Thi ca và tình đồng đội

Thứ Sáu, 10/07/2020, 09:16
Nếu như tình đồng đội trong thời phong kiến tô đậm mối quan hệ thân tình giữa chủ tướng và binh sĩ, nhiều lúc muốn xóa nhòa những cách biệt để cùng hướng đến một mục tiêu chung là tiêu diệt quân thù, thì tình đồng đội trong thời hiện đại, cụ thể là thế kỷ XX, qua hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ có thêm nhiều biểu hiện sinh động, mang trong nó hơi thở của cuộc sống...


1.Việt Nam là một đất nước phải trải qua vô số các cuộc chiến tranh trong lịch sử, phải đối đầu với những kẻ thù lớn mạnh hơn mình. Sự đoàn kết của những người đồng đội, những người cùng trong một đội ngũ vì thế luôn là điều có thật. Không chỉ thế, sự đoàn kết khăng khít yêu thương này còn xóa nhòa những ranh giới giữa chủ tướng và quân sĩ, giữa những người có chức vụ thấp và chức vụ cao.

Ta hãy đọc lại một trích đoạn trong Hịch tướng sĩ để thấy người tổng chỉ huy quân đội Đại Việt, Trần Hưng Đạo, hằng ngày đối xử với các quân sĩ của mình như thế nào: "Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền đã lâu ngày, không có mặc thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho cơm; quan nhỏ thì ta thăng chức, lương ít thì ta cấp bổng; đi thủy thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa; lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng nhau vui cười. Cách đối đãi so với Vương Công Kiên đãi người tì tướng, Cốt Đãi Ngột Lang đãi người phụ tá nào có kém gì".

Hai thế kỷ sau, tình tướng sĩ sắt son gắn bó ấy lại được tái hiện trong những câu biền ngẫu nức lòng của Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), một trong những áng thiên cổ hùng văn của người Việt: "Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới. Tướng sĩ một lòng phụ tử hòa nước sông chén rượu ngọt ngào" (bản dịch Ngô Tất Tố).

2.Nếu như tình đồng đội trong thời phong kiến tô đậm mối quan hệ thân tình giữa chủ tướng và binh sĩ, nhiều lúc muốn xóa nhòa những cách biệt để cùng hướng đến một mục tiêu chung là tiêu diệt quân thù, thì tình đồng đội trong thời hiện đại, cụ thể là thế kỷ XX, qua hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ có thêm nhiều biểu hiện sinh động, mang trong nó hơi thở của cuộc sống hiện thực rõ ràng với đầy những chất liệu ngồn ngộn, tươi tắn, mới mẻ. Những người động đội trong bài Nhớ của Hồng Nguyên tâm sự với nhau về người vợ quê nhà, sưởi ấm cho nhau những đêm hành quân giá lạnh, cùng san sẻ với nhau hết thảy những vui buồn: "Mái lều gianh/Tiếng mõ đêm trường/Luống cày đất đỏ/Ít nhiều người vợ trẻ/Mòn chân bên cối gạo canh khuya/Chúng tôi đi/Nắng mưa sờn mép ba lô/Tháng năm bạn cùng thôn xóm/Nghỉ lại lưng đèo/Nằm trên dốc nắng/Kỳ hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng/Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa/- Đằng nớ vợ chưa?/ - Đằng nớ/ - Tớ còn chờ độc lập/ Cả lũ cười vang bên ruộng bắp/Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu".

Những người lính thời bình.

Cũng vẫn là tình đồng đội ấy, trong bài Đồng chí của Chính Hữu, lại hiện lên với một hiện thực khắc nghiệt của đời sống thiếu thốn, bệnh tật hành hạ, thế nhưng họ vẫn nắm chắc tay súng và tình đồng đội đã tiếp sức cho nhau để những người lính luôn sẵn sàng đối mặt với quân thù: "Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh/Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi/Áo anh rách vai/Quần tôi có vài miếng vá/Miệng cười buốt giá/Chân không giày/Thương nhau tay nắm lấy bàn tay/Đêm nay rừng hoang sương muối/Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/Đầu súng trăng treo".

Những thử thách gian khổ của thời chiến đã làm cho những người lính ngày càng trở nên gần nhau hơn, và có một lúc nào họ chợt nhận ra, những người đồng đội khi ở bên nhau giống nhau từ hình thức đến nội tâm; sự khắc nghiệt của hoàn cảnh sống đôi khi đẩy người ta đến những tình huống không ngờ. Tôi muốn nhớ đến những câu thơ của Quang Dũng về đồng đội, mà ở đó, những trận sốt rét ác tính đã khiến cho các chiến sĩ của ta rụng hết những mái tóc xanh.

Nhưng có hề gì, họ vẫn hiên ngang khí phách, vẫn lãng mạn hào hoa, vẫn nghệ sĩ đa tình, vẫn vẹn nguyên sự nhạy cảm của tâm hồn xao xuyến khi nhớ về bóng dáng một người con gái: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/Quân xanh màu lá dữ oai hùm/Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm".

Và sẽ có những phút giây thật khác khi chiến trận tạm ngưng, những người đồng đội ngồi lại bên nhau để mơ về một ngày mai: "Chúng tôi ngồi kề vai bên nhau trăng trôi trên đầu súng/Ánh lửa hồng bừng soi đêm sâu, làn khói che sương mờ/Bạn tôi đang mơ, nơi làng quê yêu dấu/Có con kênh đào, lúa xanh hai mùa mát cánh đồng/Còn tôi đang mơ, mơ người tôi yêu dấu/Cách xa muôn dặm mà lòng không xa (...) Bạn tôi cho hay, sau này xong chiến đấu/Sẽ đi nông trường, sớm hôm trên đồng lái máy cày/Còn tôi mong sao, bao ngày tôi đang sống/Sẽ không bao giờ mờ nhạt mai sau" (Đồng đội - Nhạc và lời: Hoàng Hiệp).

3.Chiến tranh không thể nào tránh khỏi những hy sinh, thương tổn, mất mát. Những người đồng đội sát cánh bên nhau khi sống và cả khi ai đó trong số họ phải hy sinh. Đau đớn xót xa biết bao khi nụ hôn đầu đời không phải dành cho người yêu mà lại là để hôn lên đôi mắt đã khép lại ở người đồng đội của mình: "Tuổi trẻ của chúng ta đã đi qua chiến tranh. Nhớ, nhớ cái hôn đầu tiên. Là hôn lên đôi mắt, của người bạn đã hy sinh" (Điệp khúc tình yêu - Nhạc và lời: Trần Tiến).

Và cái giây phút chứng kiến đồng đội ngã xuống là những khoảnh khắc không bao giờ có thể quên được trong cuộc đời: "Sẽ còn in như dao khắc lòng tôi/Dáng đồng đội ngã trong giờ chiến đấu/Ngực áp sát cột biên cương đỏ máu/Mà môi cười tha thiết - Việt Nam ơi..." (Tôi không thể nào mang về cho em - Hoàng Nhuận Cầm).

Những hoài niệm, hồi tưởng về sự hy sinh của đồng đội sẽ còn theo mãi những người đang sống. Người lính trở về với thời bình, dường như sống tiếp cho cả những đồng đội của mình, để nói với tất cả những thế hệ hiện tại và tương lai những điều thiêng liêng, để một ngày khi quay lại chiến trường xưa với những câu hát ngân lên, tất cả chúng ta phải nghẹn ngào rơi lệ: "Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn/Hà Giang đã ngưng chiến trận/Về đây đồng đội ơi, những chiến hữu đơn vị bạn/Đài hương 468 ta hội quân/Hãy về đồng đội ơi! Còn năm khe đá hay thung sâu/Về đây có nhau như nguyện ước chiến hào/Được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lô hát yên bình/Quân dân nồng ấm nghĩa tình" (Về đây đồng đội ơi - Nhạc và lời: Trương Quý Hải).

Đồng đội, đôi khi còn là những cái tên thật cụ thể. Những con người ấy, bằng xương bằng thịt, đã sống anh hùng và chết anh hùng, họ còn mãi trong lòng, trong nỗi nhớ người ở lại, tên họ vẫn mãi rưng rưng trên môi những người đang sống: "Cái chết bay ra từ nòng súng quân thù/Nhận cái chết cho đồng đội sống/Ngực chặn lỗ châu mai, Hùng đứng thẳng/Lửa bén vào áo lính tuổi hai mươi" (Nấm mộ và cây trầm - Nguyễn Đức Mậu), "Chỗ Hiến nằm - giờ trời nắng heo may/Chỗ Thi ngủ - bình minh rơi tím đất/Mặt trận xưa đồng trưa đưa cỏ mật/Ôi chiến hào tha thiết tuổi hai mươi" (Phương ấy - Hoàng Nhuận Cầm), "Mà cây nhang cứ lặng thinh/Mà Văn khóc mẹ, mà mình khóc Văn/Thôi con lạy mẹ ngàn lần/Như anh lạy mẹ trên đồng ngày xưa/Mẹ ơi mẹ đổ trận mưa/Cho anh mát dạ, giọt thừa cho con" (Nhớ Vũ Đình Văn - Hoàng Nhuận Cầm).

4. Văn học nước ngoài cũng có những mối tình chiến hữu thật đặc biệt. Chẳng hạn người Trung Quốc có bộ Thủy hử (Thi Nại Am) và Hậu Thủy hử (La Quán Trung) kể về câu chuyện 108 anh hùng Lương Sơn Bạc gồm 36 người ứng với các sao Thiên Cang và 72 người ứng với các sao Địa Sát. Họ cũng là những chiến hữu thực sự, cùng nhau đồng cam cộng khổ, sống vì nghĩa lớn.

Sau này 108 anh em ấy nhận chiêu an về với triều đình, đi chinh phạt giặc ở khắp nơi, đến khi thành công thì chỉ còn lại 27 người trở về kinh. Khép lại tác phẩm là cái chết của Tống Giang và Lý Quỳ sau khi uống rượu độc của vua ban, Hoa Vinh và Ngô Dụng cùng treo cổ tự tử bên mộ của Tống Giang để vẹn tròn khí tiết và tình huynh đệ.

Còn với văn học phương Tây, không thể không nhắc tới bộ tiểu thuyết danh tiếng Ba người lính ngự lâm và hai bộ kế tiếp Hai mươi năm sau, Tử tước Bragelonne của Alexandre Dumas. Tình chiến hữu của D'Artagnan, Athos, Porthos và Aramis đã vượt qua hết thảy mọi thử thách của thời gian, không gian, ái tình, tiền bạc và kể cả những quyền lực chính trị. Những câu chuyện về tình đồng đội, tình chiến hữu ấy xứng đáng là tấm gương sáng đến muôn đời...

Đỗ Anh Vũ
.
.