Nhà báo với lý luận, phê bình sân khấu:

Thiếu kiến thức và bề dày kinh nghiệm

Thứ Hai, 22/01/2018, 08:01
Lý luận phê bình (LLPB) là một lĩnh vực rất khó trong văn hóa nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng. Lý luận phê bình là sự sáng tạo trên cơ sở của những sáng tạo. Nếu không có sáng tạo của những tác giả, không có đời sống văn hóa nghệ thuật thì khó có thể có lý luận phê bình. 


Sự sáng tạo của LLPB nhằm nghiên cứu, khám phá ra những quy luật, những sự vận động, những tiêu chí chung nhất của hoạt động sáng tạo; nó chỉ ra những yếu kém, bất cập hay những ngụy biện của sáng tạo; đồng thời nó gợi mở, định hướng, thăng hoa cho những sáng tạo hiện tại hoặc tương lai…

Sân khấu Việt Nam những năm trước còn có những nhà nghiên cứu, LLPB có tên tuổi, có tài; những năm gần đây hầu như không có lớp kế cận. Đấy là những người hoạt động chuyên nghiệp của sân khấu.

Những người hoạt động LLPB sân khấu không chuyên, cụ thể là nhà báo thì sao?

Báo chí đóng vai trò quan trọng với sân khấu, đặc biệt trong thời đại thông tin toàn cầu như hiện nay. Cách đây khoảng 15 năm, một đạo diễn có tên tuổi đã từng nói, đại ý: "Ngày nay những bộ phim, những vở diễn đều được "chiếu" và "diễn" trên mặt báo".

Câu nói này rất đúng với thực trạng điện ảnh và sân khấu nước nhà. Mỗi bộ phim, mỗi vở kịch làm ra, sau khi tổng duyệt được chiếu, được diễn cho các thành phần: Quan chức liên quan, người nhà, bạn bè và nhà báo xem; và may mắn lắm, ra công chúng được vài buổi, xong thì… cất kho. Công chúng biết đến bộ phim, vở kịch là do những bài báo trên các báo từ Trung ương đến địa phương…

Như vậy, rõ ràng là công chúng biết đến bộ phim, vở kịch hay hay dở là do bài báo ấy khen hay chê. Đứng phía sau bài báo chính là tác giả X, Y, Z; và đó chính là các nhà báo cụ thể của mỗi báo.

Từ đây có thể thấy rằng, tài năng, tri thức, quan điểm của các nhà báo rất quan trọng đối với mỗi bài viết về sân khấu hay điện ảnh.

NSND Hoàng Dũng và NSND Trung Hiếu trong vở kịch "Tình sử ngàn năm ".

Sân khấu là một lĩnh vực nghệ thuật mang tính phổ biến trong đời sống xã hội, có tác dụng và ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Tuy nhiên, sân khấu cũng là loại hình nghệ thuật mang tính hàn lâm, bác học, không dễ ai cũng có thể hiểu và cảm thụ được phẩm chất nghệ thuật tinh túy mà sân khấu mang lại.

Từ thực tế hoạt động báo chí và đời sống sân khấu mấy chục năm qua, một số vấn đề cần được nhìn nhận và đánh giá cụ thể:

Nhà báo thiếu tri thức về sân khấu nói chung, LLPB sân khấu nói riêng

Tổ chức của một cơ quan báo thường bao gồm một số ban như: Ban Kinh tế, ban Xã hội, ban Chính trị, ban Văn hóa văn nghệ… Phóng viên của các ban được phân công theo dõi những lĩnh vực cụ thể. Như vậy mỗi phóng viên đều có khả năng đi sâu vào lĩnh vực mình được giao, cũng đồng thời ở lĩnh vực đó, nhiều khi nhà báo trở thành những chuyên gia, những cây bút có khả năng lý luận phê bình, khả năng chuyên môn sâu và nổi tiếng… Những điều trên rõ nhất thường ở ban Văn hóa Văn nghệ của báo. Thực tế đời sống báo chí Việt Nam những năm qua đã cho chúng ta thấy sự hình thành những nhà văn, nhà thơ, nhà LLPB, nhà viết kịch, nhà biên kịch… từ nhà báo.

Riêng lĩnh vực sân khấu có thể kể một số gương mặt: Nhà báo-nhà viết kịch Trung Đông của Báo Nhân Dân, nhà báo- nhà văn- nhà viết kịch Nguyễn Hiếu của Đài Tiếng nói Việt Nam, cố nhà báo - nhà phê bình - đạo diễn sân khấu truyền thanh Vũ Hà của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo- nhà viết kịch Lê Quý Hiền của Báo Sức khỏe và Đời sống, nhà báo - nhà viết kịch Nguyễn Anh Biên của Báo Người Hà Nội, nhà báo - nhà viết kịch Phùng Dũng của Báo Hà Nội Mới, nhà báo - nhà viết kịch Lê Thu Hạnh, nhà báo - nhà phê bình sân khấu Tố Lan của Tạp chí Sân khấu; hay như PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cũng đã từng là cây bút phê bình sân khấu sắc sảo của Tạp chí Sân khấu những năm tám mươi thế kỷ trước…

Có thể nhận thấy điểm nổi bật ở các nhà báo cùng đồng hành và trưởng thành trong lĩnh vực sân khấu Trung ương và Hà Nội: Họ đều có lòng yêu thích, đam mê với sân khấu, và mỗi người tùy sở trường, sở thích, tài năng mà trở thành tác giả sân khấu, nhà lý luận hay nhà phê bình sân khấu. Họ đều có những kiến thức khá chắc chắn về sân khấu và LLPB sân khấu.

Trong thời gian khoảng mười lăm năm trở lại đây, một thực trạng ngày càng trầm trọng đối với các phóng viên văn hóa văn nghệ: Đấy là trình độ và năng lực yếu kém của họ. Nhà báo viết về những vấn đề văn học nghệ thuật nhưng hầu như họ chẳng có là bao những kiến thức về lĩnh vực họ đang theo dõi.

Trong một lần trò chuyện cách đây hơn 6 năm ở Ninh Bình, nhân sự giao lưu và gặp gỡ văn nghệ sĩ của các vùng Kinh Đô, tôi và PGS-TS Văn Giá, Trưởng khoa Sáng tác, Lý luận Phê bình văn học, Báo chí của Trường Đại học Văn hóa cùng đồng nhất quan điểm, hiện tình phóng viên văn nghệ của các báo quá yếu, quá thiếu kiến thức. Tôi rất ủng hộ ý tưởng mở thêm lớp đào tạo phóng viên lĩnh vực văn hóa văn nghệ của anh Văn Giá. Sau đó hơn năm, lớp này chính thức được đưa vào chương trình đào tạo của nhà trường.

Có thể thấy, hiện nay hầu như rất hiếm nhà báo nào viết hay, viết giỏi, có kiến thức về sân khấu chứ chưa nói đến lĩnh vực LLPB. Vậy nên, trên các tờ báo cũng hầu như vắng bóng những bài phê bình sân khấu. Những bài, những vấn đề về lý luận sân khấu thì may ra chỉ còn lác đác trên tạp chí chuyên ngành. Trên mặt báo chỉ tồn tại dạng bài phổ biến nhất là giới thiệu vở diễn, giới thiệu các gương mặt diễn viên, đạo diễn...

Hội Nghệ sĩ sân khấu chưa quan tâm đúng mức, chưa trang bị kiến thức về sân khấu, LLPB sân khấu cho các nhà báo

Bất cứ hình thức hoạt động nào của xã hội, muốn tốt phải có sự đầu tư. Văn hóa nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Một số nhà báo trở thành tác giả, nhà LLPB sân khấu bởi chính niềm đam mê, động lực cá nhân mỗi người. Nếu như có sự đầu tư, có những hướng giúp nhà báo nâng cao kiến thức về sân khấu, đặc biệt lĩnh vực LLPB, tin chắc sẽ có những cây bút viết về sân khấu xuất sắc.

Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam lâu nay có Câu lạc bộ nhà báo viết về sân khấu. Đây là một hình thức tốt tạo nên mối quan hệ bổ trợ báo chí và sân khấu, sân khấu và báo chí.

Qua thực tiễn hoạt động báo chí nhiều năm, qua nhiều kênh thông tin đồng nghiệp các báo; thấy mối quan hệ gắn bó giữa sân khấu với báo chí, báo chí với sân khấu, nổi bật nhất là Nhà hát Tuổi trẻ. Ở Hà Nội, ngoại trừ Nhà hát Chèo Hà Nội duy trì mối quan tâm, quan hệ tốt với báo chí từ thời trước cho đến nay; Nhà hát kịch Hà Nội giai đoạn đạo diễn Hoàng Quân Tạo làm trưởng đoàn; Nhà hát Cải lương Hà Nội giai đoạn NSND Ngọc Dư làm trưởng đoàn. 

Thực ra, những lần gặp gỡ giữa báo chí với sân khấu, sân khấu với báo chí của một đoàn, nhà hát cụ thể nào; nhân khi khởi dựng, quá trình dàn dựng, tổng duyệt hay ra mắt một vở diễn... chính là cơ hội để nhà hát ấy tranh thủ giới thiệu, cung cấp thông tin, nâng cao kiến thức, hiểu biết về sân khấu cho những người làm báo. Cao hơn nữa, nhà hát có thể thu hút một số nhà báo đến tìm hiểu, viết về mình và những nghệ sĩ, diễn viên của mình…

Nhiều nhà báo gắn bó với sân khấu, viết về sân khấu nhiều năm chính bởi sức hút, bởi tài năng của những con người cụ thể của sân khấu như: Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, đạo diễn Phạm Thị Thành, đạo diễn Hoàng Quân Tạo, họa sĩ Doãn Châu, nhạc sĩ Phó Đức Phương…

Tuy nhiên, sau thời hoàng kim của những năm tám mươi, thế kỷ hai mươi, là giai đoạn sân khấu mất dần khán giả, sân khấu không còn là ngôi đền thiêng nghệ thuật… Các đoàn, các nhà hát bươn chải lo tồn tại còn đầy gian nan, thì nói đến quan hệ hay đầu tư cho báo chí đến với mình e cũng không phù hợp.

Sân khấu cần có chiến lược xây dựng thương hiệu qua mối quan hệ với báo chí

Báo chí và truyền thông hiện nay có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Sân khấu Việt Nam với những nhà hát lừng tiếng như: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Quân đội, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Chèo Việt Nam… là những thương hiệu nghệ thuật trong lòng công chúng.

Trong thế giới phẳng hôm nay, nếu tự hài lòng với những gì đã có, nếu "cao đạo trong nghệ thuật tức là đánh mất dần thương hiệu đã có. Báo chí vừa là khán giả vừa là người đồng hành tốt nhất của sân khấu trên hành trình xây dựng thương hiệu bền vững. Muốn báo chí gắn bó với mình, muốn gây dựng "người của mình" trong  báo chí (tức xây dựng, bồi dưỡng nhà báo trở thành những nhà LLPB, tác giả sân khấu…), sân khấu nói chung, các nhà hát nói riêng cần có chiến lược phù hợp với hoàn cảnh của mình. Muốn mọi người đến với mình, trước hết mình phải có sức hấp dẫn; tức là, các nhà hát phải có những vở diễn hay.

Nơi có thể có điều kiện tốt nhất nhằm trang bị kiến thức về sân khấu, về LLPB sân khấu cho các nhà báo chính là tổ chức Hội hiện nay.

Hội Nghệ sĩ Sân khấu nên thường xuyên mời những nhà sân khấu, những người làm công tác LLPB tên tuổi trao đổi, cung cấp kiến thức cho nhà báo. Và, có thể tìm ra những mô hình thích hợp trong vấn đề này.

 12-2017

Cao Minh
.
.