Thơ ca không thể đứng ngoài thế giới

Thứ Hai, 09/01/2017, 08:00
Đọc "Cộng ta vào thế giới", thơ Phạm Thị Phương Thảo, NXB Hội Nhà văn, 2016.


1.Cách nay ba năm, tôi đã viết bài "Vẻ đẹp thanh tân trong thơ Phạm Thị Phương Thảo" (in trên báo Người Hà Nội) nhân dịp nhà thơ ra mắt tập thơ thứ năm có tựa "Mắt sóng" (Nxb Hội Nhà văn, 2013). Cuối năm 2016, tôi lại vui mừng được nhà thơ tặng tập thơ thứ 8 có nhan đề quảng đại hơn "Cộng ta vào thế giới". Nghĩa là mỗi chúng ta không thể đứng ngoài thế giới này. Cũng có nghĩa là thơ ca không thể đứng ngoài thế giới này.

Từ "Mắt sóng" đến "Cộng ta vào thế giới", thơ Phạm Thị Phương Thảo đã giàu hơn cảm xúc công dân, đã nới rộng nhãn giới, đã "nóng" hơn tính cập nhật thời sự. Như ai đó nói đã rổn rảng hơn, xum xuê hơn chất đời. Đúng thế. Xin quý vị đọc những bài thơ "Cộng sinh", "Giấc mơ bay của loài cá", "Đôi mắt Syria", "Chào Ôbama", "Lửa thức trong nghĩa trang Trường Sơn", "Ngược biên cương",…

Riêng tôi thích bài thơ "Chào Ôbama" (viết trước ngày Tổng thống Ôbama đến thăm Việt Nam, 22-5-2016). Đúng là thời sự. Nhưng đằng sau thời sự là những lời cầu nguyện cho Hòa bình vì "Chúng tôi cần hòa bình, hạnh phúc và yêu thương/Cần trẻ em phải được đến trường/Cần một thế giới an vui và cả sự an toàn/khi bước chân ra cửa…". 

Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo và bìa cuốn "Cộng ta vào thế giới".

Thế giới cần hòa bình. Con người cần thân thiện, khoan dung, khoan hòa. Vì thế mà Tổng thống Mỹ B. Ôbama được đón chào nồng nhiệt ở Việt Nam. Bởi vì ông có "Nụ cười thân thiện/ Sẽ mang về nước Mỹ niềm tin/ Cùng cả sự lãng mạn có thể còn hiếm hoi/ Trong sắc tím bằng lăng rợp trời xanh tháng Năm Hà Nội". Ngày trước Bằng Việt đã viết về "tình yêu và báo động". 

Bây giờ Phạm Thị Phương Thảo viết về sự bất an, bất ổn của cuộc sống mỗi khi con người "bước chân ra cửa". Ngày trước nếu "ra ngõ gặp anh hùng" thì ngày nay "ra cửa gặp bất an". Nói thế có quá bi quan, yếm thế? Không! Không hề bi quan hay yếm thế. Đó là tâm thế thời đại do những "trục trặc" cả khách quan, cả chủ quan gây nên (nào là thiên tai, nào là nhân tai). 

Tháng bảy vừa rồi, tôi tham gia cùng đoàn nhà văn đi thực tế Hà Tĩnh và Formosa. Đó là chuyến đi có một không hai, tôi nghĩ. Đầy ắp trải nghiệm. Ấn tượng vui buồn đan xen. Muốn viết vì con chữ bật nảy ra từ đời sống. Trước đó vào tháng sáu, Phương Thảo viết "Giấc mơ bay của loài cá". Những câu thơ từ gan ruột về một "mùa hè bật khóc" của Phương Thảo níu giữ sự đồng cảm của nhiều người. 

Vì sao lại có "giấc mơ bay của loài cá"? là vì "Cá chết vì cá không biết bơi". Hai câu kết tạo nên cái "tứ" chốt lại, nhưng thực ra là mở ra những liên tưởng sâu xa: "Loài người thật bao dung/ Khao khát cả giấc mơ bay của cá". Thế mà, qua sự cố môi trường thế kỷ này, chúng ta đau đớn và căm phẫn nhận ra có những kẻ tự xưng là người Việt, nhưng hoàn toàn vô cảm với nhân dân cần lao và vĩ đại.

Như đã nói ở trên, thơ Phương Thảo ở tập mới này đã đầy ắp thời sự. Nhưng thời sự của muôn đời, không phải thời sự của "moment". Chẳng hạn bài thơ "Cộng sinh", theo tôi đã nâng thơ Phương Thảo lên thời sự - triết luận. Nhưng "cộng sinh" bắt đầu từ đâu? 

Tôi thấy, cộng sinh bắt đầu tuân theo quy luật của tự nhiên: "Mùa xuân cộng anh vào em/ Cây đơm nụ". À, hóa ra lâu nay chúng ta hay phản tự nhiên. Nên đã có lúc nhận đủ hậu quả. Mùa thì bao giờ cũng bắt đầu từ xuân, rồi mới đến hạ, tiếp thu, vào đông. Thế mà chúng ta đã có lúc đảo lên thành mùa đông đi đầu!? Vì thế, sau màu xuân thì "Mùa hạ cộng anh vào em/ Biển dâng mắt sóng/ Hãy cộng chúng ta vào thế giới này". 

Thế giới ngày nay đã trở thành "thế giới phẳng". Trái đất đã trở thành "ngôi nhà chung" của nhân loại gần 7 tỷ người. Chỉ có những kẻ như ếch ngồi đáy giếng mới nhầm tưởng ở nhà "nhất mẹ nhì con". Phương Thảo, trong bài thơ này, và cả trong tập thơ này, bỗng vụt lớn lên khi đưa thơ từ trực quan sinh động, thiên về trực cảm ở giai đoạn đầu, nay lấp lánh chất trí tuệ: "Chúng mình đang hòa nhập/ Bởi giữa anh và em/ mỗi người đều là một vũ trụ bé nhỏ/ Ta sống trong thế giới/ ngập tràn yêu thương cùng ghét bỏ (…)/ Hãy cộng sinh vào thế giới này/ Dẫu trái đất "ba phần tư nước mắt"/ Cùng thế gian cô đơn, hạnh phúc, thăng hoa, khổ đau và bất hạnh/ Cùng cơm áo, chiến tranh, tôn giáo/ Sắc tộc, di cư/ khủng bố, môi trường và thiên tai (…)/ Đừng thánh thót ngợi ca và ngu ngơ giả dối/ Ta Giang tay cộng ta vào thế giới". 

Phương Thảo, tôi nghĩ, đã vượt thoát khỏi những "thánh thót ngợi ca" và tệ hại hơn nữa là "ngu ngơ giả dối". Nó như căn bệnh khó bề cứu chữa của một "bộ phận không nhỏ" trong đông đảo đồng loại của chúng ta trên dải đất hình chữ S.

Công bằng mà nói, những điều Phương Thảo viết bằng thơ, như tôi vừa bình giá trên, không có ý nghĩa phát kiến, đi tiên phong... Cái hay là Phương Thảo nói theo cách của mình, theo cái slogan của Viettel "Hãy nói theo cách của bạn".

2. Nếu thơ Phương Thảo giai đoạn đầu chan chứa "vẻ đẹp thanh tân" (cách  thẩm định này là độc quyền… của tôi) thì ở tập thơ thứ tám này, có thể nói không quá, đã ngấp nghé nâng lên chất "thiền" - nghĩa là phiêu diêu hơn, tâm linh hơn. Nói thế có vẻ to tát quá chăng? Hãy đọc nhan đề một số bài thơ sẽ thấy điều chúng tôi nêu ra là có cơ sở thực tiễn:  "Thiền trà", "Kiếp lá", "Giới hạn", "Vẻ đẹp của cô đơn", "Độc ẩm Tân Cương", "Vũ hội sen",… 

Bình thường thì mấy ai là phụ nữ sành trà. Hơn thế còn biết được tường tận hai chữ Trà Đạo như nhà văn Nguyễn Tuân đã tâm đắc và trịnh trọng dùng trong truyện "Chén trà sương" (in trong "Vang bóng một thời", 1940). Tôi hình dung, Phương Thảo không phải cố, cũng không làm dáng tỏ ra mình biết thưởng thức Trà Đạo. Có thể chị cũng là "dân chơi" của món ẩm thực này. 

Thì đây, rõ ràng là người thơ này say sưa với "Thiền trà", "Độc ẩm Tân Cương", "Người đẹp xứ chè". Nếu có đến ba bài thơ viết về trà từ góc nhìn văn hóa thì có thể xếp Phương Thảo là "đệ tử" của nhà văn kỳ tài Nguyễn Tuân từ trước tới nay được coi là duy nhất viết hay về Trà Đạo. Viết về Thiền trà, như cách của Phương Thảo, tôi thấy thơ chị rất thiên nhiên. Chúng ta đang ngu ngốc cắt mình ra khỏi tự nhiên, thậm chí chống lại tự nhiên, chưa kể là kẻ tàn phá tự nhiên dã man nhất. 

Trong bài thơ Thiền trà có hai nhân vật trữ tình Anh và Tôi. Anh thì như một nghệ nhân trà, đang say sưa trong: "Sen nồng ấm không gian/ Tháng Bảy mở ra từng búp gió/ Nghệ nhân trà". Anh đang say sưa trong cái bầu không khí đặc quánh Trà Đạo: "Anh đang nói say sưa về độc ẩm/ song ẩm và quần ẩm/ Gió khe khẽ hát trên vai anh/ Vũ trụ bỗng trong lành/ Hai tay nâng chén trà diệu nghệ/ Mây trắng nghiêng qua đầu anh/ Bay trong lưng chén/ Ngát thơm…". 

Còn nhân vật Tôi thì: "Còn tôi/ Uống từng hớp nắng/ Mơ chồi lá xanh/ Lặng lẽ/ Quán chiếu mình/ Tháng Bảy/ Nở bung từng búp gió". Một bài thơ ngắn chỉ có 17 dòng mà hội tụ đủ cả cả thiên nhiên và con người. Những câu thơ sau đã phảng phất chất "thiền": "Còn tôi/Uống từng hớp nắng/Mơ chồi lá xanh/Lặng lẽ/ Quán chiếu mình". Câu thơ "Quán chiếu mình" rất khó tường giải. Chỉ có thể cảm hội mà thôi. Rõ ràng là "ý tại ngôn ngoại" theo đặc trưng của thơ ca.

Phương Thảo trong "Cộng ta vào thế giới" rõ ràng có ý thức tự làm mới thơ mình để trình làng một diện mạo mới, một giọng điệu mới. Nhiều độc giả thực sự ngạc nhiên về một nỗ lực có thể nói là bất ngờ khi người thơ Phương Thảo bỗng một hôm mơ giấc mơ đại bàng. Ai bảo phụ nữ đẹp chỉ có yểu điệu thục nữ, chỉ là phái yếu, chỉ để làm đẹp? Thì xem đây Phương Thảo mơ thành…đại bàng (đã mơ là mơ lớn như thế, chứ không chỉ là bồ câu, vành khuyên, họa mi…). 

Trong bài thơ "Chim đại bàng và chiếc mỏ" ta thấy: "Hoàng hôn đuổi theo tôi nơi con đường ven suối/ Tôi đuổi theo bóng dáng một con chim khổng lồ/ Có phải loài đại bàng trên mỏ ngậm cành khô/ Ngạo nghễ đứng nghỉ chân trên đỉnh núi?/". Người thơ Phương Thảo bỗng liên tưởng việc đại bàng "tự nhổ móng lột xác mình" để “tự làm mới, chờ phút tái sinh". Một phụ nữ đẹp bỗng nhiên trào dâng cái cảm xúc mạnh mẽ và có thể nói là hùng vĩ: "Tôi nhìn lên đỉnh núi/ Háo hức như một đứa trẻ thơ/ Ngước mắt, ngước mãi lên/ Nhìn bầu trời vọng vang như tiếng hát/ Rưng rưng khát khao và tôi khóc". Viết như thế, với một phụ nữ, quả là hiếm. Hiếm nên quý.

45 bài thơ trong "Cộng ta vào thế giới" của Phương Thảo cho phép độc giả hình dung về một bước ngoặt trong thơ của một người yêu tha thiết thơ, đam mê thơ, sống hết mình với thơ (có khi cả trong giấc mơ!?). Đây rõ ràng không phải là tác phẩm thơ cuối cùng của Phương Thảo. Có thể suy nghiệm về con đường thơ của chị là còn dài rộng. Nhưng với mỗi người thơ thì có những dấu ấn quan trọng. 

Theo tôi thì "Cộng ta vào thế giới" là một dấu ấn quan trọng trong hành trình thơ của Phương Thảo. Nhưng kể cả là dấu ấn thì đôi khi vẫn lộ ra những khiếm khuyết khó lòng tránh khỏi, với bất kỳ ai, không riêng gì Phương Thảo. Đó là sự không đều tay. Nên đôi khi chung chiêng. Thậm chí chông chênh. Nhưng thôi, nói như cổ nhân, "Có hoa mừng hoa có nụ mừng nụ". Mà thơ Phương Thảo, riêng tôi thấy, có cả hoa, có cả nụ đấy chứ.

Hà Nội, tháng 12-2016

Bùi Việt Thắng
.
.