thể lên tới con số hàng ngàn USD. Và khán giả của những ca sỹ mạng xã hội toàn là người trẻ, nên nghe nhạc theo cách trẻ là cá nhân hoá. Thế nên, họ chẳng sản xuất CD làm gì nữa”.

Vậy thì tiếp theo là câu hỏi thứ hai: Không làm CD, tại sao lại không sản xuất album? Nên nhớ, nhiều nghệ sỹ, ban nhạc quốc tế bây giờ cũng không ra mắt album định dạng CD nữa, nhưng thay vào đó, họ vẫn ra mắt sản phẩm âm nhạc trên nền tảng trực tuyến (Apple Music, Spotify…) trong một chỉnh thể là một album chứ không phải chỉ ra mắt các ca khúc lẻ theo dạng single (single là khái niệm “đĩa đơn” trong công nghiệp âm nhạc).

Các ca sỹ trẻ thời mạng xã hội ở Việt Nam hướng đến khán giả mục tiêu của mình đã đành, nhưng việc họ chỉ “đánh lẻ” chứ không ra một chỉnh thể album là vấn đề của họ, chứ không phải là vấn đề của ngành công nghiệp âm nhạc đã thay đổi như thế nào. Đơn giản, họ thể hiện đúng một tinh thần “ăn xổi” kiểu “chớp thời cơ” của thời đại mạng xã hội, thời đại định nghĩa họ là những “ngôi sao ca nhạc mạng xã hội” chứ không phải là những ca sỹ, nghệ sỹ đúng nghĩa như thế hệ đi trước.

Hãy nhìn vào hiện tượng đình đám nhất mấy năm qua là Sơn Tùng M-TP. Từ một cậu trai trẻ chơi nhạc underground với cái tên Tùng M-TP, cậu được lựa chọn làm việc với những đơn vị quản lý giàu kinh nghiệm. Cũng chính đơn vị đầu tiên quản lý cậu đã đặt cho cậu cái nghệ danh “Sơn Tùng M-TP” bởi lý do chỉ có Tùng M-TP không thì nó hơi cụt lủn, và nghe nghiệp dư quá.

Rồi từ năm 2014, sau thành công với “Em của ngày hôm qua”, Sơn Tùng đi tới vị trí hàng đầu của Vpop với mỗi lần ra mắt MV là lập tức tạo ngay thành xu hướng. Nhưng sau 7 năm đặt chân vào TP Hồ Chí Minh theo nghiệp ca sỹ chuyên nghiệp, Sơn Tùng M-TP vẫn chỉ có một album duy nhất vào năm 2017 mà thực sự nó chỉ là một thứ tổng hợp lại tất cả những gì anh đã hát chứ không phải là một chỉnh thể được bắt đầu từ một ý tưởng (concept) cụ thể để tạo ra tính thống nhất và xuyên suốt cho album của mình.

Nhưng dù cho là một album rời rạc đi nữa, Sơn Tùng vẫn còn hơn rất nhiều ca sỹ hạng sao của Vpop thời mạng xã hội này. Nếu điểm danh một loạt ngôi sao với các bài “hit” đình đám mấy năm rồi, ta sẽ thấy mỏi mắt thực sự để kiếm ra một album đúng nghĩa.

Không có một chỉnh thể tác phẩm để khán giả sưu tầm, nhưng lớp ca sỹ mạng xã hội hôm nay lại chẳng có mấy người cảm thấy lo lắng. Với họ, cứ thắng bài nào ăn chắc bài đó đã là phương châm hành động và từ đó dẫn tới chuyện thị trường tồn tại đầy rẫy những “ngôi sao ca nhạc không album” nhưng lúc nào cũng tưởng rằng mình đã lên đến đỉnh rồi.

Cái sự ảo tưởng mình ở trên đỉnh ấy diễn ra liên tục, với thói quát cátsê cao, yêu sách quá đáng với nhà sản xuất, quan hệ bừa bãi lợi dụng fan hâm mộ khác giới… Điển hình nhất là vụ của hai “ca sỹ mạng xã hội” gần đây là Jack và K-ICM. Nổi danh nhờ một ca khúc được tung lên mạng xã hội, sự yêu mến của khán giả khiến họ nghĩ họ có quyền tối thượng. Và chính họ gần đây đã nhận lời tham dự một chương trình nhưng lại bỏ ngang với lý do “Vì có Quân AP nên không muốn tham gia, sợ hỏng hình ảnh của mình”.

Chính cách hành xử ấy, cùng vài vụ tương tự thể hiện sự “bề trên” đối với nhà sản xuất, họ đã trở thành tâm điểm của dư luận suốt tuần qua. Và nếu ta đặt một câu hỏi “bao giờ họ sẽ có một album?”, chắc chắn 3-4 năm sau ta sẽ vẫn lại phải hỏi câu hỏi ấy.

Mạng xã hội giúp lan toả tốt nên nổi danh nhờ nó cũng không phải là quá khó. Nhưng dường như cách nổi danh kiểu vết dầu loang kia đã và đang khiến những người làm nghề đi lệch trọng tâm của nghề. Và từ đó, Vpop trở thành một thị trường âm nhạc quái dị: thị trường hiếm album.

Hà Quang Minh
.
.