Thời đã qua và chuyện… chưa xa

Thứ Hai, 29/10/2007, 15:40
Tên tuổi nhà phê bình văn học, nhà báo Thiếu Sơn (1908- 1978) thường được gắn với một sự kiện mà sách giáo khoa miền Bắc một thời vẫn hay nhắc tới: ấy là cuộc tranh luận nảy lửa xung quanh vấn đề “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” mà ông là người mở màn bằng bài báo “Hai cái quan niệm về văn học” (đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy số ra ngày 16/2/1935).

Với quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật một cách thuần túy, ông cùng Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều… đứng về một “phái” và đối lập với “phái” này là nhà nghiên cứu, phê bình Mácxít Hải Triều cùng các cộng sự của ông. Nói ra như vậy để thấy, trong con mắt của học sinh miền Bắc, đã có lúc Thiếu Sơn thuộc thành phần “có tì vết”.

Ngược lại, với đông đảo bạn đọc miền Nam thời tạm chiến, Thiếu Sơn là một “người hùng”- không chỉ bởi những bài báo thể hiện tinh thần phản kháng mạnh mẽ với các chính thể phản động, độc tài, mà còn bởi chính các hoạt động xã hội mà vì chúng, ông đã nhiều lần bị nhà cầm quyền bắt giam.

Hẳn không phải dễ dàng mà khi Thiếu Sơn tạ thế, các bậc cự phách như cụ Ca Văn Thỉnh, cụ Đào Duy Anh… đều có thơ phúng viếng ông. Nhà thơ Huy Cận, trong bài viết “Những nhà văn chính khách một thời dưới con mắt suy xét của Thiếu Sơn” cũng đã khẳng định tình cảm quý mến, trân trọng của ông và nhà thơ Xuân Diệu đối với Thiếu Sơn: “Ba anh em ôn lại chuyện văn chương, chuyện kháng chiến với tình cảm quý nhau, tình cảm của những người trí thức cùng một hoài bão thiết tha về vận mệnh của dân tộc, về văn hóa nước nhà”.

Có thể nói, với việc xuất bản cuốn sách “Những văn nhân chính khách một thời”, Nhà xuất bản Công an nhân dân đã làm được một việc có ý nghĩa: Góp phần xóa bỏ những định kiến còn rơi rớt ở người này người nọ và giúp đông đảo bạn yêu văn học có thêm những cứ liệu để có cách nhìn, cách đánh giá trọn vẹn hơn về một tác giả - người mà từ những năm đầu thập kỷ 40 (của thế kỷ XX) đã được nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan đưa vào phần mở đầu của chương “Các nhà phê bình và biên khảo” trong bộ sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại”.

Không những vậy, thông qua các bài viết về một số nhân vật cụ thể (Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Vĩnh, Tản Đà, Phan Khôi, Hồ Biểu Chánh, Đông Hồ, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Minh Giám…) của Thiếu Sơn, bạn đọc cũng gặt hái được không ít những điều thú vị bởi cách nhìn nhận, đánh giá của một người có tư duy độc lập, luôn “đứng trên lập trường dân tộc mà bình luận” (như nhận xét của nhà thơ Huy Cận).

Viết về Bác Hồ (bài “Bài học Hồ Chí Minh”), dĩ nhiên cách diễn đạt của Thiếu Sơn cũng hơi khác những người sinh ra dưới mái trường XHCN như chúng ta, nhưng sự hướng thiện và lòng tự hào dân tộc vẫn khiến cho cách nhìn nhận của ông đậm đà niềm tôn kính, và phải thừa nhận, cách lập luận, so sánh của ông là khá độc đáo: “Tôi lấy làm hãnh diện là dân tộc nhỏ bé như dân tộc mình lại sản sinh ra một nhân vật vĩ đại như thế”.

Cũng trong bài viết này, nhà văn Thiếu Sơn đã kể lại chi tiết ngày 29/2/1972, ông bị cảnh sát chính quyền Sài Gòn tới khám nhà, tịch thu sách và bắt giam 2 năm với một trong những lý do: Ông đã lưu trữ số tạp chí Regards ở ngoài bìa có in hình Cụ Hồ. Điều này cho thấy chính quyền Sài Gòn không hề “thoải mái tự do ngôn luận” như đã từng có bạn trẻ ngộ nhận. 

Vẫn với cách so sánh, đánh giá, nhìn nhận đậm dấu ấn riêng, trong bài viết “Bài học Huỳnh Thúc Kháng”, Thiếu Sơn đã tôn vinh cụ Huỳnh bằng những dòng như sau: “Cụ Tây Hồ thì nóng nẩy bồn chồn thường có những lời gắt gỏng mà người ta có thể cho là khinh bạc. Nhưng cụ Huỳnh không bao giờ để mình cao hơn người, không tự tôn và cũng không tự ti, không từ chối những việc làm rất tầm thường nhưng xét ra có ích cho mình và cho người”.

Văn phong của Thiếu Sơn trong tập sách này là văn phong báo chí. Mối quan tâm của ông cũng là mối quan tâm của một nhà báo tới các vấn đề lớn, có tính thời sự. Bởi vậy, dễ hiểu là các nhân vật ông đề cập phần nhiều là các chính khách, các nhà hoạt động xã hội.

Nếu có các nhà văn, nhà thơ trong đó thì ít nhất họ cũng phải là những tác giả để lại dấu ấn trong văn học sử. Tuy nhiên, viết về những nhân vật này cũng là thêm dịp để Thiếu Sơn kể lại những kỷ niệm một thời chập chững bước vào “trường văn trận bút” của mình và là dịp để ông phát biểu những quan điểm, cách đánh giá riêng về sự nghiệp của họ..--PageBreak--

Khi viết về Tản Đà (bài “Bài học Tản Đà”), Thiếu Sơn nhấn mạnh tới tố chất “ngông” của nhà thi sĩ và nhận định: “Có những người không hiểu ông, ông coi họ chẳng ra gì. Nhưng cũng có người hiểu ông, yêu ông, thương ông và tận tình giúp đỡ ông, ông cũng không kể họ là ân nhân mà nghĩ chuyện đền đáp. Do đó mà ông không lệ thuộc ai, không bị thế lực nào chi phối, ngay cả thế lực của thực dân”.

So sánh Tản Đà với một số cây bút nổi tiếng đương thời – những người có khuynh hướng sùng bái “nước Mẹ Đại Pháp” - Thiếu Sơn đã có những nhận xét tinh tế: “Ông không phải là nhà cách mạng nên không có những lời kích thích làm cho ta sôi gan, hứng chí. Nhưng ông vẫn để tâm hồn thông cảm với non sông đất nước nên đọc ông ta vẫn thấy nhớ nước, thương nòi”.

Bài viết này của Thiếu Sơn ra đời năm 1979. Vài ba năm sau nhà thơ Xuân Diệu có bài nghiên cứu công phu về thơ Tản Đà. So sánh hai bài viết, ta thấy giữa họ có những nhận định khá gần nhau.

Bài viết của Thiếu Sơn về nhà thơ Đông Hồ tuy hơi thiên về những kỷ niệm riêng giữa hai người bạn văn tri kỷ “đã quen biết nhau trên 40 năm trường”, nhưng qua những chi tiết sinh động, mới mẻ, độc giả được biết thêm một Đông Hồ thi sĩ ngoài chuyện mơ màng, lãng mạn trong thơ còn rất tỉnh táo, thực tế trong đời.

Và, mặc dù tán thành với ý kiến than phiền của giáo sư Nguyễn Văn Trung rằng: “Ông Đông Hồ sống như sống trong một nước thái bình. Ông viết toàn những chuyện trời, mây, trăng, nước, mà không bao giờ đả động tới cảnh điêu linh, tang tóc của dân tộc”, song Thiếu Sơn vẫn đôn hậu nhìn ra: “Anh Đông Hồ tuy kín đáo và có vẻ cầu an, nhưng rất có tình có nghĩa.

Và cũng biết phục thiện khi có nói tới những khuyết điểm của mình. Tôi thương anh ở chỗ đó”.

Hiện nay, sách viết về những kỉ niệm văn nghệ được xuất bản khá nhiều, song người đọc – nhất là thế hế hậu sinh – luôn cần tới những con mắt biết suy xét sự việc và lý giải về nó một cách thật thấu tình đạt lý, xứng đáng với vị trí là “nhân chứng của thời đại” như trường hợp của Thiếu Sơn.

Bởi dẫu sao, rất nhiều văn nghệ sĩ của chúng ta đã phải phơi bày con người thật (và giả) của mình trước một thời đại có nhiều biến động tàn khốc và điều đó càng cần người viết phải có cách đánh giá mang đậm dấu ấn của “người trong cuộc”, thể hiện rõ tính nhân văn.

Như ở đầu bài đã nói, cách khai thác, đề cập vấn đề của Thiếu Sơn là của một nhà báo. Khi viết, ông luôn gắn với những tờ báo cụ thể, bởi vậy, dung lượng các bài chân dung nhân vật của ông trong tập sách này thường có độ dài chỉ tầm 6 - 7 trang in.

Tiết tấu câu văn của ông cơ bản vẫn là tiết tấu của câu văn báo chí. Nó gãy gọn, dứt khoát, thiên về ý hơn là lời. Và bởi những bài viết này ra đời đã lâu cho nên chắc chắn có một số từ ngữ đến hôm nay đã mang hàm ý khác. Một số cách nhìn nhận, đánh giá của tác giả cũng đã trở nên không còn phù hợp.

Tuy nhiên, bởi Thiếu Sơn trước sau là một con người có cá tính mạnh, luôn giữ cho mình một cách nhìn nhận độc lập, tự chủ, nên một số ý kiến của ông đến nay đọc vẫn thú vị và có tính phát hiện, khơi mở.

Chỉ tiếc là, trong quá trình tổ chức thực hiện cuốn sách này, mặc dù nhà xuất bản đã khá công phu khi cho in đầy đủ “Lời giới thiệu”, lời dẫn và các lời tựa, bạt cần thiết ở từng phần nội dung sách, song lại “lơ đãng” không cho biết ai là người sưu tầm, biên soạn bản thảo?

Sở dĩ tôi phải đặt ra vấn đề này bởi là một độc giả, tôi không khỏi thắc mắc tại sao người biên soạn không cho in kèm dưới từng bài viết của tác giả thời gian ông viết những bài đó (hoặc không thì năm tháng xuất bản của tờ báo, cuốn sách in lần đầu những bài viết đó).

Bởi dù thế nào thì người biên soạn cũng phải tổ chức bản thảo trên cơ sở một nguồn tài liệu cụ thể chứ? Điều này là rất cần thiết đối với người đọc, nó giúp họ hiểu chính xác hơn những sự việc được tác giả đề cập.

Vì cũng là nội dung đó, nhưng nếu bài viết được thực hiện ở thời điểm trước năm 1945 chứ không phải sau 1975 thì chắc chắn ý nghĩa và tầm vóc của nó cũng sẽ được đánh giá, nhìn nhận khác, hoặc cao hơn, hoặc thấp hơn vv và vv.

Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa là tất cả những bài viết của nhà văn, nhà báo Thiếu Sơn trong tập sách này đều khó đoán được thời điểm ra đời, song thiết nghĩ, việc cung cấp cho độc giả những thông tin như thế là một điều buộc phải có đối với loại sách mang tính hợp tuyển của các tác giả đã quá cố

Phạm Thành Chung
.
.