Thơ ca trong mắt ai

Thứ Sáu, 17/06/2016, 08:00
Đọc “Bình thơ” của Vũ Nho, NXB Hội Nhà văn, 2015.


Người say đắm thơ ca

Nhiều độc giả và bạn bè trong văn giới thường gọi vui Vũ Nho là “ông bình thơ”. Ông vốn là nhà giáo bậc đại học, là công chức ở Bộ Giáo dục - Đào tạo, trải nghiệm nhiều trong môi trường giáo dục và không gian trường học, là người say đắm văn chương, đặc biệt thơ ca. Ông là người viết blog (vunhonb.blogspot.com) cần mẫn được nhiều cư dân mạng (đặc biệt trong ngành giáo dục) chia sẻ.

Ở tuổi thất thập nhưng mọi người đều thấy sức đi, sức nghĩ, sức viết (và cả sức nói nữa) của ông thật đáng nể trọng. Riêng tôi có cái cảm giác trong con người này lúc nào cũng có lửa, cứ như là một “hỏa diệm sơn”. Và rất khâm phục ông trong im lặng.

Tập “Bình thơ” của Vũ Nho nhận được tặng thưởng của Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương năm 2015. Thêm một thông tin để độc giả xa gần biết sức lao động nghệ thuật tiềm tàng của Vũ Nho khi ông vừa cho ra mắt một tác phẩm mới tinh “Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều - So sánh và Bình luận” (NXB Hội Nhà văn, 2016).

Lại thêm một bằng chứng về tình yêu thơ ca của Vũ Nho. Trước “Bình thơ”, Vũ Nho đã sở hữu “Thơ chọn và lời bình” (2 tập), “Đi giữa miền thơ” (3 tập), “Trần Đăng Khoa thần đồng thơ ca”, “Thơ và dạy học thơ”,  “Bình thơ”. Có thể nói Vũ Nho là một “lão nông tri điền” cần mẫn cày cấy, gieo trồng và thu hoạch trên cánh đồng thơ ca. Nếu nói vui như ngôn ngữ thời hiện đại thì thơ ca là “một phần tất yếu” của đời sống tinh thần Vũ Nho!

Tinh thần thực tiễn của bình thơ

Tập “Bình thơ” gồm 126 bài, được viết trọn trong vòng 30 năm (1986-2015). Trong tập sách này tôi thấy Vũ Nho đã mở những “chiến dịch” tập trung cho ca dao Việt (11 bài), Chủ tịch Hồ Chí Minh (7 bài), thần đồng thơ Trần Đăng Khoa (11 bài) - coi đó là những “văn sản” dân tộc từ truyền thống đến hiện đại cần được quan tâm thấu đáo. Ở đây sáng ra một vấn đề là tác giả đã tránh được sự lặp lại chính mình khi đi sâu vào một hiện tượng thơ ca. Chẳng hạn trường hợp Trần Đăng Khoa.

Tác giả khi thì bình thơ trực tiếp những bài thơ hay của thần đồng thơ, khi thì uyển chuyển hướng độc giả đến những góc nhìn khác về hiện tượng thơ ca độc đáo này (qua các bài “Trở lại cơn mưa tuổi thơ”, dưới hình thức đối thoại; hoặc “Trần Đăng Khoa và những người thầy”, dưới hình thức tiểu sử). Nói tinh thần thực tiễn của việc bình thơ của Vũ Nho chính là vậy.

Tinh thần thực tiễn của việc bình thơ còn khúc xạ qua việc tác giả lựa chọn bình giá những hiện tượng thơ ca (tác giả, tác phẩm) gắn với việc dạy và học văn ở nhà trường phổ thông (và có thể cả ở bậc đại học). Điểm qua sẽ thấy những gương mặt thơ ca quen thuộc với học sinh các cấp: Từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương đến Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi…

Tác giả cũng không quên các gương mặt thơ đương đại như Hoàng Cầm, Giang Nam, Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm, Thu Bồn, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Nguyễn Duy, Y Phương, Phạm Đình Ân, Nguyễn Trọng Hoàn,… Những tác giả này có thơ được đưa vào sách giáo khoa (Tiếng Việt hoặc Ngữ văn) các cấp. Vũ Nho đồng thời có ý thức mở rộng biên độ tiếp nhận thơ ca khi “chấm” những nhà thơ đương đại khác mà tên tuổi trở nên quen biết với độc giả như Vũ Quần Phương, Phan Thị Thanh Nhàn, Hoàng Nhuận Cầm, Đoàn Thị Lam Luyến, Trần Hòa Bình, Inrasara,…

Tuy không phải là “sở trường” nhưng Vũ Nho cũng mạnh dạn bình thơ các nhà thơ nước ngoài mà độc giả Việt Nam yêu mến như Đỗ Phủ (Trung Quốc), C. Ximônôp (Nga), J. Fossenbell (Mỹ). So với việc bình thơ của các nhà thơ Việt Nam, khi bình thơ của các nhà thơ nước ngoài, rõ ràng Vũ Nho đã lượng được sức mình, biết rõ sở trường sở đoản của mình, nên đã cẩn trọng, từ tốn và cầu thị trên từng câu chữ.

Riêng bài thơ “Đợi anh về” của C. Ximônôp, Vũ Nho bình có vẻ tự tin hơn, vì hai lẽ: Ông thạo tiếng Nga, tự tay mình dịch từ tiếng Nga, và “trưng” ra bản dịch của Tố Hữu, vẫn được xem là một trong những bản dịch bài thơ ra tiếng nước ngoài hay nhất để đối chiếu. Lẽ thứ hai, thế hệ như ông và tôi đã trải qua chiến tranh, như “Thép đã tôi thế đấy”, nên có thể thấm thía hơn thế hệ bây giờ về những nỗi niềm buồn vui, được mất, về những chia lìa, li tán bởi chiến tranh.

Hiểu được cái giá của cả nước mắt và nụ cười. Việc bình thơ của Vũ Nho, riêng tôi thấy, thấm nhuần tinh thần thực tiễn, và có thể nói là thực dụng, không sao. Tôi không thấy ông bỏ công bình thơ kiểu “trên trời”, nghĩa là tùy hứng, nghĩa là đôi khi không biết mũi tên bắn ra sẽ đi về đâu. Viết cái gì ông cũng gắn với mục đích nhằm nâng cao năng lực và trình độ dạy và học văn trong nhà trường. Tất nhiên. Nhưng còn có cả tham vọng xây dựng một định hướng thẩm mỹ tích cực trong việc tiếp nhận văn chương nói chung, thơ ca nói riêng. Nói cách khác là có thiện tâm góp vào công cuộc xây dựng một văn hóa đọc văn chương cho người Việt hôm nay.

Dung dị bình thơ

Như người ta thường nói, trong lĩnh vực sáng tác, điều quan trọng không phải là viết về cái gì mà là viết như thế nào. Lại vẫn cổ nhân nói “văn là người”. Tôi biết, Vũ Nho không phải là người “nói không với lý thuyết”. Nhưng khác với các thế hệ trẻ, ông đã có vẻ như giấu lý thuyết vào một nơi kín đáo nhất, chỉ viết chủ yếu bằng cảm xúc, bằng sự tri nhận tác phẩm trong vẻ đẹp giản dị nhất của nó.

Có vẻ như ông theo cái triết lý “Cái Đẹp là sự giản dị”. Con người ông quả thực là giản dị, không như ai đó nhận xét là đơn giản. Ông lấy sự chân thành, chân tình (kể cả khi nóng nảy) làm phép ứng xử. Ông nghiêng về truyền thống, nhưng không cũ như ai đó nghĩ. Tôi cứ suy nghĩ rất lâu và tự trả lời vì sao những bài bình thơ đầu tiên của ông lại về ca dao? Mở đầu tập “Bình thơ” là 11 bài bình ca dao Việt.

Có lẽ ông muốn đi từ truyền thống đến hiện đại?! Anh bạn đồng nghiệp Nguyễn Xuân Kính có viết một cuốn “Thi pháp ca dao”, có tặng tôi và tôi đã đọc tương đối kỹ. Vậy nên khi đọc 11 bài bình ca dao của Vũ Nho, tôi mới nghĩ, hóa ra là cái ông này đã nghiền ngẫm rất kỹ về ca dao từ góc nhìn thi pháp. Nhưng mà nhuần nhuyễn đến độ như thể là chưa hề đọc lý thuyết.

Trong giới khoa học, đặc biệt giới nghiên cứu lý luận phê bình văn học, có một khuynh hướng phức tạp hóa những vấn đề vốn giản dị. Sau khi đọc 11 bài bình ca dao của Vũ Nho, không riêng tôi mà nhiều độc giả  thú vị ở chỗ thấy ca dao chính là một “con mắt thơ” cổ truyền. Cái cổ truyền ấy lan tỏa, thấm nhuần cả vào thơ hiện đại như cách nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn viết: “Các cụ ông say thuốc/ Các cụ bà say trầu/ Còn con trai con gái/ Chỉ nhìn mà say nhau”.

Từ thẩm bình ca dao mà “với” sang cả thơ đương đại, thì ắt người viết bình thơ phải có con mắt xanh. Phải chăng là nhờ “con mắt ca dao”(?!) Cứ dung dị như thế mà từng bước Vũ Nho chinh phục độc giả ngày nay vốn rất thông minh nhưng khó tính và đôi khi thậm chí… đỏng đảnh. Tiếp đến 11 bài bình về thơ Trần Đăng Khoa, Vũ Nho vẫn cứ duy trì một phong thái như thế - từ tốn đi sâu vào đối tượng, từ tốn bóc gỡ những tầng nghĩa của tác phẩm, từ tốn giúp độc giả thẩm thơ trong những biểu hiện tinh vi, linh diệu nhất của nó.

Không thể thô bạo và vội vàng với thơ ca được. Vũ Nho, có vẻ khác người, cứ nhẩn nha như thế khi bình thơ, nên đôi khi làm người thích sống nhanh sốt ruột. Vũ Nho cứ dung dị như thế khi bình thơ nên đôi khi làm ai thích thời trang thấy khập khiễng.

Bình thơ… nếu như

Người ta thường nói vì hai chữ “nếu như” đôi khi còn có thể thay đổi cả lịch sử huống hồ văn chương, thơ ca. Trong số 126 bài bình thơ, có lẽ phải nói thẳng, có một số bài nếu in riêng rẽ trên báo chí thì được. Nhưng đưa vào một tập sách thì lại thấy thiếu cố kết. Vì một cuốn sách phải có cái “cấu tứ” của nó ở tầm vĩ mô. Một tác phẩm bình văn không phải là một tập hợp đơn thuần có tính số học, cơ học. Hay là một số cộng (+) của toán học. Nó là một tổ chức chặt chẽ từ ý đồ, từ nội dung, từ dữ liệu đến tuyển chọn, bài binh bố trận.

Tôi không nói cụ thể là nên bỏ bớt những tác giả nào, vì như thế e chạm đến tự ái cá nhân. Mà con người ta đã tự ái thì ghê gớm lắm. Bớt đi 1/10 số bài, cuốn sách sẽ gọn gàng đẹp đẽ hơn nhiều. Giống như người phụ nữ đi SPA. Rồi sẽ thon thả ra, sáng rỡ ra. Đúng thế chăng?!

Hà Nội, tháng 5 năm 2016

Bùi Việt Thắng
.
.